You are here

Đại gia ở Việt Nam

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong thời gian vài ba năm trở lại đây, một loạt các đại gia ở Việt nam đã vướng vào vòng lao lý. Người trước kẻ sau, người nhanh kẻ chậm, lần lượt nối đuôi nhau vào tù. Còn một số ít đại gia ngoài xã hội, đang vật lộn làm ăn nhưng cũng suốt ngày nghe tin đồn sắp xộ khám. Có thể nói, thời kỳ đen tối của các đại gia đang tới, thật trùng hợp, đó cũng là lúc chế độ cộng sản ở Việt Nam gặp khó khăn, cạn kiệt nguồn lực.

     Ở các nước dân chủ, người ta thường gọi những ông chủ giàu có, chủ của các hãng xưởng, tập đoàn lớn là các nhà đại tư bản. Đó thường là những ông chủ của các công ty, có các sản phẩm hoặc dịch vụ nổi bật, gặp những điều kiện thuận lợi phát triển lên, trở thành những tập đoàn lớn. Họ kinh doanh trong môi trường  kinh tế thị trường lành mạnh, pháp luật nghiêm minh, công lý sáng tỏ. Nhưng ở Việt Nam, không có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế làm méo mó, biến dạng tất cả các yếu tố của nền sản xuất; giá cả hàng hóa, dịch vụ không phản ánh đúng giá trị, quan hệ cung cầu hỗn loạn; môi trường thể chế mù mịt, với hàng rừng luật và thay đổi như chong chóng; môi trường kinh doanh bất bình đẳng, tham nhũng trở thành quốc nạn… nên những người giàu có, chủ các công ty, tập đoàn lớn thường gọi là đại gia, cái tên cũng không giống các nhà đại tư bản ở những nước khác.

     Vậy các đại gia ở Việt Nam có những đặc trưng, đặc điểm gì, tại sao trong thời gian gần đây họ lại bị bắt nhiều như vậy? tương lai các đại gia ở Việt Nam sẽ ra sao?

     Trước hết, một đặc điểm ai cũng nhận thấy, đó là các đại gia ở Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với các quan chức, đó là mối quan hệ cộng sinh. Ở mức bình thường thì một doanh nghiệp có một vài quan chức đỡ đầu. Ở tầm cao hơn thì một số doanh nghiệp (đại gia) kết hợp với một số quan chức cấp cao hình thành nhóm lợi ích. Chúng ta hình dung, để một doanh nghiệp nhỏ, bình thường tồn tại được trong môi trường của Việt Nam, tức là chỉ sản xuất, kinh doanh những mặt hàng bình thường, với quy mô bình thường cũng đã chuyện vô cùng khó khăn, cần có các mối quan hệ với nhà cầm quyền, công an. Vậy thì các doanh nghiệp lớn, quy mô lớn thì việc quan hệ với các quan chức, với nhà cầm quyền là điều bắt buộc. Quan hệ cộng sinh giữa đại gia và quan chức là ở chỗ, đại gia cần quan chức để vượt qua rừng luật, để được tham gia vào những lĩnh vực đầu tư béo bở, để chống đỡ khi những phi vụ làm ăn không trót lọt… quan chức cần đại gia trước hết là để trục lợi, tham nhũng. Họ không thể trực tiếp thu lợi qua chức vụ của mình, mà cần có các doanh nghiệp sân sau. Họ cần đại gia để đầu tư cho họ leo cao hơn nữa, xây chắc ghế hơn nữa để việc trục lợi, tham nhũng được dễ dàng hơn…

     Các đại gia ở Việt Nam hầu như không có sản phẩm hoặc dịch vụ nào ưu việt, nổi bật, họ chỉ là gian thương và phần lớn gắn với việc cướp đất ở Việt Nam. Môi trường kinh tế, kinh doanh ở Việt Nam hầu như triệt tiêu toàn bộ khả năng tạo ra sản phẩm ưu việt, hoặc kinh doanh có hiệu quả. Chỉ có làm ăn giả dối, lừa đảo, được bảo kê một thời gian dài mới có thể làm giàu nhanh chóng, một yếu tố trở thành đại gia. Ví dụ như doanh nghiệp Khải silk, một thời gian dài mua các sản phẩm lụa Trung Quốc, dán nhãn hiệu lụa Việt Nam, bán với giá cắt cổ (mua sản phẩm mấy chục nghìn, bán mấy triệu). Một số đại gia thì gian lận trong việc kinh doanh Tivi, mặt hàng điện tử và các mặt hàng khác của Trung Quốc. Trong tất cả các thương vụ kinh doanh của Vingroup (đại gia Vượng Vin), ngoài việc dựa vào nhóm lợi ích cấp cao, mua được đất vàng phân lô bán nền, xây dựng các khu chung cư, không có một thương vụ kinh doanh nào có lãi, tất cả đều lỗ và sập tiệm trong các thương vụ đó. Như vậy, để làm giàu nhanh chóng, điều kiện của đại gia, tất cả đều gian dối và lừa đảo, hoặc dựa vào nhóm lợi ích đề thâu tóm các khu đất vàng và cướp đất của dân. Các đại gia lớn nhất ở Việt Nam đều liên quan  tới việc thâu tóm đất vàng và cướp đất của dân như Vạn Thịnh Phát, Vingroup, Tân Hoàng Minh,…

     Các đại gia thời gian qua nối đuôi nhau vào tù là do công cuộc “đốt lò” của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cần phải hiểu là việc đốt lò chỉ là cái cớ, còn chìm sâu bên trong là việc tranh giành quyền lực của các quan chức cao cấp, của các nhóm lợi ích. Khi các quan chức đỡ đầu bị mất ghế, bị kỷ luật thì các doanh nghiệp sân sau, các đại gia thuộc nhóm lợi ích của quan chức đó sẽ bị xử lý, doanh nghiệp bị thôn tính. Tuy nhiên, cũng không loại trừ, việc nhà cầm quyền dựa vào vụ đốt lò để “làm thịt” các đại gia, thu về cho ngân sách đang cạn kiệt những nguồn thu béo bở. Việc vi phạm pháp luật của các đại gia là điều đương nhiên, trong một xã hội mà sự tồn tại của cá nhân, doanh nghiệp đã là khó khăn, nói gì đến việc làm giàu và làm giàu nhanh chóng.

     Tương lai của các đại gia còn lại (tức là chưa bị bắt) ở Việt Nam là vô cùng mù mịt và bất trắc. Cuộc tranh giành quyền lực càng ngày càng khốc liệt ở thượng tầng khiến cho sự an toàn của các đại gia ngày càng trở nên bấp bênh. Bản thân các đại gia không tự chủ được sự an toàn của mình mà phụ thuộc vào vị thế của các quan chức đỡ đầu, nhóm lợi ích mình tham gia. Có thể nói, làm đại gia ở Việt Nam cũng chẳng sung sướng gì, khi đắc thời vẫn phải hầu hạ cung phụng quan chức, khi vãn thời thì không biết mình sẽ bị bắt, vướng vào vòng lao lý khi nào. Chỉ khi người dân có tự do, đất nước có dân chủ thì các đại gia cũng mới đứng thẳng làm người được mà thôi./.

Hà Nội, ngày 21/11/2023

N.V.B