You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Ăn Quỵt

Ảnh của tuongnangtien

Theo Wikipedia Hà Nội, tác phẩm Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu của Nguyễn Huy Thiệp “vốn hoàn thành vào tháng 1/2003, đã được dịch ra tiếng Pháp và xuất bản từ năm 2005, cũng như được phát hành ở nhiều nước như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada. Vì ngôn ngữ nhạy cảm, cuốn tiểu thuyết phải chờ đợi 15 năm trước khi phát hành trong nước vào năm 2018.”

Mà “nhậy cảm” thiệt, và “nhậy cảm” lắm. Tác giả viết như vậy đây: “Thời của tôi đang sống là thời chó má. Tin tôi đi, một trăm phần trăm là như thế đấy!”

Trời! Sao giữa Thời Đại Hồ Chí Minh Quang Vinh (cái thời mà mọi người đều rón rén khi ăn, cũng như khi nói, để tránh vạ miệng) mà ông nhà văn lại nói năng linh tinh thế nhỉ?

What’s wrong?

Có điều gì sai trái hoặc bất ổn lắm chăng?

Câu trả lời có thể tìm được qua trong một tác phẩm khác (“Lịch Sử Thời Đại Tường Thuật Bởi Một Người Lưu Vong”) của một tác giả khác, nhà thơ Phan Nhiên Hạo:

Đây là thời chủ nhân ăn mày ăn nhặt
trong khi đầy tớ nhân dân ăn ngập mặt, ngập mũi
ăn hớt, ăn bẩn, ăn tục, ăn lận, ăn chặn, ăn cướp, ăn gian,
ăn tham, ăn lường, ăn bịp, ăn suông, ăn ké, ăn chia, ăn sống
ăn lạnh, ăn nóng, ăn theo, ăn chực, ăn vạ, ăn lẻ,
ăn tất tần tật chỉ trừ ăn năn
ăn không sợ trả miếng.

Thì ra là thế! Thế thì “chó má” thật (và chó má lắm lận) và không chỉ có thế thôi đâu. Ngoài cái thói “ăn cướp, ăn gian, ăn tham, ăn lường, ăn bịp” ra, bọn “đầy tớ nhân dân” còn có cái tật là ưa … “ăn mày dĩ vãng” nữa kìa. Thấy họ hào hứng, bận bịu chuẩn bị lễ nghi cho tiệc tùng mà ái ngại:

Dĩ vãng, tất nhiên, không nuôi được hiện tại và hiện tại thì không còn gì để vơ vét thêm được nữa nên đám “đầy tớ nhân dân” bèn “ăn chận tương lai,” mặc cho bao nhiêu lời can ngăn hay cảnh báo:

Đây là một hình thức ăn chịu. Ăn trước, trả sau. Mai mốt trả. Còn ăn vào tương lai của con cháu mình thì không phải là ăn chịu nữa mà là ăn quỵt.

Báo Thanh Niên vừa mới la làng: “Từ thành phố tới nông thôn, từ quốc lộ tới cao tốc, từ vùng cao cho tới biển đảo… mưa lũ, ngập lụt đang đe dọa hầu khắp các địa phương trên cả nước. Ám ảnh hễ mưa là ngập.”

Ngập là phải. Hệ thống cống rãnh do Pháp thiết lập từ hơn trăm năm qua có mấy khi được nhìn nhõ tới. Ngân sách dành cho việc bảo trì, tu bổ – nếu có – đều bị nuốt sạch rồi. Cứ mưa lớn mà phố phường ở Việt Nam không biến thành sông thì mới là chuyện lạ!

Điều may mắn là nạn ngập lụt nơi đô thị ở xứ sở này (thường) chỉ là chuyện nhỏ. Nó chả mấy khi gây ra thiệt hại nhân mạng hay kéo dài lâu. Chỉ sau vài giờ, hoặc chậm lắm thì vài ngày, là nước rút. Rồi đâu lại vào đó thôi. Ăn xổi ở thì mà. Không có chi để phải rầm rỹ cả.

Hệ thống đường sắt, đường hầm cũng thế, cũng được người Pháp thiết lập từ đầu thế kỷ trước (và được khai thác tận tình cho mãi đến nay) nhưng chả bao giờ được bảo trì hay tu bổ gì sất cả nên đã rệu rã là chuyện tất nhiên. Blogger Trân Văn (VOA) vừa ái ngại cho hay:

“Chiều 12/4/2024 hầm Bãi Gió bị sụp khoảng 20 mét ở đoạn cách đầu hầm phía Bắc khoảng 85 mét. Sáng 13/4/2024, hầm tiếp tục bị sụp và tối cùng ngày lại sụp nữa… Đó là lý do việc di chuyển bằng xe lửa từ Bắc vào Nam và ngược lại bị gián đoạn. Tổng Công ty ĐSVN phải dùng các phương tiện vận tải đường bộ đưa hàng chục ngàn hành khách qua phía bên kia hầm Bãi Gió để họ có thể tiếp tục hành trình bằng xe lửa …”

Về sự kiện này, nhà báo Nguyễn Thông đã có lời bàn (nghe) không được lạc quan cho lắm:

Một nước dài thoòng như nước ta, cả 3.000 cây số, thì đường sắt liên vận là quan trọng nhất, kinh tế nhất. Chính vì thế người Pháp đã bắt tay làm đường sắt ngay sau khi đã tạm ổn định cuộc chinh phục. Những đoạn đường, tuyến đường cuối cùng họ làm cũng đã có tuổi cả thế kỷ. Đường sắt là thứ công trình kỳ vĩ số 1 mà người Pháp đã xây dựng và để lại cho xứ An Nam. Nói chính xác, không có "thực dân Pháp" thì không có đường sắt Việt Nam.

Vậy nhưng, sau khi đánh đuổi được đế quốc to Pháp, người cộng sản hầu như chỉ biết tiếp thu sử dụng sản phẩm có sẵn ấy, khai thác triệt để, chứ không làm thay đổi, phát triển được bao nhiêu. Nói ngay cái khổ/cỡ đường, cho tới giờ, sau cả trăm năm, vẫn hẹp như cũ. Các toa tàu vẫn phần lớn kiểu cũ, vệ sinh xả thải ngay xuống nền đường ray. Tốc độ thậm chí còn chậm hơn tàu thời Pháp. Mua được cái vé xe lửa để xuyên Việt, để về quê dịp lễ tết còn khổ hơn bị trời hành, v.v..

Công trình giao thông vĩ đại như thế, cái hầm qua đèo Cả vừa bị sụp chẳng hạn, rồi hầm Hải Vân, hầm đèo Ngang... cả thế kỷ bị khai thác tối đa mà không nghĩ tới bồi bổ gia cố nó, thì nó phải sụp thôi. Tất nhiên họ sẽ đổ cho trời, tại địa chất này nọ.

Đường sắt lộ thiên bị sụp, bị ngập lụt, dù hư hỏng cách mấy cũng dễ khắc phục trong thời gian ngắn, nhưng ở hầm hẹp khó bề xoay trở thì đừng nghĩ cứ có quyết tâm và tinh thần cách mạng tiến công là được. Hầm Bãi Gió (đèo Cả) là ví dụ.

Mấy ngày rồi, cũng chưa biết khi nào mới xong, xong rồi có dám chạy lại không. Mà khi nó đã rệu rã sau trăm năm bị lợi dụng mà không bồi bổ thì chẳng riêng đoạn sụp ấy đâu, nhiều đoạn khác đang chờ tới lượt. Rồi những hầm khác nữa cũng đang xếp hàng chờ an nghỉ sau trăm năm phục vụ. Bóc lột chúng mãi, tất nhiên tới lúc chúng phải đình công bằng cách... sụp.

Nhóm “dân kỹ thuật công trình giao thông vận tải và Bách Khoa” tiên liệu với không ít bi quan :

Nếu sụp cái hầm này thì các hầm khác có khả năng cũng ở tình trạng tồi tệ tương tự. Cho nên giải pháp tối ưu nhất là xóa toàn bộ các hầm cũ từ thời Pháp, khoan mới xây mới toàn bộ các hầm, hoặc bỏ hầm làm đường đi bên ngoài nếu có thể.

Công cuộc này xem như làm mới. xây mới lại toàn bộ hệ thống đường sắt Việt Nam theo khổ đường quốc tế 1,435 m gì đó. Còn tuyến đường sắt cũ chỉ khai thác loanh quanh các khu vực không có hầm. Công cuộc này nghe đâu tốn kém mấy trăm tỷ đô la mà đâu có thu tiền ngay được như các hầm đường bộ cho xe hơi.

Chả việc gì mà phải lo âu như thế. Không có tiền thì đi vay. Nợ công cứ để cho con cháu nó lo. Vả lại, có xây mới có cất; có làm mới có ăn chứ. Ăn quỵt mà !