You are here

Về Lại Núi Rừng

Ảnh của tuongnangtien

 Sổ Tay Thượng Dân Tưởng Năng Tiến 

Người miền núi muốn ôm khung trời.
Trời tự do giữ trong vòng tay.
 Tiếng Trống Cao Nguyên – Y Vân

 Hôm 8 tháng 8 năm 2013, báo Dân trí đi tin:
 
“Chiều ngày 7/8, người dân và công an huyện Tây Trà đã tổ chức tìm kiếm đưa hai cha con người dân tộc Cor hơn 40 năm sống trong rừng, trở về địa phương…
Sống biệt lập trong rừng, ông Thanh và con trai tự chế tạo dụng cụ như rìu, dao từ mảnh sắt vụn của bom đạn, sử dụng vỏ cây khô làm khố mặc che thân, ăn uống bằng củ mì, bắp, lá cây và tự dựng túp lều trên thân cây cao khoảng 6m để phòng thú rừng.
Hiện hai cha con ông Thanh đã được đưa về xã Trà Phong (nơi ở cũ). Lực lượng chức năng tổ chức canh giữ, đặc biệt với người con Hồ Văn Lang thường xuyên có biểu hiện chạy trốn về lại rừng.”
 

Người con Hồ Văn Lang luôn muốn bỏ trốn về lại rừng.
Ảnh và chú thích của Hồng Long
 
Về sự kiện này, có không ít lời bàn (ra) nghe không vui vẻ mấy:
- Blogger Khải Đơn:
“Chuyện bắt đầu lãng nhách, bỗng nhiên một ngày nọ, có 1 đoàn người bu vô rừng tóm cổ hai cha con ông già 80 tuổi tên Hồ Văn Thanh và đứa con hơn 40 tuổi tên Hồ Văn Loan ra, và tuyên bố rằng mình ‘giải cứu’ được họ – người rừng.
 
- Blogger Nguyễn Quang Vinh:
 
“Tôi không coi việc lôi tuột cha con ông Lang từ trong rừng sâu ra mà gọi là ‘giải cứu’, là nhân đạo,‘trách nhiệm’, không, bởi vì bản chất của sự giải cứu không nằm ở trường hợp này, người ta ăn ở ổn định 40 năm, đùng đùng vào vây, bắt, trói, cùm, lôi cổ về rồi đồng thanh to mồm ‘giải cứu’ là nghĩa làm sao…
 
Chưa có một tờ báo nào có một bài tử tế với bạn đọc nhìn về khoa học nhân văn về thân phận của hai con người này, chỉ toàn là những chi tiết hiếu kỳ, và có vẻ như họ -NGƯỜI RỪNG, cuối cùng chỉ là phương tiện không hơn không kém cho báo chí ngấu nghiến tin bài ảnh và cho địa phương và gia đình hưởng lợi mà thôi, nói ác hơn chút, như hai con thú lạ trong công viên mà thôi. Tính nhân văn đã bị hoen ố, đã bị chà đạp, đã bị lợi dụng, đã bị biến chất, đã bị kinh doanh theo rất nhiều hình thức…
 
Rồi cũng sẽ qua hết. Vài tháng nữa, sẽ không còn ai về coi, không còn nhà báo nào đưa tin, lắng xuống, phẳng lỳ, và lúc đó, thậm chí ‘người rừng’ có khi ngửa nón đi ăn mày cũng chẳng ai hay, vì người “giải cứu” đã hoàn thành nhiệm vụ, kẻ bôi chuyện cũng đã xong, còn lại những đêm trắng bất an của cha con họ, còn lại cuộc sống lớ ngớ, vụng dại, bất cẩn, bế tắc của cha con họ…
 
Tôi muốn thay họ – cha con ông Lang – để hét lên: Câm hết đi, giải tán hết đi, quên chúng tôi đi như đã quên 40 năm, để chúng tôi yên ổn, để chúng tôi trở lại rừng, để chúng tôi tự do...”
 
Trời, tưởng gì chớ ở trong vòng tay nhà nước CHXHCNV mà đòi sống “tự do” thì đâu có được – cha nội? Còn viễn tượng về một cuộc sống “lớ ngớ, vụng dại, bất cẩn, bế tắc của cha con họ” coi như là… cầm chắc. Không tin, xem lại (Wikipedia) “cuộc hành trình về với cộng đồng” của người Rục là biết liền hà:
 
“Tộc người Rục được một tiểu đội công an Quảng Bình phát hiện vào ngày 12 tháng 8 năm 1959 trong hang sâu tại vùng hang động Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc xã Thượng Hóa huyện Minh Hóa (Quảng Bình) gồm 11 hộ với 34 người. Người Rục có tập quán rất lạc hậu, quen ở hang sâu, săn bắt, hái lượm, nhưng họ cũng có một cuộc sống tinh thần phong phú với những nhạc cụ núi rừng như đàn trơ bon, đàn môi, sáo dọc và làn điệu cà lưm cà lềnh. Do tập quán lạc hậu, sống trong hang đá, săn bắt, hái lượm tận rừng sâu, người Rục có nguy cơ suy giảm dân số hết sức nghiêm trọng.Trong hơn 40 năm, người Rục đã làm một cuộc hành trình về với cộng đồng.”
 
Họ về tới đâu rồi?
 
Cứ theo như báo Quân đội nhân dân (số ra ngày 2 tháng 1 năm 2011) thì “người Rục đã vào hợp tác xã,” và “mô hình này đang được bà con người Rục hồ hởi đón nhận!”
 
Thiệt là quá đã, và quá đáng.
 
So với bước (“chân dép lốp đi vào vũ trụ”) của người miền xuôi thì đồng bào rục –  rõ ràng – tiến nhanh, và tiếng mạnh hơn gấp triệu lần. Họ phóng (cái rẹt) từ thời kỳ săn bắt & hái lượm, nhẩy băng băng qua qua giai đoạn bán định canh và định canh, bỏ qua luôn giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, để bước (cái rột) lên chủ nghĩa xã hội chỉ trong một thời gian kỷ lục: năm mươi năm chẵn.
 
Tuy nhiên, mười tháng sau – sau khi người Rục “đã vào hợp tác xã” –  vào hôm 24 tháng 10 năm 2011, blogger Cu Làng Cát  (chợt) nhận ra có điều… rất lạ:
“Người Rục rời hang đá 50 năm đã có chi bộ Đảng, hội phụ nữ, hội thanh niên, đoàn viên, hội phụ nữ, hội nông dân… tức là đủ thứ hội. Mình thấy thế thì quả là thiên tài cho ai sắp xếp được ở đây các hội này.
 
Nhưng hội đầy đủ thế mà bà con vẫn 6 tháng không có gạo ăn là nỗi đau vô cùng. Nhà nước trợ cấp 6 tháng gạo, mỗi khẩu 15kg một tháng cho người Rục, 6 tháng còn lại chỉ biết sắn và củ quả rừng… Và Việt Nam là cường quốc xuất khẩu lúa gạo mà người Rục đói gạo là rất lạ.”
 
Lạ hơn nữa là mới hơn hai tháng trước, theo báo Công an nhân dân (số ra ngày 20 tháng 7 năm 2011) ngay trong vụ thu hoạch lúa đầu tiên, mỗi gia đình người Rục  đã nhận được “cả tấn thóc” cơ mà:
 
“Mặt trời vừa ló rạng bằng con sào, cả bản Mò o Ồ Ồ như bừng tỉnh bởi tiếng cười, tiếng nói mùa vui giữa cánh đồng rộng 10 ha lúa vàng rực giữa thung lũng Trường Sơn. Đã nhiều lần lên với đồng bào Rục, nhưng con đường, ngõ xóm, những mái nhà thân thương của bà con hôm nay thấy thật lạ. Niềm vui của bà con đã lan toả đối với chúng tôi…
Dưới ánh nắng gắt gao của ngày hè, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng và bà con dân bản vẫn thoăn thoắt công việc của nhà nông. Sau ba tháng cày sâu, cuốc bẫm; sau nhiều năm chờ đợi giờ được gặt thành quả lao động do mình tạo ra nên bà con dân bản ai cũng phấn chấn. Niềm vui vỡ oà trong ánh mắt…
Lần đầu tiên nhiều hộ gia đình nơi đây được nhận gần cả tấn… Cái đói bị đẩy lùi xa tít tắp.”
 

Cái đói (có lẽ) chỉ “bị đẩy lùi xa tít tắp” trên… mấy mặt báo Công an thôi. Còn trên trang mạng của blogger Cu Làng Cát, độc giả lại nhìn thấy nó qua những “ánh mắt” (vô cùng) buồn bã:

 

Ảnh chụp hôm 24 tháng 10 năm 2011

Ảnh chụp hôm 24 tháng 10 năm 2011
Nếu hai cha con người dân tộc Cor mà nhìn thấy những hình ảnh của đồng bào Rục (bây giờ) thì e rằng họ sẽ lo âu (lắm) về cuộc sống của chính mình – mai hậu.
 Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!
 
Mà họ nào có cần nghĩ ngợi xa xôi hay lâu lắc gì đâu.Vừa mới được “giải cứu” xong hôm trước, qua hôm sau hai cha con người dân tộc Cor đã (lật đật) xin được… về lại núi rừng ngay – cho nó chắc ăn – theo như tường thuật của  ký giả  Minh Tú, báo Đất Việt:
 
Cha anh Lang, ông Thanh luôn thốt lên giọng điệu thương nhớ núi rừng:“tra xú mờ gót”(muốn trở về rừng, thăm rẫy). Ở làng có người hỏi anh Lang:“xun manh lé” (thích ở đâu), Lang đáp không chần chừ:“manh gốc” (thích ở rừng).
 
Báo Dân trí, số thượng dẫn, cũng ghi nhận tương tự: “Lực lượng chức năng tổ chức canh giữ, đặc biệt với người con Hồ Văn Lang thường xuyên có biểu hiện chạy trốn về lại rừng.”
 
Cái “biểu hiện” này cũng “thường xuyên” tìm thấy trong cộng đồng người Rục. Ông Cao Pang, hiện vẫn đang cư trú trong một hang đá, mới nói với phóng viên của báo Gia Lai: (vào hôm 8 tháng 6 năm 2013) như sau: “Ở rừng thích hơn, tiện hơn, yên tĩnh hơn! Về bản ở vài bữa lại nhớ rừng không chịu được! Cái nhớ ấy khó nói lắm!”
 
Thằng chả ở hang mà sao cư xử và ăn nói tế nhị hết sức. Chớ không lẽ lại nói trắng phớ ra rằng cái cách tổ chức xã hội hiện nay, ở đất nước này – với chi bộ đảng, hội phụ nữ, hội thanh niên, đoàn viên, hội phụ nữ, hội nông dân… tức là đủ thứ hội – khiến cho mấy cái cột đèn còn (nhấp nhổm) muốn đi thì có người nào mà muốn ở lại, bất kể là người rừng hay người Rục.