You are here

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm: Việc làm chẳng giống ai?

Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn của truyền thông nước ngoài, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có nói đại ý rằng: ở Việt nam cái gì mấy ông lãnh đạo cũng làm ngược với thế giới, đó là nguyên nhân chính làm cho dân mình cứ phải khổ mãi.

Liên hệ với việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội trong hai lần vừa qua thì thấy, việc này cũng thấy đã và đang tiến hành chẳng giống ai. Điều đó đã làm sai mục đích của việc đánh giá tín nhiệm các chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu hoặc chỉ định là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội đối với bộ máy nhà nước.

Vài nét về việc đánh giá tín nhiệm

Các khái niệm bỏ phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu bất tín nhiệm hay lấy phiếu tín nhiệm... là những thuật ngữ để chỉ các hoạt động nghị trường ở các quốc gia theo chế độ dân chủ nghị viện. Đó là việc làm mang tính tổng kết sự đánh giá tín nhiệm của cơ quan Lập pháp - Quốc hội đối với cơ quan Hành pháp - Chính phủ trong một  nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc làm này được tiến hành thông qua một cuộc họp các Đại biểu Quốc hội chất vấn và bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Việc làm này là những hoạt động nhằm đảm bảo việc giám sát và điều chỉnh quyền lực trong cơ chế tam quyền phân lập. Nguyên tắc đó là "Cơ quan Hành pháp - Chính phủ chỉ có thể tồn tại khi có sự đồng thuận và tín nhiệm của cơ quan Lập pháp - Quốc hội".

Mục đích lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Và kết quả tín nhiệm cũng là cơ sở cho việc đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền và việc miễn nhiệm chức vụ đối với người mà Quốc hội không còn tín nhiệm. Nói đơn giản là, sau một thời gian Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ, thì đến lúc Quốc hội sẽ chỉ ra các khiếm khuyết để buộc Chính phủ phải tự xem xét và sửa đổi đổi cách làm việc, kể cả việc thay đổi người đứng đầu hoặc nhân sự của Chính phủ.

Việc đánh giá tín nhiệm các chức danh lãnh đạo cao cấp do Quốc hội bầu hoặc chỉ định là một công việc hoàn toàn mới, xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2013, đó là lần đầu tiên Quốc hội Việt nam tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Tuy vậy, ít ai biết rằng, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầu tiên trên thế giới đã từng diễn ra cách đây 232 năm tại Anh, vào tháng 3.1782. Việc làm này của Quốc hội Việt nam dù cho đã quá chậm, nhưng cũng vẫn được coi là một tín hiệu tốt, là điều đáng mừng thể hiện cho sự thay đổi. Cho dù nó vẫn mang phong cách của lãnh đạo Việt nam, đó là làm chẳng giống ai.

Ở xứ người...

Ở các quốc gia theo chế độ dân chủ nghị viện, Quốc hội là cơ quan lập pháp, chịu trách nhiệm xây dựng và thông qua các dự luật. Thông thường, trong Quốc hội chia làm hai phe, phe chiếm đa số bao gồm các dân biểu của một (hoặc các) đảng cầm quyền nắm quyền thành lập Chính phủ để điều hành hoạt động của đất nước. Và phe còn lại nắm số dân biểu của các đảng còn lại giữ vai trò kiểm soát hoạt động của phe Chính phủ gọi là phe đối lập. Phe đối lập đóng vai trò cốt lõi trong Quốc hội để tiến hành giám sát các hoạt động của Chính phủ. Hoạt động bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ là vũ khí hết sức lợi hại của phe đối lập, đồng thời cũng là điều bất cứ Chính phủ cầm quyền cũng luôn luôn phải hết sức lo ngại.

Trong nhiệm kỳ của Quốc hội, thường khi nào có tối thiểu 20% dân biểu phe đối lập không hài lòng với cách làm việc và điều hành của Chính phủ, đặc biệt khi họ nắm được các bằng cho thấy có sự hoạt động bất minh, trái luật hoặc có biểu hiện tham nhũng của Chính phủ. Lập tức phe đối lập sẽ trình Quốc hội một nghị quyết, yêu cầu Quốc hội tổ chức cuộc họp để chất vấn và bỏ phiếu bất tín nhiệm các thành viên Chính phủ bị nghi ngờ. Công việc này thuộc thẩm quyền của phe đối lập, không bị giới hạn về số lần hoặc bị hạn chế thời gian (số ngày họp chất vấn) cho một lần. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm là thủ tục cuối cùng của cuộc họp, thông qua việc bỏ phiếu công khai (bấm nút) với các nội dung: tín nhiệm, bất tín nhiệm, bỏ phiếu trắng (no vote).

