You are here

Đặng Xuân Diệu, tiếng kêu cứu tắc nghẹn giữa chốn lao tù

Ảnh của nguyenhuuvinh

 

Chúng tôi biết Fx. Đặng Xuân Diệu như một thanh niên đầy nhiệt huyết, một người hoạt động vì lợi ích cộng đồng và dấn thân hy sinh cho những cuộc đời cay đắng của người cùng khổ. Hiện anh đang phải chịu những đòn thù hèn hạ trong tù Cộng sản.

Một con người dấn thân

Với trình độ là một kỹ sư công trình, anh có thể ổn định cuộc sống để nuôi mẹ già bệnh tật, ốm đau của mình như bao nhiêu thanh niên khác. Thậm chí, nếu anh vô cảm và đặt mục đích là cuộc sống riêng tư, ích kỷ của riêng mình và gia đình, hẳn rằng với ý chí và nghị lực của anh, anh không thiếu cơ hội.

Thế nhưng, anh đã không chịu chấp nhận chỉ biết lo cho bản thân mình, mà anh đã hành động bằng tất cả nghị lực, tinh thần của một người nhận thức sâu sắc về sự dấn thân của mình cho xã hội, cho đất nước, cho dân tộc.

Với tư cách là Phó trưởng Cộng đoàn Bảo vệ sự sống Gioan Phaolo II, biết bao mảnh đời đã được anh giúp đỡ, những trẻ em vô thừa nhận, những đứa bé bị giết hại ngay bởi chính mẹ mình, những cô gái đã lỡ làng, đua đòi mang trong mình hoang thai... Tất cả đều được anh và những người bạn của anh giúp đỡ, cứu giúp và đem lại niềm vui, niềm an ủi và hạnh phúc cho họ.

Với một quá trình tham gia các công tác xã hội, anh dần dần nhận thức được những nguyên nhân của tình trạng kinh tế xã hội, đạo đức suy đồi ở Việt Nam. Và từ nhận thức, anh đã có những hành động để thúc đẩy xã hội tiến bộ hơn cũng như tinh thần yêu nước trong anh được hun đúc mãnh liệt. Và anh đã hành động. Những cuộc biểu tình yêu nước có mặt anh, những trò bầu cử mị dân theo cách "đảng cử dân bầu", anh đã lên tiếng vạch mặt... Tất cả những điều đó đã được nhà cầm quyền để ý.

Rồi anh bị bắt một cách mờ ám bất chấp những quy định của luật pháp.

Anh bị đưa ra trong một "phiên tòa công khai xử kín" và kết án anh 13 năm tù - Một phiên tòa chứa đầy các vi phạm tố tụng và là một sự ô nhục điển hình của nền tư pháp thế kỷ 21.

Trong phiên tòa, Đặng Xuân Diệu đã mạnh mẽ tố cáo việc anh bị bắt bớ trái phép, bị đánh đập, bị bỏ đói và khủng bố của Công an trong suốt thời gian anh bị giam giữ. Anh cũng bác bỏ mọi cáo buộc qui chụp, vô căn cứ từ Viện kiểm sát cũng như các cáo buộc tại tòa. Luật sư Vương Thị Thanh, người bào chữa cho anh cũng đã bác bỏ hoàn toàn bản cáo trạng cũng như bản án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với anh.

Để phản ứng với sự bất chấp pháp luật, sự tàn bạo của những phiên tòa đó, anh đã bác bỏ phiên tòa bằng văn bản. Và nhà cầm quyền đã không cho anh có mặt trong cái gọi là phiên tòa phúc thẩm tiếp theo sau đó.

Nhà tù Cộng sản và sự kiên cường của một tù nhân

Từ lâu, có một lời nhận xét rằng: Nếu chế độ thực dân Pháp ngày xưa duy trì chế độ nhà tù như Cộng sản, thì dân tộc này đã chấm dứt được nạn cộng sản gần một thế kỷ nay.

Không rõ trên thế giới có nơi nào như chế độ nhà tù ở đất nước "ưu việt" của chúng ta hay không. Nhưng, ít nhất thì qua hai chế độ mà "đảng ta" luôn sỉ vả, nhiếc móc là chế độ phong kiến thối nát và chế độ thực dân đế quốc tàn bạo, thì người dân Việt Nam không được những "ân huệ" như sau đây.

Ở đây, nhà nước đưa người dân đi tù và thân nhân của tù nhân đi theo để xin phép được thăm và nuôi. Việc thăm, nuôi trở thành chuyện hiển nhiên phải có và không thể thiếu. Những câu chuyện từ những người từ nhà tù ra, đã cho thấy những tù nhân không được thăm nuôi, không có tiền... thì coi như không được sống kiếp con người. Ngược lại, đồng tiền có thể khiến mọi điều trở nên hài hước ngay trong nhà tù Cộng sản.

Chính vì khi đã trở thành điều hiển nhiên, là không thể thiếu cho tù nhân, thì việc "được thăm nuôi" lại đã trở thành ân huệ xin cho của bộ máy công an và cai tù. Những tù nhân dù là tội giết người, ma túy, cướp của... tóm lại là kẻ thù của nhân dân, của xã hội, nhưng ngoan ngoãn, lắm tiền, có thế lực, thì sẽ được hưởng chế độ tù cấp cao kể từ chuyện thăm hỏi, quản lý cũng như những ưu tiên ưu đãi ngay trong tù.

