Chiều ngày 1 Tháng Sáu, nhà báo Huy Đức vắng mặt không lý do tại buổi trò chuyện chuyên đề ở chương trình Cà Phê Thứ Bảy, ở Times City Hà Nội. Không ai gọi được cho ông, và đây là chuyện bất thường vì ông Huy Đức không bao giờ bỏ hẹn mà không báo trước.
Thính giá của buổi trò chuyện mang tên “Chuyển giao quyền lực thông qua các cuộc liên hôn trong lịch sử phong kiến Việt Nam” mà ông Huy Đức làm diễn giả chính, đã hoàn toàn không biết, một chuyến xe 7 chỗ mang biển số 80 của Bộ Công An đã đón ông giữa đường mang đi, theo một lệnh bắt giữ được phát đi khẩn cấp vài ngày trước đó.
Đến tối Thứ Bảy, tin tức mới được truyền đi trên mạng xã hội bởi những người sống gần nhà ông Huy Đức nhìn thấy hơn chục công an thường phục, sắc phục bao vây là khám xét nhà, như khám xét một tội phạm ma túy. Đến khoảng 9g tối, trang facebook Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin đầu tiên “Đang khám xét nhà, bắt khẩn cấp nhà báo Huy Đức”.
Trước đó, trên trang facebook của Bùi Thanh Hiếu có nói vu vơ về chuyện Huy Đức đang chỉ trích từ Nguyễn Tấn Dũng, sang Tô Lâm, rồi status cuối, chỉ trích cả ông Trọng về chuyện ảo tưởng cứ xây dựng con người lãnh đạo có đạo đức.
Huy Đức liên tiếp có hai bài viết mà được cho là lý do của cuộc bắt giữ bất ngờ hôm 1 Tháng Sáu. Đó là bài viết “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi“ hôm 27 Tháng Năm, nhắm vào các mưu mô của ông Tô Lâm leo vào vị trí Chủ tịch nước, rồi đang thao túng, tổ chức cho đàn em của mình là Lương Tam Quang vào ghế Bộ trưởng Công An, vượt mặt việc đề cử và chọn lựa của hệ thống cộng sản Ba Đình.
Bài viết thứ hai, hôm 28 Tháng Năm, có tựa đề “Những suy nghĩ không rời rạc”, phê bình ông Trọng với cái nhìn về Đức trị và Pháp trị, có ý mô tả cách ông Trọng chống tham nhũng nhưng bằng chỉ đạo, tạo sự khủng hoảng vì không tiến hành bằng hoạt động pháp lý minh bạch, đồng thời biến vị trí Tổng Bí Thư thành một nhân vật anh hùng đạo đức. Trong bài viết, có đoạn “Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có “đổi mới II” trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa”.
Sự bình lặng của xã hội Việt Nam, không mô tả hết sóng gió của Ba Đình qua hai bài viết này. Một chuyển động tức thì, nhiều hơn tức giận, mà lo sợ cái nhìn này của nhà báo Huy Đức sẽ khiến xã hội nổi sóng dư luận theo thời gian, có thể vì vậy, lệnh bắt được đưa ra nhanh chóng. Những bài viết kể trên cũng không còn được nhìn thấy trên trang facebook của ông Huy Đức.
Lâu nay, nhà báo Huy Đức được coi là người ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng trong các chính sách điều hành đất nước và đặc biệt là trong vấn đề chống tham nhũng. Có ý kiến nói rằng ông Huy Đức đã quá mệt mỏi trước tiến trình thanh trừng không ngừng mà ông Trọng chủ trương, dần dần mở ra một lộ trình độc tài chỉ huy, làm nền cho Tô Lâm tiếp bước, đưa đất nước vào một con đường tăm tối không biết về đâu. Bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” được bình luận rằng đó là một lời nói thẳng cảnh tỉnh ông ,Trọng vào giai đoạn ông sắp sửa rời khỏi vị trí cầm quyền của mình.
Tuy nhiên, có một góc nhìn khác với những nhà quan sát thời sự, cho rằng bài viết này được viết với sự hậu thuẫn của ông Trọng, tự chịu đau, để lấy đà cho một cuộc dọn dẹp mới từ sự thao túng của Tô Lâm đang diễn ra. Vào lúc này, nếu không có những hành động quyết liệt được lobby trên báo chí, Tô lâm sẽ nghiễm nhiên ngồi vào chức Tổng bí thư, và có đàn em nắm Bộ Công an kiểm soát cả nước, lẫn Bộ Chính trị cho Lâm. Đất nước, sẽ rơi vào tình cảnh không khác gì như Bắc Triều Tiên.
Từ góc nhìn này, các nhận định cho rằng Tô lâm đã nhận thức thấy chuyện gì sắp xảy ra với mình. Vì vậy, tên bạo chúa này lập tức tiến hành bắt giữ Nhà báo Huy Đức, mỉa mai thay, cũng dựa vào luật 331 và 117 mà Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn y trong việc trấn áp cả nước.
Việc Huy Đức bị bắt, ngoài dự liệu của ông Nguyễn Phú Trọng - nếu đúng như vậy - cho thấy tình thế của ông Nguyễn Phú Trọng mỗi lúc càng ngặt nghèo, và chỉ có thể ngồi yên ở trên ghế vị trí Tổng bí thư như một bù nhìn cho đến khi rời chức.
Trong Tháng Năm, hầu hết các ý kiến của các chuyên gia về Việt Nam đều cho thấy rằng Tô Lâm đang nhắm đến chức tổng bí thư. Riêng nhà bình luận thời sự Nguyễn Anh Tuấn từ Canada, thì nhận định rằng có vẻ như ông Nguyễn Phú Trọng không muốn Tô Lâm trở thành người nắm quyền sinh sát cao nhất của đảng cộng sản, và dự trù sẽ có một cuộc thanh trừng để hạ bệ Tô Lâm – một công hai việc: loại trừ con hổ ăn thịt tất cả đồng chí ngay trong nội bộ. Đồng thời, sự kiện này sẽ gắn kết đảng cộng sản chung quanh việc lãnh đạo của Tổng trọng tài đức sáng ngời.
Dĩ nhiên tất cả mọi bình luận ở trên chỉ là những suy nghĩ và được đồn đoán trong giới bình luận thời sự ở Việt Nam. Riêng với hai bài viết cuối của nhà báo Huy Đức, có thể thấy sự lên tiếng của ông là suy nghĩ của một nhà báo dám nói, và không ngại lên tiếng vào đúng thời điểm, khiến bộ máy cai trị phải tìm cách dập tắt tiếng nói của ông.
Bất luận Huy Đức là ai, ông ta có thể là của phe nào đó trong bộ máy cộng sản cầm quyền, nhưng căn bản Huy Đức vẫn là một nhà báo lớn, đặc biệt với bộ sách “Bên Thắng Cuộc”, đem lại nhiều giá trị lịch sử quan trọng cho người Việt nói chung.
Vào lúc này, khi tin tức ông Huy Đức bị bắt lan truyền trên mạng, có nhiều người tỏ vẻ vui mừng (?), nhưng điều cần buồn hơn - dù như thế nào - việc ông Huy Đức bị bắt, tức là một minh chứng rõ Đảng Cộng sản Việt Nam đang chà đạp quyền tự do ngôn luận, kể cả cách bắt bớ này cũng biểu hiện rõ sự đàn áp con người; mà nếu không phải là ông Huy Đức đang gánh chịu, thì tất cả những người Việt Nam ai ai cũng có thể là nạn nhân của chế độ. Việc lên tiếng cho bất công này, là cần thiết như với mọi người Việt khác vẫn đang bị cầm tù ở điều 331 hay 117.
Bài bình luận gần đây