You are here

Lâu lâu bàn chuyện thi Hoa hậu!

Ảnh của songchi

Song Chi.
Phải nói thật xưa nay tôi ít quan tâm đến những cuộc thi Hoa hậu trong nước và thế giới, nhưng việc các người đẹp VN cứ lần lượt lên đường tham dự các cuộc thi sắc đẹp toàn cầu khác nhau để rồi lại ra về tay trắng, trong lúc ngay cả quốc gia láng giềng Philippines cũng vừa giành được ngôi vị cao nhất tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World) 2013 khiến người viết bài, là một phụ nữ, cũng thấy…chạnh lòng.
Nhận xét một cách khách quan, trong khu vực Đông Nam Á và kể cả Đông Á, so sánh với phụ nữ các nước từ Lào, Cambodia, Thái Lan, Malaysia, Philippines…cho tới Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (vốn đa số xinh đẹp là nhờ giải phẫu thẩm mỹ), con gái VN thuộc vào hàng khá xinh đẹp, có thể đạt 8-8,5/10 điểm theo nhận xét cá nhân của người viết bài. Con gái VN ngày nay cũng không thua sút các nước láng giềng về chiều cao, nhiều cô người mẫu, diễn viên cao trên 1,70-1,80 mét, thậm chí 1, 85 mét như cựu hoa hậu Mai Phương Thúy.
Nhưng thử lạm bàn vì sao nhan sắc Việt chưa tỏa sáng ở các cuộc thi Hoa hậu thế giới?
Chỉ tính từ sau khi đất nước thống nhất, VN đã có cuộc thi Hoa hậu đầu tiên vào năm 1988, do báo Tiền Phong tổ chức. Lúc đầu được gọi là cuộc thi “Hoa hậu toàn quốc Báo Tiền Phong”, sau này đổi thành “Hoa hậu VN”, với tư cách là cuộc thi Hoa hậu quốc gia, cứ hai năm tổ chức một lần. Bên cạnh đó còn có nhiều cuộc thi Hoa hậu lớn nhỏ khác, với nhiều tên gọi khác. Ví dụ, Hoa hậu hoàn vũ VN, Hoa hậu các dân tộc VN, Hoa hậu Thể thao VN, Hoa hậu phụ nữ VN qua ảnh, Hoa hậu quý bà VN, Hoa hậu Biển v.v… Chứng tỏ đất nước này mọi mặt tụt hậu thế nào không biết, nhưng Hoa hậu và Tiến sĩ thì không hề thiếu!
Việc có quá nhiều cuộc thi Hoa hậu được tổ chức khiến đôi khi danh hiệu này không thật thiêng, cũng như có những trường hợp một cô gái được chọn trong một cuộc thi nào đó chưa thật xứng đáng là Hoa hậu, Á hậu, nhưng vì đã có danh hiệu thì sau đó cứ việc sử dụng cái danh ấy mà làm nhiều chuyện khác.
Hiện nay, mặc dù VN đã có một cuộc thi Hoa hậu chính thức cấp quốc gia và cũng có các điều lệ, tiêu chí chọn lựa cho đến trách nhiệm, bổn phận của người đoạt vương miện, nhưng có vẻ như phần trách nhiệm, bổn phận cũng như các biện pháp xử lý kỷ luật Hoa hậu, nếu cần thiết, chưa thật nghiêm.
