You are here

Thoát khỏi ảnh hưởng của Gấu Nga

Lê Diễn Đức

Cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Victor Janukovich của dân chúng Ukraina đã thành công sau ba tháng biểu tình liên tục, bị đàn áp, 88 người bị chết và hàng trăm người bị thương.
Quốc hội mà đa số thuộc đảng Các Khu Vực của Tổng thống Victor Janukovich đã quay lưng lại với ông, đã biểu quyết truất phế ông với số phiếu 328/450.
 
Quốc hội cũng quyết định bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng 5 năm 2014 và uỷ quyền cho ông Turchynov thực hiện các nhiệm vụ của Tổng thống, chỉ định nhân sự trong cơ quan an ninh, các bộ quốc phòng, ngoại giao, còn và các phe phái đang thoả thuận để thiết lập một chính phủ mới.
 
Tình hình kinh tế của Ukraina đứng bên bờ vực phá sản vì không còn khả năng trả nợ. Trong vòng hai năm, Uraina cần tới 35 tỷ đô là để phục hồi, phát triển và thanh toán các khoản nợ nần.
 
Sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu (EU), Quỹ TiềnTệ Quốc Tế (IMF), Hoa Kỳ là chắc chắn và tất yếu, nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào lộ trình dân chủ và các cải cách kinh tế của Ukraina.
 
Các phe phái khi làm cách mạng thì đoàn kết, nhưng khi phân chia quyền lực thì tranh cãi. Nhưng tất cả đều ý thức rằng, hoặc là nền kinh tế Ukraina sụp đổ, hoặc phải dung hoà, đạt thoả thuận để cùng quản lý đất nước. Bởi vì nếu không, thành quả của cách mạng sẽ trở nên vô ích, như 10 năm trước đây họ đã từng mất đi cơ hội khi làm cuộc cách mạng Cam.
 
Cuộc cách mạng lần thứ hai này khẳng định nguyện vọng hội nhập với EU và tách rời sự lệ thuộc vào nước Nga của đa số dân chúng Ukraina, kể cả ở vùng phía Đông, nơi có cộng đồng người Nga sống đông đảo và sử dụng ngôn ngữ Nga.
 
Xu hướng này như là nhu cầu và tình cảm, bắt nguồn từ lịch sử, văn hoá và nằm trong trào lưu chung của các nước Đông Âu.
 
Chuyên chính vô sản thay phát xít
 
Sau khi Hitler lên nắm quyền vào năm1933 với chính sách chống cộng sản cực đoan, sự hợp tác này tự nhiên bị đình chỉ, các mối quan hệ song phương bị nguội lạnh. Tuy nhiên, nhà độc tài Đức Quốc Xã do hoàn cảnh bắt buộc đã phải tìm kiếm lại tình hữu nghị trên điện Kremlin.
 
Vào ngày 23/08/1939, tại Moscow một thỏa thuận đã được ký kết bởi Ngoại trưởng Đức Quốc xã III, Joachim von Ribbentrop và Ngoại trưởng Liên Xô Molotov.
 
Về phương diện chính thức, nội dung của văn kiện chỉ là hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa hai nước Đức-Nga. Trên thực tế có một giao thức bí mật xác định phân chia lãnh thổ của rất nhiều quốc gia ở Trung và Đông Âu như Ba Lan, Lithuania, Latvia, Estonia, Phần Lan và Romania.
 
Ngày 1 tháng 9 năm 1939, quân của Đức Quốc Xã vượt biên giới phía Tây của Ba Lan. Và chỉ 16 ngày sau đó, Stalin đã thực hiện nghĩa vụ của mình theo hiệp ước Molotov-Ribentropp, cho quân đánh chiếm các vùng phía Đông Ba Lan. Số phận của Ba Lan trong gần nửa thế kỷ sau đã bị chôn vùi.
 
Nhưng trớ trêu thay! Sau khi đạt được mục đích chiếm đóng Ba Lan và hàng loạt các nước châu Âu khác không mấy khó khăn, trong thế mạnh và đầy kiêu ngạo, Hitker đã trở mặt, cho quân tấn công Liên Xô vào ngày 22/06/1941.
 
