You are here

Giải pháp để buộc đảng CSVN phải tuân thủ pháp luật



Kami
-
Việc xây dựng một nhà nước dân chủ pháp trị, với một xã hội dân sự như hoàn cảnh Việt nam hiện nay cũng có các phương án mà không nhất thiết là phải đập bỏ để thay đổi toàn bộ. Mà trên nền tảng hiện tại, chúng ta có thể cải tạo từ từ, mà trọng tâm là cải cách về mặt luật pháp. Như vậy sẽ đảm bảo sự chuyển đổi hòa bình không đổ máu và đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên. Sửa đổi Hiến pháp là một trong những bước quan trọng nhất làm nền tảng thay đổi các vấn đề liên quan về bộ máy nhà nước.

Ở Việt nam, người ta thường hô hào khẩu hiệu sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, mọi người bình đẳng trước luật pháp v.v... đã nhiều chục năm nay, đặc biệt là sau khi đảng CSVN tiến hành công cuộc đổi mới đất nước vào năm 1986. Thực ra những người lãnh đạo đảng và chính quyền phần nào hiểu  được tầm quan trọng, sự cần thiết của việc thượng tôn luật pháp trong việc quản lý nhà nước đối với một quốc gia. Nhưng ở một đất nước, mà thực tế cho thấy nền kinh tế Việt nam dần thoát ra khỏi quy luật kinh tế của chủ nghĩa Marx-Lenin để đi theo nền kinh tế thị trường. Tuy vậy nếu Việt nam chỉ tiến hành cải cách kinh tế, mà không cải cách chính trị thì gặp phải muôn vàn trở ngại, mà thực tế cho thấy sự khủng hoảng của nền kinh tế Việt nam hiện nay là hậu quả của các chính sách kinh tế chính trị không đồng bộ. Nhưng điều trở ngại cơ bản dễ nhận thấy nhất là sự chuyển đổi từ việc sử dụng nền chuyên chính vô sản thay cho luật pháp để quản lý nhà nước kéo dài nhiều chục năm như ở Việt nam.
Trong nghị quyết Đại hội đảng CSVN toàn quốc lần thứ XI đã ghi rõ “Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của cơ quan công quyền” và nghị quyết trên cũng xác định phải “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Như vậy khi Đảng đã đặt mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, nghĩa là bước đầu đã định hướng mọi tổ chức và cá nhân đều phải tuân theo pháp luật.
Từ trước đến nay, người Việt nam chúng ta nói chung chưa có thói quen tuân thủ pháp luật một cách triệt để, cũng bởi bộ máy nhà nước của chúng ta vẫn đang ở dạng nhân trị chứ chưa phải pháp trị, người ta hay mang cái tình (suy nghĩ của cá nhân) để áp đặt lên cái lý (luật pháp) từ đó nảy sinh ra tình trạng “phép vua thua lệ làng”, và do tình trạng này kéo dài dẫn đến tình trạng phép nước thua chỉ thị của đảng . Ví dụ như cán bộ địa phương thì vẫn rất ngại đụng đến quyết định của lãnh đạo địa phương mình, cho dù biết ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo sai luật, thậm chí chỉ thị của lãnh đạo mình là vi phạm pháp và trái pháp luật họ cũng phải chấp hành. Cũng vì sự chồng chéo giữa các quy định của đảng và quy định của pháp luật nhiều khi buộc các càn bộ của đảng cảm thấy mình có trách nhiệm thực hiện các quy định của Điều lệ đảng hơn là quy định của luật pháp.
Lý do chính bởi nó chịu ảnh hưởng của một hệ thống tổ chức chính trị nhà nước theo trục dọc, với đảng CSVN là cơ quan lãnh đạo nhà nước và xã hội theo điều 4 của Hiến pháp. Đảng CSVN là tổ chức lãnh đạo toàn diện, đứng trên cả ba hệ thống hành pháp – tư pháp – lập pháp. Đồng thời trong ngành tư pháp, các cơ quan tư pháp cũng tổ chức theo trục dọc từ trung ương đến địa phương, theo nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng trung ương. Đây là vấn đề bất cập, nếu có một phương án nào đó giải quyết tháo gỡ các vướng mắc trên mà vẫn đảm bảo đảng CSVN là cơ quan lãnh đạo nhà nước và xã hội theo điều 4 của Hiến pháp. Mà vẫn đảm bảo cơ chế kiểm soát, giám sát các cơ quan của đảng đồng thời bắt buộc các cơ quan của đảng thực hiện theo quy định của điều 4 Hiến pháp đó là “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Trên thực tế, mọi người đều có một sự thống nhất chung rằng các lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN và chính quyền của họ khi hết chức, hết quyền và nghỉ hưu thì phát biểu góp ý với đảng và chính quyền hết sức mạnh mẽ. Đồng thời các góp ý của họ rất chính xác, phản ảnh được dư luận xã hội về các vấn đề mà người dân quan tâm. Điều này là chuyện chắc chắn và có thực và mọi người đều có chung một thắc mắc là vì sao khi còn tại chức, các quan chức đó không lên tiếng? Nguyên nhân cũng như đã nói ở trên, đó là sự chồng chéo giữa các quy định của đảng và quy định của pháp luật nhiều khi buộc các càn bộ của đảng cảm thấy mình có trách nhiệm thực hiện các quy định của Điều lệ đảng hơn là quy định của luật pháp. Hơn nữa, nếu khi đang tại chức mà ai đó mà phát biểu thì họ luôn nghĩ rằng sẽ đụng chạm đến cái ghế lãnh đạo của mình. Như đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã bộc bạch rằng chúng tôi chỉ dám nói khi biết mình đã ở nhiệm kỳ cuối.

Điều đó chứng tỏ rằng các quan chức ở Việt nam hiện nay đều biết rõ các bất cập trong cơ chế quản lý, điều đã khiến cho đời sống, kinh tế, chính trị và xã hội ở Việt nam lâu nay cứ bùng nhùng không có lối thoát. Tất cả đều vì một nguyên nhân cơ bản đó là các quan chức hay đại biểu của dân chỉ biết đặt quyền lợi của bản thân lên trên lợi ích của đất nước và nhân dân. Điều mà chỉ khi họ hết quyền lực mới được thể hiện qua các bài báo, bài trả lời phỏng vấn. Điển hình là ông Nguyễn Văn An nguyên Chủ tịch Quốc hội, hay ông Hữu Thọ nguyên trưởng ban Tổ chức Trung ương v.v... mà những ý kiến của họ được dư luận xã hội hết sưc ủng họ và hưởng ứng.

Vây tại sao chúng ta không nghĩ đến việc sử dụng tiềm năng số cán bộ đã nghỉ hưu này, để tạo một cơ chế kiểm soát, giám sát các cơ quan của đảng, đồng thời bắt buộc các cơ quan của đảng thực hiện theo quy định của điều 4 Hiến pháp đó là “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”? Nếu họ - những cán bộ quan chức cao cấp đã nghỉ hưu được hoạt động trong các cơ quan cơ chế kiểm soát, giám sát luật pháp kể cả các cơ quan của đảng như Tòa án Hiến pháp, Thượng nghị viện v.v... thì hết sức hiệu quả. Vì cái được lớn nhất sẽ là giám sát, bắt buộc các cơ quan của đảng thực hiện theo quy định của điều 4 Hiến pháp đó là “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, đồng thời vẫn đảm bảo sự trung thành của họ đối với đảng CSVN.

Chức năng của cơ quan cơ chế kiểm soát, giám sát luật pháp kể cả các cơ quan của đảng như Tòa án Hiến pháp, Thượng nghị viện sơ bộ như sau:

Tòa án Hiến pháp

Qua nghiên cứu sơ bộ các mô hình cơ quan bảo hiến ở một số nước, có thể thấy mô hình cơ quan bảo hiến châu Âu – tức là thành lập Tòa án Hiến pháp để bảo vệ Hiến pháp là tối ưu. Tòa án Hiến pháp có những quyền hạn như: Giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, văn bản luật pháp dưới luật, điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật khác; Giải thích Hiến pháp; Giải quyết khiếu nại đối với văn bản, hành vi vi phạm Hiến pháp của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền; Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với nhau; giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với các cơ quan địa phương.

Điều đặc biệt, Tòa án Hiến pháp có quyền giải quyết tranh chấp trong các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân; Xem xét các vấn đề liên quan đến việc miễm nhiệm nghị sỹ và cách chức các quan chức cấp cao của Nhà nước; Tham gia luận tội các quan chức cấp cao của nhà nước…

Thượng nghị viện

Sửa Hiến pháp có thể bổ xung việc tạo ra một Quốc hội lưỡng viện, Thượng nghị viện và Hạ nghị viên. Theo đó Hiến pháp quy định việc chấp thuận của cả hai viện lập pháp là cần thiết để phê chuẩn luật. Mục đích chính là với ý muốn có hai viện lập pháp để trông coi, kiểm soát lẫn nhau. Hạ nghị viên là cơ quan lập pháp được lập lên là một cơ quan của đại biểu nhân dân, thông qua đó phản ánh các ý kiến của công chúng thông qua các văn bản pháp luật. Thượng nghị viện là một cơ quan lập pháp và là một diễn đàn thông thái, ưu tú có tính cách bàn luận của các chuyên gia hay những người có hiểu biết và uy tín xã hội lớn. Thượng nghị viện  kiểm soát và thẩm định việc ban hành các văn bản pháp luật của Hạ nghị viện đã thông qua trước khi đưa vào sử dụng hơn mà nơi đó các thượng nghị sĩ với nhiệm kỳ sáu năm sẽ không bị chi phối bởi ý kiến của công chúng. Nhưng có thể bị truất phế khi có quyết định của Tòa án Hiến pháp.

Các cơ quan kể trên với chức năng chính là để giám sát, thông qua một lần nữa các dự luật, hoặc thẩm định tính hợp hiến của các Văn bản luật, quy phạm pháp luật. Hay giải quyết các tranh chấp liên quan đến tính pháp lý của các cá nhân, doanh nghiệp đối với các cơ quan đảng và chính quyền. Điều đó về cơ bản sẽ đảm bảo tính công bằng của luật pháp, tính thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo phần nào sự lãnh đạo của đảng CSVN. Sở dĩ chỉ nói một phần vì những quan chức nếu được bổ nhiệm vào những chức vụ trong các cơ quan cơ chế kiểm soát, giám sát như nói ở trên cộng với một số quy định về quyền hạn trách nhiệm của họ như: không bị bãi miễn, được hưởng lương và các chế độ phụ cấp đặc biệt cho đến hết đời (trừ chức danh Thượng nghị sĩ do dân bầu theo nhiệm kỳ quy định.

Cho dù giải pháp nêu ở trên không phải là giải pháp đúng đắn và đầy đủ nhất, nhưng nó cũng là giải pháp cần thiết nên có để kiểm soát và cân bằng quyền lực của đảng CSVN, bắt buộc đảng CSVN phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật trong thời gian hiện tại. Đồng thời nó cũng là bước đầu để tiến hành cải cách tư pháp, để tạo tiền đề cho một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự. Nhưng quan trọng nhất, đây là biện pháp để chấm dứt tình trạng đảng đứng trên pháp luật như hiện nay ở Việt nam.

Ở thời điểm này, khi báo chí nói rất nhiều về vấn đề sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thiết nghĩ đề nghị nhỏ này sẽ được nghiên cứu xem xét và đưa vào nghiên cứu cụ thể để áp dụng. Giải pháp nêu trên an toàn, mà vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của đảng CSVN, dễ dàng tiến hành được ngay sau khi bổ xung các điều khoản liên quan trong Hiến pháp mới.Đây là vấn đề cần thiết và quan trọng, vì "Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn tới sự tha hóa tuyệt đối". Không những thế, giải pháp này sẽ giúp tăng cường uy tín của đảng CSVN đã và đang ngày một bị bào mòn đến mức không còn gì để nói nữa.

Ngày 06 tháng 11 năm 2012

© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.