You are here

Phiên toà Đinh Nhật Uy: Tuổi trẻ là hy vọng

Lê Diễn Đức

Đón Uy trước cổng trại giam Long An ngày 29/10 - Ảnh: Facebook

 
Đinh Nhật Uy lãnh án 15 tháng tù treo trong ngày 29/10 và được trở về nhà với gia đình.
 
Bản án dành cho Uy rất khiên cưỡng, bất công và hài hước. Bởi vì đúng với bản chất của sự việc Uy không hề có tội. Những sinh hoạt của anh trên Facebook là những việc làm hết sức bình thường, giống như hàng triệu người khác có tài khoản trên Facebook. Họ cũng phê phán, chế diễu các chính sách của nhà nước hay những tiêu cực xã hội, thậm chí với mức độ còn nặng nề hơn.
 
Đinh Nhật Uy lập ra trang cá nhân trên Facebook, với mục đich chính là kêu gọi sự hỗ trợ, đòi tự do cho em trai mình, người bị cầm tù vì tội "tuyên truyền chống phá nhà nước" và đang bị quy chụp tội danh "khủng bố" khác.
 
Lợi ích nhà nước bị xâm phạm đến mức nào từ những việc làm của Đình Nhật Uy không biết, nhưng 4 tháng 10 ngày Uy bị giam cầm mới chính là sự xâm phạm lợ ích công dân của nhà cầm quyền.
 
Đã bắt là phải có tội, dường như là nguyên lý của nhà nước CHXHCN Việt Nam. Luật lệ, quyền lực nằm trong nằm trong tay, họ muốn làm gì mà chẳng được, cho dù bất công đến đâu. Cũng may mà họ không thể tách rời khỏi cộng đồng quốc tế, nên đôi lúc cũng phải xem xét.
 
Các tổ chức nhân quyền quốc tế, báo chí quốc tế lên án mạnh mẽ việc bắt giữ Uy và đòi trả tự do cho anh. Cái ghế uỷ viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà nhà nước cộng sản Việt Nam đang nhắm tời, có lẽ là lý do thúc đẩy một bản án nhẹ hơn.
 
Tuy nhiên, sau phiên toà, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch phát biểu:
 
“Việc Hà Nội phạt tù một người dân dùng Facebook đòi công lý về tội ‘lợi dụng quyền dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ phơi bày cho thế giới thấy các chính sách nhân quyền của Việt Nam đã phá sản. Tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam rút lui ý định tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vì họ không thích hợp và không xứng đáng”.
 
Dù sao đi nữa thì Đinh Nhật Uy cũng không còn bị đoạ đày trong ngôi nhà tù nhỏ. Uy trở về với mẹ, với chị và bè bạn thương quý mình. Còn em trai Đinh Nguyên Kha trong tù, con đường tranh đấu vì sự bất công vẫn tiếp tục. Và như Uy nói với VOA, đài Tiếng nói Hoa Kỳ:
 
“Những việc tôi làm như là lên tiếng bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân hay là đấu tranh chống tiêu cực, hay những việc tôi đưa lên Facebook của bản thân tôi nó không vi phạm pháp luật. Tôi vẫn tiếp tục tôi làm chứ tôi không có gì phải ngần ngại cả. Những việc như bảo vệ em tôi khỏi vụ án chụp lên đầu em tôi là vụ án khủng bố thì tôi phải đứng ra tôi bảo vệ thôi. Và không chỉ riêng về bản thân của em tôi nữa. Những việc nào mà tôi thấy là bất công thì tôi sẽ tiếp tục lên tiếng. Những việc đó làm là có ích cho mọi người chứ không phải là làm xấu cho mọi người. Những gì mà pháp luật không cấm thì bản thân tôi sẽ tiếp tục làm”.
 
Nhưng điều mà tôi xúc động nhất trong vụ án này là sự có mặt của những người tới tham dự phiên toà. Trừ vài người như chị Kim Liên, mẹ của Uy, Nguyễn Thị Nhung (mẹ Phương Uyên) hay Trần Thị Nga, là những người tương đối lớn tuổi, còn lại hầu hết là thanh niên trai gái trẻ trung.
 
Mặc dù phiên toà được tuyên bố xét xử công khai, nhưng tôi vẫn không thể cắt nghĩa nổi, vì sao công an, an ninh, dân phòng, lại có thái độ bắt giữ thô bạo như thế. Sự trấn áp này cho thấy nhà cầm quyền không chấp nhận bất kỳ sự ủng hộ nào của dân chúng với người mà họ cho là tội phạm? Đồng thời, bất luận tiến trình xét xử và kết quả ra sao, họ vẫn cứ ra tay ngăn chặn, không tạo tiền lệ? Họ lo sợ kịch bản tiếp theo nếu tỏ ra nhân nhượng.
 
Mặc dù ở Sài Gòn và những địa phương khác nhau, những người thanh niên đã tề tựu tại Long An để hỗ trợ cho Đinh Nhật Uy. Châu Văn Thi (Yêu Nước Việt) và em gái của Nguyễn Hoàng Vy bị tai nạn giao thông dọc đường đã phải vào bệnh viện cấp cứu.
 
Những người khác, trong chiếc ao thun trắng có biểu tượng 258 gạch chéo và hình của Đinh Nhật Uy với dòng chữ "Tự do cho Đinh Nhật Uy", đã đứng đến trước cổng Toà. Không thân quen ngoài đời, họ thường chỉ biết nhau qua mạng xã hội, nhưng họ bên nhau, đoàn kết, thân ái và hêt long che chở nhau khi hoạn nạn. Họ gặp nhau ở lòng yêu nước, ở tinh thần tranh đấu vì dân chủ và tự do và vì bảo vệ lẽ phải, công bằng xã hội. Không tổ chức nào. Không ai lãnh đạo. Tự nguyện. Một thứ tự nguyện thiêng liêng và cao cả.
 
