You are here

Có Ngày Nhà Giáo, thầy cô được và mất gì?

Ảnh của Gió Bấc

Nước Việt theo truyền thống tôn sư trọng đạo, không phải đến giờ nhà giáo mới có ngày được tôn vinh. Nhưng từ khi có Ngày 20-11, nghề giáo đã mất nhiều giá trị, nhà giáo bị gánh thêm nhiều gánh nặng, ràng buộc trong cả ngoài nghề nghiệp. Những lẵng hoa sặc sỡ chỉ trong ngày 20-11 không che lấp nỗi bóng đen ảm đạm đeo đẳng nhà giáo suốt 364 ngày còn lại trong năm.

Ông cha ta có ngày nhà giáo không? Phải chăng từ ngày được đảng quan tâm, mới có ngày nhà giáo? Xin thưa từ lâu lắm rồi dân gian có câu “Mồng một tết cha, mồng hai tết vợ, mồng ba tết thầy”. Ngày nhà giáo của ông cha ta được đặt định ngay trong dịp tết nguyên đán, khoảng thời gian tinh khiết và long trọng nhất của năm. Đó không phải câu nói suông mà đã là tục lệ. Không cần ai phát động, không cần báo đài đưa tin, không có băng cờ khẩu hiệu, người ta thực hành nghiêm cẩn đạo nghĩa, tình nghĩa thầy trò một cách tự nhiên. Tới bây giờ vẫn còn không hiếm học trò xưa đi viếng tết thầy cũ dịp mồng ba tết. Bạn bè tôi, những cựu giáo chức thế hệ U70, U 80 vẫn giữ nếp ở nhà suốt ngày mồng ba tết vì ngại học trò đến thăm mà không có mặt. Đi tết thầy cô, chúc tết thầy cô ngày tết mồng ba gói trà, miếng bánh chừng như tự nhiên, ấm áp hơn là lễ lạc đông người nơi công sở.

Ngay trong nội dung chương trình giáo dục trước khi được đảng lãnh đạo có những mẫu chuyện, bài học về tình nghĩa thầy trò rất chân thực và thuyết phục.

Ngay trong sách tập đọc lớp vỡ lòng, sau câu ca dao ngắn công cha như núi Thái Sơn…., học trò được học bài thuộc lòng Ông Thầy Đầu Tiên:

Trẻ còn ngu dại biết chi

Nhờ thầy chỉ dạy khắc ghi trong lòng

Mở mang trí hóa cho thông

Cầm tay sửa miệng cái công dẫy đầy.

Nhờ ai ta được thế này

Ta nên nhớ lấy ông Thầy đầu tiên.

Ở lớp lớn hơn, trẻ được đọc chuyện ông Carnot thành đạt về trường thăm thầy cũ vẫn cúi đầu lễ phép “Thưa thầy con là Carnot, là học trò cũ của thầy đây!” đơn giản nhưng thấm vào lòng người. Truyền thuyết về Đầm Mực nêu tấm gương con thuồng luồng vì cái nghĩa với thầy Chu Văn An dám trái mệnh trời làm mưa phải trả giá bằng tính mạng của mình thật thấm thía.

Không chỉ là truyền thuyết, sách vở, cách đây trên 100 năm ở Miền Nam có rất nhiều câu chuyện thật về đạo nghĩa thầy trò càng là bài học đáng nêu gương. Anh học trò ở Cần Giuộc dâng em gái làm vợ ông thầy mù Nguyễn Đình Chiểu. Kết quả cuộc hôn nhân hiếu nghĩa này là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, người phụ nữ Việt đầu tiên làm chủ báo và lại khai sinh tờ Nữ Giới Chung tờ báo Việt đầu tiên dành cho nữ giới.

Cụ Phan Thanh Giản dời mộ vị đại sư Võ Trường Toản từ Gia Định về Ba Tri, Bến Tre, không để hài cốt thầy nằm trong vùng đất bị Pháp chiếm. Đến lượt mình cũng gửi xác ở đây để lại cho Ba Tri một quần thể di tích lịch sử ba lăng mộ nằm kề Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản.

Thế hệ kế tiếp đến lượt Tống Hữu Định và những học trò trí thức Tây học Nam Kỳ đầu thế kỷ 20 dù không học chữ Hán từ các vị nho gia Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản nhưng vẫn đóng góp của tiền trùng tu Văn Thánh Miếu Vĩnh Long lập ban thờ các vị này trong Thơ Lầu và còn gọi là Văn Xương Các còn kiên cố đến ngày nay. (1)

Trong thời phong kiến, theo quy củ của Khổng Giáo, thứ bậc xã hội phải tôn trọng là Quân, Sư, Phụ. “Tước hữu ngủ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi chi tiên!” - Nguyễn Công Trứ. Nghề giáo, kẻ sĩ nằm trong 5 tước và đứng đầu tứ dân. Từ thời Pháp thuộc đến Việt Nam Cộng Hòa, thầy giáo là công chức được bổ nhiệm theo ngành dọc không lệ thuộc vào chính quyền địa phương về hành chính, chính trị, nghiệp vụ. Trường không có kế toán, thủ quỹ, lương do nhân viên từ Ty phát thẳng cho giáo viên.

Không có ngày 20-11 để tôn vinh nghề giáo, thầy cô giáo nhưng tiêu chuẩn tuyển sinh vào Đại học Sư Phạm rất khắt khe, hồ sơ thi vào Sư Phạm phải có chứng chỉ đại cương Văn Khoa hoặc Khoa Học tương thích với ngành đăng ký.