Chỉ đơn cử một vài ví dụ nhỏ: trong cuộc thi Hoa hậu VN 2008 thí sinh đoạt giải là Trần Thị Thùy Dung vào thời điểm đó chưa tốt nghiệp THPT, nhưng lại làm học bạ giả để có thể tham dự cuộc thi. Khi sự việc bị vở lở, nhiều người cho rằng Tân Hoa hậu không xứng đáng giữ vương miện nhưng ông Dương Xuân Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu VN năm 2008 cho biết:
“Thùy Dung không vi phạm quy chế cuộc thi” vì “Tại hội nghị tổng kết 2 năm thực hiện quy chế thi hoa hậu được tổ chức vào tháng 4-2008, vấn đề sửa đổi quy chế, trong đó có việc sửa đổi điều kiện dự thi của thí sinh đã được đặt ra. Trong đó, thí sinh dự thi hoa hậu không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp THPT mà có trình độ THPT là được. Chúng tôi cứ nghĩ đến tháng 6, quy chế sửa đổi sẽ được ban hành nên thể lệ cuộc thi được xây dựng theo tinh thần quy chế mới… BTC chúng tôi có thiếu sót là “nhanh nhẹn đi trước một bước”…” (“Thùy Dung không vi phạm quy chế cuộc thi”, báo Người Lao Động).
Tuy nhiên, việc thí sinh Trần Thị Thùy Dung đã nói dối, thậm chí làm học bạ “ma” khiến hình ảnh của cô ít nhiều bị mất thiện cảm trong cái nhìn của công chúng ngay sau cuộc thi.
Cựu Hoa hậu Mai Phương Thúy, trong một lần làm người mẫu cho bộ ảnh “Áo dài khoe nét xuân thì” đã bị dư luận chỉ trích, “ném đá” vì tư thế chụp ảnh gợi cảm quá mức, có nhiều ý kiến còn yêu cầu Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam "tước" vương miện của Mai Phương Thúy. Nhưng sự việc rồi cũng được cho qua.
Trích bài: “Bộ phản hồi về việc tước vương miện Mai Phương Thúy” (báo Ngôi Sao):
“Ông Tô Văn Động khẳng định: "Mai Phương Thúy đoạt danh hiệu năm 2006. Theo quy chế Tổ chức thi hoa hậu, việc phong danh hiệu hay tước danh hiệu là của ban tổ chức mỗi cuộc thi, đồng thời ban tổ chức này cũng sẽ tự giải tán sau cuộc thi. Đến năm 2008, Quy chế này mới nói rõ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có quyền tước danh hiệu khi những người đoạt danh hiệu vi phạm những điều quy định trong đó. Vì thế, trước đòi hỏi của dư luận về việc tước danh hiệu của cô ấy, quan điểm của riêng tôi, danh hiệu ấy cũng chỉ là do ban tổ chức cuộc thi quyết định”.
Như vậy xem ra việc muốn tước vương miện một Hoa hậu ở nước này cũng không phải đơn giản, vì tiếng là cuộc thi cấp quốc gia nhưng đến lúc cần truy trách nhiệm thì ai chịu trách nhiệm, quyền tước danh hiệu của Bộ VHTT và DL thì mãi đến năm 2008 mới có, song nếu trong tương lai có những chuyện tai tiếng khó chấp nhận xảy ra với các Hoa hậu, liệu chuyện tước vương miện có xảy ra?
Hầu như các Hoa hậu, Á hậu VN cho tới nay rất ít người không vướng scandal, nếu không xảy ra trước khi có danh hiệu thì cũng là sau đó, nếu không phải chuyện học hành, ứng xử, thì cũng là tình cảm, đời tư.
Ngay đương kim Hoa hậu Đặng Thu Thảo, một người đẹp có vẻ hiền dịu, kín đáo cũng bị vướng vào chuyện bằng cấp ngay sau khi đăng quang. Cô bị một số người nghi ngờ khai báo không trung thực về trình độ học vấn là "sinh viên" đại học Tây Đô khi đăng ký dự thi hoa hậu, trong khi bạn bè cùng lớp cho rằng Thu Thảo chưa tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung cấp và chưa phải là sinh viên hệ cao đẳng. Tuy nhiên, Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Tây đô khi đó là ông Phan Văn Thơm đã lý giải điều này là do nhà trường đã ưu ái cho Thu Thảo được thi đặc cách tốt nghiệp trung cấp trước, sau đó thi liên thông lên cao đẳng để…có điều kiện dự thi hoa hậu. (“Hoa hậu Đặng Thu Thảo hai lần được thi đặc cách”, báo Người Lao Động).
