You are here

Mười năm, nghĩ về Văn Đoàn Độc Lập

Mười năm trước, tức năm 2014, trong một quán cà phê tại thành phố Sài Gòn, những con người, (cũng có thể gọi họ là những con người vĩ đại), họ là những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ đã chính thức rời bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, có vài người từng là đảng viên Cộng sản kỳ cựu nhưng đã chính thức rời bỏ các sinh hoạt đảng... Họ đã ngồi lại với nhau, lên kế hoạch, thành lập Văn Đoàn Độc Lập - nơi gặp nhau của những tác phẩm văn chương cởi mở, tự do, không bị ràng buộc bởi ý thức tuyên truyền và không bị khuôn giới trong ý hệ của đảng cầm quyền, phát triển các giá trị tiến bộ, nhân văn... Đương nhiên, với mục đích như vậy, họ gặp vô vàn các trắc trở.

Những trắc trở lớn nhất mà họ gặp, nghe ra có vẻ rất buồn cười, bởi ngay thời đại toàn cầu, giữa thế kỉ 21, thế kỉ của mọi giá trị dân chủ, tự do và tiến bộ được tôn vinh, các nghệ sĩ của Văn Đoàn Độc Lập (VĐĐL) phải luôn đối mặt với các rắc rối nghe ra chẳng có chút gì để gọi là văn hóa bởi an ninh văn hóa.

Từ việc luôn bị theo dõi, trong các quán cà phê, bất kì nơi nào họ có thể gặp nhau, dường như đã bị đánh dấu từ trước để theo dõi cho đến những khôi nguyên giải Văn Việt (trang chính thức của Văn Đoàn Độc Lập) gặp vô số các rắc rối, thậm chí bị xúc phạm, bị dùng bạo lực... mà khi người ta đặt câu hỏi: Vì sao nên cớ sự? Thì không tài nào có câu trả lời thỏa đáng.

Lạ ở chỗ, nếu như ban đầu, VĐĐL bị vu khống rằng đây là “cánh tay nối dài của đảng Cộng sản”, hay rằng đây là tổ chức nhằm hợp thức hóa tính đảng trong văn chương bằng chiêu bài phản biện, trong đó, bài viết của một người khá là uy tín trong làng báo tự do, đương kim Chủ tịch Hội nhà báo độc lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã không ngần ngại khi đặt thẳng vấn đề về “tính hai mặt” của VĐĐL.

Và đương nhiên mọi nghi vấn về VĐĐL là có cơ sở, bởi ngay trong văn đoàn này cũng có tính hai mặt của nó, cũng giống như một số cơ quan truyền thông, ngôn luận bên ngoài Việt Nam vậy, tức ngay trong tổ chức đã bị cài cắm một số thành phần đỏ mà người tham gia không biết được ai đang là đỏ, ai đang là xanh và rốt cuộc mình là đỏ hay xanh hoặc giả rất có thể mình là quân xanh thuần túy nhưng đang bị người ta biến mình thành quân đỏ một cách thụ động, không ai đoán định được.

Điều đó lý giải vì sao thông tin trong nước, các thông tin thuộc hàng thâm cung bí sử vẫn được khai thác rất nhanh ở bên ngoài và ngược lại, mọi thông tin bí mật từ bên ngoài, trong một nhóm nhỏ hoặc một nhóm truyền thông lại bị rò rỉ một cách đáng sợ và an ninh Việt Nam nắm được khá là chi tiết.

Tình trạng của VĐĐL cũng vậy, qua các giải thơ, giải văn của Văn Việt trao cho các khôi nguyên, người ta dễ dàng nhận thấy sự rò rỉ thông tin một cách đáng sợ, hầu hết các khôi nguyên giải Văn Việt hằng năm đều rất rõ chuyện này. Và càng về sau, mức độ gắt gao của an ninh văn hóa nhắm vào các nhà văn, nhà thơ được nhận giải Văn Việt càng đáng sợ hơn.

Trường hợp nhà thơ Thái Hạo bị đánh trên đường ra sân bay để vào Sài Gòn nhận giải thơ của Văn Việt chỉ là một ví dụ điển hình và Thái Hạo đã công khai chuyện này ra trước công luận, trên thực tế, hầu hết các khôi nguyên giải hằng năm của Văn Việt đều gặp rất nhiều khó khăn từ phía an ninh văn hóa nhưng họ chọn im lặng.

Sự chọn lựa (im lặng) của các khôi nguyên này có thể được diễn dịch theo hai hướng: Im lặng chịu đựng vì cần bình an hoặc; Im lặng chịu đựng để nuôi chí lớn.

Ở khía cạnh im lặng chịu đựng vì cần bình an, hầu hết các nhà văn, nhà thơ được trao giải đều là những trí thức đang làm việc tại các cơ quan nhà nước hoặc giả đang dạy học, bất kì sự cố nào đối với họ, đến với họ đều không đơn thuần chỉ diễn ra với bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến gia đình, công việc, nhưng sâu xa hơn là ảnh hưởng, tác động xấu đến học trò, sinh viên của họ. Họ chọn im lặng như là một thông điệp gửi đến các thế hệ về sự bất lực cũng như sự yếu đuối của con người nói chung và người trí thức, người nghệ sĩ nói riêng trước thế lực đen tối mà họ không mảy may có chút tương quan sức lực nào để đối phó và nếu đối phó với nó, mối nguy đến không chỉ với riêng họ.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc đưa ra thông điệp không đồng tình, bất mãn nhưng chưa đến mức độ phản kháng, vì phản kháng chỉ thêm tuyệt vọng.

Ở khía cạnh khác, im lặng để nuôi chí lớn, đây là trường hợp một số nhà thơ, nhà văn đã chọn không lên tiếng để tiếp tục viết tác phẩm theo khuynh hướng tự do tuyệt đối, không phụ thuộc vào tiêu chí thẩm mỹ hay tiêu chuẩn tư tưởng của bất kỳ tổ chức, văn đoàn nào, kể cả Văn Đoàn Độc Lập, tác phẩm của họ chọn xuất bản bên ngoài lãnh thổ Việt Nam và họ sẵn sàng đối mặt với các qui chụp chính trị (nếu có) từ phía chính quyền. Đã có nhiều tác phẩm được xuất bản theo hướng này và gần đây nhất là một tiểu thuyết của một tác giả từng nhận giải khôi nguyên của Văn Việt, từng đối mặt với rất nhiều rắc rối, nhiêu khê, thậm chí sự xúc phạm trắng trợn từ phía an ninh văn hóa, nhưng ông đã chọn im lặng và tiếp tục làm việc trong im lặng. Trường hợp như vậy không phải ít trong các cây bút hiện nay, gồm trong và ngoài VĐĐL.

Trường hợp khác, người ta chọn thái độ phản kháng mạnh mẽ, nhà thơ Thái Hạo là một ví dụ điển hình, và ông vẫn tiếp tục sáng tác những tác phẩm mang dấu ấn phản tư, phản ánh hiện trạng xã hội Việt Nam một cách sâu sắc. Tuy nhiên, rất khó để đặt câu hỏi vì sao ông được bình yên để tiếp tục nói những điều muốn nói và cũng rất khó để trả lời rành mạch tại sao những người dũng cảm lên tiếng như ông trong quãng thời gian kéo dài khá lâu vẫn không bị hề hấn gì.

Bởi có một số trường hợp như đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, cho đến phút giây ông bị bắt, bị tra còng vào tay, người ta vẫn tin ông là một nhà phản biện công tâm, mạnh mẽ nhất, người ta chỉ giật mình khi vợ của ông mang gần chục tỉ đồng đến tòa bồi thường thiệt hại (hay nói khác đi là giao nộp tiền đã vi phạm). Tình trạng xôi đậu trong chính trị, văn hóa, kinh tế và văn nghệ tại Việt Nam là tình trạng có tính kinh niên và rất khó lường.

Đương nhiên, mọi giả định đều có thể đặt ra, nhưng chưa chắc đã đúng với sự thật, nhưng dẫu sao, trong cơ chế chính trị và văn hóa hết sức hà khắc hiện nay, mọi tiếng nói quá mạnh, quá rền vang đều đáng sợ theo mọi nghĩa.

Có một vấn đề để thấy rằng tình trạng xôi đậu có mặt trong mọi lĩnh vực có liên quan đến kinh tế, văn hóa và chính trị Việt Nam, đó là rò rỉ thông tin. Trường hợp các nhà thơ, nhà văn được nhận giải khôi nguyên của năm đều bị phía an ninh văn hóa đến thăm nhà, ngồi uống nước trà, rỉ tai và đặt thẳng vấn đề, yêu cầu người đó không được đến nhận giải xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với công bố của ban giám khảo Văn Việt.

Ban giám khảo Văn Việt công bố giải vào ngày 3 tháng 3 hằng năm, thì trước đó một tuần, an ninh văn hóa đã đến nhà tác giả được công bố giải để “thương thuyết” về việc họ không được tới nơi nhận giải. Trường hợp này xảy ra thường niên ở giải Văn Việt.

Mười năm nhìn lại, phải công nhận một điều, Văn Việt đã làm được rất nhiều điều, trong đó, tôn vinh các giá trị văn chương tự do, không biên giới, không biên kiến và kích hoạt ý hướng sáng tạo tự do cho rất nhiều cây bút. Và, bên cạnh đó, sự rò rỉ thông tin không rõ từ đâu luôn là trái phá đối với Ban vận động Văn Đoàn Độc Lập cũng như các văn nghệ sĩ liên đới.

Cho đến giờ phút này, có thể nói rằng, Văn Việt tồn tại là một kỳ tích và cũng là một thử thách kì cục nhất trong nửa đầu thế kỉ 21 này. Văn Đoàn Độc Lập như một lời thách thức mà cũng ngầm chứa một cái bắt tay nào đó trước các giá trị tự do, dân chủ, độc sáng trong sáng tạo nghệ thuật. Một câu chuyện thật tế nhị, tinh tế và rất khó để nói một lời nào đó rành mạch về một chủ trương, một khuynh hướng và một sự tồn tại, phát triển.