You are here

Người cộng sản phản tỉnh kiên hùng

 
Lê Diễn Đức

 
Tròn 11 năm ngày Tướng Trần Độ mất, 9/08/2002 - 9/08/2013.
 
Nếu nói về những hình ảnh phản tỉnh trong giới chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thì khó có ai có thể đứng sánh bên cạnh Tướng Trần Độ.
 
Kể cả Trần Xuân Bách, là Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung Ương Đảng, nhưng ông cũng chỉ dừng lại ở mức có tư tưởng cải cách, muốn đa nguyên chính trị. Tuy thế, ông chưa hề có hành động thực tiễn nào và tư tuởng của ông được chấm dứt bằng việc ông bị hạ bệ (năm 1990) và "không được đi nước ngoài, không được gặp hay tiến xúc với người nước ngoài, tất cả những gì về ông bỗng dưng trở nên kín kẽ. Và ông trở thành nhân vật vô danh tiểu tốt kể từ năm 1990 cho đến ngày ông qua đời" (2006).
 
Theo wikipedia, Tướng Trần Độ tên thật là Tạ Ngọc Phách, sinh ngày 23/09/1923, trong một gia đình công chức ở xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Bố ông là thư ký ở Toà thông sứ tại Hà Nội, thường gọi là quan phán.
 
Là người theo cách mạng từ lúc còn rất trẻ, 16 tuổi ông đã đi theo cách mạng, 17 tuổi gia nhập đảng Cộng sản Đông Dương (1940) và bị bắt giam qua nhiều nhà tù… rồi trốn thoát và tiếp tục hoạt động.
 
Năm 1946, ở tuổi 23, ông làm Chính ủy Mặt trận Hà Nội, sau đó ông tham gia làm báo Vệ quốc quân (sau này là báo Quân đội Nhân dân) trực thuộc Cục Chính trị, từ số 21 trở đi ông là Chủ nhiệm báo.
 
Năm 1950, ông làm Chính ủy Trung đoàn Sông Lô, rồi Chính ủy Đại đoàn 312. Năm 32 tuổi (1955), ông là Chính ủy Quân khu 3 và đến năm 1958 được phong hàm Thiếu tướng.
 
Cuối năm 1964, ông vào miền Nam Việt Nam với bí danh Chín Vinh, cùng với các tướng Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hòa, Hoàng Cầm để gây dựng lực lượng vũ trang chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa và giữ chức Phó Chính ủy và Phó Bí thư Quân ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
 
Tháng 3 năm 1974, ông được phong hàm Trung tướng cùng đợt với Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung, Đồng Sĩ Nguyên. Từ năm 1974 đến năm 1976, ông giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
 
Chuyển sang ngạch dân sự, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách văn hóa văn nghệ. Khi Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương được thành lập (1981), ông giữ chức Trưởng Ban, kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa.
 
Ông cũng là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước (1989-1992).
 
Ông là Ủy viên Trung ương ĐCSVN các khóa 3 (dự khuyết từ năm 1960 đến năm 1972), 4, 5, 6 (1960-1991).
 
Như vậy, dường như gần cả cuộc đời, Tướng Trần Độ đã đi theo Đảng CSVN, sống chết vì Đảng và giữ những chức vụ quan trọng. Chính ông là người đã góp phần vào việc thiết lập nên chế độ và bảo vệ nó.
 
Tư tưởng phản tỉnh của tướng Trần Độ nảy nở sớm, ngay khi còn đương chức đương quyền, từ năm 1974, thông qua trải nghiệm "đi một quãng đàng, học một sàng khôn".
 
Vào tháng 10 năm 2007, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành cuốn "Chuyện tướng Độ" của nhà văn Võ Bá Cường. Cuốn sách mô tả chân dung của Tướng Trần Độ, một vị tướng tài ba, đồng thời cũng là nhà văn đã gắn chặt đời mình vào cây súng.
 
