Trong vài năm trở lại đây, có nhiều người, trong đó, Giáo sư Nông nghiệp Võ Tòng Xuân là người kiên trì nhất, suốt mười ba năm kêu gọi bỏ Tết Việt, và một người nữa, bà Tiến sĩ Đoàn Hương, tuy không kêu gọi bỏ Tết Việt nhưng luôn đăng đàn tuyên bố “Tết không bao giờ ở trong nước, tìm một nơi nào đó thật xa Việt Nam” nhằm ám chỉ sự chán chường của bà với Tết. Và nhiều nhà văn, nghệ sĩ trong và ngoài nước công phá vào việc nấu bánh chưng, bánh tét (hồn Tết), nhấn mạnh rằng việc ấy vô bổ, chán chường... Trong khi đó, với đại bộ phận người Việt trong nước và hải ngoại, Tết là một dấu mốc thiêng liêng, mang hồn cốt dân tộc, một dịp đại đoàn tụ gia đình.
Vì sao nói rằng Tết là dịp thiêng liêng, mang hồn cốt dân tộc và là một cuộc đại đoàn tụ? Cũng như vì sao người ta chủ trương bỏ Tết Việt, ăn theo Tết Tây?
Lý giải cho quan điểm bỏ Tết Việt, ăn theo Tết Tây, nhiều người mang Nhật Bản ra làm gương, cho rằng người Nhật nhờ bỏ Tết Nhật, ăn Tết dương lịch, mang tâm thức cởi mở, không câu chấp và các sinh hoạt năng nỗ, kịp với xu hướng thời đại... nên họ thành công.
Quan điểm trên không sai, càng có lý hơn khi mà kinh tế toàn cầu được đánh dấu và làm việc căn cứ vào dương lịch. Kỳ nghỉ Tết mười ngày của Tết Việt sẽ dẫn đến việc trì trệ một số công đoạn trong các hợp đồng liên quan đến đối tác phương Tây.
Nhưng, xin thưa, ngay trong các hợp đồng hay các cơ quan làm việc có liên quan đến đối tác phương Tây đều có kế hoạch để không bị đình trệ trong bất kì tình huống nào. Thậm chí, trong cơ quan nhà nước, bất kì cơ quan nào cũng có lịch trực Tết nhằm đối phó với các phát sinh ngoài ý muốn và đảm bảo hệ thống vẫn chạy ổn định trong dịp Tết. Như vậy, quan điểm cho rằng kì nghỉ Tết ảnh hưởng đến các đối tác phương Tây là không có chỗ đứng.
Và hầu hết các cơ xưởng sản xuất, người ta luôn tính đến việc sản xuất bù các lô hàng trong dịp Tết, lúc này, nếu có lệnh xuất hay nhập, chỉ cần một người trực là đủ. Chuyện này đã thành nếp ở Việt Nam, không cần bàn thêm. Và cũng chưa thấy có chuyện hợp đồng của công ty Việt Nam với đối tác nước ngoài bị đình trệ, bị hủy do nghỉ Tết mà ra.
Vấn đề thứ hai, lạ nhất ở chỗ ông Võ Tòng Xuân là một Giáo sư Nông nghiệp, ông có công rất lớn với nông nghiệp Việt Nam, ông là tác giả của nhiều giống lúa cho năng suất cao ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Thế nhưng, bàn về Tết thì hình như ông mù tịt hoặc cố tình bỏ qua vấn đề mùa màng và thời tiết Việt Nam.
Giả sử Việt Nam ăn Tết theo lịch Tây, tức Tết dương lịch, thì lúc đó người nông dân sẽ đón Tết ra sao? Xin thưa, đó là cái Tết xơ xác, chẳng có gì để ăn chứ đừng nói đến Tết. Vì lẽ, tháng mười hai dương lịch đang là mùa đông, vừa xong các đợt thiên tai, đất đai còn lạnh, ngập ngụa, mùa màng chẳng thể canh tác, ruộng bỏ cỏ mọc um sùm, vườn tược, đất đai chưa thể vỡ vì nước còn ngập hoặc nhão nhoét, ướt sũng... Phải chờ đến khi qua khỏi tháng Mười Một âm lịch, tức qua khỏi khỏi mốc Tết dương lịch, nắng ấm mới trở lại và đất đai khô ráo, người nông dân mới phục hồi sau trận ngủ đông, mới canh tác, gieo trồng, đến cuối tháng Chạp âm lịch thì vụ mùa đã lên xanh, mọi cây cỏ, sinh linh, sự sống thực vật và động vật mới thực sự bừng tỉnh. Lúc này, chuẩn bị đón Tết Việt là dịp phù hợp nhất.
Và, ngay cả cái cây, từ cây mai cho đến cây đào, cây quất, cây cúc, cây vạn thọ, cây cải cũng đến đúng dịp Tết mới bắt đầu bung hoa, trổ bông. Ngoại trừ một số cây do lặt lá, ép thuốc nhiều đợt, chu kì sinh trưởng của cây bị đảo lộn mới ra hoa sớm hoặc muộn, còn theo qui luật tự nhiên, mai, đào, các loài hoa đến tháng mười một âm lịch mới bừng tỉnh, rũ lá và đâm chồi, kết nụ, để đến dịp Lập Xuân, nắng ấm thì đơm hoa.
Tết Việt không đơn thuần theo lịch mặt trăng mà đón Tết, bởi lịch mặt trăng, lịch nông nghiệp là một quán trình quan sát, chiêm nghiệm lâu dài về thiên văn, địa lý cũng như thời tiết, thổ nhưỡng để đặt dấu mốc cho Tết. Chính vì quan sát theo hướng này nên cùng châu Á, cùng một hệ lịch âm nhưng Tết Việt và Tết Trung Quốc trồi sụt, khác nhau về ngày đầu năm, có năm Trung Quốc đón Tết trễ hơn Việt Nam, có năm sớm hơn. Tết truyền thống của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy, tuy họ ăn theo Tết Tây nhưng ngày Tết truyền thống của họ vẫn giữ, vẫn được xem là Tết tâm linh của dân tộc, hoa đào và các loài hoa của Nhật, Hàn cũng nở vào dịp Tết truyền thống của họ.
Đó là khía cạnh địa lý, thiên văn và thổ nhưỡng, riêng về khía cạnh tâm linh, có thể nói rằng Tết đã ăn dằm trong vô thức tập thể của dân tộc. Tức dù ai đi ngược về xuôi, dù ai đi bảy vạn dặm xa tổ quốc hay đang ở nhà, cứ đến dịp tháng Chạp, nhìn hoa cải đơm nụ, nhìn cành mai, cành đao trút lá, đâm chồi, kết bông... thì lòng bỗng rưng rưng nghĩ đến điều gì đó xa vời, cao vợi. Nghĩ đến những người thân đang bôn tẩu phương xa, nghĩ đến những người thân nơi quê nhà, nghĩ đến tổ tiên, ông bà, nghĩ đến điều gì đó thật thiêng liêng và khó nói... Cái chân lại muốn về nhà!
Hẹn nhau “Tết này sẽ về thăm” là một câu hẹn, lời hứa mang tự tình dân tộc, mang cả niềm vui, nỗi buồn, nước mắt và hạnh phúc của căn phận Việt. Câu nói, lời hứa nghe giản dị, tưởng chừng như cửa miệng ấy lại là một ấn chứng tâm linh, một thứ căn cước phi văn bản, nó cho thấy bạn là người Việt, mang hồn cốt Việt.
Ai từng đi ra, ai từng có mái ấm gia đình, ai từng có những đêm cuối năm thức trắng bên nồi bánh chưng, bánh tét, được mẹ hay bà, ông cho chiếc bánh tày (một loại bánh chưng nhỏ, gói lộn xộn bằng nếp thừa và nhân thừa sau khi gói những chiếc bánh chính còn lại), ai từng cảm cái lạnh cuối năm và nhìn bếp lửa rưng rưng than hồng, mắt bỗng nhòa lệ hay sống mũi bỗng cay cay nhớ điều gì đó xa xăm, nhớ hình ảnh, bóng dáng của người thân, của tiền nhân... Thì mới thấu hiểu được chữ Tết Việt có ý nghĩa biết nhường nào đối với tâm hồn Việt.
Chứ nếu mang kinh tế, mang đồng tiền ra để so sánh hoặc nói về chất lượng Tết, thì có lẽ, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ giật mình, nói lại cái câu nghe rất đỗi quen mà lạ của ông chủ cà phê Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ: “Tiền nhiều để làm gì?”.
Và, giả sử nói rằng Tết là dịp để người ta hao tổn kinh tế, đây là một quan điểm hết sức sai lầm trong thời đại ngày nay. Vì thời đại du lịch, không có lễ hội nào có tính phổ quát, phổ dụng, phổ biến và hấp dẫn như lễ hội Tết Việt. Một lễ hội mà bạn có thể đi bất kì đâu, bất kì nhà nào cũng có thể được mời ăn, được vui vẻ, thậm chí được lì xì và được mục kích lễ cúng, không gian tâm linh của từng gia đình cũng như những hội hè, đình đám, từ trò chơi dân gian cho đến các chương trình kinh viện đều diễn ra trong lễ hội lớn Tết Việt này.
Xét về khía cạnh kinh tế, Tết Việt là dịp để thu hút khách du lịch đông đảo nhất. Tết Việt cũng là dịp để tốc độ quay của đồng tiền tăng tốc lên mức cao nhất. Một nền kinh tế linh hoạt và năng động phải là nền kinh tế có những dịp/mốc khiến cho tốc độ quay của đồng tiền tăng ở mức cao nhất có thể. Chính vì lẽ này, phương Tây mới có chương trình “Black Friday” để kích cầu.
Nói cho cùng, xét về kinh tế, Tết Việt là một cú kích cầu mạnh mẽ nhất, nói về tự tình dân tộc, về văn hóa và tâm linh, Tết Việt là dịp để người ta ngồi lại với nhau, hóa giải mọi hiềm khích, cởi mở tấm lòng để đón mừng vận hội mới - năm mới và cũng là dịp để tưởng nhớ công ơn tiền nhân, dịp để con người tự thanh lọc tâm hồn, tự làm mới mình, cho cõi lòng được thanh tân, tươi đẹp hơn.
Và hơn hết, Tết Việt là một điểm hẹn, điểm hội tụ tâm linh và vật dục đã thành nếp cả ngàn năm nay, Tết Việt mang tự tình và căn phận dân tộc.
Câu hỏi bây giờ không phải là “giữ hay bỏ Tết Việt để phát triển kinh tế?” mà là “làm thế nào để Tết Việt đừng trở nên phì đại và mất đi màu sắc, hồn cốt cũng như tự tình dân tộc?”. Bởi, chẳng có lý do nào để bỏ Tết, trừ khi sự vong thân của bạn đã đến chỗ bạn thấy mọi thứ thuộc về tâm tính Việt trở nên dị ứng với bạn!
Bài bình luận gần đây