You are here

Người Na Uy giản dị.

Ảnh của songchi

Song Chi.
Sống ở Na Uy một thời gian, tôi nhận thấy người dân Na Uy nhìn chung có tính cách giản dị.
Giản dị từ cách ăn mặc-dù giàu dù nghèo, dù đi làm hàng ngày hay trong những bữa tiệc tùng. Dường như chỉ trừ ngày Quốc khánh 17.5 hàng năm là dịp người Na Uy ăn mặc cầu kỳ nhất, với những bộ trang phục truyền thống có màu sắc nổi bật, có những hoạ tiết rực rỡ được thêu bằng tay, và những món đi kèm như giày, mũ, tất, thắt lưng, ví, đồ trang sức…Còn ngày thường, nếu bảo người Na Uy ăn mặc không theo thời trang lắm có lẽ cũng đúng, khi so sánh với người dân ở những vương quốc thời trang như Pháp, Ý, Anh, Mỹ…Vì sự thật là ngành thời trang của Na Uy không nổi tiếng trên thế giới như những quốc gia này.
Giản dị từ tác phong, cách ứng xử trong mọi mối quan hệ. Ngay cả vua chúa hoàng tử của họ cũng giản dị, bình dân, so với các nhân vật trong hoàng gia Anh chẳng hạn.
Con gái tôi kể, có lần vị thái tử của Na Uy, ngài Haakon Magnus, con trai của Đức Vua đang trị vì Harald V đến ngôi trường nơi con tôi đang học, Kristiansand katedralskole Gimle. Cũng là ngôi trường mà trước kia vợ ngài, công nương Mette-Marit, vốn sinh trưởng tại thành phố Kristiansand, đã theo học. Thái tử đến nói chuyện với học sinh của trường. Ông xuất hiện với nụ cười cởi mở, tay vẫy vẫy chào “Hei hei” và suốt cả buổi, là một tác phong rất gần gũi, bình dân.
Học sinh Na Uy thì không có vẻ gì ngạc nhiên nhưng những học sinh đến từ những quốc gia khác, như một cô gái người Philippines trong lớp con gái tôi cứ suýt soa mãi về sự giản dị không có khoảng cách này giữa vị vua tương lai của Na Uy với các học sinh. Hay khi thỉnh thoảng mở TV có những chương trình hoạt động, phỏng vấn các nhân vật trong hoàng gia Na Uy, thấy họ rất bình thường, không có vẻ gì là vua chúa cả.
Giản dị cả trong cách sống, trong quan điểm về cuộc sống. Tôi không biết người thật giàu thuộc loại đại gia, tỷ phú ở Na Uy thì họ sống thế nào, nhà cửa trang hoàng ra sao, vì những người tôi gặp chỉ thuộc tầng lớp trung lưu hoặc trên trung lưu một chút. Nhưng trong số những người tôi đã biết, hoặc theo quan sát trên đường phố, người Na Uy có vẻ không thuộc loại tiêu xài phung phí cho hình thức bên ngoài, từ nhà cửa, xe cộ, ăn mặc…Về mặt này thì chắc người Na Uy thua xa một bộ phận người giàu ở VN trong khi đất nước họ được xếp vàọ một trong những quốc gia thịnh vượng nhất, với khối lượng dự trữ vốn trên đầu người cao nhất thế giới.
Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund), GDP trên đầu người của Na Uy là 96,591 USD/ năm 2011, xếp thứ 3 trên thế giới trong lúc VN là 1, 362 USD xếp hạng thứ 140. Còn GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương (GDP (PPP) per capita) là 53, 738.052 /năm 2011, 55, 398. 065 USD/ năm 2012-cũng theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, trong lúc VN là 3, 326.314 USD/ năm 2011 và 3, 557.114/ năm 2012. (Theo Wikipedia)
Sở dĩ người Na Uy có phong cách sống và những quan niệm giản dị về hạnh phúc, có lẽ vì so với nhiều dân tộc khác, cuộc sống của người dân Na Uy không phải bon chen, căng thẳng, lo lắng nhiều. Học sinh đi học với một tâm trạng nhẹ nhàng, chả phải chịu sức ép gì từ gia đình, nhà trường, điểm số hay thành tích. Nếu học tiếp lên đại học cử nhân thạc sĩ cũng tốt, mà nếu học trường nghề ra đi làm thì đồng lương cũng cao. Mức chênh lệch giàu nghèo trong xã hội không lớn, cũng chả có ai phân biệt nghề này sang nghề kia hèn, ai làm việc nấy, người phục vụ bàn trong nhà hàng, công nhân hay bác sĩ kỹ sư đều vui vẻ như nhau. Vì các quốc gia Bắc Âu vốn đặt nặng giá trị của sự công bằng xã hội hơn là đề cao tính cá nhân.
Như nhiều nước châu Âu, Canada hay Úc…, ở Na Uy, học sinh đi học trung học thì miễn phí, còn lên đại học mới phải đóng một số tiền cũng rất tượng trưng. Nếu gia đình không có đủ tiền nuôi con trong những năm theo học đại học thì mượn nợ của nhà nước, sau ra đi làm trả dần. Khi đã có việc làm thì mua nhà, lập gia đình, mua xe gì cũng có thể mượn nợ của nhà nước. Lúc thất nghiệp, đau yếu, khi tuổi già có nhà nước lo. Mà nếu lỡ sinh ra đã là người tàn tật thì nhà nước nuôi cả đời. Ở đây cái câu “mọi chuyện đã có nhà nước lo” mới thật là đúng.
Học hành không phải chịu sức ép, không cần chạy bằng mua bằng, đi làm cũng chẳng phải lo chạy chỗ hay nịnh bợ xếp. Làm bất cứ việc gì, đi đến bất cứ cơ quan nhà nước nào hay gặp cảnh sát, cũng không phải băn khoăn bận tâm nghĩ đến chuyện phải hối lộ, đút lót mới xong việc. Cũng chả việc gì phải sợ cảnh sát, chính quyển nếu không làm gì phạm pháp. Một đời người ít những nỗi lo sợ vô lý, càng không có những nỗi sợ kiểu như phải có bằng cấp cao, ở nhà lầu, đi xe đẹp, hay tiền nhiều thì mới được thiên hạ coi trọng. Có lẽ vì vậy mà người Na Uy sống nhẹ nhõm.
So với nhiều quốc gia khác, Na Uy là một nước nhỏ về nhiều mặt. Na Uy không phải là một cường quốc trong nhiều lĩnh vực như Hoa Kỳ hay Nhật, không rộng lớn, đông dân và lắm tiền như Trung Quốc, Na Uy không có bề dày văn hóa và đời sống tinh thần phong phú, thú vị như Anh, Pháp, Đức, Ý…hay Ấn độ. Nhưng nếu xếp hạng quốc gia hạnh phúc, Na Uy hẳn sẽ được xếp rất cao.
Thứ nhất vì cuộc sống ở Na Uy không căng thẳng, khác với ở Mỹ vợ chồng có khi cả ngày cả tuần không có thì giờ dành cho nhau, hoặc ở Nhật, rất nhiều người thường xuyên phải tranh thủ ngủ trên tàu điện, ngủ ở mọi nơi có thể. Thứ hai, người Na Uy tính tình đơn giản, nên hạnh phúc đối với họ nói chung cũng đơn giản. Hạnh phúc đôi khi là một ngày hè được ngồi sưởi nắng sau một mùa đông dài rét mướt, là một buổi đi chơi hòa mình giữa thiên nhiên, là một ngày cùng nghỉ ngơi dành thời gian cho gia đình, không cần gì phải cầu kỳ tốn kém…Hầu hết những người Na Uy mà tôi quen biết hay gặp gỡ tiếp xức đều tỏ ra hài lòng với đất nước, chính phủ và cuộc sống của họ.
Hơn nữa, nếu hạnh phúc là biết đủ, không đòi hỏi sân si nhiều, không phức tạp hóa cuộc sống, không bon chen, không chạy theo đồng tiền hay những giá trị phù phiếm cũng không mất thì giở bận tâm soi mói cạnh tranh với người khác, thì điều đó lại càng đúng với người Na Uy.