Đó là, Đào Trang Loan (Hư Vô), Nguyễn Nữ Phương Dung (Miu Mạnh Mẽ), Nguyễn Cao Cường (từ Vinh, Nghệ An), Trương Thị Quang, Phạm Nhật Thúy Vượng, Hoàng Dũng, Nguyễn Phương Uyên, Lê Doãn Cường, Trương Trường Bình, Đỗ Văn Xinh, Nguyễn Hồng Kỳ, Nguyễn Hoàng Vi (An Đỗ Nguyễn), Bùi Thị Nhung (Bé Mập Lai), Vũ Sỹ Hoàng (Hành Nhân), Lê Hồng Phong (Lê Thiện Nhân), Nguyễn Thị Yến Trang (Mí Rưỡi), Nguyễn Thị Kim Thủy, Peter Lâm Bùi, Nguyễn Thị Nhan Hương, Lưu Trọng Kiệt, Trần Đình Kế (Tâm Kế), và nhiều người khác mà tôi không thể kể hết.
 
Khi mọi người đồng thanh hát bài "Việt Nam - Quê hương ngạo nghễ" ở phía ngoài cổng trại giam Long An để chờ đón Đinh Nhật Uy, với những khuôn mặt vui tươi, rạng rỡ, đâu có biết rằng, mới vài giờ trước đó, tất cả họ đều bị xua đuổi, bị hốt lên xe về đồn công an và một số người bị đánh đập dã man.
 
Niềm vui của họ khi công kênh Đinh Nhật Uy lên vai, những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt... mọi thứ đã làm nên một bức tranh sống động tình người, ngay bên cạnh cái nhà tù hoành tráng, khổng lồ, đầy công an mặc sắc phục. Không có sự sợ hãi nào. Cái đau thể xác từ cuộc xô xát với công an biến mất. Trước công lý con người chiến thắng bỗng hồn nhiên, mạnh bạo.
 
Rồi họ tới liên hoan tại một nhà hàng, đi vòng quanh bàn tiệc cùng nhau hát vang bài ca "Dậy mà đi".
 
Tôi chợt nghĩ đến bối cảnh của xã hội Việt Nam hôm nay. Một cái nhìn bi quan về sự vô cảm, chạy theo vật chất, lười biếng nhưng tham lam của giới trẻ Việt Nam. Mà có vẻ là số đông.
 
Họ sẵn sàng, chen chúc hỗn loạn tranh giành những áo mưa miễn phí được Đại sứ quán Hà Lan phát tặng trước cửa Ủy Ban Nhân Dân quận Ba Đình (Hà Nội). Thậm chí nhiều người chạy hẳn lên sân khấu, giật áo mưa từ tay vị đại diện người Hà Lan và các tình nguyện viên. Một việc làm đẹp của toà đại sứ Hà Lan bỗng biến thành quang cảnh lộn xộn, thô thiển, mất văn hoá.
 
Cũng một cảnh khác. Hàng nghìn người chủ yếu là thanh niên đã chen lấn tại một cửa hàng sushi mới khai trương trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) để ăn buffet miễn phí, hôm 25/10.
 
Họ chẳng phải là người đói ăn, đói mặc, tôi nghĩ thế, nhưng vấn đề chính là tâm lý của những kẻ ham chơi, lười biếng nhưng thích hưởng thụ của chùa. Vì miếng ăn, họ bất chấp tất cả. Lòng tự trọng, danh dự đều trở nên vô nghĩa.
 
Đất nước sẽ trôi dạt về đâu với một thế hệ thanh niên như thế? Đạo đức xã hội đã xuống cấp thê thảm, chẳng còn cách nào cứu vãn trong mọi lĩnh vực đời sống. Ý thức hành xử văn minh nơi công cộng đã bị triệt tiêu ngay trong đầu giới trẻ. Điều này thật nguy hiểm.
 
May mắn thay, trong sa mạc mênh mông bạt ngàn cái ác, vẫn có một dòng sông nhỏ. Dòng sông đang chảy và mang lại sức sống. Dòng sông xanh nhỏ ấy chính là những người thanh niên nam nữ trong phiên toà Đinh Nhật Uy.
 
"Mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu từ một nhúm người", nhà dân chủ Ba Lan Adam Michnik đã nói như thế. Trong bóng tối của cuộc tranh đấu còn lắm khó khăn, gian nan, những thanh niên trai gái ấy đang thắp lên những ngọn nến soi đường. Ngọn nến của chính nghĩa và hy vọng! Tương lai của đất nước đặt ở các bạn một niềm tin mãnh liệt và tuyệt đối.
 
Như Peter Lâm Bùi viết:
 
"Hãy lên tiếng, và hãy cứ lên tiếng, vì chúng ta là con người... Chúng ta không phải là những con cừu. Chúng ta không kêu gọi lật đổ hay tranh giành, chúng ta chỉ muốn họ thay đổi, hãy xóa bỏ những điều luật không đúng, sai trái, hãy tôn trọng quyền con người của mỗi người công dân... Hãy thay đổi cả chúng ta và cả họ... Hãy thay đổi... Thay đổi vì Việt Nam, cho Việt Nam".
 
Vâng, các bạn sẽ là người làm nên những thay đổi, người cầm tay người, thế hệ tiếp thế hệ, trước những rào cản của chế độ độc tài toàn trị tưởng chừng như vĩnh cửu.
 
© Lê Diễn Đức - RFA Blog