You are here

Một cuối năm tê tái

Tình hình kinh tế Việt Nam ở những tháng cuối năm càng trở nên thê thảm hơn sau ba năm đóng băng. Chính xác là kể từ khi dịch cúm COVID-19 bùng phát, các đợt cách ly, giãn cách, báo động đỏ, phong tỏa đã nhanh chóng đẩy thành phố Sài Gòn từ chỗ một thành phố năng động, đầu tàu kinh tế xuống mức ì ạch, phì phò thở cầm hơi và, cho đến lúc này, sự ảm đạm đã có mặt ở mọi nơi. Nhưng, việc thắt chặt qui định nồng độ cồn và ráo riết kiểm tra nồng độ cồn một lần nữa tung quả đấm vào cơ thể kinh tế đang thở thoi thóp Việt Nam.

Nói như vậy, việc qui định nồng độ cồn là sai? Hay còn một vấn đề nào khác dẫn đến tình trạng hiện tại?

Thực ra, qui định nồng độ cồn, kiểm tra nồng độ cồn nhằm bảo đảm an toàn giao thông là đúng, là khoa học, điều đó cũng giống như việc qui định an toàn trong tiếp xúc trước nguy cơ dịch là đúng, phòng chống dịch là đúng, nhưng cách ứng biến, hành xử như thế nào để đạt được hiệu quả là cả một vấn đề.

Sở dĩ đang nói về nồng độ cồn, lại chuyển sang chuyện dịch COVID-19 là do cả hai vấn đề này đang là hai đòn chí tử của kinh tế Việt Nam.

Trở lại chuyện phòng, chống dịch COVID-19 từ ba năm trước cho đến khi chính thức bãi bỏ. Ban đầu, việc giới nghiêm, cách ly, phong tỏa tỏ ra có hiệu quả. Bởi tâm lý lúc đầu còn lạc quan, vô tư và hơn nữa, kinh tế còn đủ mạnh, các khoản chi tiêu đủ để cung ứng cho chương trình. Và trên hết, những sâu bọ trong hệ thống chưa hoạt động.

Đến lần hai, lần ba, một mặt, lãnh đạo, cụ thể là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lúc ấy tỏ ra ngạo mạn khi tuyên bố “nếu cột điện Mỹ có chân, nó cũng sẽ chạy đến Việt Nam”, đây là vấn đề tâm lý lãnh đạo, rõ ràng, phát biểu cho thấy lãnh đạo nhà nước hoàn toàn không hiểu bản chất của dịch cúm và nghĩ rằng cứ dùng rào chắn, cứ cách ly, cứ ngăn sông cấm chợ thì con virus nó sẽ bị chặn, sẽ bị bắt.

Song hành với lời tuyên bố này là những con sâu trong hệ thống bắt đầu hoành hành, những cú áp phe bán kit thử Covid-19 trong đó có lãnh đạo cao cấp của ngành y tế cùng với quân đội và tư thương đã thao túng toàn bộ thị trường y tế và có thể nói rằng họ đã đánh một mẻ lưới lớn vào sức khỏe dân tộc. Hậu quả của nó là hàng vạn người bỏ mạng một cách oan uổng sau chương trình test cộng đồng, cách ly cộng đồng phản khoa học của ngành y tế và cả nhà nước, chính phủ.

Sau hai cú đấm “chuyến bay giải cứu” và “test COVID- 19 cộng đồng”, kinh tế Việt Nam chính thức kiệt quệ. Bởi sau những đợt chết chóc, đông cứng, tê liệt, không có đường dẫn cho hàng hóa, và cả con người cũng bị bó chân tại chỗ bởi hàng loạt các qui định phản khoa học, phản nhân quyền, tình trạng đóng cửa của các cơ xưởng nhanh chóng lan truyền, thất nghiệm như nấm mọc sau mưa.

Trong lúc nền kinh tế thế giới cũng bị đông cứng sau dịch, Việt Nam vẫn hi vọng vào lợi thế địa chính trị của mình bằng chính sách ngoại giao cây tre, đi zic zăc giữa hai nền kinh tế lớn gồm Mỹ và Trung Quốc, giữa khối tư bản với khối cộng sản nhằm kêu gọi đầu tư, hốt hụi chốt sau những biến cố. Nhưng, rào cản về chính sách của Việt Nam là thứ rào cản không hề nhỏ và không phải dễ gỡ bỏ, bởi nó mang ý thức hệ cũng như nó liên quan đến sự sống còn của đảng Cộng sản.

Và, đến lúc này, việc cung cố uy tín đảng, gắn gượng đắp vá những lỗ hổng kinh tế trước nguy cơ vỡ nợ công, trước nguy cơ nền kinh tế tiếp tục đóng băng thêm vài ba năm nữa và ngân sách nhà nước trống rỗng là một việc khó khăn vô cùng, nếu không muốn nói nó chẳng khác nào đội đá vá trời. Bởi khi mối mọt đã xông lên tận mái nhà thì thay bao nhiêu cột, kèo cho đủ, đó là chưa nói đến nguy cơ rút bất kì cây cột nào để thay cũng có thể dẫn đến sập nguyên một căn nhà.

Thế nhưng công cuộc đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn không ngưng nghỉ, bởi ông không có lựa chọn nào khác và ông cũng không được quyền lựa chọn nào khác nếu muốn tồn tại. Bởi hơn ai hết, ông biết rằng tình trạng cát cứ địa phương là nguy cơ dẫn đến sự sập đổ của chế độ nhanh nhất, và không ai khác, chính những quan lại đã nhúng chàm, những kẻ đã vấy tay vào tham nhũng, phá hoại, những đảng viên cao cấp sẽ là kẻ đạp đổ chế độ đầu tiên.

Đồng hành với việc đốt lò là chấn chỉnh xã hội, bởi thượng bất chính thì hạ tắc loạn, dù sao thì nhân dân cũng nằm ở vế “hạ”, trong lúc này, hơn ai hết, lãnh đạo Cộng sản phải thấu hiểu rằng nguy cơ nổi loạn trong dân là rất cao, loạn theo nhiều hướng, bởi cái gốc “thượng bất chính” đã lộ quá rõ.

Cấm nồng độ cồn, lấy lại mặt bằng trung tính trong xã hội là vấn đề an ninh sống còn chứ không đơn giản chỉ là đảm bảo an toàn giao thông. Bởi nếu nghĩ đến an toàn giao thông thì việc này đã diễn ra sớm hơn nhiều, từ khi các vụ chết vì tai nạn do rượu bia xảy ra như cơm bữa trên khắp đất nước kia. Lẽ nào tư duy, đầu óc của những đảng viên cao cấp, những thiên tài của đảng lại không nghĩ ra được việc khống chế nồng độ cồn trong giao thông suốt nhiều năm nay?!

Bởi vì nguồn cung ứng rượu bia, thị trường rượu bia của Việt Nam là một thị trường màu mỡ chẳng kém công nghiệp du lịch, thậm chí rượu bia cũng là một trong những chất xúc tác kích thích thị trường du lịch Việt Nam. Và, cấm rượu bia, tức là chính thức đóng cửa cả một thị trường lớn, chính thức cắt bỏ một túi tiền lớn trong thu nhập quốc dân. Thế nhưng, trong tình huống hiện tại, lãnh đạo đảng phải cân nhắc giữa hai lựa chọn, hoặc là giữ một mũi nhọn kinh tế, chấp nhận nguy cơ loạn lạc hoặc là chấp nhận co cụm, suy thoái để giảm nguy cơ loạn lạc. Và họ đã lựa chọn phương án hai.

Bởi phương án hai có thể mang lại một nguồn không nhỏ cho ngân sách nhà nước từ các khoản thổi phạt, trong khi đó, cũng mang lại màu sắc tươi mới cho cái Tết của ngành công an (hơn 50% tiền thưởng Tết của ngành công an là tiền trích từ các khoản của ngành cảnh sát giao thông, bất cứ đồn công an nào trên đất nước này đều vậy, đây là chia sẻ của một cựu sĩ quan công an).

Đương nhiên, vấn đề sống còn hiện tại của đảng vẫn là ngân sách nhà nước, ngân sách chính phủ, ngân sách địa phương và ngân sách ngành. Bởi chỉ có ngân sách đầy đủ mới đảm bảo bộ máy hoạt động.

Về phía nhân dân, với tình hình hiện tại, hầu hết các quán nhậu đều có nguy cơ phá sản. Những quán nào linh hoạt thì chuyển sang hình thức ship hàng tận nhà cho khách. Nhưng chỉ một nhóm nhỏ quán tồn tại được nhờ loại hình ship, bởi, trong văn hóa nhậu của người Việt có cả yếu tố áp phe và những sinh hoạt phái sinh hết sức tế nhị. Việc này không thể diễn ra khi nhậu tại nhà.

Tết nguyên đán Quý Mão - 2024 đang cận kề. Nhưng tình hình kinh tế Việt Nam ảm đạm, thê lương, tỉ lệ người thất nghiệp quá cao, giá cả trên thị trường liên tục tăng, từ điện, nước, xăng dầu cho đến gạo, lương thực...

Trong tình trạng thu nhập eo hẹp và đứt đoạn, giá cả thị trường tăng, nhà nước tăng lương cho cán bộ, thì, người lãnh trái đắng chắc chắn phải là người dân, những người không trực thuộc bộ phận đảng và nhà nước.

Tết là lễ hội của dân tộc, của đại đa số nhân dân, khi đại đa số gặp khó khăn, thì chắc chắn, một bộ phận “ưu việt” sẽ có Tết, số đông còn lại sẽ đón Tết ảm đạm.