You are here

Sức mạnh của đám đông

Cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2014, cuộc đình công tập thể của khoảng 90 ngàn công nhân của Công ty giày Pou Yuen vốn 100% của Đài Loan, trong khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, Sài gòn đã gây rúng động dư luận. Đây là một vụ đình công với số lượng người tham gia lớn chưa từng có ở Việt nam trong những năm gần đây. Đáng chú ý, khi vụ việc này có nguy cơ lan rộng sang các khu công nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang... thì Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc và đã có các giải quyết thỏa đáng để đáp ứng yêu sách của công nhân và nhằm nhanh chóng xoa dịu tình hình.

Nên nhớ, 90 ngàn công nhân Công ty Pou Yuen đình công với quy mô đông đảo nhằm phản đối chính sách của nhà nước về bảo hiểm xã hội, chứ hoàn toàn không phải đấu tranh với giới chủ doanh nghiệp, như từ trước đến nay. Theo đó, công nhân không đồng ý với các quy định mới của Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 sẽ có hiệu lực vào 01/01/2016, đã quy định không cho người tham gia bảo hiểm được hưởng tiền một lần sau khi nghỉ việc, mà phải đợi đến tuổi về hưu, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Số tiền một lần sau khi nghỉ việc đây là 26% số tiền lương họ bắt buộc phải đóng cho quỹ bảo hiểm trong thời gian đã làm việc.

Trên thế giới hiện nay, các nhà nước hiện đại đều buộc công dân phải đóng bảo hiểm xã hội vì hai lí do. Trước hết, nhà nước cho rằng người lao động khi còn trẻ khỏe, làm ra bao nhiêu ăn tiêu hết, lúc ốm đau hoặc khi về già sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đóng BHXH là cách nhà nước buộc công dân phải tiết kiệm để lo cho tuổi già hoặc khi sa cơ lỡ vận. Khác nữa, BHXH cùng các chính sách thuế là những công cụ để nhà nước thực hiện chức năng tái phân phối thu nhập, san sẻ một phần tài sản của nhóm người có thu nhập cao sang nhóm người có thu nhập thấp.

Do vậy, Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 của Việt nam là phù hợp với thông lệ quốc tế và hoàn toàn xuất phát từ lợi ích cho người lao động. Bởi vì, khi công nhân nghỉ việc và được thanh toán một lần ngay ở doanh nghiệp, thì sau này đến tuổi nghỉ hưu sẽ không có lương hưu, thì sẽ bị thiệt hại nhiều hơn không chỉ riêng với cá nhân họ mà còn tạo ra một gánh nặng cho xã hội. Tuy vậy, do nhiều lý do từ sự thiếu tin tưởng vào các chính sách của nhà nước của người công nhân, cộng với công tác tuyên truyền, phổ biến của các cấp chính quyền chưa được làm tốt dẫn tới tình trạng một chính sách BHXH được coi là tốt lại không được người lao động đồng tình, ủng hộ thậm chí còn bị phản đối.

Tại sao lại có tình trạng như vậy?

Một đặc thù không thể bỏ qua đó là tính thiếu chuyên nghiệp của người công nhân, hầu hết các công nhân ở các khu chế xuất ở Việt nam hiện nay đều là lực lượng công nhân trẻ xuất thân từ nông thôn bỏ quê ra thành thị để kiếm sống, việc làm này mang tính chất tạm bợ. Đa số các công nhân này không xác định sẽ gắn bó cả đời với công việc làm công nhân, mà họ chỉ xác định làm một thời gian nhằm tích cóp kiếm chút vốn rồi lại trở về quê sinh sống tiếp. Đó chính là lý do vì sao đa phần trong số họ có tâm lý muốn được lĩnh một cục BHXH khi nghỉ việc để làm vốn trước lúc về quê, chứ họ không thể ở lại làm việc để chờ đến lúc đủ tuổi được lĩnh lương hưu. Đây là lý do quan trọng nhất, mà trong quá trình xây dựng luật các nhà làm luật chưa sát với thực tế xã hội Việt nam để nhìn nhận thấy hết. Điều này cho thấy nguyện vọng và mong muốn của người lao động không được quan tâm và coi trọng đúng mức.

Sự thiếu niềm tin của người lao động, người công nhân không tin rằng tiền của họ ở Quỹ BHXH được quản lý hiệu quả, họ cũng không tin rằng sau một vài chục năm nữa họ sẽ có cơ hội nhận được số tiền hưu xứng đáng. Từ các kinh nghiệm tồi tệ trong quá khứ, với nỗi sợ một ngày nào đó Quỹ BHXH sẽ bị vỡ đã khiến người lao động không thể an tâm về tương lai của mình. Vì trên thực tế, các thông tin trên báo chí về việc quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả trong việc quản lý quỹ bảo hiểm thiếu minh bạch, những hoạt động đầu tư gây thất thoát đến cả nghìn tỷ đã… khiến cho người lao động càng bất an.