Trong cuốn sách có thuật lại một đoạn, đại ý: sau 1974 đi công tác tại Cộng hòa Dân chủ Đức, ông đã nhận ra rất nhiều điều chưa ổn trong nguyên lý cũng như thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa. Ông đã viết một bức "Thư tâm huyết", dài 14 trang, trình bày tất cả những gì ông thấy, suy nghĩ và mong muốn gửi tới lãnh đạo ĐCSVN. Trong thư ông nói về sự nhầm lẫn khái niệm trong lý luận của Stalin và dự báo những hậu quả của nó, ông hiến những giải pháp, không hề né tránh cả những điều mà ngày ấy nói ra rất khó nghe, chấp nhận gặp nguy hiểm. Giải pháp đáng chú ý nhất là ông đề nghị mời những nước có nền kinh tế phát triển vào hợp tác đầu tư, bất kể đó là nước xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa.
 
Bắt đầu giữ chức Trưởng ban Văn Hoá Văn nghệ, ông đã thuyết phục Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, soạn thảo và cho ra Nghị quyết 5, vào tháng 12/1986, nới lỏng kiểm duyệt mà người ta vẫn dùng từ "cởi trói" cho giới văn hoá, văn nghệ. Nhờ Nghị quyết này, tự do sáng tạo nghệ thuật phát triển, sách báo được lưu hành dễ dãi hơn, các tác phẩm của văn nghệ sĩ trước bị cấm vì lập trường chống cộng sản của Nhất Linh, Khái Hưng được tái bản. Trong giai đoạn này, những tác phẩm hay và giá trị đã ra đời cùng với những tên tuổi còn danh tiếng đến hôm nay như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Trần Huy Quang...
 
Ông nói:
 
"Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp".
 
Kinh hoàng và lúng túng trước sự kiện hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc trên Quảng trường Thiên An Môn biểu tình đòi cởi mở chính trị và các quyền tự do dân chủ, đã bị đàn áp đẫm máu, cùng với sự sụp đổ của hệ thống cộng sản tại Đông Âu, ĐCSVN đã chấm dứt ba năm tiến trình "cởi trói" này.
 
Với hội nghị Thành Đô tháng 9/1990, bắt tay với tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải, bám víu vào thành luỹ ý thức hệ cuối cùng để giữ chế độ, ĐCSVN đã khai tử những đòi hỏi về dân chủ và đa nguyên chính trị.
 
Mặc dù không áp dụng hẳn phuơng thức "mèo nào cũng được, trắng cũng như đen, miễn bắt được chuột" của Đặng Tiểu Bình, những năm đầu của thập kỷ 90, để cứu vãn nền kinh tế suy sụp, nhà cầm quyền CSVN buộc phải mở cửa ra thế giới bên ngoài, kêu gọi đầu tư và khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân.
 
Trong bối cảnh nửa dơi, nửa chuột của một nền "kinh tế thị trường định huớng xã hội chủ nghĩa" hoang dã va man rợ, tự do kinh tế nhưng đóng kín chính trị, bất công và bất bình đẳng xã hội nảy sinh ngày một nặng nề. Cảnh dân oan khiếu kiện mòn mỏi vì bị tước đoạt đất đai, công nhân trong các khu công nghiệp sống lam lũ, xây dựng các dự án bất chấp huỷ hoại môi trường, luật lệ hỗn loạn, tệ nạn rút ruột công trình, tham nhũng trở nên nhức nhối, không thể nào ngăn chặn...
 
Là nhân chứng của cuộc sống đương thời, Tướng Trần Độ không thể không đau lòng. Ông tiếp tục lên tiếng, công khai một cách can đảm. Và kết quả là ngày 4/01/1999 ông bị khai trừ khỏi đảng sau 58 năm "sống cùng đảng chết không rời đảng". Tháng 7 năm đó, trong một lá thư ông viết:
 
“Tôi là đảng viên bị khai trừ. Tôi bị khai trừ là phải. Nếu không khai trừ tôi thì có lúc tôi phải xin ra khỏi cái đảng này. Tôi không thế chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều, bảo thủ, khó cho đất nước phát triển. Tôi cũng không thể chấp nhận phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị chuyên chế, phản dân chủ”.
 
