You are here

Canh bạc Tết

Tết lại về, dù muốn hay không muốn, trái đất đủ vòng quay, lịch pháp đủ một cuốn và con người đủ trải bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông... Tết lại về!

“Tết về”, hai tiếng ấy như bừng tỉnh với người xa quê, suốt một năm dài bôn tẩu, biền biệt nơi xứ người. Và cứ đến cuối tháng Chạp, những chuyến xe, chuyến tàu, chuyến bay chất nặng tâm tình quê hương, chất nặng tâm trạng của người “qui cố hương”.

Tết năm nay, dường như người về đông hơn, người từ các thành phố lớn đổ về quê thật nhiều. Bởi ba năm dài dịch giã, vãn hồi sau dịch, thở còn không nổi, có mấy người nghĩ đến chuyện về quê ăn Tết?!

Hơn một năm trôi qua, dịch ngừng hoành hành, hay nói khác đi là những kẻ “chống dịch” ngừng hoành hành, thôi cảnh chọt mũi ăn tiền, thôi cảnh tiêm vào bắp thịt mà chẳng biết sống chết ra sao, thôi cảnh mình trở thành chuột bạch cho những cuộc thử nghiệm vô tiền khoáng hậu, thôi cảnh tang tóc, chia lìa vì mất người thân nơi trại cách ly... Dường như, dù đau khổ đến chừng nào đi nữa, thì người ta cũng phải đến lúc gạt nước mắt mà sống tiếp, mà cười để sống, để tồn tại.

Một cái Tết đoàn viên sau nước mắt, người chốn quê đông đúc lạ thường, người người kéo nhau về quê ăn Tết. Thế nhưng trong cái đông đúc, trong không khi chộn rộn của người về đông đúc, sau không khí háo hức chạm chân xuống mảnh đất quê... dường như có một chút gì đó nằng nặng, buồn buồn, đau đáu khó tả trên quê hương Việt Nam!

Bởi người về đông đúc vậy, nhưng người đi mua sắm thì thưa thớt, thưa thớt đến độ người mua kẻ bán đều tự trải chiếu làm một canh bạc trên chính cuộc mua - bán của mình.

Cái canh bạc lạ lùng ấy nghe thật hổ ngươi, người mua thưa thớt, người bán ế ẩm, nguy cơ thua lỗ có thể nằm trong tầm tay, đến sáng Ba Mươi tháng Chạp rồi mà hầu hết các chợ đều vắng vẻ, hầu hết các chợ hoa Tết đều ngáp gió, người mua lưa thưa, người bán ngồi buồn. Thế là canh bạc bắt đầu, được ăn cả ngả về không!

Tức là người bán có chút gì đó oán trách người mua, họ nghĩ rằng người mua cố tình ém tiền, để chiều Ba Mươi, giá cả hạ xuống mức thấp nhất thì mới đi mua. Đã vậy, người bán quyết hô giá thật cao, thậm chí cao gấp rưỡi, gấp đôi giá bán. Và dường như đã có thông điệp, có truyền tải ngấm ngầm giữa những người bán với nhau, đồng loạt tăng giá, cùng ngồi chơi ngáp gió với nhau, thà chấp nhận mất chứ không bán rẻ!

Về phía người mua, đâu phải tiền bạc được thoải mái, rủng rèng như trước đây, đồng tiền thời hậu dịch, toàn mùi mồ hôi, nước mắt, và đôi khi dính cả máu trên ấy, đâu có ai dễ vung túi thoải mái, mà túi cũng đâu có đầy để vung?!

Nạn thất nghiệp tràn lan, hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản liên tục trong suốt hai năm qua, tỉ lệ người tiêu xài vào tiền dự trữ, tức là những đồng bạc “tích cốc phòng cơ” ngày càng nhiều. Có nhiều người đến thời điểm này không có tiền để sắm một cặp bánh chưng, bánh tét cho ngày Tết thì lấy đâu ra tiền để mua chậu quất, chậu đào hay dù chỉ một nhành mai, nhành đào?!

Người mua dường như co cụm, thị trường dường như co cụm, thế nhưng người ta - người buôn bán - lại hi vọng cứu một năm ế ẩm bằng một cái Tết. Họ dồn toàn bộ năng lượng đầu tư cho Tết, bởi Tết là dịp để buôn bán, làm ăn tốt nhất, một nhà buôn giỏi có thể kiếm lợi tức của một cái Tết tương đương với một năm kinh doanh bình thường, Tết là dịp bùng nổ cơ mà!

Nhưng muốn bùng nổ thì phải có gas, có khí bên trong, có áp suất, có nội năng... năm nay mọi thứ đều xệp meo, có gì đâu để bùng nổ, vậy là mọi thứ trở thành canh bạc, người chơi lớn thì chết lớn, chơi nhỏ thì chết vừa, chỉ có chơi tí tẹo thì đỡ chết.

Chơi tí tẹo ở đây chính là buôn bán nhỏ lẻ, buôn hàng ở phân khúc thấp nhất, ví dụ như rau củ quả hạng xoàng, rau củ quả quê vườn hoặc hoa vạn thọ, hoa cúc thờ cúng. Những loại ấy có giá dao động từ năm ngàn đồng đến hai mươi ngàn đồng/món nên việc mua - bán diễn ra khá thuận lợi, suôn sẻ, hầu như hàng bán chạy và không có mấy người than thở. Mặc dù bài ca “ế ẩm” vẫn có trong phân khúc này nhưng không thê thiết như phân khúc cao hơn.

Dạo một vòng chợ Tết, dạo một vòng chợ hoa, những cành đào, cành mai, chậu đào, chậu quất, chậu cúc, chậu mai dường như nằm bất động, hoa rụng đỏ vàng mặt đất mà người đi ngoài đường vẫn cứ bâng quơ, lan man...

Chưa bao giờ tôi nhìn vào gương mặt đồng loại tôi buồn và thê thiết như lúc này, những gương mặt người bán hoa vừa buồn, vừa tuyệt vọng lại vừa có gì đó cầu cạnh, chờ đợi... Nhưng cầu cạnh gì, chờ đợi gì đây khi mà sức mua đã đuối, khi mà ai cũng đang tự cứu lấy mình, một cái Tết thiếu hụt và trống rỗng đang cận kề, một cái Tết lấy chuyện quan tham bị bắt làm vui, một cái Tết ngồi đếm chuyện buồn xưa...?!

Một cái Tết không dám rượu bia, bởi rượu bia tuy có hâm nóng khí huyết, rượu bia tuy có làm cho mọi sự bất an giảm bớt, rượu bia có thể làm cho tình người, lòng người ấm lên một chút... nhưng ngoài kia, các anh cảnh sát giao thông đang chờ đợi, và một cú thổi của các anh, nghĩa là tiền triệu trôi đi, thậm chí chúc triệu mất toi, bằng lái bị giam, xe bị giam và mọi rắc rối bắt đầu... Vậy thì rượu bia làm chi, Tết nhứt chay tịnh cho nó lành!

Vậy là canh bạc Tết cũng đến lúc cao trào, sáng Ba mươi tháng Chạp, đã có nhiều chủ vườn hoa trút giận lên những cây hoa tội nghiệp, một năm dài được chăm bẵm, một năm dài được tưới tắm, những tưởng số phận tốt tươi, số phận may mắn, số phận được tỏa hương sắc, ai dè, cận kề Tết, chính người đã chăm bẵm, trộng nom, thương yêu của hoa trở thành kẻ hung thủ cầm rựa phạt ngang cuộc đời hoa. Cho dù Thượng Đế nhân từ có hiện ra trước kắt để mỉm cười hay yên ủi thì hoa mãi mãi không bao giờ hết được ngạc nhiên và cay đắng trước lúc chết, một cái chết bi thảm bởi một cuộc lật tẩy của canh bạc Tết.

Nhưng, sau canh bạc lạ lùng ấy, dường như không có kẻ thắng, mà chỉ toàn người thua, thua đau, cả một đất nước, một dân tộc đang thua, từ thua lòng người, thua nhân tình thế thái, thua hệ thống lãnh đạo, thua lòng tự trọng, thua sự liêm chính cho đến thua bài toán kinh tế không có đáp số. Kẻ gây tội vào tù, nhưng việc ngồi tù của chúng không thể cứu sống mấy chục ngàn nhân mạng, kẻ vấy tội đang bị còng tay hay đang thấp thỏm mất ăn mất ngủ, nhưng sự thấp thỏm, mất ăn mất ngủ của chúng chẳng thể nào bù đắp cho nỗi mất ngủ vì suy sụp kinh tế của cả một quốc gia.

Cuối năm, ra chợ hoa sao cứ như ra chiếu bạc, một canh bạc lạ lùng, với những gương mặt trầm trầm, buồn buồn, mệt mệt và có chút gì đó lơ đãng, phiêu diêu! Vậy là Tết!