You are here

Nick Vujicic và những chuyện có lẽ chỉ có ở VN.

Ảnh của songchi

Song Chi.
Sau 5 ngày giao lưu, trò chuyện, diễn thuyết với nhiều đối tượng khán giả khác nhau, chàng trai khuyết tật nổi tiếng khắp thế giới đồng thời là người truyền bá Phúc Âm, nhà diễn thuyết truyền động lực người Úc gốc Serbia Nick Vujicic đã rời khỏi VN.
Việc mời Nick Vujicic, một tấm gương vượt lên số phận nghiệt ngã và những mặc cảm của bản thân để sống vui sống tốt, làm được những việc mà nhiều người lành lặn cũng chưa chắc đã làm được, trước hết là một việc làm có ý nghĩa của tập đoàn tôn Hoa Sen (Hoa Sen Group). Song đáng tiếc là ngay trong những ngày Nick còn đang ở VN, đã có nhiều chuyện không vui, nhiều dư luận ồn ào, lùm xùm cả ngoài đời lẫn trên các trang mạng xã hội mà có thể đã không xảy ra, nếu ở một quốc gia nào khác. Nhưng bởi vì đây lại là VN.
Tại sao lại nói rằng bởi vì đây là VN nên mới có những chuyện không đáng như vậy xảy ra?
Thứ nhất, từ ngay trong khâu tổ chức. Như chính Nick cũng nói: "Việt Nam là đất nước thứ 47 tôi đến. Quả thật chưa nơi nào chào đón tôi nồng nhiệt như ở nơi này". Câu nói đó rất đáng suy nghĩ.
Nếu ai đã từng xem video clip những cuộc nói chuyện, diễn thuyết của Nick ở các quốc gia khác sẽ thấy cách họ đón tiếp, tổ chức cho Nick giao lưu, diễn thuyết không phô trương, ồn ào như ở VN. Có lẽ do muốn PR thương hiệu của mình nên tập đoàn Hoa Sen đã tổ chức hơi rùm beng. Nào xe mô tô hú còi dẫn đường, nào đội bảo vệ quá nhiệt tình trong công việc nên từ phóng viên cho đến khán giả nhiều lúc không thể tiếp cận với Nick, nào thuê khách sạn 5 sao cho đoàn của Nick…cứ như tiếp đón một nguyên thủ quốc gia, vô hình trung đã làm mọi người ít nhiều cảm thấy khó chịu, trong khi bản thân Nick chưa chắc đã muốn thế.
Số tiền 32 hay 36 tỷ, tương đương 1, 6 hay 1, 8 triệu đô la Mỹ mà nhà tổ chức đã bỏ ra cho toàn bộ sự kiện mời Nick đến VN được tiết lộ khiến nhiều người chạnh lòng, cho là quá tốn kém, quá phung phí. Từ đó nhiều người bỗng quay sang ném đá vào nhà tổ chức, vào cả nhân vật chính-anh chàng Nick (về thái độ này sẽ xin nói sau). Nhưng trước hết ở góc độ nhà tổ chức, họ lẽ ra vẫn có thể tổ chức tốt mà ít tốt kém hơn, ngược lại khi bỏ tiền quá nhiều mà còn bị nhiều người ghét thì hóa ra hiệu quả truyền thông, hiệu quả quảng cáo thương hiệu lại chưa được thành công như ý muốn.
Dù sao qua sự kiện này những người tổ chức hẳn cũng đã có thêm được nhiều kinh nghiệm, nhất là khi tổ chức một sự kiện gì đó trong một xã hội như VN, nơi mà rất nhiều người thường thích chỉ trích, thậm chí thường thích làm từ thiện bằng tiền của người khác. Chưa gì đã chửi mấy chục tỷ sao không làm từ thiện cho người nghèo, sao không giúp đỡ cho người khuyết tật, nào cái tật sính ngoại, bụt chùa nhà không thiêng v.v…nhưng lại quên mất rằng số tiền đó là của một tập đoàn tư nhân chứ không phải của nhà nước bỏ ra, nên không phải là tiền đóng thuế của nhân dân, vậy tiền của họ, họ muốn sử dụng thế nào để hiệu quả cho việc quảng bá thương hiệu là chuyện của họ chứ.
Cũng nằm trong khâu tổ chức, người viết bài này không rõ khi Nick đến các quốc gia khác thì anh có được mời diễn thuyết cho các doanh nhân như ở VN không, nhưng ý tưởng mời Nick giao lưu diễn thuyết cho doanh nhân có vẻ không phù hợp với Nick lắm. Lại còn cái khoản căn dặn người thông dịch phải tự bỏ qua tất cả những đoạn Nick nói về tôn giáo, (nhưng cũng có đôi chỗ không bỏ qua được, buộc phải dịch, như mọi người cũng thấy) chỉ khiến cho thế giới thấy rõ ở VN không có tự do tôn giáo!
Một chi tiết gây tranh cãi khác nữa là chuyện Nick nói về…Hồ Chí Minh. Trong buổi diễn thuyết trước 4000 doanh nhân tại TP.HCM sáng 23 tháng Năm, anh đã khuyên các doanh nhân nên “học tập ở gương Bác Hồ của các bạn”. Sau đó, trong một buổi diễn thuyết khác tại sân vận động Mỹ Đình tối 23 tháng Năm, bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lên sân khấu tặng Nick một tấm ảnh chân dung ông Hồ Chí Minh.
Nhà cầm quyền VN quả là rất nhạy bén khi lợi dụng cơ hội mọi người đang quý mến, cuồng nhiệt với tấm gương nghị lực sống phi thường này để làm công tác “dân vận” mà lại không mất tiền (vì tiền đã có Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen trả).
Nhưng có lẽ bà Doan và cả nhà nước này đã không hiểu được rằng người Việt bây giờ không như người Việt ở miền Bắc những năm 50, 60, 70, hay như người dân Bắc Hàn. Và cái cách lợi dụng thời cơ để tuyên truyền, dân vận kiểu như vậy thật ra lại còn gây hiệu ứng ngược.
Từ chuyện “dị ứng” với số tiền khủng 3, 6 tỷ nói trên đến chuyện Nick nói về Hồ Chí Minh, nhiều người trở nên mất thiện cảm cho là toàn bộ cái chương trình mời Nick sang VN này là vừa có mùi tiền vừa có động cơ chính trị, và tất nhiên, mất thiện cảm luôn cả với Nick. Về phần Nick, chắc có lẽ Nick cũng không ngờ được điều này.
Thật tiếc là người viết bài này không có cơ hội để biết được vì lý do gì và Nick đã thực sự nghĩ gì khi nhắc đến ông Hồ Chí Minh. Có phải đó là những suy nghĩ thật của anh hay Nick cũng do vì thiếu thông tin nên cứ nghĩ rằng ở VN bây giờ đa số dân chúng vẫn còn tôn sùng Hồ Chí Minh. Hoặc Nick chỉ đơn thuần nghĩ rằng khi đến với một quốc gia nơi mà ông Hồ Chí Minh cho đến giờ này vẫn luôn được nhà cầm quyền đưa ra làm lá bùa hộ mệnh, hàng chục năm nay luôn luôn ra rả tuyên truyền, vận động người dân phải “sống, học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho nên đã nói những lời nhằm làm đẹp lòng chủ nhà, đẹp lòng người dân VN.
Nhưng dù với lý do gì đi nữa thì điều này đã là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người thất vọng với Nick. Thật trớ trêu khi Nick, người đi truyền giảng Phúc Âm với những bài viết, bài nói chuyện luôn luôn nhắc đến ơn Chúa trời, bỗng dưng không được dịch tất cả những câu anh nói về Chúa, về đức tin tôn giáo, thay vào đó biến thành người ca tụng Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, nếu vì bực bõ với số tiền nhà tổ chức đã bỏ ra cho toàn bộ chương trình đưa Nick sang VN hay vì Nick đã nói về Hồ Chí Minh, thì cũng không hay nếu lại hằn học chửi bới, ném đá vào chàng trai này, thậm chí lôi sự khuyết tật của anh ra để chế diễu, chửi bới. Thêm một lần nữa để thấy rằng những chuyện này chắc hẳn sẽ không xảy ra ở một quốc gia giàu tính nhân bản nào khác như Úc nơi Nick đang sống, như Mỹ, Anh, Pháp, Canada hay Na Uy v.v…Nơi mà con người ngay từ bé đã được giáo dục để đối xử tử tế, nhân văn với người khác, đặc biệt là với những người không may bị khuyết tật, nơi mà người khuyết tật hoàn toàn có thể sống một cách bình thường trong xã hội, không bị bất cứ sự phân biệt đối xử nào.
Dường như khi phải sống trong một xã hội có quá nhiều sự bất công, phi lý, phải đối phó với quá nhiều nỗi lo toan hàng ngày trong khi lại không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước, khi phải sống trong một xã hội có quá nhiều cái xấu cái ác xảy ra ngược lại cái đẹp cái thiện thì vô cùng hiếm hoi, con người cũng trở nên độc ác hơn mà không hay biết. Đọc những comment của nhiều người xung quanh vụ Nick, trong đó không ít lời chửi bới, nguyền rủa là từ những người được coi là có ăn có học, mà kinh hãi.
Nhưng nếu ném đá vào Nick thì có lẽ là hơi vội vàng. Vì số tiền 32 tỷ, hay 36 tỷ như lời ông Lê Phụng Hào-Cố vấn HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Trưởng ban tổ chức Chương trình trả lời báo Kinh Tế Sài Gòn, đâu có phải trả cho Nick. Đâu có phải một mình Nick ẵm cả số tiền ấy. Mà là tổng chi cho toàn bộ việc mời Nick đến VN, với rất nhiều người ăn theo như mọi người có thể đọc trong bài “Sự kiện "Nick đến Việt Nam": 36 tỉ đồng dùng vào việc gì?” (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Và đây, bài “Nick Vujicic nhận 50.000 USD cho 5 ngày ở Việt Nam” của báo VNExpress:
“Trước câu hỏi về số tiền thù lao cho diễn giả Nick tham gia các hoạt động ở Việt Nam, đại diện Ban tổ chức cho biết, đã chuyển cho tổ chức từ thiện của anh 50.000 USD. "Nick Vujicic dùng phần lớn số tiền này làm từ thiện tại châu Phi", ông Nguyễn Văn Phước, thành viên ban tổ chức nói và cho biết thêm, Nick không sống bằng tiền diễn thuyết mà thu nhập anh có chủ yếu từ tiền bán sách.
"Êkíp của Nick không hề đặt vấn đề tiền bạc với chúng tôi. Đừng làm tổn thương anh ấy. Nếu Nick đọc tin tức tiếng Việt dịch sang tiếng Anh về điều này thì Nick sẽ nghĩ gì", ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Tôn Hoa Sen phát biểu.
Cũng theo ông Vũ, ban đầu, Nick Vujicic chỉ định sang Việt Nam cùng êkíp 4 người để đảm bảo tiết kiệm cho ban tổ chức nhưng do quy mô chương trình ngày càng lớn nên anh phải mang theo tới 12 người.
"Đoàn của anh gửi email xin ở khách sạn bình thường, 2-3 sao là được nhưng chúng tôi đã sắp xếp khách sạn 5 sao. Khi ban tổ chức yêu cầu phải có đội an ninh theo bảo vệ an toàn cho Nick, đại diện của anh cho rằng không nên làm thế. Tôi đã phải tranh luận với họ về việc này phòng trường hợp khán giả quan tâm quá mức, ảnh hưởng đến sức khỏe của anh”, ông Vũ nói.”
Khi biết rằng Nick và ê kíp của mình chỉ nhận 50,000 USD cho 5 ngày diễn thuyết nhưng số tiền đó cũng dành để làm từ thiện cho các quốc gia nghèo khổ ở châu Phi, không biết những người trước đó đã chửi bới Nick ăn 3, 2 tỷ từ tiền thuế của người dân (!) có đủ can đảm để viết trên blog của mình một lời xin lỗi con người khuyết tật nhưng có nhân cách và lòng nhân đạo rất lớn này?
Nhiều người nói rằng Nick sở dĩ thành công như vậy một phần do anh lớn lên trong một xã hội như Úc, chứ không phải ở VN. Điều này đúng. Ngay ở Na Uy, người khuyết tật cũng rất sung sướng. Nếu sinh ra bị khuyết tật, nhà nước sẽ nuôi họ cả đời. Họ có thể đi học ở những ngôi trường dành cho người khuyết tật hoặc trường bình thường nếu họ muốn, không bị ai kỳ thị chế diễu. Trong xã hội, từ các công sở, nhà cao tầng, rạp chiếu phim, nhà hát, cho đến phương tiện giao thông công cộng, lối đi trên đường…luôn luôn có chỗ dành riêng cho người khuyết tật chứ không phải như ở VN, người khuyết tật hoàn toàn không được hỗ trợ, hoàn toàn vô hình trong xã hội.
Cái nhìn của người VN đối với người khuyết tật nói chung vẫn chưa thật nhân ái, khi một gia đình nào đó sinh một đứa con chẳng may bị khuyết tật họ thường có ý nghĩ giống như mình ăn ở ác nên bị quả báo, cái nhìn đó thật sự không có trong những xã hội nhân bản như Na Uy, Úc, Mỹ...
Những hiệu quả nếu có từ những câu chuyện kể tràn đầy nghị lực, tình yêu cuộc sống mà Nick đem lại, rồi cũng sẽ nhanh chóng qua đi nếu không có gì thay đổi cụ thể. Đứng về phía nhà nước, là thay đổi trong những chính sách an sinh xã hội dành cho người khuyết tật, từ những điều luật bắt buộc mọi công trình xây dựng, phương tiện giao thông công cộng…phải có chỗ cho người khuyết tật, từ chương trình sách giáo khoa ngay từ cấp tiểu học bổ sung thêm phần giáo dục cư xử công bằng với người khuyết tật v.v…
Còn đứng về phía một con người lành lặn bình thường, chỉ hy vọng rằng bản thân cuộc đời của Nick Vujicic không chỉ truyền cho chúng ta nghị lực, tinh thần lạc quan mà còn cả lòng nhân ái như chính câu Nick nói “Người Việt hãy yêu thương người Việt”.