You are here

Sự lựa chọn hiển nhiên

Lê Diễn Đức

Ông Hoàng Duy Hùng (thứ hai từ phải qua) thăm tư gia cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - Ảnh: TPO

 
Khi nói chuyện với một số người ở Houston, tôi thấy thái độ có vẻ thiếu tự tin của họ trong cuộc bầu cử nghị viên thành phố Houston mà ông Hoàng Duy Hùng là ứng cử viên, theo họ, một nhân vật nặng ký, khả năng tái đắc cử của ông Hùng gần như trong tầm tay.
 
Họ cho rằng, là nghị viên thành phố, ông Hùng có nhiều điện kiện thực hiện các chính sách xã hội của thành phố, cho các cộng đồng nói chung, chứ không riêng gì đối với cộng đồng người Việt. Vì thế, là phiếu bỏ cho ông Hùng sẽ nằm chủ yếu ở các cử tri như Mễ hay Mỹ gốc Phi.
 
Ông Hùng cũng đã thuê hẳn một người Mỹ nằm trong Uỷ ban tranh cử của mình và ráo riêt vận động nhóm các cử tri này. Đến mức có lúc ông Hùng đã cao ngạo tuyên bố "không cần tới lá phiếu của cộng đồng người Việt".
 
Với thời gian bốn năm làm nghị viên (hai nhiệm kỳ tư 2009-2013), trẻ tuổi, có nhiều tham vọng, có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc vận động và ông Hùng tin chắc mình sẽ thắng. Tin chắc như đinh đóng cột!
 
Kết quả bầu cử hôm 5/11 đã gây cho ông Hoàng Duy Hùng cú sốc vì bất ngờ. Trúng cử với 52%, so với 48% của ông Hàng Duy Hùng, ông Richard Nguyễn là một nhân vật ít ai biết tới ở Houston, ít nhất về sự tham gia ít ỏi của ông trong các sinh hoạt của hội đoàn.
 
Sự chủ quan, coi thường địch thủ là nguyên nhân thất bại của nghị viên Hoàng Duy Hùng, nhưng nguyên nhân chính lại là thái độ chính trị của ông Hùng. Những phát biểu của ông Hùng trong và sau chuyến về Việt Nam đã làm thất vọng cộng đồng người Việt ở đây.
 
Những người có cái nhìn sáng suốt không ai nói ông là cộng sản nhưng ông Hùng đã thể hiện nó một cách phiến diện, thậm chí ấu trĩ khi nói về tình trạng "phát triển" của Việt Nam, về việc đàn áp giáo dân Cồn Dầu và nhất là sự đối thoại bất xứng với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
 
Ông Richard Nguyễn đã nỗ lực vận động trong niềm tin của mình, gia đình và bạn hữu. Ban vận động của ông với khả năng tài chính khiêm nhường, đã in gửi thông tin tới các hộ gia đình, tới chùa chiền, nhà thờ, tận dụng cả sự hỗ trợ của những Mỹ da màu. Cuộc vận động ráo riết trong cộng đồng người Việt được ông đặc biệt coi trọng.
 
Thái độ chính trị với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam được ông Richard Nguyễn xác định rõ ràng. Không có sự thoả hiệp. Mọi sự đối thoại là không thích ứng và vô nghĩa khi họ vẫn giữ chế độ độc quyền cai trị.
 
Ông cũng nói về quan điểm chính trị của Hoàng Duy Hùng với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trước các cử tri Mỹ khác, tìm ở họ sự đồng cảm và chia sẻ lập trường chống cộng của mình. Texas là tiểu bang của Cộng Hoà, điều này không phải không có ý nghĩa.
 
Tuy nhiên, như ông khẳng định rằng, sự đắc cử của ông phần lớn là do sức mạnh của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại Houston.
 
"Nếu không có cái thúc đẩy đó, không có cái sức mạnh đó thì làm sao tôi có thể thành công được", ông Richard Nguyễn nói.
 
Mặc dù người Việt ở Mỹ không có thói quen đi bỏ phiếu, nhưng với lời kêu gọi mạnh mẽ, những khuyến khích chí tình, sự tham gia bỏ phiếu của người Việt trong khu vực cử tri F ở Houston đã góp phần tạo nên lợi thế cho ông Richard Nguyễn, mà chính ông cũng bất ngờ và ngạc nhiên về chiến thắng của mình.
 
Những người sống ở Houston cũng không khỏi ngỡ ngàng đón nhận chiến thắng của ông Richard Nguyễn, ngay cả với những người quan tâm đến chính trị và tình hình Việt Nam. Nói chung, họ thực sự hài lòng, hồ hởi, cảm thấy trút được một mối bức xúc tưởng như không thể.
 
Trong thư chúc mừng tân Nghị viên Richard Nguyễn của cựu nghị viên Hoàng Duy Hùng, có đoạn viết:
 
"Sự đắc cử của ông Richard Nguyễn nói lên những điều sau đây: Đồng hương Mỹ cũng như Việt, chưa chấp nhận con đường đấu tranh từng phần với CSVN mà tôi đề xướng. Đồng hương Mỹ và Việt đa phần vẫn ủng hộ bế quan tỏa cảng...".
 
Ông Hùng đã nhầm lẫn. Rất ít ai trong nguời Việt hải ngoại có tư tưởng "bế quan toả cảng". Tiền gửi về giúp đỡ người trong nước nhiều tỷ đôla mỗi năm. Hàng trăm ngàn người vẫn về nước thăm thân, du lịch. Buôn bán hai chiều Việt -Mỹ vẫn phát triển...
 
"Con đường đấu tranh từng phần" mà ông Hoàng Duy Hùng lựa chọn rõ ràng không phù hợp với tâm lý và tình cảm của bà con hải ngoại, mà ngay trong thực tế cũng là ảo tưởng. Cuộc tranh đấu này là quyết liệt, không khoan nhượng và chỉ khi hệ thống chính trị độc quyền bị loại bỏ, lúc ấy mới có thể có cơ hội cho một giải pháp dân chủ tiếp theo.
 
Cuộc đấu tranh còn dai dẳng, kéo dài và còn nhiều gian nan, khó khăn, nhưng không phải vì vậy mà thay đổi quan điểm và phương pháp.
 
Thất bại của ông Hoàng Duy Hùng cho thấy, mọi sự mệt mỏi, nản chí, khiếp sợ trước "thành luỹ" của ĐCSVN dẫn đến thái độ nhân nhượng, thoả hiệp, là hoàn toàn sai lầm.
 
© Lê Diễn Đức - RFA