You are here

Xăng dầu lên giá: trăm dâu đổ đầu tằm

 
Lê Diễn Đức

Như vậy là xăng trong tuần tại VN tăng tới mức kỷ lục, 24.580 đồng VN/lít, cao hơn ở Mỹ, nơi có thu nhập bình quân đầu người gấp khoảng 40 lần.
 
Thật là kinh khủng. Không tính ô tô, chỉ tính xe gắn máy, phương tiện lưu hành phổ biến nhất trong sinh hoạt hiện thời, cả nước có hoảng 23 triệu chiếc. Nếu mỗi ngày cứ tính mỗi xe tiêu thụ 1 lít xăng (thực tế tiêu thụ mỗi ngày khoảng 37 triệu lít), số tiền bỏ ra mua xăng sẽ là 24.580 VND x 23 triệu = 565, 340 tỷ VND, tức khoảng hơn 26 triệu USD/ngày, hơn 780 triệu USD/tháng, khoảng gần 10 tỷ USD/năm!
 
Không có gì thu tiền nhanh và nhiều bằng thu tiền mua xăng dầu!
 
Trong vấn đề tăng giá, xăng liên đới đến mọi mặt hàng khác của thị trường. Xăng tăng, kéo theo chi phí vận chuyển làm đội giá thành sản phẩm. Xăng dầu gắn liền với điện, nước và như thế, đợt tăng giá này sẽ tự động kéo theo sự lên giá của tất cả các mặt hàng sinh hoạt.
 
Khả năng năm 2013 phấn đấu mức lạm phát ở 7% là rất khó. Xăng dầu tăng tạo nên tình trạng lạm phát cao, là điều tất yếu. Hiện tại các doanh nghiệp vận tải đang lúng túng tìm cách tăng giá cước vận chuyển.
 
Kể từ lúc Chính phủ lập Quỹ Bình ổn giá vào năm 2009, giá xăng dầu vẫn luôn luôn được điều chỉnh tăng theo cơ chế thị trường. Bộ Tài chính cho rằng, lợi ích lớn nhất của Quỹ Bình ổn giá là tại nhiều thời điểm khi giá thế giới biến động đẩy giá vốn lên cao, Quỹ giúp cho giá xăng dầu trong nước được ổn định.
 
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích ra từ giá bán lẻ xăng dầu, thực chất là hình thức người dân gửi tiết kiệm, trả trước, tích lũy tiền để điều tiết giá trong những tình huống đặc biệt. Do đó, tiền Quỹ bình ổn là tiền của dân, không phải của Nhà nước, cũng không phải của doanh nghiệp. Cho sử dụng như thế nào, mức bao nhiêu, thời gian bao lâu toàn quyền do Nhà nước quyết định. Trách nhiệm của Nhà nước là phải làm sao hiệu quả nhất từ việc mang lại lợi ích cho dân, chứ không phải doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
 
Trả lời "cơ sở nào ông cho rằng việc tăng giá xăng dầu là hợp lý khi thời điểm này, giá xăng dầu thế giới lại đang có xu hướng giảm?", ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương nói:
 
"Chúng ta cũng cần nhớ, lần tăng giá cuối cùng là ngày 28/8/2012 và từ đó tới nay, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã giữ bình ổn giá xăng dầu bằng nhiều biện pháp khác nhau như giữ thuế ở mức thấp, tăng mức sử dụng quỹ, sử dụng quỹ bình ổn giá cho 2.000 đồng/1 lít xăng, giảm một số chi phí định mức trong cách tính toán giá xăng dầu. Nhờ biện pháp như vậy, thời gian gần đây, giá xăng dầu giảm thì giá bán lẻ đã cao hơn giá tính toán 800 đồng/lít".
 
"Tới thời điểm hiện nay, quỹ bình ổn đã không còn, nhiều doanh nghiệp đã âm. Như vậy không còn nguồn để sử dụng nhằm duy trì bình ổn giá xăng dầu nữa. Do đó, chúng ta phải rút bỏ quỹ bình ổn giá. Rút bỏ quỹ bình ổn giá để điều chỉnh trở lại và cũng để doanh nghiệp không bị lỗ thì chúng ta phải điều chỉnh giá xăng dầu".
 
Rốt cuộc người dân ứng trước, doanh nghiệp xăng dầu xả quỹ thoải mái dù giá thành trên thị trường thế giới tăng hay giảm, hoặc "xài đỡ", "mượn tạm", đến khi Quỹ hết tiền thì bỏ Quỹ để điều chỉnh trở lại, làm lại từ đầu.
 
Người dân đã không lúc nào được giảm giá, còn doanh nghiệp vẫn lãi lớn. Bỏ thêm gần 4.500 tỷ đồng một năm để trích cho vào Quỹ bình ổn, nhưng lợi ích mà người tiêu dùng xăng dầu cảm nhận được lại không như mong đợi. Điều này khiến nhiều người hoài nghi, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang làm lợi cho dân hay để bù lỗ cho doanh nghiệp?
 
Ông Lê Đăng Doanh, tiến sĩ kinh tế, cựu Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: 
 
"Việc tăng giá lần này một là gây ra những nghi vấn và thắc mắc trong dư luận vì cách đây mấy ngày báo chí đã đưa lên là quỹ bình ổn giá đã trích ra cao hơn mức lỗ thực và các doanh nghiệp kinh doanh xăng đầu mối siêu lãi. Còn việc nâng giá xăng lên chắc chắn đóng góp vào việc lạm phát tăng và gây khó khăn lớn cho đời sống người dân và các doanh nghiệp, hiện nay họ đã quá mệt mỏi. Tôi thấy đây là quyết định gây tranh cãi và tôi rất mong các cơ quan có giải trình trước công luận về những điểm báo chí đã đưa lên".  
  
Tờ Vietstosk.vn viết:
 
"Ở phía doanh nghiệp, khi quỹ dương, tiền nằm trong tay doanh nghiệp, nó có thể sinh lời nên khi quỹ cạn, doanh nghiệp ứng trước là bình thường. Nhưng ở góc độ người dân thì quyền lợi của họ bị xâm hại. Bởi dù doanh nghiệp có ứng trước thì trước sau gì cũng vẫn là tiền của dân trích vào quỹ bình ổn bù lại. Nếu hiện nay không xả quỹ lớn, quỹ không âm lớn, thì vài ngày tới khi giá thế giới giảm, giá xăng có thể giảm theo. Nhưng vì hôm nay xả quỹ quá nhiều, quỹ âm nhiều nên không thể giảm giá mà phải để trả nợ cho quỹ.
 
"Cách làm như hiện nay rất nguy hiểm! Làm như vậy là đang dùng cơ chế ghi nợ cho dân. Dân đã trở thành con nợ một cách rất hồn nhiên và không biết. Ai được quyền biến dân thành con nợ? Không thể nào có chuyện Nhà nước vẫn thu thuế đều đặn, người tiêu dùng trở thành con nợ và doanh nghiệp lấy khoản nợ của dân để làm lời!"

 
Tuy nhiên, Quỹ cạn phải tìm cách lấy tiền của dân là một lẽ. Ngày 29/3, Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói:
 
“Tôi thấy có một lý do là giá xăng dầu thấp hơn các nước có cùng biên giới nhưng đó chỉ là một dẫn chiếu để thấy giá xăng dầu tại Việt Nam đang thấp hơn giá cơ sở và thấp hơn các nước, không phải lý do chính tăng giá xăng dầu. Đương nhiên khi giá thấp hơn các nước thì tình trạng buôn lậu xăng dầu sẽ tăng và cơ quan chức năng sẽ phải tăng cường chống buôn lậu”.
 
Và ông Đam khẳng định tăng giá xăng là một trong những biện pháp để chống... buôn lậu!
 
Thiệt tình, khó có thể hiểu nổi cách lý giải của ông Bộ trưởng Vũ Đức Đam. Buôn lậu thuộc phạm trù trật tự trị an xã hội làm sao lại đưa vấn đề giá cả vào đây? Buôn bán xăng dầu chứ đâu có phải là những thứ hàng hoá bình thường, chuyên chở sao cũng được? Biên phòng, hải quan và các lực lượng an ninh... ngồi chơi xơi nước à? Hay là tình trạng hối lộ quá lộng hành nên không thể kiểm soát? Xã hội ổn định như thế sao?
 
Không làm được, không ngăn chặn được trộm cắp, cướp giật, buôn lậu - là tình trạng phổ biến trong xã hội -  tội vạ đâu cứ đổ vào người dân là thượng sách. Trăm dâu đổ lên đầu tằm!
 
Nhìn các doanh nghiệp vận tải đang kêu trời, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc tài chính Công ty Vạn Xuân phát biểu:
 
"Bộ Tài chính lý giải một trong những lý do để tăng giá xăng dầu nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng qua biên giới. Nói như thế là ngụy biện. Việc anh quản lý yếu kém, để buôn lậu hoành hành giờ lại đổ gánh nặng lên doanh nghiệp và người dân là không hợp lý. Các ngành hàng xuất khẩu đang tê liệt giờ càng tê liệt thêm".

 
Cuối cùng, người dân vẫn luôn là con nợ trả giá cho việc làm ăn của các doanh nghiệp xăng dầu, cho lạm phát và đời sống ngày thêm khó khăn.
 
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog