You are here

Nước Nga sẽ tồn tại qua những cuộc phiêu lưu?

 

Vitaly Portnikov - Forbers - Lê Diễn Đức dịch (*)

Putin muốn khôi phục lại đế chế cũ. Liệu ông ta thành công hay các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ đánh bại và nước Nga sẽ tan rã?

Nhà văn Anh Herbert Wells đã đến thăm nước Nga lúc nó đang chìm trong cuộc nội chiến nhấn vào năm 1920, sau đó ông gọi là cuốn sách của mình về cuộc cách mạng Bolshevik là "Nước Nga trong sương mù." Gần một trăm năm sau chuyến thăm đó, sự chẩn đoán xem ra tương tự: Nước Nga một lần nữa nằm trong sương mù, và tương lai của nó không rõ ràng.

Trong chuyến thăm của Wells lúc bấy giờ Lenin là người đứng đầu chính phủ Nga. Chỉ nước Nga thôi. Các nước cộng hòa tương lai thuộc Liên Xô vẫn còn là những quốc gia độc lập, trong đó có Ukraina, mà cuộc xâm lược của Hồng quân đã áp đặt lên liên minh quân sự và kinh tế. (Một kế hoạch tương tự như vậy dự tính đối với Ba Lan, nhưng đã bị "điều kỳ diệu trên Vistula" ngăn chặn). Để tạo ra Liên bang Xô Viết còn phải mất thêm hai năm nữa, nhưng đã rõ ràng những người Bolshevik chắc chắn mở rộng lãnh thổ của đế chế cũ bằng sức mạnh.

Một tình huống tương tự diễn ra trong ngày hôm nay: Liên Xô thì chưa có, nhưng Putin, hiện tại "chỉ" là tổng thống của nước Nga, đang áp đặt lên các nước láng giềng các thỏa thuận kinh tế và quân sự và chuẩn bị nuốt chửng họ. Liên minh Kinh tế Á-Âu là bước đầu tiên để khôi phục lại đế chế và Putin muốn nhìn thấy Ukraine, đầu tiên và trước hết.

Điện Kremlin và đa số trong xã hội Nga nhìn thấy những năm sau sự sụp đổ của Liên Xô chỉ là một cuộc rút lui tạm thời của đế chế, nhưng cuối cùng giờ đây đã tập hợp được sức mạnh và bắt đầu quá trình khôi phục lại "vĩnh cửu" lãnh thổ của đế chế từ thành phố Lviv đến Ashgabat. Chiến tranh với một Ukraine hậu Maidan và hội nhập châu Âu chỉ là một biện pháp quyết liệt hơn cho cùng một mục đích.

Những người Bolshevik cũng đã từng hiểu như thế. Khi vào giai đoạn 1918-1920 họ tiến hành chiếm đóng lần đầu tiên của nước Cộng hòa Ukraine, đã không có ai có thể chống lại. Châu Âu lúc đó bị rách nát và tàn phá bởi chiến tranh thế giới I, Hoa Kỳ chẳng có lợi ích đáng kể nào tại lục địa cũ, trong khi chính nước Nga sau sự tàn phá của nền kinh tế trong những năm chiến tranh và cách mạng đã thực sự bị tách ra khỏi thế giới văn minh và không sợ áp lực của nó.

Hôm nay tình hình hoàn toàn khác. Putin đã xây dựng một mô hình kinh tế mà có thể sẽ làm Lenin khiếp sợ. Nước Nga của Putin hầu như không sản xuất gì và mua tất cả mọi thứ bằng tiền bán tài nguyên dưới đất. Đây là những gì tạo nên bản chất của mô hình kinh tế mà Putin xây dựng.

Phần thứ hai của mô hình là sự kế thừa truyền thống từ thời Liên Xô, dựa trên thực tế là các vùng được cung cấp trực tiếp từ trung tâm. Trung tâm phân bổ tiền từ các khu vực - nhà tài trợ tiền (hiện tại chỉ có mười, hầu hết trong số đó là các khu vực dầu khí) cho 72 khu vực còn lại, cộng thêm các khu vực chiếm đóng ví dụ như Crimea hoặc Nam Ossetia. Chế độ phân phối là nguyên tắc của nhà nước của Nga, nhằm duy trì sự cân bằng hiện nay, cần thiết để duy trì tính nhà nước trong toàn cục.

Hôm nay nước Nga đang đứng ở ngã ba đường.

Hoặc thế giới văn minh sẽ ngăn chặn nó tại biên giới Ukraine bằng các biện pháp trừng phạt và sự giảm giá dầu - lúc ấy vài khu vực - nhà tài trợ sẽ phá sản, một trung tâm bị mất tiền trở nên không cần thiết cho phần lớn các "cổ đông" và nhà nước sẽ tan rã.

Hoặc nước Nga tập trung lại những tàn tích của lực lượng cho chiến tranh, chiếm đóng, phá hủy Ukraine và Kazakhstan, sát nhập Belarus và trên biên giới của Liên minh châu Âu sẽ là một Liên Xô mới - nghèo đói, dễ bị kích động, mang gánh nặng các vấn đề nội bộ và sẵn sàng cho cuộc chiến tranh mới vì một "lãnh thổ vĩnh cửu" và "khu vực ảnh hưởng truyền thống".

Nhưng sự phụ thuộc của Nga vào nền kinh tế toàn cầu khiến kịch bản đầu tiên thực tế hơn.

Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức

-------------------------------------------------

(*):  Tác giả Vitaly Portnikov là một nhà báo nổi tiếng người Ukraine, một nhà hoạt động Maidan, cộng tác viên của đài phát thanh và truyền hình Tự do Espresso TV.

Bài được đặng trên nhật báo Forbes Online, phiên bản tiếng Ba Lan tại link: http://www.forbes.pl/czy-rosja-przezyje-swoje-awantury-,artykuly,184857,1,1.html