You are here

Từ biểu tình tự phát đến bạo động và hậu quả

Lê Diễn Đức

Đập phá cổng nhà máy của Trung Quốc - Ảnh: Facebook

 
Cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở khu công nghiệp Bình Dương trong ngày 13 tháng 5 đã biến thành cuộc bạo loạn.
 
Công nhân đập phá văn phòng, đốt cháy nhà xưởng. Nhiều công ty Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Việt Nam nằm trong khu công nghiệp cũng bị vạ lây. Một số quá khích còn kéo lên Sài Gòn. Tình hình nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà cầm quyền. Xe thiết giáp, binh lính sau đó đã được điều động để hỗ trợ công an, cảnh sát.
 
Cộng đồng mạng Facebook đưa ra hình ảnh các diễn biến của sự kiện và bình loạn. Các chủ thuyết âm mưu được tung ra với nhiều lý giải khác nhau.
 
Vấn đề được xoay quanh nhiều câu hỏi, nhưng tập trung nhất vẫn là ai là người đứng sau cuộc bạo loạn không mong muốn này?
 
Có người không thấy sự can thiệp của cảnh sát hay công an chứng kiến sự việc đã vội kết luận là âm mưu của nhà cầm quyền. Thực tế, trong bối cảnh như vậy họ chẳng làm được gì hơn, nhất là khi chưa có lệnh xử lý. Cũng có thể không loại trừ cả sự thông cảm, chia sẻ của họ với sự nổi giận của công nhân.
 
Tôi cho rằng, nguyên do không phải từ phía nhà cầm quyền. Bởi vì nếu muốn phát động dân chúng chống Trung Quốc, nhà cầm quyền có đủ điều kiện thực hiện bài bản hơn nhiều. Không dại gì kích động một đám đông hỗn loạn, gây rối trật tự công cộng để mang lại hình ảnh xấu của người Việt trước dư luận như thế.
 
Giả thuyết thứ nhì là âm mưu của Trung Quốc, tạo cớ để gây chiến tranh, đưa quân sang bảo vệ người của họ, giống như Putin của nươc Nga đã làm với Ukraina.
 
Luận điểm này cũng không hợp lý.
 
Trước hết, văn hoá, lịch sử và địa lý của miền Đông Ukraina khác hẳn với Việt Nam và Trung Quốc. Hơn nữa, người thiệt hại về vật chất từ cuộc bạo loạn là những chủ doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam chứ không phải đông đảo dân Trung Quốc sinh sống trong khu công nghiệp.
 
Mặt khác, quan trọng hơn, chính sách chiến lược của Trung Quốc là gặm nhấm, vừa chơi vừa tận dụng các con tin kinh tế để lấn ép Hà Nội, xâm chiếm dần lãnh thổ Việt Nam bằng cuộc xâm thực mềm mà không cần chiến sự.
 
Họ đã lấy thác Bản Giốc, Ải Nam Quan. Nhiều ngàn kilômét vuông ở biên giới phía Bắc và lãnh hải vùng Vịnh Bắc Bộ đã bị mất cho Trung Quốc qua Hiệp định biên giới năm 1999. Họ đã có trong tay gần 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn bằng hợp đồng cho thuê 50 năm; đã nắm quyền kiểm soát hơn 90% tổng thầu các dự án kinh tế quan trọng của Việt Nam; đang có một lực lượng người Hoa hùng hậu trên khắp ba miền Bắc-Trung-Nam; đang có một thị trường xuất siêu gần 20 tỷ USD hàng hoá rẻ tiền hoặc công nghệ thấp và độc hại, v.v...
 
Trên biển Đông họ đã quản lý Hoàng Sa hơn 40 năm nay và tranh chấp xung quanh quần đảo này không ghi vào Ứng xử Biển Đông DOC (giữa Trung Quốc với các nươc Asean).
 
Nếu có chiến tranh thì người thiệt hại to lớn trước hết là Trung Quốc. Chưa nói tới nhân mạng. Trung Quốc có thể chiến thắng Việt Nam trên biển, nhưng trên bộ họ sẽ lao đao. Mở chiến tranh với Việt Nam, uy tín của họ trên trường quốc tế sẽ bằng không, vì ai cũng biết rõ ý đồ bành trướng của họ.
 
Ngoài ra, nhà nước cộng sản Việt Nam ở thế khó xoay xở, một bên là sự phẫn nộ của xã hội, một bên vì "tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản quý báu" đúng như tinh thần của thông báo chung Việt -Trung trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2011 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Song song, há miệng mắc quai. Những món lợi riêng xuất phát từ kinh tế đã gắn chặt họ với nhau.
 
Tôi tin rằng, cuộc biểu tình ở Bình Dương không có bất kỳ thế lực nào tổ chức, kích động. Một số kẻ  phấn khích, cực đoan là lợi dụng tình huống hiệu ứng đám đông. Chưa nói tới việc công nhân có thể cũng thừa gió bẻ măng. Chống Trung Quốc chỉ là cái cớ để đập phá cho hả dạ. Từ nhiều năm qua, công nhân bị bóc lột thậm tệ và liên đoàn lao động quốc doanh thường đứng về phía chủ xưởng trong những cuộc đình công đòi quyền lợi của công nhân. Đồng lương không đủ sống, vật giá leo thang, làm việc cật lực trong khi ăn uống kham khổ, thiếu chất đến mức ngất xỉu hàng loạt... là những lý do làm bùng nổ sự nổi giận. Những người công nhân ít học này, bình thường là những con người hiền lành, chăm chỉ, nhưng nếu bị chấn động tâm lý, họ cũng có thể dễ nổi cơn phẫn nộ không thể chế ngự.
 
Nhà cầm quyền chắc chắn sẽ dẹp yên những cuộc biểu tình này, lấy cớ biểu tình không có định hướng sẽ sinh ra bạo loạn, gây bât ổn cho trật tự công cộng, để ngăn chặn các cuộc biểu tình tự phát tiếp theo. Đây có lẽ là lý do xem ra "chính đáng" nhất với họ. Mặc dù trong thực tế, tất cả các cuộc biểu tình tự phát chống quân Trung Quốc xâm lược trong năm 2011, 2012 đều diễn ra rất ôn hoà nhưng vẫn bị đàn áp thô bạo.
 
© Lê Diễn Đức

Bài bình luận

Đây là chiến thuật "VỪA ĐÁNH VỪA ĐÀM" Trong lúc Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đến Bắc kinh ngày 13/5/2014, thì ngày 14/5/2014 VN tấn công quyết liệt vào các QUYỀN LỢI của TQ tại VN để hỗ trợ cho Thứ trưởng đàm phán. Bauxit Tây Nguyên cũng là quyền lợi của TQ tại VN được biếu không cũng nằm trong chủ trương này (dùng quyền lợi tại VN để kìm hãm sự hung hăng của TQ). Tôi sẽ cho anh quyền lợi, nhưng khi anh xâm phạm chủ quyền tôi thì những quyền lợi này sẽ bị tấn công!? Nếu TQ tiếp tục làm căng thì sẽ có những cuộc tấn công khác sẽ hỗ trợ cho cuộc đàm phán khác, Bauxit Tân Rai và Nhân Cơ sẽ không ngoại lệ