Mới chưa đầy hai năm trước đó, hai nhà nước độc tài bắt tay nhau thân thiết trên Điện Kremlin, bỗng chốc trở thành kẻ thù không đội trời chung, làm nổ tung cuộc chiến lịch sử, đưa nhân loại vào vòng khói lửa điêu linh với cái chết của hơn 72,7 triệu người mà trong đó, dân tộc Nga chịu tổn thất nhiều nhất với 12,5 triệu lính và hơn 10,6 triệu dân thường.
 
Phát động cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, tuyên chíến và nỗ lực đánh đuổi phát xít Đức đến tận sào huyệt Berlin, Hồng Quân Liên Xô đã tràn qua khu vực Đông Âu. Họ thành lập lực lượng quân đội thân Xô Viết, tiêu diệt phát xít Đức, nhưng đồng thời cũng thủ tiêu các lực lượng quốc gia yêu nước của các nước đó.
 
Sau thoả thuận giữa các cường quốc tại Hội nghị Yalta tháng 2 năm 1945, các nước Đông Âu bị áp đặt ách cai trị của chế cộng sản mà trong thực tế các chính quyền chuyên chính vô sản là một dạng thức khác của chủ nghĩa phát xít.
 
Marszalec, Phó Giám đốc Viện bảo tàng Đệ nhị Thế chiến của Ba Lan nhân dịp 70 năm chiến tranh bùng nổ, đã nói:
 
“Thiếu vắng sự kiện này không thể mô tả hết lịch sử của Đệ nhị Thế chiến. Chúng tôi muốn mọi người biết rằng, chủ nghĩa toàn trị Stalin phải chịu cùng trách nhiệm dẫn tới bùng nổ chiến tranh. Chúng ta cần phải chỉ rõ cho thế giới thấy rằng, Ba Lan là nước đầu tiên trở thành nạn nhân của hai chế độ độc tài toàn trị - chủ nghĩa Nazi và chủ nghĩa cộng sản”.
 
Cho nên nói các nước Đông Âu được Liên Xô giải phóng khỏi phát xít Đức không sai, nhưng các quốc gia này thoát phát xít Đức thì lại rơi vào một hệ thống kìm kẹp tương tự. Giống như ngạn ngữ tiếng Việt "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa".
 
Mùa thu năm 1989, cuộc cách mạng chống lại chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại các nước Đông Âu thành công, bằng cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong hệ thống cộng sản vào ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại Ba Lan. Phản ứng giây chuyên tiếp theo là bức tường Đông-Tây Berlin sụp đổ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989, rồi một loạt các nước Tiệp Khắc, Hungary, Romania, Bulgaria đứng lên giành tự do và lần lượt từ năm 1999 gia nhập Liên minh quân sự NATO, và từ 2004 gia nhập EU, chấm dứt sự lệ thuộc vào Nga.
 
Đập bỏ biểu tượng Đại Nga
 
Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraina là thành viên sáng lập Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết vào tháng 12 năm 1922.
 
Trong năm 1932–33, chính sách nông trang hoá của Stalin đã làm hàng triệu người chết đói được gọi là Holodomor. Hai làn sóng đàn áp chính trị và truy tố của Stalin (1929–34 và 1936–38) đã giết hại 681.692 người, bằng bốn phần năm giới tinh hoa văn hoá Ukraina và ba phần tư toàn bộ sĩ quan cao cấp của quân đội.
 
Ngày 16 tháng 7 năm 1990, nghị viện Uraina thông qua Tuyên bố Nhà nước Ukraina có Chủ quyền, lập ra các nguyên tắc tự quyết của nhà nước Ukraina, nền dân chủ, sự độc lập chính trị, kinh tế và sự ưu tiên của luật pháp Ukraina trong lãnh thổ Ukraina so với luật pháp Liên Xô.
 
Ngày 24 tháng 8 năm 1991 nghị viện Ukraina thông qua Luật Độc lập được hơn 90% người dân ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý, tuyên bố Ukraina là một nhà nước dân chủ độc lập.
 
Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên diễn ra ngày 1 tháng 12 năm 1991, Leonid Kravchuk trở thành Tổng thống đầu tiên của đất nước.
 
Ngày 8 tháng 12 năm 1991, Tổng thống Nga Borys Jelcyn,  Leonid KravchukStanislav Shushkievich  ký hiệp ước giải tán Liên Xô.
 
Ngày 25 grudnia 1991 cờ Liên Xô bị hạ xuống và những ngày sao đó Liên Xô hết tồn tại.
 
Năm 1996, Hiến pháp mới của Ukraina được thông qua, xác lập Ukraina là nhà nước cộng hoà nghị viện-tổng thống.
 
Năm 2004, Victor Yanukovich, khi ấy là Thủ tướng, tuyên bố là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
 
Cuộc cách mạng Cam nổ ra, cáo buộc sự gian lận bầu cử của Victor Janukovich trên diện rộng, đưa Victor Yushchenko và Yulia Tymoshenko lên nắm quyền lực, biến Yanukovich thành phe đối lập. Tuy nhiên, phe cách mạng Cam của Yushchenko và bà Tymoshenko thường xuyên cãi vã, chia rẽ.
 
Rốt cuộc, năm 2010, cả hai người thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, chiến thắng thuộc về Victor Yanukovich.
 
Quy kết trách nhiệm cho bà Tymoshenko trong việc ký hợp đồng nhập khẩu khí đốt của Nga làm kho bạc Nhà nước mất 400 triệu USD, Victor Yanukovich đã đưa bà Tymoshenko vào nhà tù với cái án 7 năm.
 
Thủ tướng Nga Vladimir Putin bấy giờ đã ngạc nhiên nói: "Tymoshenko không ký kết bất cứ điều gì. Hợp đồng đã được ký kết ở cấp độ các đơn vị kinh tế, Gazprom và Naftogaz. Tôi không hiểu vì cái gì mà người ta kết án 7 năm".
 
Ngày 30 tháng tư năm 2013 Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg phán quyết rằng việc bắt giữ cựu Thủ tướng Tymoshenko trong năm 2011 là bất hợp pháp và có động cơ chính trị.
 
Vấn đề trả tự do và cho bà Tymoshenko đi nước ngoài chữa bệnh là điều kiện của EU trong việc ký kết hiệp định thợp tác EU- Ukraina vào tháng 11 năm 2013 tại Vilnius.
 
Không giải quyết trường hợp Tymoshenko, Yanukovich dừng lại việc ký kết Hiệp định với EU, và chuyển hướng hợp tác với nước Nga.
 
Trên Quảng trường Độc lập tại Kiev bắt đầu cuộc biểu tình phản đối quyết định của chính quyền và cuộc cách mạng đã nổ ra.
 
Nợ nước Nga tới 30 tỷ đôla, tới 35% khí đốt nhập khẩu từ Nga và số còn lại 40% từ Trung Á qua các đường vận chuyển thuộc quyền kiểm soát của Nga, ràng buộc với những lợi ích của nhóm tài phiệt thân Nga, quyết định bỏ EU đi với Nga có lẽ là sai lầm lớn nhất của Janukovich trong cả sự nghiệp chính trị. Bởi vì nó đi ngược lại nguyện vọng của số đông quần chúng. 
 
Nằm cạnh các quốc gia Đông Âu khác đã thoát khỏi quỹ đạo của Nga và nhìn thấy mức độ phát triển và nâng cao mức sống hơn hẳn, nguời Ukraina nghèo kém không thể không so sánh và ghen tị.
 
Một nhà lãnh đạo đi ngược lại ý nguyện của nhân dân, khó có thể tồn tại, khi mà khát vọng đó được tới 90% dân số ủng hộ.
 
Cuối cùng Victor Janukovich đã bị lật đổ, trốn chạy và bị truy nã. Chiến dịch "Leninopad" diễn ra trên khắp Ukraina, dân chúng đập bỏ tới 90 tượng Lenin, biểu tượng của Đại Nga.
 
© Lê Diễn Đức