You are here

Chính trị Thái lan: Cái giá phải trả vì thiếu hòa hợp và hòa giải

 


Kami
-
Chính trị Thái lan vẫn luẩn quẩn không tìm cho mình một lối thoát, một lần nữa lại đang đứng bên bờ vực của sự khủng hoảng trầm trọng. Khi bài viết này được posts lên mạng thì chỉ còn vài giờ đồng hỗ nữa, vào lúc 13h30 (giờ Hà nội) ngày thứ sáu 13.7.2012, mặc dù là ngày kém may mắn ở nhiều nước phương Tây, nhưng bồi thẩm đoàn Toà án Hiến pháp Thái lan đã chọn để công bố các phán quyết cuối cùng về việc Quốc hội Thái lan tiến hành Sửa đổi bản Hiến pháp năm 2550, có phạm tội cố ý hủy bỏ thể chế chính trị Quân chủ Lập hiến hiện đang hiện hành hay không?
 

Trong trường hợp xấu nhất nếu tòa chứng minh là hành động vi hiến, thì các đảng trong Liên minh các đảng cầm quyền có thể bị giải tán và các ủy viên trung ương đảng sẽ bị cấm tham gia hoạt động chính trị trong 5 năm. Giống như sự việc đã xảy ra đối với các đảng Thai rak Thai (Người Thái yêu Thái), Phalang Praxaxon (Sức mạnh của nhân dân) của những người ủng hộ ông Thackshin Shinawatra trong 6 năm trở lại đây.
Vì theo đơn khởi kiện của một số thượng nghị sĩ và dân biểu của đảng Dân chủ – đảng đối lập lớn nhất của Thái lan cho rằng việc thông qua Quốc hội để Sửa đổi bản Hiến pháp năm 2550 của Liên minh đảng cầm quyền  đã vi phạm vào điều 68 Hiến pháp về vai trò của nhà Vua trong nền chính trị Quân chủ lập hiến. Mà theo họ đây là việc đảo chính ngầm nhằm giảm bớt quyền lực của nhà Vua và tiến tới phế truất nhà Vua và Hoàng tộc của đảng Phue Thai (Vì nước Thái) – chính đảng cầm quyền chịu sự chi phối của cựu thủ tướng lưu vong Thackshin Shinawatra. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2550, vốn là sản phẩm sau khi  xảy ra cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của cựu thủ tướng lưu vong Thackshin Shinawatra vào tháng 9 năm 2006, trước khi khôi phục lại chế độ chính quyền dân sự do dân cử vào ngày 23 tháng 12 năm năm 2007 là một trong những mục tiêu tranh cử của đảng Phue Thai (Vì nước Thái) trong nhiệm kỳ 2011 – 2015. Vì theo họ bản Hiến pháp này mặc dù được 57% cử tri ủng hộ thông qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 19 tháng 8 năm 2007, nhưng còn có nhiều điều khoản mang tính độc tài, mất dân chủ, ví dụ 50% tổng số Thượng nghĩ sĩ được chỉ định thay vì bầu cử tự do.
Chính phủ của đảng Phue Thai (Vì nước Thái) do bà Yinhluck Shinawatra em gái út của cựu thủ tướng lưu vong Thackshin Shinawatra được hình thành sau kết quả của cuộc tổng tuyển cử tự do được tổ chức ngày 3 tháng 7 năm 2011, Đảng Pheu Thái của bà Yingluck Shinawatra đã thắng lợi áp đảo với 263 ghế, dẫn trước Đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva với 161 ghế trong tổng số 500 ghế trong quốc hội. Mặc dù với số dân biểu quá bán, nhưng để đảm bảo sự an toàn chắc chắn cho mình, đảng Phue Thai vẫn chấp nhận liên minh với các đảng vừa và nhỏ khác để thành lập chính phủ với tổng số ghế chiếm gần 2/3 trong tổng số 500 ghế trong quốc hội. Chính phủ của bà Yinhluck Shinawatra ra đời trong bối cảnh khủng hoảng chính trị trầm trọng của Thái lan kéo dài từ năm 2009, đặc biệt là sau  tháng 4 năm 2010, sau một tập hợp các cuộc biểu tình của phong trào đối lập áo đỏ (ủng hộ thủ tướng Thackshin) trong thời gian kéo dài và sau cùng đã bị lực lượng quân đội chính phủ đàn áp khốc liệt với số lượng tử vong, thương vong đến hàng trăm người. Kết quả này dẫn tới sau đó Thủ tướng Abhisit Vejjajiva buộc phải tuyên bố giải tán Quốc hội và tiến hành tổng tuyển cử.

Tòa án Hiến pháp Thái lan

Trong quá khứ, chỉ trong vòng vài năm gần đây các đảng chính trị thân với cựu thủ tướng lưu vong Thackshin Shinawatra liên tục Tòa án Hiến pháp Thái lan (một tổ chức độc lập do nhà Vua chỉ định các thành viên) “xử lý”, điều mà các phương tiện truyền thông mô tả như là một “cuộc đảo chính tư pháp”. Cụ thể là tiếp theo đảng đảng Thai rak Thai (Người Thái yêu Thái) của cựu thủ tướng Thackshin Shinawatra bị giải tán sau cuộc đảo chính quân sự tháng 9.2006, là việc giải tán Phalang Praxaxon (Sức mạnh của nhân dân) của Thủ tướng Samak Sundaravej (09.9.2008) với lý do ông Samak Sundaravej đã tham gia trong một chương trình truyền hình nấu ăn trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, phán quyết đó của tòa án đã chấm dứt 8 tháng cầm quyền của ông. Tiếp theo là người kế nhiệm, ông Somchai Wongsawat cùng chung số phận khi ngày 02 tháng 12 2008, Tòa án Hiến pháp Thái Lan bằng một quyết định gây nhiều tranh cãi, khi tìm thấy đảng Phalang Paxaxon (Sức mạnh của nhân dân) phạm tội gian lận bầu cử, dẫn đến quyết định giải thể Phalang Paxaxon (Sức mạnh của nhân dân) theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý là chỉ sau một loạt hành động xử lý của Tòa án Hiến pháp Thái Lan như kể trên, thì ngay sau đó một thành viên cấp cao của các lực lượng quân đội đã gặp gỡ với các phe phái của liên minh cầm quyền, để yêu cầu một số thành viên tham gia thành lập chính phủ của cựu lãnh đạo của phe đối lập Abhisit Vejjajiva. Và kết quả ông Abhisit Vejjajiva đã được bổ nhiệm, tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, cùng với nội các mới vào ngày 17 tháng 12 2008.
Hiện nay đảng chính trị ở Thái lan  có 57 đảng, trong đó có gần 10 đảng có ghế trong quốc hội, nhưng chỉ có 2 chính đảng lớn có vai trò nổi bật là đảng Phue Thai (Vì nước Thái) và đảng Dân chủ. Đảng Phue Thai (Vì nước Thái) – chính đảng cầm quyền, được coi là cấp tiến, chịu sự chi phối của cựu thủ tướng lưu vong Thackshin Shinawatra và sự ủng hộ của phe áo đỏ. Chiếm ảnh hưởng lớn ở miền Bắc, Đông Bắc và ít nhiều ở các vùng khác ở Thái lan, với đối tượng ủng hộ là thành phần nông dân, dân nghèo. Còn đảng Dân chủ, hiện là chính đảng đối lập, được coi là đảng bảo hoàng, được sự ủng hộ và hậu thuẫn của phe Áo vàng và phe Áo đa sắc mầu. Chiếm ảnh hưởng lớn ở miền Nam và ít nhiều ở các vùng khác ở Thái lan, với đối tượng ủng hộ là thành phần thượng lưu, trung lưu, trí thức nhìn chung là tầng lớp những người có ăn, có học.

