You are here

Việt Nam đang ổn định hay đang khủng hoảng chính trị?

Ảnh của nguyenvandai

Trong nhiều thập kỷ vừa qua, bộ máy tuyên truyền, ngành ngoại giao của nhà cầm quyền CSVN luôn tuyên truyền ở trong và ngoài nước rằng “Việt Nam là nước ổn định về chính trị”.

Mục đích tuyên truyền “Việt Nam là nước ổn định về chính trị” để làm gì?


Thứ nhất, ở trong nước, làm cho người dân chấp nhận, làm quen với việc bị tước quyền làm chủ đất nước và các quyền tự do về chính trị khác. Người dân không đứng lên đòi tự do, dân chủ đa đảng để giữ ổn định chính trị. Nhưng thực chất là để giữ chế độ độc đảng tồn tại lâu dài.

Thứ hai, với cộng đồng quốc tế là để thu hút đầu tư, du lịch,…

Những năm gần đây, việc đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong đảng CSVN đã dẫn đến việc thay đổi thường xuyên các quan chức từ trung ương tới địa phương.

Việc thay đổi lãnh đạo ở trung ương và địa phương đã gây ra những hậu quả to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội và niềm tin của người dân, giới doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài,…

Vậy việc liên tục xáo trộn giới lãnh đạo từ trung ương tới địa phương có phải là Việt Nam đang rơi vào tình trạng bất ổn định về chính trị, khủng hoảng chính trị không?

Trước tiên, chúng ta cùng xem khái niệm về sự khủng hoảng chính trị trong các chế độ độc tài, độc đảng.

Khủng hoảng chính trị trong một đất nước với chế độ độc đảng là sự bất ổn định về chính trị diễn ra có nguyên nhân từ mâu thuẫn, đấu đá, tranh giành quyền lực ở tầng lớp chóp bu cầm quyền. Sự bất ổn định chính trị dẫn tới việc thay đổi giới cầm quyền ở trung ương và địa phương. Và làm xáo trộn, ảnh hưởng tới đời sống chính trị,, kinh tế, xã hội,… của người dân. Khủng hoảng chính trị diễn ra dưới hình thức bạo động hay bất bạo động.

Khủng hoảng chính trị ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào?

Cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực đang diễn ra quyết liệt. Trong nhiệm kỳ 13 của đảng CSVN từ đầu năm 2021 tới nay, Bộ chính trị với 18 thành viên ban đầu thì nay đã có 4 uỷ viên bị hạ bệ. Hơn một năm thay 2 Chủ tịch nước. Trước đó có hai phó Thủ tướng mất chức. Trong 180 uỷ viên trung ương đã có 21 uỷ viên trung mất chức. Nhiều tỉnh, thành phố có cả chủ tịch và bí thư tỉnh uỷ bị khởi tố.

Việc khủng hoảng chính trị ở tầng lớp cầm quyền dẫn tới những doanh nhân là chủ của các doanh nghiệp sân sau của các quan chức bị ngã ngựa cũng bị khởi tố và bắt giam.

Hậu quả của khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Việt Nam?

Thứ nhất, ngay trong tầng lớp chóp bu của chế độ cũng khủng hoảng về nhân sự. Hầu hết đều già yếu, năng lực hạn chế, đạo đức hủ bại, vừa yếu vừa thiếu. Không có thành phần trẻ tuổi.

Thứ hai, các quan chức ở các bộ, ngành, địa phương đều không dám thực hiện các dự án đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ người dân và phát triển đất nước. Vốn đầu tư công không được giải ngân dẫn đến lãnh phí nguồn lực của đất nước, nền kinh tế không phát triển, không tạo ra công ăn việc làm, nạn thất nghiệp tăng, đời sống người dân càng khó khăn.

Thứ ba, các doanh nghiệp nước ngoài không dám đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đang ở Việt Nam thì giảm vốn, không mở rộng đầu tư,…

Thứ tư, các doanh nghiệp trong nước cũng giảm đầu tư, các đại gia tìm cách đưa tài sản ra nước ngoài.

Thứ năm, với các chủ doanh nghiệp đã bị bắt, dẫn tới doanh nghiệp đóng cửa một phần, thậm chí phá sản gây khó khăn cho nền kinh tế, ngân hàng mất vốn cho vay, người dân mất tiền đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, người lao động mất công ăn, việc làm,…

Tất cả mọi khó khăn trên đều đổ lên đầu gần trăm triệu người dân Việt Nam.

Tầng lớp chóp bu cộng sản cầm quyền có thể ổn định chính trị trở lại không?

Chắc chắn là không!

Cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực gây ra cuộc khủng hoảng chính trị ở tầng lớp chóp bu sẽ tiếp tục diễn trong suốt thời gian tồn tại của đảng và chế độ CSVN.

Bởi vì đó là bản chất của họ.

Làm thế nào để Việt Nam ổn định chính trị?

Người dân Việt Nam nắm vai trò quyết định đến mọi vấn đề chính trị của Việt Nam. Chừng nào, người dân còn đứng ngoài, không quan tâm, không tham gia vào chính trị thì chừng đó giới chóp bu CSVN tiếp tục gây ra khủng hoảng chính trị và kinh tế.

Chỉ khi mọi người dân đoàn kết cùng nhau để thực hiện nghiêm túc và triệt để quyền của mọi công dân theo điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 thì khi đó đất nước Việt Nam mới thực sự được thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp vì tương lai của tất cả mọi người.

Điều 25 Hiến pháp qui định:

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.”