You are here

Đối lập trung thành: Tại sao lại không?

 Việc hình thành các tổ chức mang màu sắc Xã hội Dân sự ở Việt nam trong giai đoạn hiện tại khá rầm rộ, với sự ra đời cộng với các hoạt động công khai của hàng loạt các tổ chức như: Diễn đàn Xã hội Dân sự, Phụ nữ nhân quyền, Mạng lưới Blogger Việt Nam... Điều đó cũng ít nhiều cũng tạo cho mọi người chúng ta một sự tin tưởng hơn, cho dù về thực chát nó cũng vẫn chỉ là chuyện rượu cũ trong hũ nay được đổ vào bình. Và trong tương lai một khi các tổ chức này không được tổ chức một cách bài bản, để hoạt động có hiệu quả thì nó cũng như chuyện đánh trống ghi tên nhằm tạo sự chú ý bằng những hoạt động bề nổi.

Ở Việt nam trong bối cảnh một thể chế chính trị độc tôn, độc đoán của đảng CSVN thì việc hy vọng để có một cuộc biểu tình có quy mô về chát lượng, số lượng người tham gia và kéo dài trong một thời gian là cả một vấn đề vô cùng khó. Dẫu đó là niềm hy vọng duy nhất và cuối cùng của các nhà tranh đấu, đã và đang hướng tới để có được một cuộc cách mạng. Vì họ nghĩ rằng chỉ khi nào các bài học ở Đông Âu trước kia hay Arap Spring gần đây nếu hiện hữu được ở Việt nam thì mới có thể có một sự thay đổi toàn diện về chính trị.

Trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ của Việt nam hiện nay, có nhiều xu hướng khác nhau. Nhiều người quan niệm rằng, muốn thay đổi một chế độ độc tài thì buộc phải làm một cuộc cách mạng triệt để, sâu rộng và toàn diện để mở đường cho một bản Hiến pháp mới bằng sức mạnh bạo động. Cũng có những người tỉnh táo và ôn hòa hơn thì chọn cho mình phương thức bất bạo động. Vì theo cả hai xu hướng, chỉ có cách dùng sức mạnh tổng hợp của nhân dân mới có thể làm được điều đó. Và theo họ không bao giờ được phép hy vọng chế độ độc tài sẽ tự “chuyển hóa” để từ bỏ quyền lực độc tôn của họ. Mà bài học sửa đổi Hiến pháp vừa qua là một minh chứng.
 
Tuy nhiên trên thực tế cho thấy khả năng dùng bạo động là đi ngược với xu thế của thời đại, bài học ở Ai cập, Syria, Lybia… cho thấy đó không phải là một sự lựa chọn đúng và thích hợp đối với mọi quốc gia nói chung và Việt nam nói riêng. Đó chỉ là giải pháp sau cùng nếu những người lãnh đạo đảng CSVN còn kiên quyết coi diễn biến hòa bình là kẻ thù của họ. Khi đó điều bắt buộc thì mới dùng vũ khi trong một cuộc chiến bằng bạo động, cho dù đây là điều không ai muốn. Hơn nữa việc sử dụng bạo động của các phần tử cực đoan bằng chiến tranh du kích thông qua việc đánh bom, đặt mìn, ám sát các cá nhân... tuy có tác dụng nhất định trong việc gây bất ổn xã hội. Nhưng người gánh thiệt hại sẽ là đa số dân lành vô tôi, nguy hiểm hơn hành động khủng bố này sẽ không nhận được sự ủng hộ đông đảo của cộng đồng ở trong nước cũng như quốc tế.
 
Đấu tranh bất bạo động, thông qua các hành động bất tuân dân sự là xu hướng phù hợp, biện pháp này đã dùng ở nhiều quốc gia để hạ bệ không ít nhà độc tài và đã đạt được không ít thành công. Đó là sự thay đổi của nhà nước độc tài, khi sức mạnh của người dân đã tạo nên sức ép đáng kể lên sự hoạt động của nhà nước, đủ để buộc họ phải thay đổi. Thông qua hành động bất bạo động một cách có tổ chức, như: chậm nộp thuế, bãi công, bãi thị, bãi khóa… để tổ chức tổng biểu tình trên toàn quốc nhằm làm tê liệt bộ máy nhà nước. Điều nói trên phải được tiến hành song song với việc xây dựng một lực lượng đối lập đủ mạnh và có trí tuệ.

Trong điều kiện hiện nay, nếu so sánh tương quan lực lượng đối lập ở Việt nam với chính quyền thì cũng tương đương một chiếc thuyền thúng và một chiếc chiến hạm. Đấu tranh bằng bạo động cũng như lấy chiếc thuyền nhỏ để đâm vào con tàu lớn, kết quả ra sao có lẽ không cần phải bàn tới. Tuy nhiên, xây dựng một lực lượng đối lập đủ mạnh tương đương với một con tàu nhỏ, thông qua chính sách đối lập trên tinh thần xây dựng, nhưng không đối kháng nhằm tạo lòng tin đối với chính quyền. Để từng bước tiếp cận và hỗ trợ để đưa những người có đức, có tài làm lãnh đạo xuất hiện trong khu vực công. Đây là phương thức chuyển hóa dần dần để không gây đổ vỡ,  mà hiện nay chính quyền vẫn thường gọi là chính sách diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.

Điều này không phải là mới mẻ, nó đã xuất hiện và tồn tại mà chúng ta còn biết đến nó dưới nghĩa của sự đối lập trung thành , có nghĩa là đối lập trên cơ sở chấp nhận một vài những giá trị căn bản để cùng tồn tại. Đối lập nhưng không đối kháng, đối lập để xây dựng góp ý cho chính quyền để thúc đẩy sự chuyển đổi của họ theo xu hướng tiến bộ. Trong điều kiện chính trị Việt nam, đây có thể là một sự lựa chọn khả dĩ và có thể có được hiệu quả. Trước hết là sự an toàn, tồn tại để phản biện.

Đối lập trung thành tại Việt Nam theo quan niệm của NV. Phạm Thị Hoài, đó là " ... những người (thường là đảng viên Đảng Cộng sản) không hài lòng với hệ thống chính trị trong nhiều vấn đề lớn, công khai phản biện và tìm giải pháp thay đổi trong phạm vi các vấn đề đó, nhưng không đụng chạm, hay tránh đụng chạm đến nền tảng tồn tại của hệ thống. Họ gắn bó với hệ thống vì xác tín, vì thói quen hoặc vì không có, hay không biết đến lựa chọn nào khác. Họ góp phần tích cực xây dựng và duy trì hệ thống, và qua đó có địa vị, uy tín và những quyền lợi nhất định trong hệ thống. Mong muốn của họ là cải tạo hệ thống nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nó. Sự sụp đổ này đồng nghĩa với sự phủ định họ ở một số phương diện căn bản.".
 
Thời gian vừa qua lực lượng đối lập trung thành đã xuát hiện, tồn tại và hòa chung trong những tiếng nói đấu tranh, phản biện đối với chính quyền Việt nam ở cả trong và ngoài nước, không nhất thiết phải là đảng viên cộng sản. Với các tên tuổi các nhân sĩ trí thức, các học giả nổi tiếng trong và ngoài nước. Như: NV. Nguyên Ngọc, GS. Nguyễn Huệ Chi, TS. Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan, TS. Nguyễn Quang A, GS. Tương Lai, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh..., các bloggers Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào... ở trong nước, hay ở ngoài nước như các ông Bùi Kiến Thành, GS. Trần Hữu Dũng, cựu dân biểu Houston Hoàng Duy Hùng... Mà kết quả phản biện của họ đã có tác dụng và góp phần quan trọng trong số các tiếng nói mang tính đối lập nói riêng và phong trào đấu tranh dân chủ nói riêng. Điều mà luôn bị coi rằng  là các hành vi cải lương mang tính chất cúi đầu. Song xem ra nếu vẫn chưa tìm ra một lối thoát khả thi hay giải pháp tốt hơn thì việc lựa chọn những giải pháp mang tính “đường vòng” nhiều khi cũng có thể tới đích nhanh hơn.