Cảnh sát bảo vệ nhà Quốc hội Thái lan lập rào chắn để bảo vệ CT Quốc hội bị dân biểu đối lập tấn công ngày 31.5.2012

Việc tiến hành sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội Thái lan tiến hành song song với việc tiến hành chương trình Hòa hợp và hòa giải dân tộc, nhằm mục đich tìm kiếm giải pháp đưa chính trị Thái lan thoát ra khỏi vòng khủng hoảng. Cho dù việc Sửa đổi Hiến pháp đã tiến hành đến giai đoạn thứ ba, là bước chuẩn bị tổ chức lựa chọn các thành viên của Uỷ ban Sửa đổi Hiến pháp, mặc dù phía chính quyền chiếm đa số ghế trong Quốc hội. Nhưng trước sự phản ứng dữ dội của phe đối lập cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp và chương trình Hòa hợp và hòa giải dân tộc của đảng cầm quyền mục đích chính để xóa tội cho cựu thủ tướng lưu vong Thackshin Shinawatra và các nhân vật thuộc phe Áo đỏ đang bị Tòa án Hình sự Thái lan truy tố về tội khủng bố trong thời gian biểu tình năm 2010. Đồng thời để trả lại khoảng tiền 46 tỷ Bath của cựu thủ tướng Thackshin Shinawatra đã bị Tòa án Hiến pháp tuyên bố tịch thu. Đặc biệt khi Chủ tịch Quốc hội đưa 02 vấn đề trên vào chường trình gấp rút được ưu tiên hàng đầu trong nghị trình làm việc của Quốc hội, thì cao trào của sự căng thẳng trong Quốc hội giữa dân biểu phe chính phủ và dân biểu phe đối lập đã tiến tới đỉnh điểm. Cụi thể trong 02 ngày 30-31.5.2012 liên tiếp dân biểu phe đối lập đã bao vây Chủ tịch Quốc hội trong phòng họp. Ngày thứ nhất họ lôi Chủ tịch Quốc hội khỏi ghế Chủ tịch và mang ghế chủ tịch vứt ra ngoài, ngày thứ hai họ dùng sách vở, tài liệu ném thẳng vào Chủ tịch Quốc hội khi đang chủ trì cuộc họp. Trong bối cảnh đó thì có yêu cầu từ Tòa án Hiến pháp đề nghị Quốc hội dừng việc tiến hành Sửa đổi Hiến pháp cho tới khi nhận được phán quyết từ Tòa án Hiến pháp sau khi tiến hành điều tra và lấy lời khai của nguyên đơn và bị đơn trong hai ngày 5-6.7.2012 vừa qua.

Các thành viên trong sắc phục của Quân đội Gỉai phóng Nhân dân vì Dân chủ (Red Army) tập trung trước của Tòa án Hiến pháp Thái lan sáng nay 13.7.2012

Trong hai ngày 5-6.7.2012 vừa qua, trong quá trình thẩm vấn của Tòa án, phía nguyên đơn đã trưng các chứng cớ bằng video hình ảnh, audeo tiếng, các bằng chứng về: tổ chức quân sự Quân đội Giải phóng Nhân dân vì Dân chủ (Red Army), kế hoạch xây dựng 30.000 làng áo đỏ trong chương trình Đỏ toàn nước Thái, đòi hỏi giảm quyền lực của nhà Vua Thái lan chỉ ở mức biểu tượng như Anh, Nhật bản, Hà lan v.v… và tiến tới phế truất nhà Vua và Hoàng tộc của nguyên đơn khi cho rằng đảng Phue Thai có âm mưu thành lập nhà nước Thái mới mà ông cựu thủ tướng lưu vong Thackshin Shinawatra giữ chức Tổng thống. Đặc biệt căn cứ vào bản dự thảo Sửa đổi Hiến pháp của phe chính phủ, được đưa vào thảo luận trong Quốc hội đã sửa điều 291, gia tăng quyền hạn cho Chủ tịch Quốc hội là người phê chuẩn Hiến pháp sửa đổi lần cuối, thay vì quyền cho phép của nhà Vua. Tuy nhiên phia bị đơn khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp là chủ trương vận động tranh cử, là quyền của Quốc hội và họ chỉ tiến hành trong khuôn khổ của luật pháp, hiến pháp cho phép, không vi phạm pháp luật. Đáng chú ý trong quá trình thẩm vấn, một bồi thẩm đoàn đã xin rút khỏi bồi thẩm đoàn với lý do đã để lộ suy nghĩ của cá nhân mình về vụ án này và yêu cầu này đã được Toà án Hiến pháp đồng ý. Và sang ngày thứ 2 lại có 03 bồi thẩm viên xin rút với lý do tương tự nhưng không được Toà án Hiến pháp chấp nhận. Ngày 10.7.2012, cả hai bên nguyên và bị đơn đã trình cho Tòa án bản giải trình cuối cùng làm cơ sở cho các bồi thẩm đoàn Toàn án Hiến pháp làm cơ sở để đưa ra các phán quyết cuối cùng mọt cách độc lập trước khi nhóm họp toàn bộ các thành viên bồi thẩm đoàn vào sáng nay 13.7.2012.
Trước ngày phán xét của Tòa án Hiến pháp, một số tổ chức có uy tín tiến hành thăm dò ý kiến (vote) dư luận xã hội với kết quả: Trên 40% người được thăm dò cho rằng nên lùi việc Sửa đổi Hiến pháp và chương trình Hòa hợp và hòa giải dân tộc để giảm căng thẳng, trên 50 % cho rằng việc Sửa đổi Hiến pháp và chương trình Hòa hợp và hòa giải dân tộc là ngòi nổ cho những bất đồng chính trị, chỉ có gần 30% ủng hộ việc Sửa đổi Hiến pháp và chương trình Hòa hợp và hòa giải dân tộc. Do vậy trong những ngày vừa qua không khí chính trị ở Thái lan đã nóng lên một cách bất thường, đặc biệt là tuyên bố của ông Korkeo PheeKoonThong dân biểu phe chính phủ, kêu gọi phe Áo đỏ sẵn sàng vĩnh biệt gia đình chuẩn bị để xông thẳng vào Toà án Hiến pháp nhằm bắt giữ toàn bộ các bồi thẩm đoàn Toàn án Hiến pháp. Tới mức có tin đồn Phó thủ tướng Thái lan đã phải chuẩn bị phương án dùng helicopter blackhawk để giải thoát cho các bồi thẩm đoàn Toàn án Hiến pháp. Sự việc này không biết có liên quan đến việc bà Yinhluck Shinawatra em gái út của cựu thủ tướng lưu vong Thackshin Shinawatracó chuyến xuất ngoại bất thường vào 11h00 trưa nay khi bay sang Cambodia gặp gỡ nhân vật không đồng cấp bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và sẽ trở về Thái lan 22h30 cùng ngày, một hành động được cho rắng tránh né tránh nhiệm của người đứng đầu chính phủ nếu có các biến cố xung đột xảy ra.
Giới bình luận và các chuyên gia đều có nhìn nhận và đánh giá chung khi cho rằng vòng xoáy chính trị của Thái lan khó có hồi chấm dứt, điều này dẫn tới sự bất ổn chính trị và làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái lan. Có lẽ chỉ ở mức 4,0 – 4,5 % thay vì 5,0 – 5,5% như dự báo. Nguyên nhân của khủng hoảng chính trị là do các chính trị gia Thái lan không kế phe phái nào, họ thi nhau chơi game chính trị theo lối hủy diệt phe đối diện tới mức không còn để đất sống. Khi đẩy phe đối diện vào bước đường cùng thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, không có ai lường trước được. Trong bối cảnh chung của chính trị Việt nam hiện tại cho thấy, tình trạng này có thể sẽ dễ xảy ra lặp lại ở Việt nam, một môi trường tương tự như ở Thái lan khi có dân chủ đa đảng. Nếu chúng ta không biết coi trọng lòng vị tha và việc hòa giải hòa hợp dân tộc, coi việc đó là một vấn đề cần thiết có tầm quan trọng đặc biệt ngay từ bây giờ.
Dân chủ tự do là một thể chế chính trị chưa phải là tốt nhất, nhưng chắc chắn nó là thể chế chính trị có ít nhược điểm nhất cho đến thời điểm hiện tại của lịch sử loài người. Và chắc chắn khi không có hòa giải hòa hợp dân tộc thì không thể làm bất kỳ điều gì vì lợi ích của quốc gia và dân tộc mình được, mà Thái lan là một bài học để chúng ta rút kinh nghiệm./.
11h00 ngày 13 tháng 6 năm 2012.
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.