You are here

Để giữ vững thành quả cách mạng

Lê Diễn Đức

Thủ tuớng Tunisia Hamadi Jebali
 
Cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập làm nức lòng người, nhưng người ta cũng nghi ngờ về hậu quả của nó.
 
Cuộc cách mạng vẫn đang diễn ra ở Syria, nơi mà sự lì lợm của nhà độc tài Asaad đã đưa đất nước vào cuộc nội chiến suốt hơn một năm qua, kéo theo khoảng 60 ngàn nạn nhân.
 
Những nước như Ai Cập, Lybia nằm trong tình trạng trì trệ của sự phát triển dân chủ. Xu hướng các nhóm Hồi giáo lên nắm quyền lực như là tất yếu ở các quốc gia này, một khu vực mà sự cạnh tranh và xung đột giáo phái dường như không bao giờ dứt.
 
Riêng Tunisia, đất nước xem ra có vẻ ôn hoà hơn, nhưng thực sự cũng đang trải qua những biến động chính trị lớn.
 
Cách mạng và sau đó
 
17/12/2010 Mohamed Bouazizi, 26 tuổi, cựu sinh viên của trường đại học, đã tự thiêu ở Sidi Bouzid khi cảnh sát tịch thu xe đẩy hàng với trái cây và rau quả, bởi vì anh không có giấy phép hành nghề. Cái chết của anh đã gây ra làn sóng các cuộc biểu tình chống lại đói nghèo, lạm phát, thất nghiệp, dẫn đến việc lật đổ chính phủ trong hơn 20 năm của Tổng thống Tunisia Zin El-Abidine Ben Ali.
 
Ngày 14/01/2011, Tổng thống Ben Ali đã phải chạy trốn khỏi đất nước do các cuộc biểu tình trở nên rộng khắp. Vai trò tổng thống được chủ tịch quốc hội Fouad Mebazaâ đảm nhận và ông có nghĩa vụ pháp lý tổ chức bầu cử tổng thống mới.
 
Sau gần một năm, ngày 14/11/2011, với số dân đi bầu đến khoảng 90%, đã cho kết quả chính thức của cuộc bầu cử, theo đó đảng Phục Sinh giành được 89 ghế, Nghị hội Cộng hòa - 29 ghế, Kiến nghị Nhân dân - 26 ghế, Diễn đàn Dân chủ Lao động và Tự do - 20 ghế và Đảng Tiến bộ Dân chủ - 16 ghế. Đảng Phục Sinh đã công bố ứng viên cho người đứng đầu chính phủ là Hamadi Jebali và bắt đầu cuộc đàm phán về việc thành lập một liên minh với Nghị hội Cộng hòa và Diễn đàn Dân chủ Lao động và Tự do.
 
Ngày 21/11/2011 đảng Phục Sinh, Nghị hội Cộng hòa (CPR) và Diễn đàn Dân chủ Lao động và Tự do (Ettakatol) thỏa thuận liên minh, theo đó Moncef Marzouki giữ chức Tổng thống, lãnh đạo Ettakatol,  Mustafa Ben Jafar, là chủ tịch quốc hội, còn Tổng thư ký Hamadi Jebali làm Thủ tướng. Ngày 22/11/2011, trong phiên khai mạc quốc hội Ben Jafar đã được bầu làm chủ tịch quốc hội.
 
Ngày 10/12/2011 quốc hội (141 phiếu thuận, 37 chống và 39 phiếu trắng) đã thông qua tạm thời, gọi là "Hiến pháp nhỏ", trong đó quy định quyền hạn về hành pháp, lập pháp và tư pháp cho đến khi một Hiến pháp đầy đủ được thông qua. Theo đó, một hệ thống chính trị, mà người đứng đầu chính phủ là Thủ tướng nắm gần như trọn quyền hành. Tổng thống có quyền hạn hạn chế, tiến hành các chính sách đối ngoại, chỉ huy của lực lượng vũ trang và bổ nhiệm quan chức nhưng trên cơ sở tham khảo ý kiến ​​với người đứng đầu chính phủ.
 