Không chỉ là chuyện gia đình thăm nuôi, mà khi có thêm một tù nhân, thì hệ thống trại tù và nhà nước có thêm một nguồn thu khá lớn. Đó là thân nhân nuôi tù không được phép mang đồ ăn, thức uống và các vật dụng cho tù nhân từ nhà hoặc mua ngoài xã hội mà đa số phải mua tại trại làm "dịch vụ". Hẳn nhiên là với giá cắt cổ so với ở ngoài. Thực chất, đó là dịch vụ kinh doanh trên thân xác, sức khỏe tù nhân và tình cảm gia đình.

Và như vậy, càng nhiều tù nhân, thì khối lượng tiền của của xã hội, của nhân dân lại càng đổ vào đây thật kinh khủng. Đó là chưa nói đến những tin đồn về bóp nặn tù nhân, về chạy tiền để được "ân xá"... Chưa nói đến việc vào tù sử dụng ma túy và được chính cán bộ trại giam, trung tá công an cung cấp... Tất cả đều góp phần làm băng hoại xã hội.

Mới đây, trên Facebook của Ls Trần Đình Triển còn đưa một thông tin về vụ án phạm nhân Nguyễn Tuấn Sơn bị chết trong trại và gia đình tố cáo là cán bộ Trại giam Bùi Ngọc Hưng yêu cầu vợ Sơn gửi cho Hưng 5 triệu đồng, vợ Sơn không đáp ứng được dẫn đến Nguyễn Tuấn Sơn bị giam kỷ luật và bị đánh chết.

Ngược lại, những tù nhân là kẻ thù của nhà nước, thì luôn được đặt vào hàng đối tượng chăm sóc và trả thù tàn bạo.

Đăng Xuân Diệu là một trong những người như thế.

Đã từ lâu, chúng tôi nhận được thông tin rằng Đặng Xuân Diệu đã không được gặp người nhà như các tù nhân khác. Lý do là vì anh đã không chịu nhận tội và không chịu mặc áo tù. Cũng từ lâu, chúng tôi nhận được những thông tin về sự kiên cường của anh trong nhà tù và các ngón đòn thù anh đang phải chịu. Thế nhưng, đó chỉ là những thông tin nhiều khi không thể kiểm chứng.

Cho đến ngày chúng tôi đón tù nhân lương tâm Trương Tam về nhà. Trương Minh Tam, một tù nhân lương tâm vì lòng yêu nước đã phải vào tù. Thay vì tội “trốn thuế” hay “Hai bao cao su đã qua sử dụng” hoặc “hai xe đạp, đi hàng ba”… anh đi tù với tội danh “chiếm đoạt tài sản công dân”. Có lẽ sẽ thành một quy luật, rồi đây những người yêu nước ở Việt Nam, những người cất tiếng nói của sự thật, của tình người, của lòng yêu nước, của lương tâm… sẽ dần dần được khoác cái tội danh hết sức đa dạng mà nhà nước của "trí tuệ nhân loại" có thể sáng tác ra.

Gặp Trương Minh Tam, những thông tin về Đặng Xuân Diệu chiếm hầu hết chủ đề cuộc gặp gỡ giữa anh em và gia đình. Nội dung những câu chuyện cho thấy một Đặng Xuân Diệu kiên cường, bất khuất và đang hứng chịu những đòn thù tàn bạo, cướp đoạt những quyền con người tối thiểu trong nhà tù. Anh cho biết: Ngay từ khi chuyển đến trại giam số 5 Thanh Hóa, những thông tin nhận được về tù nhân Đặng Xuân Diệu là thông tin độc ác, rằng đây là một phạm nhân giết người nhưng chối tội. Những thông tin đó đã tạo sự nghi kỵ và xa lánh người thanh niên bất khuất, kiên cường đã nhất định không chịu nhận tội và không coi mình là phạm nhân. Dù phải chấp nhận muôn vàn đòn trả thù hèn hạ.

Chúng ta có thể nghe Trương Minh Tam, bạn tù của Phạm Xuân Diệu kể về cuộc sống trong tù của Đặng Xuân Diệu và chế độ nhà tù Việt Nam tại đây:

Phần I:  https://www.youtube.com/watch?v=ezGBNuC9Odw

Phần II: https://www.youtube.com/watch?v=J5SjKKAXyGI

Những câu chuyện về tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu cho thấy chế độ lao tù Cộng sản hiện nay ra sao và những thông tin về tình trạng của Đặng Xuân Diệu thật sự làm kinh hoàng những ai đang mơ hồ về nhà tù Cộng sản.

Chúng ta và những người có lương tri, không ai có thể ngồi yên để tính mạng Đặng Xuân Diệu bị giết chết mòn mỏi trong tù.

Xin hãy ra tay hành động cứu lấy một nạn nhân, một thanh niên yêu nước

Hà Nội, ngày 18/10/2014

JB Nguyễn Hữu Vinh