You are here

Tội của quan, tội của dân

Ảnh của songchi

Song Chi.
Nếu theo dõi tình hình trị an ở Trung Quốc, người ta có thể thấy rằng nhà cầm quyền nước này mặc dù rất độc tài, bảo thủ, nhưng dám xử lý nạn tham nhũng, nạn suy thoái đạo đức trong cán bộ cấp cao nặng tay hơn hẳn so với nhà cầm quyền VN.
Có khá nhiều “dâm quan” hoặc quan tham ở Trung Quốc bị cách chức ngay lập tức, bị kết án tù nặng, thậm chí bị tử hình khi những vụ bê bối tình dục hoặc tham nhũng của họ bị dư luận lôi ra ánh sáng.
Trong danh sách hàng loạt quan tham TQ bị kết án ở mức cao nhất vài năm gần đây có cựu Thị trưởng thành phố Thâm Quyến, Hứa Tông Hoành, bị tuyên án tử hình năm 2010 vì tội tham nhũng.
Cựu phó thị trưởng thành phố Hàng Châu, ông Hứa Mai Ung và cựu phó thị trưởng thành phố Tô Châu, ông Khương Nhân Kiệt, bị tử hình vào tháng 7 năm 2011 vì tội nhận hối lộ và lạm quyền.
Vương Ích, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng phát triển Quốc gia TQ bị tử hình năm 2012 do nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Hay vụ Bạc Hy Lai, cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh “ngã ngựa” vì tham nhũng đã làm rúng động chính trường TQ và khiến thế giới cũng phải quan tâm…
Danh sách các dâm quan TQ bị pháp luật sờ gáy cũng nhiều không kém.
Ngô Thiên Hỉ, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Chính hiệp huyện Trấn Bình, đại biểu HĐND tỉnh, tổng giám đốc Tập đoàn Giả Tống bị tử hình năm 2009 vì tội săn tìm gái trinh để…xả xui.
Lôi Chính Phú, nguyên bí thư Khu ủy Bắc Bồi, TP. Trùng Khánh, bị tuyên án 13 năm tù vì tội tham nhũng, nhận hối lộ vào ngày 28 tháng Sáu năm 2013. Nhưng bộ mặt thật của ông quan này bị lộ ra lại là từ một video clip sex giữa ông ta và một cô gái trẻ 18 tuổi bị tung lên mạng vào cuối năm 2012.
Ngày 18 tháng Sáu năm 2013 lại đến lượt Phó Bí thư thành phố Hồ Nam, Lý Tân Công bị tử hình vì đã hiếp dâm 11 bé gái chưa đến tuổi vị thành niên v.v…
So với TQ, các quan tham, “dâm quan” VN sướng hơn nhiều vì rất ít khi bị lôi ra ánh sáng mà nếu có bị lộ thì cũng bị xử lý nhẹ hơn. Nếu như người viết bài này không nhầm thì cho đến nay chưa thấy có quan lớn nào bị tử hình về tội tham nhũng, nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực hay những tội danh liên quan đến tình dục.
Trong phiên họp quốc hội ngày 14 tháng Sáu năm 2013, một số đại biểu đã chất vấn ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao “vì sao nhiều tội phạm kinh tế và tham nhũng được hưởng án treo”. Ông Nguyễn Hòa Bình cũng thừa nhận nhưng lại cho rằng “số tội phạm kinh tế, tham nhũng được hưởng án treo đang có xu hướng giảm dần trong 3 năm gần đây. Năm 2010-2011 là 36-37%”. 
Còn ông Bộ trưởng công an Trần Đại Quang thì giải thích là do “nghi can trong án tham nhũng cơ quan điều tra lớn là người có chức vụ quyền hạn, thủ đoạn khá tinh vi. Nhiều vụ án phát hiện chậm nên cơ quan điều tra gặp khó khăn khi thu thập chứng cứ ...
“Thời gian điều tra thì có nhưng thời gian để giám định, xác định các thiệt hại trong án kinh tế lại không. Nhiều cơ quan giám định có biểu hiện né tránh"
(“Nhiều tội phạm tham nhũng được hưởng án treo”, VNExpress).
Tham nhũng từ lâu đã được xem là một “quốc nạn” ở VN. Tham nhũng tràn lan làm thất thoát tài sản quốc gia, phá hoại nền kinh tế, phá hoại xã hội, làm mất niềm tin của người dân vào bộ máy của nhà cầm quyền.
Đảng và nhà nước cộng sản cũng đã hô hào chống tham nhũng từ bao lâu nay nhưng càng chống thì tham nhũng càng phát triển rậm rạp, tràn lan từ trên xuống dưới, trong mọi lĩnh vực. Bởi vì ai cũng biết, một khi còn tồn tại cái cơ chế độc đảng nắm trong tay cả luật pháp, quốc hội, quân đội, công an lẫn báo chí và 90 triệu sinh mệnh nhân dân không ai dám hó hé, thì công cuộc ngăn ngừa lẫn phòng chống tham nhũng sẽ không tài nào thực hiện được.
Có một loại “tội phạm” khác, chưa bị nêu đích danh thành “quốc nạn” như tham nhũng nhưng sự phá hoại cũng vô cùng ghê gớm, đó là sự bất tài, bất lực, vô trách nhiệm.
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh lãnh đạo cao cấp trong bộ máy chính phủ của Quốc hội VN vào giữa tháng Sáu vừa qua tuy được nhà cầm quyền ra sức đánh bóng nhưng đã bị báo chí “lề trái” và dư luận bóc mẽ.
Trước hết vì cách thức đánh giá không giống ai, thay vì chỉ có “tín nhiệm” và “bất tín nhiệm” như nhiều nước khác vẫn làm thì lại là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” hay “tín nhiệm thấp”, nghĩa là…tín nhiệm cả. Và dù cho ông nào có bị tín nhiệm thấp thì cũng chả sao, vẫn cứ tại vị.
Trong khi đó, ai cũng thấy mười mươi rằng những gương mặt có con số “tín nhiệm thấp” cao nhất như ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến…đều là những gương mặt bất tài, bất lực, vô trách nhiệm, gây hại cho nước cho dân không biết bao nhiêu mà kể.
Chưa kể có những người không bị số phiếu “tín nhiệm thấp” cao nhưng thực tế cho thấy cũng chả làm được gì trong lĩnh vực mà họ đảm nhiệm.
Ví dụ như ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng hay “nổ”, phát ngôn linh tinh và có những “sáng kiến” không giống ai làm khổ dân, thời gian đầu bị báo chí “lề dân” soi tới nơi tới chốn, nếu ở nước nào khác, chỉ riêng chuyện con số tai nạn giao thông hàng năm vẫn quá cao, hay chuyện đè đầu dân ra bắt đóng đủ thứ thuế là đã đủ để rớt chức.
Hay ông Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh, chỉ riêng chuyện ngoài biển Đông tàu bè TQ vẫn ngang nhiên xâm phạm lãnh hải VN như cơm bữa, rượt đuổi, thậm chí bắn cháy tàu cá của ngư dân VN mà vẫn được tỷ lệ phiếu "tín nhiệm cao" khá cao (64,86%) mới là lạ.
Hay ông Trần Đại Quang Bộ trưởng Bộ Công an ngồi đó làm gì mà những chuyện người dân bị chết oan khuất do công an lạm dụng quyền lực, bạo hành vẫn cứ xảy ra? Lại cả ông Hoàng Tuấn Anh-Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch với biết bao nhiêu chuyện lem luốc đáng xấu hổ cứ ngang nhiên tồn tại trong những lĩnh vực này.
Nói thật ra thì từ trước đến nay trong tất cả những gương mặt lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước cộng sản, chả mấy người có thực tài, có tâm, có tầm. Bởi vì họ có do người dân chọn lựa lên qua những vòng bầu cử công khai, thử thách minh bạch về tài năng, nhân cách bao giờ đâu. Và nếu họ có bất tài, ít học, tham nhũng nặng nề hay đời tư lem nhem đủ chuyện…thì họ vẫn cứ ngồi đó cho đến hết thời hạn mới thôi.
Làm quan ở VN quả là sướng. Còn dân đen?
Từ lâu, cái thực tế không hề có sự công bằng trước pháp luật ở xứ này là chuyện bình thường. Luật pháp nằm trong tay nhà nước. Nhà nước muốn xử sao thì xử. Nên mới có những bản án vô cùng cách biệt, bất công, giữa dân đen với người có chức có quyền.
Còn nhớ, vụ án ba nông dân bị TAND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) phạt tổng cộng 13 năm tù vào ngày 10 tháng 8 năm 2009 vì tội cướp 2 con vịt về làm mồi nhậu, trong khi lẽ ra chỉ nên xử phạt hành chính. 4 năm sau, tòa án huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa lại xử 4 người nông dân 17 năm 6 tháng tù, về tội cướp 7 con vịt (có đánh người gây thương tích nhẹ), cũng để nhậu.
Đúng là phận con sâu cái kiến.
Trong khi đó, làm thất thoát “gây hậu quả nghiêm trọng” lên đến 4,5 tỷ USD như vụ Vinashine thì người bị kết án cao nhất, nguyên Chủ tịch Vinashine Phạm Thanh Bình, là 20 năm tù. Không có ai bị tử hình hay chung thân.
Còn những vụ án do công an bạo hành gây chết người lại càng khiến dư luận bất bình, phẫn nộ vì bản án dành cho kẻ phạm tội quá nhẹ. Như vụ nguyên trung tá công an Vũ Văn Ninh phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng ngày 28 tháng 11 năm 2011 nhưng chỉ bị 4 năm tù. Trước đó, nguyên thiếu úy công an huyện Tân Uyên, tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thế Nghiệp đánh chết anh Nguyễn Văn Khương chỉ vì không đội mũ bảo hiểm ngày 23 tháng Bảy năm 2010, bị kết án 7 năm tù.
Mặc dù vậy, đây vẫn là những trường hợp vô cùng hiếm hoi công an đánh chết người có bị trừng trị, còn lại nhiều vụ khác bị “chìm xuồng” trong nỗi đau đớn, uất ức tột cùng của người nhà các nạn nhân.
Một trong những lý do có thể được phía tòa án đưa ra nhằm làm giảm nhẹ tội cho các bị cáo thuộc loại có chức có quyền hoặc thuộc hàng ngũ con cưng của chế độ là bị tâm thần các loại!
Chẳng hạn, ngày 12 tháng Ba năm 2013, TAND Hà Nội mở phiên xét xử Trần Đức Mậu (57 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.” Theo báo chí, trong thời kỳ đương chức, ông này đã có nhiều hành vi sai trái trong đó có chuyện “vòi vĩnh” để đối tác phải đưa cho mình số tiền “bôi trơn” là 500 triệu đồng. Thế nhưng Hội đồng xét xử lại cho rằng ông Mậu bị chứng bệnh “rối loạn cảm xúc”, hạn chế về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên phạt 36 tháng tù. Cái hài hước ở đây là cụm từ “nhận hối lộ vì rối loạn cảm xúc”!
Ngày 28 tháng Sáu vừa qua tòa án ND thành phố Hải Phòng đưa ra xét xử nguyên thượng sĩ Vũ Văn Quỳnh, công an huyện Tiên Lãng về tội dâm ô với trẻ em xảy ra hồi cuối năm 2012, nhưng phiên tòa tạm bị hoãn đến tháng Bảy. Trước khi bị đưa ra xét xử bỗng có thông tin Vũ Văn Quỳnh bị tâm thần khiến nhiều tờ báo phải giật tít “Thượng sĩ công an dâm ô trẻ em: Bỗng dưng tâm thần?” (VTC News).
Là vì “Tại bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 01 ngày 8/1 của Trung tâm giám định pháp y tâm thần TP.Hải Phòng kết luận, Quỳnh bị rối loạn trong ưa chuộng tình dục (F65). Trước, trong và sau khi gây án Quỳnh bị giảm khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.” (“Thượng sĩ công an dâm ô bị “rối loạn tình dục”, VTC News.
Chả hiểu “bị rối loạn trong ưa chuộng tình dục” là gì nhưng nếu căn cứ theo kết luận này thì chắc hẳn bản án dành cho Vũ Văn Quỳnh cũng sẽ nhẹ tênh thôi.
Đặc biệt nếu những vụ án có liên quan đến yếu tố chính trị thì càng không hề được xét xử theo luật pháp mà là luật của đảng!
Nhìn lại những bản án vô cùng nặng nề, dã man dành cho những con người yêu nước, đấu tranh một cách ôn hòa như blogger Điếu Cày, blogger Anh Ba Sài Gòn, blogger Công lý và Sự thật, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, luật sư Lê Công Định, thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung… cho đến 2 sinh viên Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, 14 thanh niên công giáo giáo phận Vinh…., cho thấy bản chất phi nhân của nhà cầm quyền.
Và nó cũng cho thấy, đối với nhà nước VN, tội nặng nhất không phải là tham nhũng, hối lộ, lạm dụng quyền lực dù gây thiệt hại nghiêm trọng cho đất nước, mà là những tội như dám chỉ trích đảng và nhà nước, dám đòi hỏi đa nguyên đa đảng hay phản đối, lên án nước đàn anh Trung Cộng!
Nếu như vậy thì nhà nước này sẽ còn phải bắt và kết án tù dài dài đến độ không biết phải xây bao nhiêu nhà tù cho đủ chỗ chứa đây bởi vì con số những người chỉ trích đảng, chỉ trích nhà cầm quyền, đòi hỏi tự do dân chủ hay phản đối âm mưu thôn tính VN của TQ sẽ ngày càng nhiều, càng công khai hơn!