Về địa danh ở Việt Nam, thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe thiên hạ than phiền. Nhà báo Nguyễn Thông càm ràm: “Khi người Pháp vào xứ này, họ đem theo nền văn minh phương tây ‘khai hóa” bản địa, trong đó có văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ. Điều không thể phủ nhận là họ đã tổ chức cực tốt bộ máy hành chính, quản lý rất rành mạch, hợp lý các vùng miền, tỉnh thành, địa phương trên cả nước. Việc phân chia một cách có hệ thống khoa học các đơn vị hành chính, tên gọi các cấp độ từng đơn vị là ví dụ rõ nhất.
Suốt bao nhiêu năm, những danh từ chung để gọi vùng đất nào đó đã được dùng ổn định, nhất quán, tạo nền nếp trong đời sống xã hội. Chỉ tới khi chính quyền cộng sản thay thế mới dẫn tới những đổi thay trong cách gọi, mà thay theo hướng rối rắm, tùy tiện, phức tạp”.
Nhà báo Nguyễn Tý cũng thế: “Tên tỉnh ‘Đắk Lắk’ có quá nhiều cách viết: Đác Lắc, Đắc Lắc, Đắc Lắk, Dak Lak, Đắk Lắk ... ! Báo Pháp Luật TP.HCM viết Dăk Lăk, báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động và Công An Nhân Dân đều viết Đắk Lắk… Báo Nhân Dân viết Ðác Lắc …”. (“Tên Tỉnh ‘Đắk Lắk’ Có Quá Nhiều Cách Viết”. Tuổi Trẻ Online – 15/05/2010).
Hơn một thập niên đã trôi qua. Cả đống nước sông, nước suối, nước cống, nước mương, nước rãnh, cùng nước mắt đã lặng lẽ chẩy qua cầu và qua cống. Không biết tới nay quý vị nhà báo, nhà nước, nhà văn đã thống nhất được cách viết về địa danh này (chưa ?) chớ còn mấy ông giao thông/vận tải thì nhất trí hết rồi.
Hiện nay, trên quốc lộ 27, mọi cột chỉ cây số đều ghi là Đắk Lắk (D.L) tuốt. Nhìn qua những cái ụ xi măng nho nhỏ, hình chữ U lật ngược, bám chặt bên đường (hơn trăm năm nay) thì biết ngay đây là “tàn tích” do thực dân Pháp để lại. Nhà nước cách mạng chỉ bôi cái từ Darlac của bọn chúng đi, và thay bằng tên mới (“sáng tác”) thôi.
Ngoài chuyện này ra thì mọi thứ đều vẫn nguyên như cũ, vẫn cái mặt lộ hẹp chỉ tầm 6 mét, vẫn những khúc quanh nguy hiểm chết người, vẫn những đoạn xuống cấp (sạt lở trầm trọng) cùng sự “vô tư” cố hữu của mọi giới chức từ trung ương xuống địa phương.
Đường đến DL tuy có hơi nhiêu khê nhưng đây là một địa danh rất đáng viếng thăm vì nó thuộc về “Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng, trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) theo như ghi nhận của Wikipedia - Hà Nội:
“Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, Jarai, Ba Na, Mạ, Lặc... Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 25 tháng 11 năm 2005… Hiện tại, ở các vùng có cồng chiêng như ở Tây nguyên, Lễ hội Cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách”.
Té ra – từ mấy thập niên qua – kiệt tác này chỉ tái hiện mỗi năm một lần để quay phim tuyên truyền (thôi) chớ không có thiệt đâu. Đừng có nghèo mà ham, nha mấy Tám.
Hèn chi mà tôi vượt Đèo Chuối, đến Đạ Huoai, qua Định Quán – B’lao, Djiring, Finom – rồi leo đèo Prenn lên Đà Lạt và tới tuốt Buôn Ma Thuột luôn (qua không biết bao nhiêu núi rừng trùng điệp) mà không thấy cái cồng hay cái chiêng nào ráo trọi!
Người bản địa cũng không, không một mống nào, dù chỉ riêng D.L vốn là nơi sống chung hương của 47 sắc tộc (Ê Đê, Nùng, Tầy, M’nông, Mông, Thái, Mường …) khác nhau. Nếu họ không rút vô rừng sâu thì cũng chạy ra nước ngoài tị nạn hết (trơn) rồi. Còn chạy có khỏi tay “chính quyền cách mạng” hay không thì lại là chuyện khác!
Ông Y Quynh Bdap (Y.B) là một trường hợp tiêu biểu cho cái tình thế oái oăm và đắng cay như thế. Ông sinh năm 1992 tại D.L, một trong những địa phương thuộc loại nghèo, nơi hiện có “54 xã trong tình trạng đặc biệt khó khăn”, và lợi tức bình quân đầu người là 41,00 triệu đồng (tương ứng với 1.781 USD) nếu tính theo Mỹ Kim bản vị.
Không chỉ nghèo khó, D.L (và cả vùng đất Tây Nguyên) còn phải đối diện với vô số vấn đề nan giải về đất đai, văn hóa, xã hội và môi trường nữa. Nhà văn Nguyên Ngọc, một già làng khả kính và khả tín, nhận định:
Tình trạng “đảo lộn, thua thiệt, mai một và đổ vỡ” của Tây Nguyên đã xẩy ra từ nhiều thập niên qua nhưng mãi đến năm 2019 người dân nơi đây mới có cơ hội lên tiếng, qua một tổ chức xã hội dân sự (Montagnards Stand for Justice – MSFJ – Người Thượng Vì Công Lý) mà Y.B là một trong những thành viên sáng lập.
MSFJ chủ trương đòi hỏi những quyền căn bản về con người và đất đai cho cộng đồng bản địa bằng phương thức ôn hòa (“MSFJ emphasizes non-violent efforts to secure basic human and land rights for the community”) nhưng đã bị đáp trả một cách vô cùng thô bạo. Y. B phải bỏ trốn qua Thái Lan, rồi bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ (theo yêu cầu của nhà nước Việt Nam) và bị cáo buộc là kẻ chủ mưu trong vụ tấn công vào năm 2023 tại D.L – quê quán của ông.