Ngày 3/12/2000, xem xã hội như bốn bánh xe của một cỗ xe: - Một xã hội công dân - Một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh chứ không định hướng gì lôi thôi - Một nhà nước pháp quyền - Một nền dân chủ đầy đủ, ông viết:
 
“Cái điều mà chủ nghĩa Mác, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa tưởng rằng nhờ có nó sẽ có một bộ máy nhà nước bảo đảm đựơc mọi mặt nhu cầu đời sống của mọi người chỉ là một ảo tưởng hão huyền. Thế mà đảng lại cứ bắt mọi người phải tin theo vào cái ảo tưởng hão huyền đó. Như thế là phạm vào một tội ác lớn với nhân dân".
 
Dường như có lúc ông cũng bất lực nhìn nhận bản chất của chế độ độc quyền cai trị bằng bạo lực của ĐCSVN, tạo nên một xã hội nhiễu nhương, nền tảng đạo đức truyền thống bị huỷ hoại, cái ác lên ngôi:
 
Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
 Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
 Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.
(Trần Độ)
 
Ông mất ngày 9/08/2002, nhưng mãi đến ngày 13/08 báo chí mới loan tin, và tối ngày 13/08 cô phát thanh viên không mặc áo tang đen mà vận chiếc áo hoa trên TV, mới đọc thông báo. Tuy vậy đông đảo những người mến mộ ông ở Hà Nội và những tỉnh sát Hà Nội vào sáng ngày 14/8 đã kịp về viếng.
 
Đến cả khi ông đã chết, nhà cầm quyền vẫn lo sợ, hèn nhát và cực kỳ vô nhân đạo. Các vòng hoa có băng tang "Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ" bị giữ từ ngoài cổng và phải vứt bỏ dòng chữ "Vô cùng thương tiếc" cùng hai chữ "trung tướng". Vòng hoa của thượng tướng Lê Ngọc Hiền bị bỏ đi hai chữ "đồng chí'. Vòng hoa duy nhất được giữ nguyên là của tướng Giáp: "Thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
 
Ông Vũ Mão, đại diện Văn phòng Quốc hội, đọc điếu văn, có nhắc tới những chức vụ mà tướng Trần Độ đã đảm nhiệm và nói "rất tiếc là ông Trần Độ cuối đời đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng"...
 
Con trai trưởng của ông, sau khi kể những tình cảm với người bố và cám ơn tất cả mọi người tới dự tang lễ, đã nói: "Tôi thay mặt gia đình xin phép không tiếp nhận lời điếu của vị đại diện Văn phòng Quốc hội".
 
Kết luận
 
Tuớng Trần Độ là một hình ảnh nổi bật về sự ngộ nhận con đường đi theo ĐCSVN. Những khẩu hiệu "dân cày có ruộng", "đại biểu của giai cấp công nhân tiên phong", "ấm no hạnh phúc"... chỉ là trò lừa mị, bịp bợm. Ông không cải lương, nửa vời, chỉ muốn ĐCSVN thay đổi để giữ chế độ, mà thấy cần phải thay đổi tận gốc, bãi bỏ hoàn toàn sự độc quyền và đặc quyền, đặc lợi của ĐCSVN.
 
Là biểu tượng của khát vọng tự do, dân chủ, cuơng quyết và nhất quán, ông đã cho mọi người thấy rất rõ sự phản bội, phản phúc, đểu cáng của tập đoàn lãnh đạo hôm nay, một băng đảng mafia, bòn rút, chia chác lợi ích, làm khánh kiệt đất nước.
 
Ông là người cộng sản đã phản tỉnh sáng suốt, với khí phách kiên hùng:
 
Công thần không làm phách
Danh toại chẳng cầu nhàn
Bút thần vung mấy độ
Ðáng mặt đại nghĩa quân.
(Trần Khuê)
 
Nhân ngày giỗ ông, xin được thắp nén nhang cầu mong ông an nghỉ nơi suối vàng và nếu hồn ông linh thiêng, hãy phù hộ cho con cháu vượt qua gian nan và khó khăn trong cuộc tranh đấu vì tự do dân chủ này.
 
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog

 

Bài bình luận

anh Duc lien lac nhe kangen112@gmail.com