Nội dung của cuộc họp chất vấn trước đó phải được phe đối lập gắn cùng với nghị quyết để nghị mở phiên chất vấn Chính phủ, đó là yêu cầu chất vấn thành viên X,Y, Z.... về các nghi vấn cụ thể A, B, C... Trên cơ sở đó phe đối lập và phe Chính phủ sẽ trao đổi và thảo luận để đi đến thống nhất sẽ chất vấn ai, về vấn đề gì? Song vấn đề quan trọng nhất là các tài liệu, chứng cứ tố cáo của phe đối lập có đủ căn cứ, chứng lý đáng phải bỏ phiếu bất tín nhiệm hay không? Cũng có trường hợp không quan trọng thì Quốc hội chỉ chất vấn Chính phủ mà không kèm theo việc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trên cơ sở đó, hai bên thống nhất cụ thể thời gian dành cho việc chất vấn của phe đối lập, thời gian trả lời chất vấn của phe Chính phủ. Tất cả các điều nêu trên phải được một Uỷ ban của Quốc hội thông qua và chuẩn thuận.

Cuộc họp chất vấn này kéo dài nhiều ngày và thường kết thúc bằng việc bỏ phiếu bất tín nhiệm cho một số thành viên của Chính phủ, kể cả Thủ tướng. Trong trường hợp nếu các chứng cứ buộc tội của phe đối lập quá chặt chẽ và rõ ràng thì ngay sau cuộc họp đảng cầm quyền phải cải tổ nội các, thay các Bộ trưởng đó. Tuy vậy, kết quả để dẫn tới việc phế truất hoặc thay thế các thành viên Chính phủ là rất hãn hữu, ít xảy ra vì số phiếu bất tín nhiệm của phe đối lập thường không quá bán (do luôn chiếm thiểu số). Trừ trường hợp dân biểu của một hay vài đảng trong liên minh cầm quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm, đưa tỷ lệ bất tín nhiệm lên quá bán thì sẽ dẫn đén việc thay đổi chính phủ. Khi đó đảng cầm quyền cũ sẽ trở về làm vai trò đối lập trong Quốc hội.

Các cuộc họp chất vấn Chính phủ và bỏ phiếu bất tín nhiệm là sinh hoạt chính trị quan trọng, sẽ thu hút sự chú ý và theo dõi của một bộ phận lớn dân chúng. Do vậy, sự kiện này luôn được truyền hình trực tiếp và đây cũng là cơ hội lấy điểm của cả phe đối lập lẫn Chính phủ. Cái quan trọng nhất của vấn đề này là ở chỗ có tác dụng răn đe đối với các chính trị gia nói chung và những người đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo nói riêng. Phe đối lập thì bằng các chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh, âm thanh ra sức cáo buộc và chứng minh phe chính phủ có các việc làm phi pháp và vi phạm pháp luật, ngược lại phe Chính phủ cũng cố gắng chứng minh được rằng, mọi cáo buộc của phe đối lập là vu cáo, giả tạo nhằm mục đích hạ uy tín của chính phủ. Việc này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của đảng cầm quyền và đảng đối lập, điều có ý nghĩa và sẽ ảnh hưởng rất lớn cho cuộc bầu cử nhiệm kỳ sắp tới. Và cuối cùng, vấn đề ai đúng, ai sai, ai là người có lỗi hay ai là người vu khống quyền phán xét cuối cùng là thuộc về cử tri. Họ sẽ trả lời rằng họ tin ai, không tin ai qua lá phiếu bầu của họ.

Và ở xứ mình

Việc đánh giá tín nhiệm ở Việt nam thông qua 02 bước: lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Việc lấy tín nhiệm gồm 03 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp. Còn việc bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội tín nhiệm. Bỏ phiếu tín nhiệm có hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. Theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội thì lấy phiếu tín nhiệm là bước đi thứ nhất hoặc là bước đệm cho việc bỏ phiếu tín nhiệm. Đáng tiếc là rất nhiều người trong số chúng ta nhầm lẫn và cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là một công việc chung với hai tên gọi khác nhau. Mà không hiểu rằng đây là 02 bước riêng biệt để phục vụ cho việc đánh giá tín nhiệm các chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu hoặc chỉ định.