Vấn đề không phải là chuyện các người đẹp đã tốt nghiệp PTTH, đang là sinh viên đại học hay chưa, mà là sự trung thực. Có người sẽ bảo trong một xã hội đầy dẫy những chuyện gian dối tày đình, nhiều chuyện gây thiệt hại nghiêm trọng cho dân cho nước, như xã hội VN, thì chuyện nói dối của các người đẹp chỉ “nhỏ như con thỏ”. Nhưng nếu chúng ta không thật nghiêm từ chuyện nhỏ, thì sẽ không bao giờ thay đổi được cái tình trạng dối trá tràn lan trong xã hội như lâu nay.
Không chỉ khâu xử lý không nghiêm mà phần bổn phận, trách nhiệm của Hoa hậu cũng vậy. Theo quy định, Hoa hậu Việt Nam sẽ là người được lựa chọn hàng đầu, đại diện cho đất nước tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Nhưng có nhiều Hoa hậu sau khi đăng quang lại từ chối tham dự các cuộc thi quốc tế, vì lý do này lý do khác, nhưng cái chính vẫn là…chưa chuẩn bị kỹ, chưa đủ tự tin.
Điều này cũng vừa xảy ra với cựu Hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân, và đương kim Hoa hậu Đặng Thu Thảo, hai khuôn mặt đoạt vương miện năm 2010 và 2012, đã từ chối tham gia Miss World 2012 khiến đơn vị tổ chức đưa người đẹp VN đi dự thi thế giới phải chọn một gương mặt đại diện khác, ít hy vọng hơn, là Hoa khôi thể thao Việt Nam Lại Hương Thảo. Kết quả VN trắng tay ra về.
Bài “Thất bại báo trước ở Miss World: Khi Hoa hậu Việt Nam không dám dự thi” (báo Giáo dục VN) đặt vấn đề:
“…Những năm qua, những người đẹp cử đi (thi thế giới, chú thích của người viết bài này) đa số là những Á hậu. Ba Hoa hậu Thùy Dung, Ngọc Hân, Đặng Thu Thảo đều không được hoặc từ chối “không dám” dự thi. Nhiều người đặt câu hỏi: liệu việc dự thi hoa hậu thế giới có phải là trách nhiệm của Hoa hậu Việt Nam?
Nếu đó là trách nhiệm thì việc Ngọc Hân, Thu Thảo từ chối tham dự Miss World liệu có xứng đáng với chiếc vương miện mà các cô đang đội trên đầu?
Nếu việc dự thi Hoa hậu thế giới không phải là trách nhiệm của Hoa hậu Việt Nam thì chúng ta tổ chức thi Hoa hậu Việt Nam để làm gì? Phải chăng chỉ để cho có người được “phong” là Hoa hậu?”
Chốt lại, khi đã có một cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia thì từ tiêu chí chọn lựa cho đến trách nhiệm của Hoa hậu trong thời gian giữ vương miện, việc “kỷ luật” ra sao, phải nghiêm túc thì mới tránh được những chuyện lùm xùm xảy ra.
Thêm một điều băn khoăn khác là khi cuộc thi kế tiếp được tổ chức, vương miện được trao cho cô gái khác, Hoa hậu lần trước từ lúc đó lẽ ra chỉ còn được gọi là cựu Hoa hậu, không phải như ở VN đã Hoa hậu thì là Hoa hậu…cả đời, báo chí lúc nào cũng gọi là Hoa hậu A, hoa hậu B, cho dù đã đoạt giải từ 5, 10 năm về trước. Điều đó vô hình trung cũng tạo áp lực cho các cựu hoa hậu, khi cứ phải giữ gìn hình ảnh của mình không chỉ trong thời gian đội vương miện mà là…nhiều năm sau!
Đến việc đem chuông đi đánh xứ người. Các người đẹp VN đi dự thi Hoa hậu tại các cuộc thi lớn trên thế giới thường ra về tay trắng, lần may mắn lắm hình như chỉ lọt vào vòng 15, 20 người.