Ngày 12/12/2011 quốc hội lập hiến (153 phiếu thuận, 3 chống và 44 phiếu trắng) bầu Moncef Marzouki làm Tổng thống của Tunisia. Các đại diện của phe đối lập bỏ phiếu trắng, phản đối ​​về quyền hạn quá hạn chế của người đứng đầu nhà nước. Ngày 13/12/2011 Moncef Marzouki đã chính thức tuyên thệ nhậm chức. Ông nhậm chức trong một thời gian một năm, cho đến khi có cuộc bầu cử tổng thống dự kiến ​​sau khi thông qua hiến pháp mới.  
 
Ngày 14/12/2011 Tổng thống Marzouki giao cho Hamadi Jebali thành lập chính phủ. Ngày 22/12/2011 Hamadi Jebali giới thiệu thành phần nội các. Ngày hôm sau, chính phủ của ông được chấp thuận bởi quốc hội lập hiến và ngày 24/12/2011 đã chính thức tuyên thệ.
 
Hai năm kỷ niệm cách mạng
 
Hàng ngàn người biểu tình tại Tunis chống lại chính phủ của người Hồi giáo. Các cuộc biểu tình đã diễn ra hai năm kể từ khi lật đổ tổng thống Zin al-Abidine Ben Ali và ra mắt mùa xuân Ả Rập ở các nước khác trong khu vực.
 
Dân chúng Tunisia lại xuống đường một lần nữa, đổ lỗi cho chính phủ về sự thiếu thành công trong việc cải thiện điều kiện sống trong nước. Sau cuộc cách mạng tỷ lệ thất nghiệp tăng, vào cuối năm 2011 là 25%. Trong những vùng nghèo nhất trên biên giới với Algeria giới trẻ dao động từ 30 đến 40 phần trăm.
 
Ở phía trước Bộ Nội vụ trên đại lộ Bourguiba Avenue, ​​nơi các cuộc biểu tình cách đây hai năm - ngày 14/01/2011 - đã làm Ben Ali phải chạy trốn khỏi đất nước, tập trung xung quanh tới 8 ngàn người. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở một số thành phố khác.
 
Người dân mang theo các biểu ngữ: "Không sợ hãi, không man rợ, quyền lực thuộc về nhân dân" và "Chế độ độc tài mới ra đời - không! Chế độ độc tài tôn giáo - không ". Họ vẫy cờ Tunisia hô "Down with Ennahda" và "Hiến pháp ở đâu? Dân chủ ở đâu". Ennahda là đảng hồi giáo Phục Sinh đã giành thằng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội.
 
Ngày 17/12/2012 ở Sidi Bouzid người biểu tình đã ném cà chua và đá vào Tổng thống Monsif Marzuki trong dịp kỷ niệm lần thứ hai cách mạng thành công khi ông đang cố gắng thuyết phục đám đông hàng ngàn người rằng, hãy cho chính phủ thời gian sau 50 năm độc tài. "Dân tộc muốn có sự sụp đổ của chính phủ" - đám đông hô vang, lặp đi lặp lại khẩu hiệu của cuộc cách mạng, nơi bắt đầu với sự tự thiêu của Mohamed Buazizi.
 
Ngân hàng Thế giới đã thông qua 500 triệu đô la cho vay đối với Tunisia để giúp phục hồi khỏi sự sụp đổ kinh tế đã bị chìm đắm trong hai năm sau cuộc nổi dậy chống lại chế độ độc tài của Ben Ali. Các nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới cung cấp và hỗ trợ các cải cách khu vực tài chính, rất cần thiết để bù đắp cho sự bất bình đẳng xã hội ở Tunisia.
 
Lãnh tụ đối lập bị giết
 
Shokri Belaid, 48 tuổi, là người đứng đầu đảng đối lập, Phong trào Dân chủ của Những người yêu nước. Ông bị bắn bên ngoài nhà của mình ở Tunis. Theo anh trai của ông, ông bị trung đạn ở đầu, cổ và đã chết trên đường đến bệnh viện. Danh tính của thủ phạm không được biết. Theo Bộ Nội vụ những kẻ tấn công đã chạy trốn khỏi vụ giết người bằng xe gắn máy của mình.
 
Cuộc phản kháng đã nổ ra với sự tham dự của hàng ngàn người. Những người biểu tình đã đốt lốp xe và ném đá vào cảnh sát. Cảnh sát bắn chỉ thiên và sử dụng hơi cay. Trong phản ứng với cái chết, bốn đảng đối lập tuyên bố họ tạm thời rút lui khỏi công việc xây dựng hiến pháp mới.
 
Gia đình chính trị gia bị giết tuyên bố rằng ông đã bị đe dọa nhiều lần, đảng Phục Sinh bị cáo buộc là truyền cảm hứng cho vụ giết người. Trong khi đó, đảng Phục Sinh lên án "hành động ghê tởm này được thiết kế để gây bất ổn cho đất nước" và tuyên bố rằng những kẻ giết người muốn "đổ máu", nhưng không đã đạt được mục tiêu của họ.
 
"Đảng Phục Sinh không thể là phạm tội giết Belaid. Đảng cầm quyền ý thức rằng, những vụ giết người như vậy sẽ làm suy yếu đầu tư và du lịch" - lãnh đạo Rashid Ghannushi nói. Vụ ám sát chính trị gia đối lập này là âm mưu của những kẻ muốn ngăn chặn sự thay đổi dân chủ ở trong nước.
 
Belaid Shokri đã được xem là một nhà phê bình thế tục vừa phải thừa nhận chính phủ Hồi giáo Tunisia. Vụ ám sát có thể được thúc đẩy bởi những căng thẳng trên con đường đất nước từ chế độ độc tài đi đến dân chủ, đã được xem như là một ví dụ cho thế giới Ả Rập.
 
Tunisia đã rơi vào hỗn loạn chính trị sau vụ ám sát Shokri Belaid.
 
Thủ tướng từ chức
 
Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali đưa ra lời từ chức vào thứ ba ngày 19/2 với nỗ lực không thành công trong việc tạo ra một chính phủ kỹ trị độc lập nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng chính trị.
 
"Tôi đã hứa rằng nếu sáng kiến ​​của tôi thất bại tôi sẽ từ chức, và tôi đang làm điều này"  - Jebali cho biết tại cuộc họp báo phát sóng trực tiếp trên truyền hình Tunisia. Thủ tướng Chính phủ đã công bố quyết định của mình sau cuộc họp với Tổng thống Monsif Marzuki.
 
Ông nhấn mạnh rằng ông đã "giữ lời hứa trước người dân" - "Chúng ta đang đối phó với sự thất vọng mạnh mẽ. Đất nước chúng ta đang thất vọng bởi giới chính trị của mình, cần phải khôi phục lòng tin" - ông nói thêm.
 
Hamadi Jebali kêu gọi các bộ trưởng của ông rằng, mặc dù ông từ chức, hãy nỗ lực để nhà nước hoạt động tiếp tục. - "Sáng kiến ​​của tôi thất bại không có nghĩa là sự thất bại của Tunisia, hay thất bại của cuộc cách mạng" - ông nhấn mạnh. Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng chính phủ phi chính trị là "phương tiện tốt nhất cho đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng".  Cuối cùng ông kêu gọi càng sớm càng tốt xác định ngày bầu cử quốc hội.
 
Hamadi Jebali muốn tạo ra một chính phủ gồm các nhà kỹ trị không đảng phái và sẽ ở lại nắm quyền lực cho đến cuộc bầu cử kế tiếp. Sáng kiến ​​này đã không được hỗ trợ của đảng Hồi giáo Phục Sinh, trong đó ông là thành viên.
 
Kết luận
 
Thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali đã có một quyết định can đảm và sang suốt. Mặc dù đại diện của đảng cầm quyền Phục Sinh, trước tình trạng đất nước rối ren, ông thấy cần thiết phải có một thể chế chính trị đứng ngoài đảng phái. Không được, ông sẵn sàng từ chức để đạt được sự bình ổn chính trị.
 
Bản lĩnh của ông thật vững vàng vì lợi ích dân chủ của đất nước, như ông nói, "thất bại của ông, không phải là thất bại của cuộc cách mạng".
 
© Lê Diễn Đức - RFA Blog