Hiện nay, với cách lấy phiếu tín nhiệm với 03 mức lấy phiếu tín nhiệm, đó là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp là cách để chọn lựa các đối tượng yếu kém để dành cho bước tiếp theo là bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, cách lấy phiếu tín nhiệm ở 03 mức tín nhiệm như trên cho thấy việc những người tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm ngay từ đầu có ý đồ nhằm làm cho là tất cả đều được tín nhiệm, chỉ khác nhau ở mức độ cao hay thấp. Nói một cách khác, nếu lấy phiếu tín nhiệm ở 03 mức như kể trên thì hoàn toàn triệt tiêu cơ hội cho việc bỏ phiếu tín nhiệm, nghĩa là việc làm theo kiểu "Đầu Voi, đươi Chuột".

Lần đầu tiên Quốc hội Việt nam đánh giá tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc chỉ định vào tháng 6 năm 2013 và chỉ dừng lại ở bước lấy phiếu tín nhiệm. Ngay sau đó, trước ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm ở 03 mức tín nhiệm là việc làm mang tính hình thức, không thực chất và không có tác dụng răn đe hay cảnh báo đối với các đối tượng bị lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đã dừng việc này để xem xét và nghiên cứu một phương án khả thi hơn. Tiếc rằng, thay cho việc có một giải pháp tối ưu hơn thì Quốc hội đã thay việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm bằng việc chỉ lấy phiếu tín nhiệm cho một lần vào giữa kỳ nhưng 03 mức tín nhiệm thì vẫn giữ nguyên. Không những thế việc lấy phiếu tín nhiệm là được tổ chức trong một phiên họp kín, điều mà được dư luận coi là một bước thụt lùi của Quốc hội Việt nam.

Việc Quốc hội chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mà không tổ chức họp chất vấn, để các Đại biểu Quốc hội có điều kiện chất vấn các vấn đề mà họ có nghi ngờ đối với các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Đặc biệt là tổ chức họp kín không tường thuật trực tiếp phiên họp là một thiếu sót lớn cần được khắc phục. Nếu không sửa đổi thì mục tiêu răn đe của việc đánh giá tín nhiệm sẽ hoàn toàn mất tác dụng.

Kết

Trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm của Đại biểu Quốc hội đối với 50 vị lãnh đạo cao cấp của bộ máy nhà nước, thì Tổng BT Nguyễn Phú Trọng, người được coi là nhân vật nắm quyền lực cao nhất trong bộ máy chính quyền Việt nam không có tên trong số 50 vị lãnh đạo chủ chốt. Đây được coi là bằng chứng ở Việt nam Đảng CSVN đứng trên tất cả, không ai giám sát quản lý họ, kể cả Quốc hội. Điều đó cho thấy việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu hoặc phê duyệt thực sự đang có vấn đề.

Cách tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội Việt nam có quá nhiều điều bất cập, có lẽ đấy chính là nguyên nhân khiến cho kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội là một việc làm vô ích và không có hiệu quả như mong muốn. Kết quả cuối cùng thì cũng đã thấy, tức là chẳng có ai mất chức, hay bị cách chức như nhiều người kỳ vọng, nghĩa là mọi cái vẫn giữ y nguyên. Đây cũng chính tồn tại lớn nhất, khi những người lãnh đạo cũng chính là những đối tượng để lấy và bỏ phiếu tín nhiệm, còn tránh né đến vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất đối với họ, đó là vấn đề quyền lực.

Nguyên nhân sâu xa là do thiếu một thiết chế Tam quyền phân lập và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng CSVN về mọi mặt, là điều đã khiến cho Quốc hội, Chính phủ hay các cơ quan Tư pháp cũng chỉ là một bộ phận chịu sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Điều đó đã làm tê liệt toàn bộ cơ chế giám sát và điều chỉnh quyền lực đối với bộ máy nhà nước hiện nay.

Ngày 17 tháng 11 năm 2014

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA