You are here

Cách mạng không đơn giản như ta nghĩ

 

Kami
-
Mấy ngày vừa qua, cuộc đảo chính ở Ai cập là đề tài gây tranh cãi, báo chí phương Tây cũng có những đánh giá và nhìn nhận khác nhau. Nhưng chắc chắn việc quân đội Ai cập tiến hành đảo chính chính quyền dân cử của tổng thống Mohamed Morsi sẽ đưa đất nước Ai cập vào tình trạng hỗn loạn và cực điểm sẽ là một cuộc nội chiến mang màu sắc của tôn giáo. Hậu quả khó ai mà lường hết.

Còn nhớ, vài năm trước, khi xảy ra các biến cố ở Tunisia, Lybia, Ai cập... trong phong trào Mùa xuân Ả rập, mà ở đó người dân ở các quốc gia trên đã vùng lên để hạ bệ các chính quyền độc tài. Ở thời điểm đó bên cạnh không ít người hy vọng là rất nhiều người khẳng định điều đó sẽ xảy ra ở Việt nam. Lúc ấy trên nhật báo Người Việt online, anh Vũ Qúy Hạo Nhiên đã liên lạc với tôi, đề nghị cho báo lấy ý kiến của tôi khi cho rằng "Chưa thể có một cuộc cách mạng Hoa nhài ở Việt nam vào lúc này", để tổ chức một cuộc thăm dò dư luận. Và kết quả khoảng đã có 72,7 % ý kiến cho rằng sẽ có một cuộc cách mạng xảy ra ở Việt nam vào thời điểm đó. Khi xem kết quả, tôi cho rằng kết quả ấy là kết quả của sự cảm tính, chứ không phải kết quả của lý trí. Đáng tiếc trong số những người mắc sai lầm ấy có không ít những người là chính trị gia. Khi ấy tôi tự hỏi những người này họ không biết hay họ vô trách nhiệm. Sao họ lại nghĩ sẽ làm cách mạng bằng sự cảm tính? Và không hiểu các nhà cách mạng ấy, đến bây giờ họ đã bao giờ ngồi suy nghĩ hay tranh luận một cách nghiêm túc vấn đề này chưa? Tôi thì chắc là chưa! Như thế thì những người mong muốn có sự thay đổi còn hy vọng gì?
 
Tạo hóa ban cho muôn loài, kể cả con người tính phản kháng. Có lẽ vì phải phản kháng thì tất cả mới có thể tồn tại. Bây giờ cũng thế, ở các chế độ độc tài sự phản kháng luôn thường trực trong lòng dân, vì ai cũng mong mỏi có một sự thay đổi với nhiều lý do khác nhau. Nhưng mẫu số chung là sự căm ghét chính quyền. Cách mạng mầu, Mùa xuân Ả rập... là các cụm từ để chỉ sự nổi dậy của dân chúng ở các quốc gia độc tài nói chung. Ở đó quyền lực của nhân dân trong việc chọn ra cho mình một chính quyền thông qua các đại diện đại biểu nhân dân để phục vụ họ bị cưỡng đoạt một cách công khai, trắng trợn trong một thời gian dài. Và tức nước rồi sẽ vỡ bờ là sự tất yếu. Mọi bức xúc hay hận thù của dân chúng với chế độ, sau một thời gian dài bị đè nén sẽ bùng nổ khi có điều kiện. Đó là cách mạng.
 
Để có được một cuộc cách mạng là hoàn toàn không dễ, không đơn giản là sự chán ghét và hận thù của dân chúng là đủ. Mà nó còn rất nhiều những yếu tố khác cần phải có, nhưng sự cảm tính dứt khoát là không cần thiết và đôi khi không có lợi. Vấn đề quyết định sự thành công của một cuộc cách mạng, theo lời của Lê nin đó là "Tổ chức, tổ chức và tổ chức". Chỉ có thế!
 
Tất cả các nhà cầm quyền độc tài đều lo sợ sự thay đổi, với họ sự thay đổi - cách mạng là sự trả thù và họ biết cái giá họ phải trả. Do vậy, khi bị sức ép đến chân tường thì họ sẵn sàng có các hành động dã man, phi nhân tính như dùng vũ khí hóa học hay dùng xe bọc thép xả súng vào các đoàn biểu tình... Đó là điều dễ hiểu, bởi bản chất con người là tham lam nhất là trong vấn đề quyền lực, khi quyền lực của họ đang đứng giữa cái ranh giới còn và cái mất, thì họ bất chấp tất cả. Kể cả hủy diệt cả một dân tộc họ cũng dám làm. Đó là điều chúng ta phải lường tới.
 
Nhưng một cuộc cách mạng không chỉ đơn giản là huy động được 1.000 người, 1 vạn người hay 1 triệu người xuống đường. Mà cái khó là ở chỗ bạn sẽ giải quyết với khối người khổng lồ ấy như thế nào, về các vấn đề ăn, ngủ hay các vấn đề vệ sinh cá nhân trong 5-10 ngày? Cơm đâu cho họ ăn, nước đâu chọ họ uống và tắm rửa.... Một điều tưởng chừng đơn giản, đó là đám đông khổng lồ ấy họ sẽ giải quyết vấn đề vệ sinh ở đâu? Bạn thử nghĩ đi! Tóm lại là việc lôi cuốn họ xuống đường đã khó và giữ chân họ càng khó hơn. Tất cả đều chỉ có thể giải quyết bằng tiền, tiền không có hay có không đủ xin bạn đừng nằm mơ. Không tin bạn cứ suy từ bạn ra xem có đúng không?
 
Đi biểu tình chơi một buổi, một ngày với điều kiện có tổ chức hẳn hoi thì có đấy, sẽ có không ít người tham gia, nhưng với hoàn cảnh ngày hôm nay như ở Việt nam thì sẽ không có nhiều. Còn ngủ lại một đêm, tức là hai ngày thì vố số những cái phát sinh sẽ hỏi thăm bạn như tắm, giặt, vệ sinh, chỗ ngủ... Bạn có thể bảo 2 ngày một đêm bạn sẽ chịu được, vậy đêm thứ 2 ngày thứ 3 thì sao, bạn đã nghĩ chưa? Và những người khác, họ cũng nghĩ y như bạn đó là điều chắc chắn. Nhưng nếu như trong túi các bạn có nhiều tiền thì khỏi phải nói, mọi nhu cầu của bạn sẽ được thỏa mãn.
 
Kinh nghiệm ở Thái lan, một quốc gia mà quyền biểu tình được luật pháp bảo hộ và tôn trọng, người ta thường thấy có rất nhiều các cuộc biểu tình của dân chúng diễn ra thường xuyên. Bất kỳ cái gì không vừa lòng hay không được thỏa mãn là người dân tiến hành biểu tình. Nhỏ nhẹ thì dăm ba chục người cầm cờ, khẩu hiệu, loa phóng thanh tụ tập ở một chỗ nào đó để lên tiếng. Chừng ít phút sau là cảnh sát, nhà báo đến như thường lệ. Hô hào một hồi thì có đại diện "bị đơn" ra nhận yêu sách và hứa sẽ xem xét giải quyết. Xong xuôi thì ai về nhà nấy. Lớn hơn một chút, thì người biểu tình sẽ dùng xe ô tô và bức tường người để chặn đường giao thông huyết mạch. Và kịch bản tiếp theo cũng tương tự, cũng cảnh sát, cũng nhà báo. Nhưng chỉ khác bên bị đơn lúc này là quan chức cấp cao hơn ra nhận yêu sách và hứa sẽ xem xét giải quyết. Và giải tán.
 
Lớn nhất là các cuộc biểu tình về chính trị do các đảng phái hay nhóm chính trị tổ chức, đây là chuyện đáng bàn. Các cuộc biểu tình này cùng một mục đích khác nhau là nhằm hạ bệ chính phủ, song cấp độ và mức độ lại khác xa nhau. Có những cuộc biểu tình hàng trăm nghìn người tham gia kéo dài cả tháng, song cũng có các cuộc biểu tình chỉ vài nghìn hay vài ba trăm người với thời gian kéo dài vài ngày thậm chí chỉ vài giờ đồng hồ. Vì sao lại như vậy và điều gì là yếu tố quyết định? Xin thưa tiền yếu tố quyết định. Ngày nay nếu không có tiền thì khó có biểu tình và sẽ không có sự thay đổi.
 
Một cuộc biểu tình dài ngày thì phải có tiền trả tiền công cho người biểu tình, trước là 500 baht nay tăng lên khoảng 1.000 baht/ngày trong khi thu nhập bình thường của người lao động tay chân cũng chỉ 300-500 baht/ ngày. Ngoài ra ban tổ chức còn phải lo tất tần tật các nhu cầu khác, như ăn uống, tằm rửa v.v... free chia theo các khu vực, nếu lo được theo kiểu để người biểu tình được hưởng theo nhu cầu thì càng đông. Vì nói biểu tình thì nhiều người chưa biết cứ nghĩ là ghê gớm, mà thực ra nó là một hình thức lễ hội mang màu sắc chính trị. Đơn giản nếu hiểu là cái biển người tham dự biểu tình ấy, ngoài việc nghe diễn thuyết thì phàn lớn thời gian họ ngồi xem hay nhảy múa trong cuộc biểu diễn văn nghệ của các ban nhạc nổi tiếng. Đói thì đi ăn, bẩn hay nóng bức thì đi tắm, mệt thì đi ngủ (trên vỉa hè) tất cả đều miễn phí.
 
Chính vì thế vào mùa biểu tình, ở Bangkok có các biểu tình viên chuyên nghiệp. Hết tham gia biểu tình áo đỏ thì đi biểu tình tiếp cho áo vàng rối áo đa sắc mầu. Đây là hoàn toàn chuyện nghiêm túc, đơn giản đi biểu tình thu nhập cao hơn đi làm thì dại gì những người lao động tay chân không đi. Đây cũng chính là lý do các cuộc biểu tình của lực lượng trung lưu mà trí thức là nòng cốt ở Thái lan (không cho tiền) thì số người tham gia rất ít và kết thúc nhanh chóng trong vài giờ đồng hồ. Vì số lượng những người có thực tâm chính trị ở châu Á còn rất ít nếu so với những cá nhân suy nghĩ kiểu "có thực mới vực được đạo".
 
Nói thẳng ra là, thời bây giờ  không có tài chính - tiền thì đừng có hy vọng có cách mạng. Với dân ta thì điều này lại càng đúng.
 
Từ xưa đến nay, cách mạng là giải pháp duy nhất để thay đổi một nhà nước độc tài, nhưng biện pháp của các cuộc cách mạng có thể khác nhau đó là dùng bạo lực hay bất bạo động. Ngày nay ở thời đại văn minh, thì xu thế đang dần nghiêng về bất bạo động trên cơ sở lòng tin rằng chính nghĩa tất thắng. Nhưng không phải để có được cách mạng thì phải hy sinh bằng mọi giá. Bởi câu hỏi ai sẽ là những người hy sinh nhiếu nhất nếu không phải là quần chúng tham gia biểu tình? Và thành quả của cuộc cách mạng ấy có phải là họ không? Xin hãy nhìn sang Tunisia, Lybia, Ai cập và Syria... để có câu trả lời.
 
Nên hiểu để có được một cuộc cách mạng không hề đơn giản như nhiều người nghĩ, đặc biệt là các chính trị gia phải nhớ điều quyết định sự hình thành cũng như sự thành công của một cuộc cách mạng là tổ chức, nó sự chuẩn bị một cách có hệ thống các tình huống sẽ xảy ra và các biện pháp xử lý. Bằng cách hãy vẽ lộ trình của một cuộc cách mạng sau đó phóng nó to ra hết cỡ để lần lượt giải quyết các vấn đề một cách có hệ thống và chi tiết. Càng chi tiết với những câu hỏi cho các tình huống có thể nảy sinh trong tương lai bao nhiêu, thì kết quả thu được của cuộc cách mạng đó sẽ cao bấy nhiêu và sự mất mát không đáng có cũng sẽ giảm đi. Đó là trách nhiệm thuộc về các lãnh tụ cách mạng đối với quần chúng, đừng có để tình trạng đường cách mạng xây bằng bao nhiêu mạng lặp lại.
 
Bài học của cuộc đảo chính ở Ai cập ngày 3.7.2013 vừa rồi là một bài học không nhỏ đối với các chính trị gia. Ba năm trước đây, hàng triệu người dân Ai cập đã đồng tâm xuống đường và kết quả là với sự đồng tình của quân đội, cuối cùng chế độ độc tài của tổng thống Hosni Mubarak đã bị sụp đổ sau 30 năm cầm quyền. Song điều đó chỉ trong một thời gian ngắn đã lại được lặp lại đối với chính quyền dân cử của tổng thống Mohamed Morsi, khi chính quyền của ông ta tại vị được hơn một năm. Với một kịch bản cũng lặp lại gần như nguyên bản, cũng hàng triệu người dân Ai cập xuống đường và với sự đồng tình của quân đội. Vậy điều gì đang xảy ra và nếu không (hay có) sự can thiệp của quân đội thì kết quả chắc chắn sẽ khác nhau?
 
Tất nhiên, sự can thiệp của quân đội dưới bất kỳ hình thức nào để thay đổi chính quyền thì đều là bất hợp pháp. Hậu quả tiếp theo ở Ai cập sẽ là, ở mức cao sẽ là sự tối tăm, bạo lực và nội chiến, ở mức thấp hơn, sẽ là sự vi phạm nhân quyền và mâu thuẫn giữa các phe phái chính trị. Nhưng điều tồi tệ nhất là người từng bị lật đổ sẽ trở lại nắm quyền lực. Khi đó sẽ là cuộc đấu của các phe nhóm chính trị, giữa nhóm quyền lực mới và cũ. Và nhân dân chỉ là phương tiện của các nhóm. Cái vòng luẩn quẩn như thế sẽ không bao giờ có hồi kết.
 
Lối thoát duy nhất và bền vững để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của quyền lực đối với các chính trị gia đó là: phải biết đủ trong quyền lực chính trị, tiền bạc và  kinh tế. Cái gì mà vượt quá giới hạn có thể thì chắc chắn sẽ đi đến thất bại. Mọi thứ nên có giới hạn của nó là tốt nhất, quyền lực chính trị vừa đủ, kinh tế vừa đủ và dân chủ cũng vừa đủ là hữu hiệu nhất.
 
Khi ấy đất nước sẽ thanh bình và nhân dân sẽ có hạnh phúc.
 
Ngày 12 tháng 07 năm 2013
 
© Kami
 
————————
 
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
.