Khi vụ việc đình công có nguy cơ lan rộng sang các khu công nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang... thì Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc và thông qua biện pháp Chính phủ kiến nghị với Quốc hội sửa đổi lại Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội vừa mới ban hành cuối năm 2014, theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Hành động nhanh chóng của Chính phủ đã làm hài lòng đa số công nhân và cuộc đình công đã chấm dứt. Qua đó cho thấy nhà cầm quyền hết sức lo ngại với các cuộc đấu tranh tự phát có đông người tham gia và họ sẵn sàng làm mọi điều có thể để thỏa mãn những đòi hòi của đám đông giận dữ kia để tránh sự lây lan của cuộc đấu tranh sang các khu vực khác.

Sở dĩ cuộc đình công này giành được thắng lợi trước hết là do tinh thần đấu tranh bất bạo động được duy trì nghiêm ngặt ở mức độ cao. Những người biểu tình hết sức tránh các hành động xô xát bạo lực với nhân viên công vụ, thậm chí khi người của công nhân bị bắt họ cũng chỉ phản ứng trong chừng mực và khéo léo giải vây cho đồng đội. Song vấn đề đoàn kết và thống nhất ý chí nghìn người như một là nguyên nhân mang tính then chốt dẫn đến thắng lợi của họ. Điều đó cho thấy, giai cấp công nhân nói riêng và lực lượng người lao động ở Việt nam đã thức tỉnh. Họ đã biết đoàn kết để sử dụng việc đình công như một thứ vũ khí hiệu quả nhằm tạo áp lực lên chính quyền, đồng thời buộc chính quyền phải sửa đổi các quyết định sai trái không phù hợp với lòng dân. Như việc Chính phủ phải vội vã đề nghị Quốc hội xem xét lại Luật BHXH năm 2014 là một ví dụ.

Tuy vậy, cuộc đấu tranh của 90 ngàn công nhân Công ty Pou Yuen sẽ giành được thắng lợi đầy đủ và hoàn chỉnh hơn nếu như cuộc đấu tranh này được lãnh đạo bởi một tổ chức Công đoàn độc lập của chính họ. Vì có như thế, thì tiếng nói của các tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động thể hiện các nguyện vọng cũng như các đòi hỏi chính đáng của đông đảo công nhân mới được ghi nhận và được thỏa mãn. Tiếc rằng hiện nay, tổ chức Công đoàn hiện có không những đã không chăm lo bảo vệ quyền lợi của người lao động, mà thậm chí họ đứng về phía giới chủ như chính quyền đang làm. Do đó người công nhân vẫn hoàn toàn đơn độc trong đấu tranh.

Thắng lợi của cuộc đình công của 90 ngàn công nhân Công ty Pou Yuen là minh chứng cho sự trưởng thành của phong trào công nhân Việt nam, đồng thời cũng là điều cảnh tỉnh cho chế độ hiện tại. Qua đó cho thấy rằng, quyền lợi của những người công nhân chỉ có thể do chính bản thân họ tự định đoạt mà không thể có bất kỳ ai mang lại cho họ được. Chỉ bằng cách các công nhân liên kết lại với nhau, cùng đứng chung trong một đám đông để đấu tranh vì lợi ích chung của chính họ mới có khả năng buộc nhà cầm quyền phải buộc chấp nhận các yêu sách chính đáng của mình. Cần nhớ, không thể có thắng lợi. nếu không biết đoàn kết

Lâu nay, điều mà nhiều người vẫn cho rằng người Việt nam đa phần không quan tâm đến chính trị. Tuy vậy, thắng lợi của phản biện xã hội trong các vụ việc mới xảy ra gần đây, như vụ chặt bỏ cây xanh hàng loạt ở Hà Nội, vụ lấp sông Đồng Nai và vụ đình công có 90 ngàn người tham gia ở Công ty Pou Yuen mà kết cục là nhà cầm quyền đã buộc phải dừng hoặc thỏa mãn các đòi hỏi. Điều đó đã cho người ta thấy một sự thay đổi cả về nhận thức lẫn hành động của người dân Việt Nam. Đó là họ hoàn toàn không vô cảm như người ta luôn nghĩ, mà một khi quyền lợi của mỗi cá nhân bị động chạm đến thì họ sẵn sàng chung tay, sát cánh tập hợp lại trong một đám đông để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngày 06 tháng 04 năm 2015

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA