You are here

Bầu cử Tổng thống Hoa kỳ - Một góc nhìn từ đồng minh Đông Âu (Kỳ 2)

Marcin Mazur - Lê Diễn Đức dịch

Tiếp theo Kỳ 1 -  Chính sách đối ngoại
 

 
Quan hệ Mỹ - Nga, hoài niệm về Chiến tranh Lạnh
 
Mối quan hệ giữa Washington - Moscow trong nhiệm kỳ sắp kết thúc của Tổng thống Hoa Kỳ đã mất đi thứ hạng cao nhất trước đó của nó. Có hai lý do cho điều này. Thứ nhất, Tổng thống Barack Obama và chính phủ của ông nói chung không còn dành ưu tiên cho châu Âu, ông ra đi với suy nghĩ rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc và châu Âu đã không còn là bình diện đối đầu của các siêu cường, điều này cũng liên quan tới sự thay đổi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Yếu tố thứ hai, một thực tế là Hoa Kỳ đã không còn xem Nga như một đối tác tương xứng để đối đầu, và vị trí này dần dần đã được Trung Quốc thay thế.
 
Nước Nga hiện tại được Washington xem như một cường quốc khu vực mà sức mạnh của nó chủ yếu dựa trên nguồn bán khoáng sản. Hậu quả của chính sách trên tuyến quan hệ này là việc chính quyền của Obama từ bỏ kế hoạch xây dựng hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa. Đặc điểm của chính sách đối ngoại này đối với Nga cũng sẽ được tiếp tục trong trường hợp Barack Obama tái đắc cử, một điều đã được khẳng định qua các tuyên bố của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, được nói tới trong một cuộc trò chuyện riêng tư bị tiết lộ ra cho báo chí. Tổng thống đương nhiệm đảm bảo với vị khách Nga rằng, sau khi tái đắc cử sẽ "linh hoạt" về vấn đề lá chắn tên lửa.
 
Cách nhìn về mối quan hệ với Nga của Mitt Romney hoàn toàn khác. Ứng viên đảng Cộng Hòa gần đây đã nói rằng "Nga là mối đe dọa địa chính trị lớn nhất Hoa Kỳ". Trong trường hợp giành chiến thắng bầu cử, Mitt Romney sẽ thực hiện những biện pháp mạnh hơn trên tuyến Washing ton - Moscow, sẽ làm xấu đi đáng kể mối quan hệ hiện hành. Sự trở lại thực trạng của kế hoạch lá chắn phòng thủ tên lửa sẽ lại gây ra phản ứng từ Moscow. Vẫn là một câu hỏi để ngỏ rằng, các tình tiết sẽ tăng lên với quy mô đo được hay chỉ là trong khuôn khổ của lời nói, và nước Nga sẽ cho thấy từ phía mình cử chỉ đáp ứng như thế nào trước các hành động của Washington.
 
Chính sách đối ngoại của Barack Obama đối với Nga xem ra có vẻ đúng hơn. Nga không phải là một mối đe dọa cho Hoa Kỳ, nước Nga đang ngập tràn trong tình trạng trì trệ, thiếu cải cách đã làm suy giảm vai trò của nó trên trường quốc tế. Chính sách của Toà Bạch Cung hiện tại cũng dựa trên việc nắm bắt điểm yếu riêng của chính mình gây ra từ cuộc khủng hoảng tài chính, và sự cần thiết phải cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng với Trung Quốc. Mitt Romney đã đưa ra một kế hoạch đề cập đến hệ thống Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời. Ứng cử viên đảng Cộng Hòa có vẻ như không biết gì về những thay đổi đã xảy ra hơn ba mươi năm qua, những tiến bộ của Nga và sự tăng trưởng tiềm lực của Trung Quốc. Có lẽ trong chiến dịch bầu cử, các vấn đề kinh tế của đất nước là quan trọng nhất và Mitt Romney hiện đang không chú ý đến những tuyên bố của Nga. Hãy hy vọng đúng như vậy, và sau chiến thắng có thể ông sẽ điều chỉnh tư duy của mình về khu vực này của thế giới. Nếu điều này không xảy ra, có thể Romney sẽ làm tăng căng thẳng ở châu Âu và các phản ứng của các phong trào chống đối từ Moscow.
 
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc
 
Trung Quốc đang dần trở thành điểm quan trọng đối với tương lai và chính sách đối ngoại của Hoa kỳ đang định vị nó. Trước khi có vị tổng thống kế tiếp vẫn còn một câu hỏi mở là Hoa kỳ sẽ hành xử như thế nào với một quốc gia đã liên tục tăng tiềm năng kinh tế và quân sự. Barack Obama dường như nhận ra mối đe dọa đến vị trí của Mỹ từ phía Trung Quốc. Nhiệm kỳ hiện nay của ông tập trung vào tăng cường vai trò của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và Đông Á. Obama đã tìm cách tăng cường quan hệ với Ấn Độ, và hiện tiếp tục cuộc đấu tranh ngoại giao lôi kéo về phía mình Miến Điện, quốc gia đang cải cách bị che bởi cái ô Trung Quốc. Tuy nhiên, Barack Obama, không đưa ra câu trả lời như thế nào để đối phó với chính sách thương mại của Trung Quốc và làm giảm tiêu cực trong cân bằng thương mại. Hình ảnh bất lực của tổng thống đương nhiệm với Trung Quốc được thấy trong chuyến công du gần đây nhất của Barack Obama tại Bắc Kinh, giống như một chuyến thăm anh nhà giàu và còn là khách hàng sộp của ngân hàng. Ông chủ ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên công khai thể hiện thái độ không hài lòng về nền kinh tế Mỹ và sự thiếu hành động hiệu quả, gây tổn hại cho nền kinh tế của Trung Quốc.
 
Câu trả lời mà Barack Obama không thể đưa ra đang bị Mitt Romney cố gắng làm trầy xước thêm. Tuy nhiên, tuyên bố của Mitt Romney hiện tại cũng không cho thấy một giải pháp được tư duy có hệ thống. Ứng viên Cộng Hòa hứa hẹn sẽ cố gắng khuyến khích di chuyển trở lại của các nhà máy từ Trung Quốc về Hoa Kỳ và cải thiện cán cân thương mại. Tuy nhiên, ông không cắt nghĩa sẽ làm như thế nào, và nếu câu trả lời được đơn giản hóa như thế thì không đáng tin cậy. Trong trường hợp nhẹ nhất, sự suy giảm trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ nằm trong khuôn khổ mức độ của lời nói, trường hợp sâu rộng hơn, có thể mở ra tranh chấp thương mại giữa Washington - Bắc Kinh.
 
Vai trò của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO
 
Trong nhiệm kỳ của Barack Obama có sự suy giảm vai trò của NATO trên thế giới. Mitt Romney cáo buộc Ttổng thống đương nhiệm về sự thiếu quan tâm tới NATO và làm suy yếu vị thế của nó. Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra là liệu làm giảm vai trò của NATO có thực sự là lỗi của Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm? Có vẻ như yếu tố làm suy yếu liên minh là cuộc khủng hoảng tài chính đã không cho phép các quốc gia thành viên tham gia vào nhiệm vụ tốn kém ở nước ngoài và thiếu mục đích cụ thể mà NATO theo đuổi trong thế kỷ 21. Vai trò của bảo vệ phương Tây trước Nga và các đồng minh của Nga đã quá mức và không ai đề xuất được một công thức nào mới cho hành động.
 
Barack Obama không còn được tìm thấy trong cấu trúc của NATO một đối tượng quốc tế có thể đủ khả năng can thiệp, điều được chứng minh qua cuộc xung đột ở Libya, nơi mà sự can thiệp đã diễn ra chỉ thông qua hành động của Nicolas Sarkozy và David Cameron. Trong khi đề xuất tăng tầm quan trọng của NATO, Mitt Romney một lần nữa đề cập đến chính sách đối ngoại của George W. Bush. Chú ý tới các sứ mệnh bị thất bại và tốn kém gần đây (Iraq, Afghanistan), Romney sẽ rất khó khăn để có thể đảo ngược xu hướng suy giảm của NATO. Các giả định rằng, đảng Cộng Hòa sẽ gia tăng nhiệt độ quan hệ Mỹ - Nga qua xung đột của bất kỳ thành viên nào của NATO với Nga, sẽ tăng cường sự năng động của Mỹ trong Liên minh, là sự tưởng tượng thuần túy. Cuộc chiến kéo dài chống chủ nghĩa khủng bố, không mang lại hiệu quả, cũng sẽ không phải là một mục tiêu khuyến khích NATO. Tuyên bố mong muốn khôi phục lại tầm quan trọng của Liên minh của ứng viên tổng thống Romney có vẻ chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu chính trị cho chiến dịch với triển vọng ít ỏi để thực hiện.
 
Mỹ và Trung Đông
 
Như là khuôn mặt của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Trung Đông, Barack Obama trình bày những xung đột cuối cùng tại Libya (theo bài của Peter Baker trên tờ "New York Times") so sánh nó với sự thất bại của sự can thiệp của NATO tại Bosnia trong những năm chín mươi. Vui vẻ trả lời các câu hỏi, nhà lãnh đạo cầm đầu cuộc can thiệp vào Libya và cách đối phó ban đầu của Barack Obama trong cuộc xung đột này, cho thấy rõ chính sách Trung Đông của chính phủ Hoa Kỳ đã không mang lại thành công. Động thái của Tổng thống Obama sau khi nhậm chức muốn nối lại cuộc đàm phán giữa Israel và đại diện vùng tự trị Palestine đã thất vọng do chính sách cứng rắn Thủ tướng Benjamin Netanyah. Quan hệ với Iran đang trôi dạt vu vơ, can thiệp ở Libya là kết quả của kế hoạch Pháp-Anh, và ngược lại dưới góc độ bình ổn dân chúng đang diễn ra ở Syria, Tổng thống Obama cũng bất lực như cả thế giới.
 
Bài báo của Peter Baker là một ví dụ về hành động cho chiến dịch tranh cử của tổng thống, che giấu sự thiếu vắng hiệu quả có thể đo lường được trong chính sách đối ngoại của Obama trong các khu vực của thế giới. Những lý do của điều này là sự mệt mỏi của Hoa Kỳ trong hai cuộc chiến tranh tốn kém và không có khả năng thực hiện một can thiệp tiếp theo trên quy mô lớn như vậy. Yếu tố thứ hai được thực hiện ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ của Barack Obama là từ bỏ những năng động ở ngoài nước thái quá đã diễn ra trong suốt nhiệm kỳ của Georg W. Bush. Nếu ông tái đắc cử, chúng ta không nên mong đợi bất kỳ thay đổi căn bản trên đường đi của tổng thống trong nhiệm kỳ đầu tiên. Hai ẩn số, mà bây giờ khó có thể quyết định là sự can thiệp có thể vào Syria và phản ứng của Hoa Kỳ trong trường hợp xung đột giữa Israel và Iran. Việc đầu tiên của những vấn đề này sẽ phụ thuộc vào sự phát triển tình hình tại Syria. Tuy nhiên, người ta có thể kết luận rằng chế độ Bashar al-Assad'a sẽ phải tìm cách đi ra rất xa khỏi một sự can thiệp nào có đặc điểm tương tự như đã diễn ra tại Libya. Câu hỏi thứ hai phụ thuộc vào hành vi của Israel đang cảm thấy bị đe dọa bởi Iran, và trong một số bối cảnh có thể đưa ra tối hậu thư cho Hoa Kỳ - hoặc giúp chúng tôi hoặc chúng tôi tự lo liệu. Như trong trường hợp trước đây, phản ứng Barack Obama sẽ là an toàn, chờ xem, và một sự can thiệp quân sự có thể sẽ được cảm nhận của chính phủ hiện tại như là một phương sách cuối cùng.
 
Phân tích chiến lược của Mitt Romney về Trung Đông cần lưu ý rằng nếu ứng viên đảng Cộng Hòa sẽ thắng cuộc bầu cử tổng thống, có thể sẽ trở lại chính sách Trung Đông đã được biết đến từ thời chính quyền của George W. Bush. Hiện nay, Romney nói mơ hồ về khả năng can thiệp quân sự ở Syria. Trong khi vấn đề hỗ trợ chính phủ Israel trong cuộc xung đột với Iran dường như ông rất gần với quan điểm của Benjamin Netanyahu, hơn là đương kim tổng thống.
 
Trôi dạt về bên hữu?
 
Chính sách đối ngoại theo Mitt Romney giống như một cỗ máy thời gian. Nghe những trình bày của ứng viên đảng Cộng Hòa cho ta cảm tưởng rằng chúng ta đang ở vào năm 1968. Thắt chặt chính sách đối với Nga, tuyên bố chiến tranh thuế quan với Trung Quốc, cố gắng quay lại con đường chính trị được xác lập bởi George W. Bush tại Trung Đông, chính sách của Romney bị phê phán ngay trong nội bộ đảng Cộng Hòa. Phóng viên Richard A. Oppel Jr. của "The New York Times" lưu ý rằng chính sách đối ngoại của Mitt Romney quá cực đoan, dựa trên các véctơ của chính phủ Cộng Hòa trước đó, đã từng dẫn đến hai cuộc chiến tranh không thành công và tăng đáng kể trong chi tiêu quân sự.
 
Nhà phê bình chính của ứng cử viên đảng Cộng Hòa là cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell, người đã chỉ ra cho Romney thấy chủ nghĩa cực đoan quá mức và các giả định không chính xác trong chính sách đối ngoại. Mitt Rommney không không đồng ý với phê phán của cựu Ngoại trưởng.
 
Chính sách đối ngoại của Mitt Romney dường như tách rời khỏi thực tế, tập trung vào việc làm tăng căng thẳng mối quan hệ với Trung Quốc, Nga, hoàn toàn không nhìn thấy bài học từ sự thất bại của nhiệm kỳ của tổng thống Cộng hòa George W. Bush. Đảng Cộng Hoà thay vì rút ra kết luận từ hai cuộc chiến tranh không thành công, lại cực đoan hơn, điều này được minh chứng bằng các tuyên bố đưa ra bởi ủy ban bầu cử của ứng viên tổng thống Cộng Hoà.
 
Bản việt ngữ © Lê Diễn Đức - RFA Blog

 
-------------------------------------
* Bài viết đăng trên tờ "Nhữngnhận định của tôi", chuyên bình luận về các sự kiện chính trị xã hội trong và ngoài nước của Ba Lan tại link: http://www.mojeopinie.pl/wybory_prezydenckie_w_usa_walka_przeciwienstw,3... - Tiêu đề bài là của người dịch.