You are here

Lan man chuyện siêu thị và chợ

Ảnh của songchi

Song Chi.
Khi còn ở Việt Nam, bên cạnh việc đi mua hàng hóa thực phẩm tại các siêu thị, tôi vẫn giữ thói quen đi chợ. Và dù chợ ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng nhiều lúc vẫn còn khá là bẩn trong lúc các siêu thị thì sạch sẽ hơn hẳn, thú thật, tôi vẫn thích đi chợ hơn.
Siêu thị thì nhìn chung cái nào cũng giống cái nào, nhưng chỉ có thực phẩm đông lạnh, hoặc đóng gói, đóng hộp, không thể có những con tôm nhảy kêu tanh tách, những con cá còn đang thở, giãy trên mâm, những con gà con vịt còn sống nguyên…Không thể mỗi gian hàng bày biện mỗi khác, kể cả mỗi cái chợ mỗi khác nhau, từ kiến trúc bên ngoài cho đến cách bố trí, mặt mạnh, những đặc trưng riêng về hàng hóa…
Như ở Sài Gòn chẳng hạn, bao nhiêu là chợ, từ chợ Nguyễn Văn Trỗi, chợ Phú Nhuận, chợ Tân Định, chợ Bến Thành, chợ Bàn Cờ, chợ Vườn Chuối, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Dân Sinh, chợ Cô Giang, chợ Nancy, chợ Xóm Chiếu, chợ Thái Bình, chợ Hòa Bình, chợ Xã Tây, chợ Phú Lâm, chợ Minh Phụng, chợ Bình Tiên, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Lớn hay chợ Bình Tây, chợ Bà Hoa, chợ An Đông, chợ Văn Thánh, chợ Bà Chiểu, chợ Thanh Đa, chợ Thị Nghè, chợ Gò Vấp, chợ Tân Bình, chợ Phạm Văn Hai, chợ Bàu Cát, chợ Thủ Đức, chợ Linh Xuân, chợ An Lạc, chợ Bình Chánh v.v…
Lại có nhiều loại chợ chuyên về một vài mặt hàng hóa. Như chợ vải Soái Kình Lâm, chợ Kim Biên chuyên bán các loại hóa chất công nghiệp, hóa chất thực phẩm, chợ Bình Điền, quận 8 là chợ đầu mối chuyên kinh doanh và cung cấp các mặt hàng nông sản, chợ An Đông mạnh về áo quần, đồ lót…
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ, quận 10 là chợ hoa đầu mối lớn nhất thành phố. Hoa ở chợ có xuất xứ chủ yếu từ Đà Lạt và các tỉnh miền Tây. Chợ Vật liệu xây dựng ở Trịnh Hoài Ðức, Phường 13, Quận 5. Chợ Thủy hải sản chuyên doanh hàng cá khô, mực khô, tôm khô, ở Trần Văn Kiểu, Phường 10, Quận 5. Chợ bán hàng điện tử, băng đĩa, DVD ca nhạc, phim...ở đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1...
Chưa kể, có những loại chợ độc đáo như chợ bán đồ cũ toàn hàng “độc” từ đồng hồ, mắt kính cổ, dây đeo thắt lưng, giỏ xách, bật lửa, tẩu thuốc lá cổ, chén uống rượu, cái máy may xưa, máy chiếu phim cho đến những chiếc xe gắn máy được sản xuất cách đây dăm bảy thập niên trở lên…nằm trong con hẻm cạnh cầu Bằng Ky (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Chợ sâu bọ-chỉ là một góc nhỏ sát bên Plaza Thuận Kiều, nơi trao đổi, mua bán các sâu bọ, côn trùng, động vật nhỏ, kể cả chim chóc. Ngoài khu chợ chim ở đây, còn có chợ chim Lê Hồng Phong (quận 10) hay chợ chim Trường Chinh (quận Tân Bình) với đủ loại chim quý, đủ màu sắc. Chợ cá cảnh nổi tiếng ở ngã tư Lý Chính Thắng, Nguyễn Thông, quận 3. Chợ chó mèo ở Lê Hồng Phong, quận 10 v.v…Có thể kể cả ngày cũng không hết.
Chưa kể sự khác nhau về quy mô từ to lớn như các chợ đầu mối cho tới chợ cóc, chợ xổm…ở một khu cư dân hay một con hẻm nào đó.
Trở lại chuyện vì sao tôi vẫn thích đi chợ. Đi siêu thị, là cách sống của thời hiện đại, văn minh, nhanh, tiện, sạch. Đi chợ, lại là chuyện khác. Không chỉ ngày xưa mà ngay cả thời bây giờ, tôi cho rằng đối với nhiều chị em phụ nữ, đi chợ có phần thong thả hơn, người đi chợ tha hồ lượn tới lượn lui, cầm lên đặt xuống, trả giá, có thể chỉ cần mua vài cọng hành, vài quả ớt, mớ rau…thay vì cái gì cũng phải thành bó, gói, từ vài trăm gam cho tới cả ký, hơn ký lô… như trong siêu thị.
Đối với những người thường đi quen một hai cái chợ nào đó, người mua người bán trở thành “nhẵn mặt” nhau rồi thân quen nhau, đi chợ là dịp để hai bên hỏi thăm nhau đôi câu. Chợ còn là cái “tòa soạn báo” miệng, loan truyền những tin tức nóng trong ngày, những vấn đề chung mà mọi người đang quan tâm, từ thời giá lên xuống cho tới những biến động ngoài biển Đông…Là nơi cảm nhận những nỗi lo âu, vui buồn đời thường hàng ngày của mọi người.
Đi chợ, với nhiều chị em, còn vì thú vui ăn quà. Các ngôi chợ ở Việt Nam từ Nam ra Bắc, chợ nào cũng có khu bán hàng ăn, mỗi chợ có một vài món ngon nổi tiếng, mọi người truyền tai nhau rồi đều kéo đến ăn. Từ bánh bèo bánh ướt bánh bột lọc, bánh cuốn, bánh khọt, bún riêu bún ốc, bún bò Huế, mì Quảng, bánh mì bò kho…cho tới chè, các loại bánh quê như bánh ít lá gai, bánh dày bánh giò, bánh cam, bánh cay…
Đối với lũ trẻ con lon ton theo mẹ thì say sưa với những viên kẹo ú phủ lớp bột trắng mịn, kẹo mút xanh đỏ, bịch xirô đá ngậm cho tới những cửa hàng đồ chơi rẻ tiền đủ màu sắc, những con tò he làm bằng bột đủ màu dưới bàn tay vuốt nặn khéo léo của bà cụ già hay những con châu chấu xếp bằng lá dừa xanh mướt…Mặc dù bây giờ ở nhiều chợ có thể không còn có những món đồ chơi dân dã như vậy nữa, nhưng vẫn có những hàng quà vặt và những thứ mà siêu thị không có.
                                                               xxxx
Trong những dịp đi du lịch tới những thành phố khác nhau, tôi vẫn hay bỏ thì giờ để lang thang qua các đường phố, và ghé những khu chợ. Đó là cách để tôi quan sát đời sống của người dân một thành phố. Và cảm thấy rất thích thú khi khám phá ra thành phố nào có những ngôi chợ phong phú, những món ăn đường phố ngon.
Như một số khu chợ ở các thành phố của Ấn Độ mà tôi có dịp đi trong thời gian sống và theo học ngành đạo diễn phim ở nước này trong hơn hai năm. Những ngôi chợ của Ấn Độ luôn làm tôi kinh ngạc vì sự phong phú ngút ngàn của màu sắc, mùi vị. Màu của vô vàn trái cây, các loại kẹo bánh, thức ăn, cho tới những đồ trang sức giả lấp lánh, rực rỡ, được làm rất tinh rất khéo cùa người Ấn, những súc vải lộng lẫy, cầu kỳ, phong phú từ chất liệu, màu sắc, thiết kế, họa tiết in cho tới thêu tay sẽ làm nên những bộ Sari xinh đẹp, rồi vải trải giường, gối, khăn tay, khăn choàng…Màu của những loại hoa-người Ấn dùng rất nhiều hoa, hoa kết thành vòng thành chuỗi đeo tay, đeo cổ, trang trí nhà cửa, những buổi tiệc lễ, đám cưới, đám ma…
Và mùi. Mùi thơm từ những loại hoa đó tỏa nồng trong nắng nóng, mùi của rất nhiều loại hương liệu, dầu thơm, xà bông cho tới gia vị-trong nghệ thuật ẩm thực, người Ấn thường sử dụng nhiều gia vị khác nhau. Cùng với màu và mùi, những khu chợ Ấn còn quyến rũ tôi bởi những món ăn được bày bán trong chợ, tiếng sáo réo rắt mê hoặc từ người nghệ sĩ đường phố đang làm trò với con rắn hay tiếng đàn Sita, tiếng trống Tabla-Dagga từ các nghệ sĩ đường phố khác…
Đi vòng vòng mệt lử, cuối cùng thể nào cũng dừng chân cạnh một xe trà bên đường, làm một ly trà sữa Masala Chai-loại thức uống phổ biến, rẻ nhưng rất ngon của người Ấn được pha từ lá trà Ấn độ, sữa tươi, và hỗn hợp các loại gia vị thơm và thảo dược không rõ là gì, hình như có bột bạch đậu khấu, thảo quả, đinh hương, quế, gừng, hạt tiêu và những thứ khác nữa…nên có mùi thơm rất thích. Uống một ly nóng hổi, lại thêm một ly nữa, tỉnh cả người rồi lại dạo chợ tiếp.
Hay như mới đây đến Barcelona, tôi cũng thích thú với ngôi chợ nằm ngay trên con đường chính La Rambla của thành phố-ngập tràn trái cây đủ màu đủ loại. Được biết với Tây Ban Nha, xuất khẩu trái cây là một trong những nguồn thu đáng kể hàng năm của đất nước này, có những loại trái cây không hề có ở nhiều nơi khác. Ngoài ra là những sắc màu của kẹo, bánh, các loại gia vị đóng chai... Đối với khách du lịch, lòng vòng quanh khu chợ, nếm những hộp trái cây đủ loại cắt sẵn thành từng miếng hoặc thử những ly nước ép trái cây pha trộn với nhau, vừa mát vừa ngon, bổ rẻ, cũng là một điều thú vị.
                                                                xxxx
Trong khi đó, ở các thành phố lớn, nhỏ của Na Uy và hình như cả Bắc Âu (Nordic, bao gồm Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland, chứ không phải Northern Europe) đều không có chợ. Cùng lắm chỉ có chợ cá, chợ trời vào mùa hè bán rau củ, trái cây hay đôi khi cũng có chợ bán đồ cũ, mở ra khoảng dăm bữa đôi ba tuần, mua bán từ quần áo tới đủ thứ đồ dùng sinh hoạt trong nhà. Với những người không giàu có thì đây là dịp đi mua đồ với giá rẻ như cho. Còn những người có tiền thì có cơ hội “đẩy” bớt những thứ mình không còn thích, mà cũng chẳng khác gì một việc làm từ thiện.
Thỉnh thoảng có dịp gì đó người ta lại tổ chức hội chợ ngoài trời, bày bán những thức nông sản do người dân ở nông thôn tự tay làm ra như phó mát, xúc xích, salami, mật ong…những chiếc khăn quàng, vớ, áo bằng len đan tay, những món đồ lưu niệm…Và cùng với hội chợ, là những xe, quầy bán kem, kẹo, bánh waffle (bánh tổ ong), hot dog…Những dịp như vậy tôi thấy người Na Uy và dân nhập cư cũng rất thích thú đi dạo. Tuy nhiên, một năm chỉ có đôi ba lần.
Do vậy, theo cảm nhận của riêng tôi, một trong những cái thiếu trong đời sống tại các thành phố ở Na Uy, là thiếu chợ và thiếu những món ăn đường phố.
Từ khi sống ở Na Uy, tôi chỉ còn đi mua thực phẩm tại các siêu thị. Hài lòng với sự sạch sẽ, tiện lợi, với thực phẩm đóng hộp, bao bì bắt mắt, sang trọng, có đủ thương hiệu của nước này nước khác. Nhưng đôi khi, bỗng bâng khuâng nhớ về những ngôi chợ ở VN, với những âm thanh màu sắc sống động, dù hơi ồn ào nhộn nhạo bẩn thỉu một chút, với những món ăn quen, ngon không thể tả, giờ đã trở thành ký ức…