Bộ phim kinh dị "Tết Ở Làng Địa Ngục" với 12 tập, mỗi tập khoảng 45 phút, được kịch tác gia Thảo Trang viết và Trần Hữu Tấn làm đạo diễn. Phim kể về một ngôi làng thuộc hậu bối của một đội quân cướp của giết người, cách đây vài trăm năm trước.
Sau thất bại và bị triều đình truy lùng, con cháu của quân cướp bỏ chạy đến một nơi hẻo lánh - hoang sơ - thâm sơn cùng cốc để sinh tồn và từ đó tên làng "Địa Ngục" được đặt ra. Ở đó, tất cả mọi người sống gần như tách rời khỏi xã hội ngoài kia. Hầu hết họ đều hiền lương và ẩn nhẫn để cầu mong một cuộc sống bình an, không bon chen với đời, theo lời ông bà dặn lại. Nhưng những điều kỳ lạ, quái gỡ, bí ẩn cứ lần lượt xảy ra và dần dần cướp đi nhiều sanh mạng của làng Địa Ngục.
Những ai thích phim kinh dị sẽ chê nó, bởi kỹ xảo và những tình tiết giựt mình - nổi gai ốc gần như không được tìm thấy, ngoài bối cảnh âm u - nặng nề với phục trang tối - xấu - cũ. Dĩ nhiên, càng không có gì để so sánh với phim kinh dị do Hollywood sản xuất. Nhịp phim chậm - buồn - u ám và thê lương, dễ khiến cho phần rất lớn khán giả không thích theo dõi, cũng bởi thời gian khá dài (45 phút/tập).
Từ tập 1 đến giữa tập 6, tôi phải mất cả tuần mới coi đến đó. Nhưng từ giữa tập 6 cho đến hết phim, chỉ mất đúng một buổi sáng, kéo dài hơi quá trưa - khoảng gần 5 tiếng đồng hồ, tôi coi một mạch vì càng về sau, bộ phim càng hấp dẫn.
Điều đặc sắc nhứt và tâm đắc nhứt đối với tôi, có lẽ đạo diễn bộ phim mang đến cho khán giả về khái niệm "TRẢ NGHIỆP" - nó được nhìn ở góc độ rất mới mẻ. Kịch tác gia và đạo diễn đã mạnh dạn bứt ra khỏi nếp suy nghĩ cũ kỹ và lạc hậu, vốn hằn sâu trong tâm trí người dân xứ thiên đàng, như:
1. Thiện bao giờ cũng thắng Ác, dù trải qua vô vàn nguy khốn.
2. Ai tạo nghiệp, người đó tự trả.
3. Trẻ con luôn luôn vô tội, yêu quỷ không thể động tới hoặc thần thánh luôn che chở.
4. Làm lành lánh dữ - Ở hiền gặp lành - Ăn năn sám hối - Chấp nhận thiệt thòi để dành phần tốt cho người khác v.v...
5. Thầy lang - thầy đồ nghiễm nhiên, với tư cách và phẩm giá là những người chơn chất và đáng kính trọng, không thể trả "nghiệp dĩ" do đời ông cha để lại.
Những điều nêu trên, trong phim, đạo diễn đã dám phá bỏ suy nghĩ thâm căn cố đế, vốn găm sâu vào trong trí não dân xứ thiên đàng. Trong đó, khái niệm quá khứ - nhứt là quá khứ đã trải qua hàng trăm năm - tưởng như nên đoạn tuyệt và không còn dây mơ rễ má gì, với người đương thời. Nhưng ngược lại, tục ngữ "đời cha ăn mặn đời con khát nước" đã được đạo diễn tô đậm và chuyển tải dung dị đến khán giả.
Kịch tác gia và đạo diễn đã để "quá khứ - hiện tại - hậu vận" liền mạch như là một dòng chảy liên tục. Bởi khi sự thật càng chôn vùi, oán khí càng tích tụ. Trốn chạy cỡ nào cũng không thể tránh nghiệp dĩ trót mang.
Dù có người là thầy lang vốn 3 đời bốc thuốc cứu người; dù đó là những đứa trẻ lên 5 lên 10 cũng không tránh khỏi; dù đó là thầy đồ cả đời chỉ biết dạy học cũng chết thê thảm; dù đó là những nam thanh nữ tú hiền lương trong sáng cũng phải gánh chịu những cái chết đau đớn và tức tưởi v.v... Thông điệp bộ phim mang đến cho khán giả, cả làng Địa Ngục đều phải trả nghiệp, dù họ không hề gây ra.
Bộ phim kinh dị - dĩ nhiên - mang tính ước lệ, với một ngôi làng không đầy 200 người nhưng 192+1 (em bé còn trong bụng mẹ) đã phải chết thảm khốc...
Xứ thiên đàng ngày nay - dù dưới sự lãnh đạo gọi là "sáng suốt - tài tình" của Đảng Cộng Sản Việt Nam - không hiểu sao, vô số người dân ngày càng mê tín dị đoan, đến nỗi Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã phải yêu cầu [1]: "không để mê tín dị đoan, cúng oan gia trái chủ" xảy ra trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024.
Trước đó, chuyện gọi là "xá lợi tóc" do đại đức Thích Trúc Thái Minh (nghe nói) rước từ bên Miến Điện về cho Phật tử chiêm bái, đã gây ra nhiều tai tiếng và bản thân ông Thích Trúc Thái Minh bị phạt 7,5 triệu đồng [2] với lời đe dọa "bị tẩn xuất" nếu ông ta còn tiếp tục vi phạm. Tuy nhiên, không có một lời khẳng định nào về cái gọi là "xá lợi tóc" đó thật hay giả (!).
Báo Tuổi Trẻ ra ngày 6 tháng Hai năm 2024 cho hay [3]: Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch yêu cầu phải giám sát chặt chẽ các lễ hội: Khai Ấn Đền Trần, Hội Chùa Hương và nhiều lễ hội khác, nhân dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn.
Người dân xứ thiên đàng - vào mỗi dịp lễ tết - vô số người đến chùa để cầu xin bình an - mạnh khỏe - công danh tài lộc - con cháu học hành tấn tới nhưng nếu giở "sơ yếu lý lịch" của họ ra, khả năng trên 90% người đi chùa đều khai tại mục "tôn giáo" là chữ "không" - một cách dứt khoát.
Phải chi, hàng trăm ngàn người đó dành thời gian rảnh rỗi những ngày Tết xem bộ phim "Tết Ở Làng Địa Ngục", để suy ngẫm và chiêm nghiệm "quá khứ - vị lai", "ác giả ác báo" của toàn dân xứ thiên đàng, với sự đăm chiêu lẽ ra cần phải có, trong tiết Xuân bùi ngùi: Tại sao xứ thiên đàng ngày càng trầm luân trong bể khổ!
Hôm nay, ngày 8 tháng Giêng năm 2024, nhằm ngày 29 Tết - nơi Hồ Chí Minh "ngự trị" suốt 48 năm qua - một buổi sáng ảm đạm với bầu trời nhợt nhạt và đầy vẻ u uẩn, không hề có chút không khí thanh thản - nhẹ nhàng cho một năm mới. Chắc là không an bình gì cho lắm...
Tết Ở Làng Địa Ngục đang lẩn khuất và đang hiện hình quanh đây chăng?
Bài bình luận gần đây