Có các ý kiến cho rằng, với cộng sản không thể chuyển đổi mà chỉ có cách mạng triệt để để xóa bỏ, bởi theo họ những người cộng sản luôn biểu thị các hành động ngoan cố và thách thức đối với phong trào đấu tranh dân chủ. Họ luôn cho rằng các ý kiến phản biện kiểu đối lập nhưng không đối kháng là những ý kiến "bưng bô" của những người họ cho là tay sai của CS. Mà họ không tự xem lại mình đã có những việc làm đủ để tạo sức ép đáng kể lên chính quyền để buộc họ phải chuyển đổi hay chưa. Do đó nên biết "tiên trách kỷ, hậu trách nhân - trách mình trước, trách người sau". Quan trọng hơn là cần xem xét thực lực của chính bản thân mình đã có đủ sức để là đối trọng với đảng CSVN và chính quyền của họ hay chưa?

Hiện nay các đảng viên đối lập trung thành ở Việt nam đang có  xu hướng cố gắng tạo nên một làn sóng bỏ đảng, với hy vọng đây là một việc xem ra có hiệu quả về mặt tâm lý. Với mục đích để nhằm tạo hình ảnh xấu cho đảng cầm quyền, song đắng tiếc những hành động như thế sẽ không để lại dư âm trong một thời gian dài. Hơn nữa có lẽ liệu pháp này sẽ khó có thể được số đông đảng viên đảng CSVN hoan nghênh và có thể lôi kéo được nhiều người tham gia. Cũng vì những đảng viên bình thường, cho dù không có chức có quyền thì việc bỏ đảng cũng là chuyện mất nhiều hơn được, trong khi số lượng kết nạp đảng viên mới lại lớn gấp nhiều chục lần số công khai tuyên bố bỏ đảng. Quan trọng hơn, việc bỏ đảng có lẽ chỉ thỏa mãn nỗi bực dọc chốc lát của mỗi cá nhân, nhưng sau khi bỏ đảng thì những người đó sẽ làm tiếp được việc gì? Trong lúc mối đe dọa lớn nhất của đảng CSVN đang là sự diễn biến của các đảng viên có xu hướng từ trong đánh ra, từ dưới đánh lên như chính họ thú nhận. Trường hợp của ông Lê Thăng Long, một nhân vật bất đồng chính kiến thì suy nghĩ ngược lại, ông Lê Thăng Long lại mong muốn trở thành đảng viên đảng CSVN, với mục đích để cải tạo và sửa lỗi hệ thống của chính đảng cầm quyền. Điều đó cho thấy đây là hai xu hướng trái ngược song đều có chung một mục đích. Vấn đề này cần phải được xem xét nghiêm túc và rút kinh nghiệm.

Trong đấu tranh chính trị có nhiều giải pháp không giống nhau và cho những kết quả khác nhau. Đối lập trung thành cũng vậy, đây là một trong những phương thức vận động theo xu hướng tự chuyển biến. Điều này gần gũi, dễ đáp ứng và hợp khẩu vị với dân chúng ở trong nước mong muốn. Vì đã bắt đầu chán kiểu đối lập mà theo họ là chỉ thấy chê, ngoài chê thì có làm được gì đâu. Một khi tình hình chính trị thay đổi, khi những nhà độc tài đã bị chịu sức ép đủ mạnh và có xu hướng bị dồn vào chân tường, thì nghiễm nhiên lúc đó lực lượng đối lập trung thành sẽ là cứu cánh và nơi nương nhờ cho họ. Chắc chắn sự thảo luận hay đàm phán cho một tương lai chính trị mới sẽ được thông qua lực lượng trung gian này, trước khi có sự bàn thảo với các lực lượng chống đối khác.

Tại thời điểm hiện tại thiết nghĩ phương thức đối lập nhưng không đối kháng, phản biện xã hội trên cơ sở xây dựng để phát triển vẫn có thể là phương thức phù hợp và có hiệu quả. Ít nhất là còn hơn trong điều kiện phong trào đấu tranh dân chủ đang ở tình trạng mất phương và chưa có bất kỳ một tổ chức chính trị nào xứng tầm có thể làm đối trọng với đảng CSVN chịu trách nhiệm lãnh đạo.

Ngày 15 tháng 12 năm 2013
 
© Kami
 
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA