You are here

Về vấn đề nghịch lý trong khám chữa bệnh cho người dân ở Việt nam

 

Kami
-
Các thành viên hội đồng Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều có một nét chung giống nhau đó là dùng phương pháp "nổ" để tạo ấn tượng và thu hút sự quan tâm của công luận, nhưng các vị thường là nổ không được lâu thì bị xịt vì trong các phát biểu còn thiếu cái tâm và cái tầm. Điển hình là ông Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ trong những ngày vừa qua ... và giờ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chắc ở cái thế kém miếng khó chịu, không nín được nữa phải nói, vì thế trong mấy ngày qua trên báo chí liên tiếp có các bài viết về vấn đề quá tải của các bệnh viện công trong nghành y tế.

Điều mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã lên tiếng rằng “Chưa thấy một quốc gia Đông Nam Á nào, kể cả ở châu Phi mà tình trạng các bệnh viện (BV) quá tải như tại VN”  hay "Nhìn thấy bệnh nhân nằm trên, nằm dưới, nằm hành lang, một giường dồn 2-3 người, tôi cảm thấy đau đớn". v.v... Nguyên nhân là do tình trạng số lượng bệnh viện quá ít, nhưng số người bệnh thì quá đông, như theo tin từ Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong danh sách 33 quốc gia có tỷ lệ giường bệnh thấp nhất trên thế giới, 1 giường bệnh/1.000 dân, điều dó đã dẫn tới tình trạng quá tải của các bệnh viện công, theo Bác sĩ Lê Hoàng Minh - Giám đốc BV Ung bướu Sài gòn cho ràng “Tại BV Ung bướu, một số khoa, người bệnh đến đây “ngồi viện” chứ không phải nằm. Vì mấy bệnh nhân (BN) chung một giường, không thể nằm được”.

Những phát biểu nói trên phản ảnh đúng thực chất vấn đề dịch vụ y tế đối với một bộ phận lớn dân chúng, những người lao động nghèo không có điều kiện khám chữa bệnh ở các bệnh viện khác nằm ngoài hệ thống y tế của nhà nước vì không có chi phí đủ để thanh toán hoặc không có bảo hiểm y tế. Đó là những điều hoàn toàn thực tế đang xảy ra trong việc khám chữa bệnh cho người dân ở Việt nam hiện nay. Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là những phát biểu của bà Bộ trưởng Bộ Y tế những phát ngôn thực sự tâm huyết hay chỉ những phát ngôn mang tính truyền thông để tạo ấn tượng và quảng cáo hình ảnh cho cá nhân mình? Tìm câu trả lời cho vấn đề này thì không khó, cứ trông gương hai ông Vương Đình Huệ và Đinh La Thăng đã từng gây thất vọng cho người dân trong thời gian qua thì rõ.

Bệnh viện cho nhân dân

Nỗi khổ của người bệnh và thân nhân của họ không chỉ riêng việc nằm chung 3 - 4 người một giường, nằm dưới gậm giường bệnh hay nằm ngoài hành lang hay điều kiện vệ sinh kém, mà còn là chuyện thái độ phục vụ của các bác sĩ, y tá, hộ lý v.v... tốt hay xấu dựa trên vấn đề giải quyết khâu đầu tiên là tiền (phong bì) đâu với thân nhân người bệnh? Vì một khi số lượng bệnh nhân đông đúc, nhưng số lượng giường bệnh quá ít , và vấn đề số lượng bác sĩ, y tá, hộ lý không đủ đáp ứng thì sẽ nảy sinh ra tiêu cực. Nếu không phải là người nhà thân quen hay các đối tượng thuộc hàng con anh Sáu, cháu anh Tư thì sẽ luôn phát sinh chuyện ngỏ lời "xin bác sĩ trông nom cẩn thận và cho người nhà em thoải mái một chút". Muốn toại nguyện thì cả hai bên cùng hiểu ý là  phong bì sẽ được đưa và khi đó người bệnh mọi thứ đều được ưu tiên và chăm sóc kỹ cang, chu đáo hơn người khác. Đó là luật bất thành văn và có giá cả phong bì lót tay cụ thể cho mỗi loại bệnh, điều này hẳn ai từng đến khám chữa bệnh ở bệnh viện công cũng biết.

Theo báo Thanh Niên, khi giải thích về hiện tượng này Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải than rằng: "Cả xã hội bức xúc về tình trạng quá tải bệnh viện nhưng cuộc sống phải cân bằng giữa cho và nhận. Có cho (ngành y tế) cái gì đâu mà đòi nhận nhiều. Không đầu tư, xây dựng bệnh viện mà dịch vụ đòi tốt thì vô lý, bất công vô cùng" . Điều đó chỉ đúng một phần, còn một phần bà Bộ trưởng biết, những đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên là cán bộ trung, cao cấp trong bộ máy đảng và nhà nước ở Việt nam đều biết, nhưng dân chúng thì ít người biết. Đó là hệ thống khám chữa bệnh bằng vốn ngân sách dành riêng cho các đối tượng quan chức trung cao cấp (kể cả người nhà của họ) và cán bộ chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang thì ngược lại hoàn toàn. Kinh phí được cấp thừa thãi, thuốc men, máy móc, phương tiện y tế đầy đủ, số lượng giường thường xuyên lớn hơn số bệnh nhân điều trị. Đó là các bệnh viện đặc biệt như Quân y viện 108, bệnh viện Hữu nghị, bệnh viện Thống  nhất, bệnh viện 198 v.v... . Đó là một thực tế rất khó tin mà có thật, xin kể một câu chuyện xảy ra gần đây nhất tại bệnh viện Hữu nghị (bệnh viện Việt - Xô cũ).

Bệnh viện Hữu nghị dành cho "đầy tớ' (Hình minh họa)

Anh A. vốn là thủ trưởng cũ của tôi nay là cán bộ cấp Vụ trưởng sắp nghỉ hưu bị bệnh huyết áp cao nên hay chóng mặt, đây là bệnh bình thường của người có tuổi. Khi đi khám ở bệnh viện Hữu nghị bác sĩ yêu cầu nhập viện để theo dõi và điều trị, nghĩ rằng bệnh đơn giản chắc chỉ nằm theo dõi hai ba ngày nên anh A cũng đồng ý. Nằm viện 3 người một phòng, có máy lạnh, hàng ngày có bác sĩ đến khám chỉ định cấp thuốc và nhân viên ý tá phục vụ rất nhiệt tình chu đáo, ăn uống tốt. Ở hết một tuần, thấy sức khỏe ổn định anh A muốn xuất viện nhưng không dám nói vì ngại. Ở hết tuần thứ 2, có một bữa anh A hỏi y tá trực bao giờ được xuất viện thì nhận được câu trả lời để chờ bác sĩ quyết định. Ở hết tuần thứ 3 thì chán quá không chịu nổi vì chỉ ăn và ngủ, trong lúc công việc cơ quan nhiều đang chờ giải quyết, anh A đành đánh bạo hỏi bác sĩ điều trị thì nhận được câu trả lời trường hợp của bác chưa thể xuất viện được, còn phải theo dõi. Vợ anh A cũng là bác sĩ ở một bệnh viện lớn ở Hà nội, thấy bệnh tình của chồng mình ổn định nhưng không được xuất viện, nên lo và liền tìm một cô bạn đang công tác ở bệnh viện Hữu nghị để hỏi lý do. Vì là bạn thân nên cô bạn cho biết tháng này số lượng bệnh nhân ít, nên Viện trưởng bện viện chỉ thị yêu cầu các Khoa không cho bệnh nhân xuất viện để đảm bảo chỉ tiêu số giường bệnh (!?).

Chuyện trên là chuyện có thật 100%. Vậy thử hỏi tại sao lại có cái nghịch lý đó?

Trong khi mục tiêu của chúng ta là "xây dựng một xã hội công bằng , của dân , do dân và vì dân" với các khẩu hiệu đỏ rợp trời "cán bộ là đầy tớ của nhân dân" hay "cán bộ phải khổ trước dân , sướng sau dân " v.v.. như CT Hồ Chí Minh đã từng huấn thị cho cán bộ đảng viên rằng "Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải "chí công vô tư" và có tinh thần " lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ"(Hồ Chí Minh, ST, 1980, T2, trang 210). Không lẽ những người đầy tớ của nhân dân, những học trò của CT Hồ Chí Minh họ quên điều đó và làm ngược lại. Họ sử dụng đồng tiền thuế của dân để phục vụ cho lợi ích của nhóm lãnh đạo trước mà chẳng quan tâm tới số đông dân chúng khốn khổ trong việc khám chữa bệnh ra sao? Một đằng những ông đầy tớ của dân ốm đau bình thường không tới mức phải nằm viện nhưng bắt nhập viện rồi không cho xuất viện vì sợ không đảm bảo chỉ tiêu điều trị và được điều trị miễn phí, ngược lại một bên thì các ông bà chủ ốm đau thì 3-4 người chung một giường bệnh, nằm dưới gầm giường, ngoài hành lang và đã mất tiền viện phí lại còn phải biết điều lo lót phong bì. Thử hỏi cái khẩu hiệu "xây dựng một xã hội công bằng , của dân, do dân và vì dân" để làm cái gì?

Chúng ta không yêu cầu bình đẳng một cách mù quáng, những người cán bộ lãnh đạo, những kẻ có chức có quyền, những kẻ giàu có họ có quyền được hưởng các điều kiện sinh hoạt trên mọi lĩnh vực, ở mọi nơi, mọi chỗ... kể cả trong lĩnh vực y tế. Nhưng lẽ ra họ chỉ được sử dụng đặc quyền ấy khi họ tự bỏ tiền túi của cá nhân họ chứ không phải lấy tiền thuế của dân để làm những việc mang tính chất đặc quyền, đặc lợi cho một nhóm nhỏ mà bỏ qua lợi ích của số đông. Những kẻ lãnh đạo, cậy chức cậy quyền tự cho mình cái đặc quyền dùng tiền thuế mồ hôi nước mắt của toàn thể nhân dân để phục vụ lợi ích cho một nhóm của mình như vậy là bất lương, như vậy là vô đạo đức. Có lẽ do không hiểu bản chất của vấn đề bất bình đẳng, thiếu sự công bằng nếu không nói là sự đánh cắp quyền lợi của đã số người dân trong một xã hội nơi mà bà Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch nước đang sống, nên bà mới phởn chí khi cho rằng“Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.
Nên nhớ trong một xã hội của dân do dân vì dân thì chính quyền nhà nước và các cấp chính quyền phải có trách nhiệm phục vụ người dân mọi măt trong mọi lĩnh vực, không phân biệt giai tầng hay đẳng cấp kể cả ngành y tế cũng vậy. Cần phải xác định trách nhiệm của mình là phục vụ sức khỏe của nhân dân chứ không phải là chăm lo sức khỏe cho nhân dân,vì nếu phục vụ không đạt thì có thể bị phạt, sẽ làm tăng tính trách nhiệm và hiệu quả của công tác quản lý chứ nếu chỉ là chăm lo thì mang tính ban ơn. Do vậy nếu chăm sóc không đạt thì không có các biện pháp chế tài để buộc phải cải tiến tốt hơn.

Dân chủ không chỉ đơn giản là có đa nguyên, đa đảng để có bầu cử tự do, người dân có quyền lựa chọn cho mình một chính quyền phục vụ cho cá nhân mình, dân tộc mình và đất nước của mình tốt hơn. Vấn đề y tế chỉ là một vấn đề nhỏ, mà dân chủ là phương tiện duy nhất có thể khai thông tình trạng bế tắc đến cùng cực trong vấn đề khám và chữa bệnh của người dân lao động ở Việt nam hiện nay, thông qua các chủ trương chính sách của đảng cầm quyền và tài năng của người lãnh đạo.

Hà nội, ngày 11 tháng 12 năm 2011

----------------------------
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
 
 
 

Bài bình luận

Nếu Kami xem lại từ đầu, người đứng đầu ,đưa chủ nghĩa ngoại lai vào quê hương cũng đã toàn nói " tốt " và "hứa hẹn " nhưng bản thân ông ta có làm gì thật sự tốt lành ? trừ vài chiêu mị dân . lòe bịp ? Ngay thời kì chiến tranh tiêu chuẩn cán bộ , sĩ quan cũng hoàn toàn khác , gấp đôi , gấp ba người dân , các quan TW thì khỏi nói ,có cửa hàng riêng , có ruộng trồng lúa thơm để riêng cho các cụ TW ăn, thoải mái tiêu dùng trong lúc người dân, lính tráng ăn độn, ăn bo bo, khoai sắn cầm hơi mà chiến đấu. Ngày nay cũng thế thôi , bản chất mà từ Dũng , Trọng , Sang , Hùng chuyên bốc phét , nổ văng miểng nên đàn em học theo, cùng bài mà thôi. Chỉ thằng dân đen là chết chắc !

Kami à, Theo “bà” Doan cái tinh hoa mới của VN xã nghĩa cao hơn vạn lần so với dân chủ tư sản. Thế thì Kami chịu khó gởi thư kêu “bà” ấy vứt bỏ luật hộ khẩu, đừng kềm kẹp người dân nữa. Hộ khẩu là cái giấy của hạng nhà nước bán khai, cần hủy bỏ ngay. Đồng thời Kami nhớ thách thức “bà” ấy và cái mụ Kim Tiến áp dụng chánh sách bệnh viện công hoàn toàn MIỄN PHÍ mà VNCH đã áp dụng trước 1975, để cho dân nghèo được chữa bệnh đầy đủ, đàng hoàng. Ngày xưa lãnh vực giáo dục của VNCH cũng hoàn toàn MIỄN PHÍ, Kami cũng nên thách Hà nội dám áp dụng như VNCH. Dân Nam đang sống tại quốc gia không cao gấp vạn lần như VN xã nghĩa. Nhưng ở đây không ai có thẻ căn cước (CMND). Người dân chỉ có giấy khai sanh, bằng lái xe (nếu muốn lái xe), sổ ngân hàng, thẻ credit card (nếu muốn mua hàng trước rồi trả tiền sau), sổ thông hành (nếu cần ra nước ngoài) và cái thẻ Medicare card để dùng vào việc ốm đau cần vô bệnh viện công được nằm chữa trị miễn phí. Nằm bệnh viện công thì thuốc men, ăn uống, quần áo, khăn mặt, khăn tắm, giặt giũ, chăm sóc bệnh nhân kể cả vệ sinh cá nhân (nếu bệnh nhân không tự lo liệu được), v.v đều do nhà thương lo từ A đến Z. Thân nhân chỉ cần vô thăm là đủ, không cần giúp chăm lo gì cả. Ăn uống ngày 5 lần, sáng 6 giờ nhân viên bệnh viện đưa trà/cà phê + bánh ngọt đến, bệnh nhân dậy ăn uống sơ rồi tắm rửa. 7g30 là điểm tâm (sau đó bệnh nhân nào chưa tắm thì lo đi tắm). 9g bác sĩ thăm bệnh. 12g trưa bv đưa thức ăn trưa đến. 5g chiều là bữa cơm chiều. 8g tối lại thêm một lần cà phê/trà + bánh ngọt rồi ngủ. Mỗi giường có truyền hình riêng, để bệnh nhân xem (xử dụng cái viễn khiển để nghe và đổi đài hoặc tắt mở đèn riêng theo ý). 9g tối y tá đến kéo màn vây quanh giường, tắt hệ thống đèn lớn để bệnh nhân ngủ, hoặc còn thức thì được riêng tư đọc sách, xem phim. Ban đêm mỗi nửa giờ, y tá trực cầm đèn pin nhẹ nhàng đi thăm từng giường bệnh phòng khi bất trắc. Bệnh nhân cần gì thì chỉ việc bấm nút là y tá có mặt ngay. Ban đêm làm biếng xuống giường đi tiểu thì nói với y tá mang đến cái chai nhựa miệng rộng, tiểu vào đó, để trên bàn bên cạnh, y tá đem đổ rửa sạch sẽ rồi để lại trên bàn cho bệnh nhân. Bệnh nhân nhi đồng còn sướng hơn vì được Bs & y tá chiều chuộng, dỗ ngọt, không dám la rầy, sợ đứa bé khóc. Bà mẹ được ở lại bv trông con để đứa bé đừng khóc. Bà mẹ có ghế sofa cạnh giường con để ngủ nghỉ, được bv cho mượn mền gối và ăn uống miễn phí như qui chế bệnh nhân để bà mẹ khỏi mất sức. Nhiều đứa bé 10/12 tuổi mỗi khi đau yếu vào nằm bv lại khoái chí vì được chìu chuộng, ăn ngon, không bị mẹ cha nhắc nhở tiếp dọn, lau bàn ăn như ở nhà. Khi xuất viện chỉ cần cà cái thẻ Medicare và ký vào cái giấy này là xong, khỏi trả tiền bạc gì cả. Bv còn phải gởi về hai bản (một cho bệnh nhân và một cho bác sĩ gia đình) để báo cáo rõ ràng bệnh trạng và sự chữa trị của bv, cũng như đề nghị có cần phải tiếp tục chữa trị nữa không, v.v. Nghe thị Doan nói như con két, phát mệt. Dân Nam Hải ngoại, Dec 2011