You are here

"Hai trụ" trong tứ trụ còn không được nói kia mà!

Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) cách đây tròn 70 năm, vừa được tổ chức long trọng tại Điện Biên, với diễn văn của đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, bằng những lời đầu tiên (trích): "... Hôm nay, trong không khí vui mừng, phấn khởi, tự hào của cả nước, tại thành phố Điện Biên Phủ tươi đẹp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một chiến thắng vĩ đại "được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc..." [1].
 
Ngày 20 tháng Ba năm 2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Võ Văn Thưởng trong tư cách Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sáng ngày 21 tháng Ba năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì kỳ họp bất thường lần thứ 6 của Quốc hội khóa 15 để xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khoá 15 đối với ông Võ Văn Thưởng. Bà Võ Thị Ánh Xuân đảm nhận vai trò Quyền Chủ tịch nước. Bà Xuân cũng là người đầu tiên đảm nhận vai trò này tới 2 lần, qua 2 ông: Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng. Trong buổi lễ trọng đại nói trên, người ta không nhìn thấy bà Võ Thị Ánh Xuân xuất hiện trong tư cách Quyền Chủ tịch nước.
 
Ngày 26 tháng Tư năm 2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Vương Đình Huệ, sau khi ông Phạm Thái Hà -  trợ lý của ông Huệ bị bắt vào ngày 22 tháng Tư năm 2024, do nhận hối lộ trong vụ sai phạm tại Tập đoàn Thuận An. Sau đó, ngày 2 tháng Năm năm 2024, Quốc hội khóa XV họp bất thường lần thứ 7 để miễn nhiệm chức Chủ tịch Quốc hội của ông Huệ. Theo điều 65. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó Chủ tịch Quốc hội của Luật Tổ chức Quốc hội quy định:

Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch. Khi Chủ tịch Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ tịch Quốc hội được Chủ tịch uỷ nhiệm thay mặt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội.

Sau khi ông Huệ bị miễn nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc phân công ông Mẫn như vậy là trái với điều 65 như thượng dẫn, bởi ông Huệ bị miễn nhiệm, chứ không phải vắng mặt như nội dung quy định. Và đây cũng là lổ hổng quá lớn của Luật Tổ chức Quốc Hội, từ một sự việc vô tiền khoáng hậu trong suốt gần nửa thế kỷ qua, khi một Chủ tịch Quốc hội bị miễn nhiệm. Và người dân cũng không nhìn thấy ông Mẫn trong tư cách người điều hành Quốc hội xuất hiện trong lễ kỷ niệm chiến thắng được tổ chức long trọng và rình rang tại Điện Biên Phủ.

Sự việc ông Thưởng và ông Huệ dồn dập xảy ra, khiến thượng tầng kiến trúc Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực cao nhứt của đảng Cộng sản Việt Nam - đối diện khủng hoảng chính trị lớn chưa từng có trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay Bộ Chính trị chỉ còn 13 thành viên, sau khi các ông: Nguyễn Xuân Phúc - Phạm Bình Minh - Trần Tuấn Anh - Võ Văn Thưởng - Vương Đình Huệ rút lui trong lặng lẽ.

Theo lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam gần trăm năm qua, tất cả các chiến thắng lớn hay nhỏ - vang dội hoặc chói lọi - vĩ đại và tự hào gì đi nữa, tất cả đều xuất phát từ cốt điểm quan trọng nhứt: tính ĐOÀN KẾT như lời Hồ Chí Minh đã dạy:

Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết

Thành công thành công đại thành công.

Dồn dập có tới 5 vị Ủy viên Bộ Chính trị rời ghế chỉ trong 2 năm qua, cho thấy lịch sử của người Cộng sản Việt Nam đã không còn mấy "tính đoàn kết" (!).

Trang fanpage của BBC thắc mắc [3]: "Vậy thực ra đã có bao nhiêu đại biểu Quốc hội tán thành miễn nhiệm ông Huệ, bao nhiêu người không?".  Còn trang fanpage của RFA vừa thắc mắc vừa phàn nàn [4]:  "Ông Phúc khi rời ghế Chủ tịch nước còn được phát biểu đôi câu, hai ông Thưởng và Huệ mất chức thì không được nói câu nào. Vì sao?". Quả thật, quá kỳ lạ cho một sự việc công khai thuộc tầm cỡ "quốc gia đại sự".

Liên Hiệp Quốc đang trong quá trình kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Thụy Sĩ - nơi mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đang nhận nhiều đánh giá không tốt đẹp mấy, về tình hình nhân quyền nói chung và tự do ngôn luận nói riêng từ nhiều quốc gia. Ngay cả "hai trụ" Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ còn không được nói câu nào, còn nghĩ gì về quyền được nói của dân quèn Việt Nam (?!).

[1] https://vov.vn/chinh-tri/dien-van-cua-thu-tuong-tai-le-ky-niem-70-nam-ch...

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-To-chuc-Quoc-h...

[3] https://www.facebook.com/BBCnewsVietnamese/posts/pfbid0nQdM997zwk3UeH4r3...

[4] https://www.facebook.com/RFAVietnam/posts/pfbid0SdGPPusmVcNTM5yB3SDBTZZt...