Về điều này báo chí, dư luận cũng đã chỉ ra. Thứ nhất, bản thân các người đẹp VN về mặt nhan sắc có thể không đến nỗi nào, nhưng phần ngoại ngữ (thường chỉ cần tiếng Anh là đủ), kiến thức, phong cách, sự tự tin, khả năng hội nhập, những tài năng lẻ để thi thố tại các cuộc thi…thường thua sút so với các người đẹp của nhiều quốc gia khác.
Có nguyên nhân xuất phát từ nền tảng học vấn-nói thật kiến thức bách khoa có được từ 12 năm học phổ thông trung học ở mái trường xã hội chủ nghĩa VN so với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới là thua kém hẳn, nếu học sinh không tự đọc thêm, tìm hiểu thêm từ sách báo và các nguồn kiến thức, thông tin khác.
Có nguyên nhân từ sự đào tạo. Nhiều quốc gia có chiến lược đào tạo hoa hậu rất bài bản, một thời gian dài trước khi dự thi, không như VN, các Hoa hậu thường chỉ được đào tạo gấp rút chừng 1, 2 tháng, theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. (Chợt nghĩ, không hiểu sao người Việt, vốn cũng nhạy bén trong khâu kinh doanh lại không nghĩ đến chuyện mở trường đào tạo Hoa hậu một cách chuyên nghiệp nhỉ. Bảo đảm đông người đẹp đến học vì cái danh xưng Hoa hậu, Á hậu, người mẫu bây giờ ở nước ta là…hái ra show, ra tiền, ra…đại gia!)
Và cuối cùng, cũng cần phải lưu ý, ngay cả trong cuộc thi hoa hậu lớn nhất ở VN, goût chọn lựa của Ban Giám khảo nhiều khi không phải bao giờ cũng đồng thuận với cái nhìn của đám đông (có trường hợp Hoa hậu bị dư luận cho là không đủ đẹp), hoặc không đi theo một chiều hướng với goût thẩm mỹ của nhiều cuộc thi Hoa hậu lớn trên thế giới. Ví dụ, thế giới chuộng vẻ đẹp lạ, cá tính, hiện đại, nóng bỏng với khuôn mặt góc cạnh, làn da rám nắng thì VN nhiều khi lại thích nét thuần Việt, hiền hậu, gương mặt tròn hoặc trái xoan, da trắng…
Một số Hoa hậu có nét đẹp hơi không thuần Việt thường không được dư luận ủng hộ ngay từ đầu, ngay chính Trương Thị May người đang lên đường dự thi Miss Universe năm nay vốn có sắc đẹp lạ, nhưng nhiểu người lại cho là…không đẹp vì da ngăm chẳng hạn.
Ban Giám Khảo phải có đầu óc cởi mở, hiện đại, vô tư không định kiến, phải cập nhật xu hướng, tiêu chuẩn chọn lựa sắc đẹp của thế giới, tránh tình trạng người mà chúng ta cho là đẹp thì với thế giới chỉ là…thường thường, nhạt nhòa, không cá tính và ngược lại. Bởi vì mục tiêu của việc chọn lựa Hoa hậu VN còn là để đi thi thế giới nữa.
Có thể có nhiều người cho rằng đối với xã hội VN bây giờ còn có bao nhiêu vấn đề khác quan trọng, cần phải bàn đến hơn là chuyện thi cử trong, ngoài nước của các Hoa hậu. Nhưng bất cứ vấn đề nào cũng đều là chuyện sĩ diện quốc gia cả. Đã không tổ chức thi Hoa hậu trong nước, không cử đại diện VN đi dự thi thế giới thì thôi, còn đã làm thì phải tính đến chuyện có kết quả tốt, bởi vì như đã nói, ngay cả Philippines gần đây cũng bắt đầu gặt hái được những kết quả cao tại các cuộc thi nhan sắc trên thế giới.
Nếu không chuẩn bị kỹ thì việc nhan sắc Việt tiếp tục trắng tay trong nhiều năm nữa, là điều có thể thấy trước.