Bài bình luận

Bác viết thêm 1 bài về những mặt trái của xã hội, con người Nauy đi. Bài này bác đề cập toàn mặt tích cực không à.

ban thu noi ve mat trai cua con nguoi ban xem sao ????

Tôi là người sống tại Nauy , nơi thành phố Drammen cách thủ đô Oslo khoảng 50 km về phía nam . Định cư tại xứ Bắc Âu lạnh lẽo nầy đã hơn hai mươi năm rồi , nhưng vẫn chưa quen được với cái giá lạnh mùa đông phải nói là khắc nghiệt tại xứ nầy . Mùa đông trời tăm tối gần như cả ngày , có khi cả tháng chẳng thấy ánh mặt trời . Mùa hè ngược lại hầu như không có ban đêm , và mặt trời hầu như không hề lặn . Cuộc sống thì trầm lắng vô cùng , chắc chỉ phù hợp cho những ai an nhiên tự tại hoặc giới tu hành . Người Nauy nhìn bề ngoài hiền lành thuần hậu , nhưng trong thâm tâm cũng cực kỳ thủ cựu . Trong khi đó cũng có những kẻ bài ngoại cực đoan như Anders Beiring Breivik có những hành động khủng bố dã man giết hại chính đồng bào mình làm xáo trộn cuộc sống bình lặng vốn cố hữu tại đây . Chánh sách an sinh xã hội rất tốt , nhưng đồng thời vật giá đắt đỏ nhất nhì trên thế giới và thuế thu nhập ở mức rất cao , khoảng chừng 1/3 lương thu nhập hàng tháng . Nhưng xét cho cùng , sống tại bất cứ nơi đâu , ai trong chúng ta cũng một lòng ngóng về cố hương với ước nguyện dân chủ , tự do và dân quyền cho đồng bào mình nơi ấy . Chính vì thế mà thi sĩ Lê Hoài Việt sống tại thành phố Bergen , Nauy có những vần thơ bầy tỏ nỗi lòng của người Việt xa xứ khi phải sống nơi mảnh đất tạm dung nầy : - Oslo sương tuyết trắng. Bergen mưa mãi rơi . Stavanger gió hú . Với nỗi sầu chưa vơi . Trondheim sương mờ trắng . Ánh dương tắt cuối trời . Kristiansand biển vắng . Bóng tầu khuất trùng khơi . Với nỗi sầu viễn xứ . Day dứt mãi khôn nguôi ... Drammen ngày 30 tháng tư năm ấy .

Chị Song Chi nhật xét rất tinh tế. Chinh xác. NMQ

Woo...w: như vậy chắc là thuế lợi tức (thu nhập) phải đóng với mức rất là cao rồi... Tôi nghĩ ít nhất là trên 50% của tổng thu nhập...??? Vậy thì làm càng nhiều nhưng chẳn hơn làm ít hơn là bao nhiêu...! Hèn chi Norway ít tỷ phú hơn các nước ờ Europe. Đúng là giản dị trong cuộc sống như đã nói ở trên. Good luck, and have a good life in Norway. MikeDo USA

Cái quan niệm sống bình dân, thanh thản như thế này đã có ở VN ta hằng trăm năm trước ngang qua những tên tuổi như Nguyễn Công Trứ, vua Trần Nhân Tôn.... Có lẽ cái điểm chính để con người có thể sống được như thế là khi họ cảm thấy tự tin, biết chắc rằng giá trị đích thật con người của mình là do tư cách của chính mình, thể hiện qua các hành động, chứ không phải là những thứ vật chất bôi trát vào người mình hầu che đậy những điểm yếu của chính bản thân nhưng không "khắc phục" dược!! Chủ nghĩa CS đã phá nát tình người ở bất cứ xứ nào họ đến, từ Nga sô, đến Trung cộng, Bắc Hàn và Việt Nam