Giáo sư Trung học đệ nhị cấp tức giáo viên trung học phổ thông bây giờ được bổ nhiệm theo nghị định của Bộ Giáo Dục. Ngạch lương của giáo sư đệ nhị cấp cao hơn đốc sự hành chính (phó quận, phó tỉnh, phó ty) khoảng 20%. Thầy giáo không phải là nhân dân cũng không phải nhân viên của ông quận. Chính quyền tôn trọng họ như một loại nhân sĩ. Không có chuyện Ủy Ban, Phòng Giáo Dục điều nữ giáo viên đi tiếp bia cho quan khách như những cô gái bia ôm.

Ở trường tôi học, ông Quận cùng đội bóng chuyền của đại đội hành chính quận đấu giao hữu với đội của trường. Khi ông quận chơi banh bị lỗi vẫn bị trọng tài thầy giáo hay học trò thổi còi phải nín khe chấp nhận chứ không dám lớn tiếng thách thức mày có biết bố mày là ai không!

Hiệu trưởng chỉ có vai trò điều hành công việc của nhà trường chứ không phải là ông vua toàn quyền sinh sát như bây giờ. Muốn khiển trách, kỷ luật, thuyên chuyển thầy cô trong trường, hiệu trưởng cứ làm hồ sơ báo cáo lên đến Bộ xem xét quyết định. Người thầy tư do trong không gian của chương trình giáo dục khai phóng. Tự do giảng dạy, tự do chấm điểm học sinh không phải chịu áp lực về thành tích, tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp, tỉ lệ khá giỏi. Một giai thoại được nhiều người bàn tán hoàn toàn không phải nịnh nọt. Giáo Sư Phạm Biểu Tâm thẳng thắng lắc đầu khi có người gợi ý nâng điểm cho Ngô Đình Lệ Thủy Trưởng nữ của Cố Vấn Ngô Đình Nhu nhưng hoạn lộ của ông thầy này chẳng mảy may suy suyển. Không ai cấm nhưng cũng không có chuyện thầy giáo dạy thêm thu học phí.

Quan hệ thầy trò, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ với phụ huynh, hoàn toàn trong suốt vì mục tiêu giáo dục, không có sự chen lấn của đồng tiền, lợi ích chính trị, lợi ích thân hữu.

Ngựa chứng trong sân trường, tiểu thuyết của Duyên Anh gây tranh cãi thời đó chỉ là chuyện một học sinh bướng bỉnh về tính cách ở độ tuổi dậy thì chứ chưa đến mức vô lễ, càng không có chuyện học trò, phụ huynh hành hung thầy cô giáo hay ngược lại.  

Vậy đó! Không có ngày Nhà Giáo nhưng cả thiết chế xã hội, guồng máy giáo dục và hệ thống luân lý tôn trọng người thầy, bảo đảm công việc dạy học không bị tì vết, áp lực.

Từ khi đảng lãnh đạo cả nước trong đó có ngành giáo dục, nghề giáo có ngày 20- 11 để diễn tuồng tặng hoa hô khẩu hiệu nhưng thân phận nhà giáo hoàn toàn thay đổi. Những bài học kính trọng, yêu thương của học trò không có người thầy. Từ vỡ lòng trẻ được học thuộc lòng 5 điều Bác Hồ dạy Thiếu Niên Nhi Đồng “yêu tổ quốc, yêu đồng bào, …”.

Đó không phải khiếm khuyết của ngành giáo dục mà là mục tiêu của chế độ. Việc hạ thấp vai trò, giá trị của người thầy được thể hiện xuyên suốt từ tổ chức bộ máy ngành giáo dục trong guồng máy chung, các thiết chế xã hội.

Thầy cô giáo là loại viên chức hạng bét trong thang bậc xã hội và phải nhận lãnh nhiều công việc ngoài giáo dục. Theo phân cấp quản lý, trường cấp 1,2 thuộc xã, trường Trung học thuộc huyện, quận. Ông Chủ tịch, công an bà mặt trận đều có thể sai khiến, giao việc cho ông hiệu trưởng. Trường học trở thành bộ máy hành chính, chính trị với đủ thứ tổ chức đảng, đoàn, công đoàn, hội, … thậm chí là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu với hầm bà lằng các loại phí. Dù muốn hay không muốn, ông hiệu trưởng cũng trở thành một lãnh chúa với đủ thứ quyền hạn, trách nhiệm với địa phương, với ngành dọc cấp trên nào là trách nhiệm đóng góp xây dựng địa phương, thành tích thi đua thậm chí là trách nhiệm nâng điểm, chạy trường cho con cái quan chức, bán bảo hiểm y tế…Vụ án “hiệu trưởng mua trinh học trò”: Kiếm tiền trên thân xác học trò Sầm Đức Xương đâu phải là trường hợp duy nhất. (2)

Thân phận giáo viên còn bèo bọt hơn. Họ là tay sai của Hiệu trưởng và bị trói chặt trong thể chế giáo dục được áp đặt từ trên mà không có chút tự do nào. Về chuyên môn, giáo viên phải dạy theo chương trình áp đặt từ bên trên với lịch tiến độ cứng nhắc theo khuôn mẫu chung cả nước. Họ phải gồng lưng chạy theo những quy định hành chính hình thức nào soạn giáo án, nào tập huấn nâng cao nào học tập chính trị, nào cập nhật kiến thức theo sự thay đổi xoành xoạch chương trình học.

Giáo viên phải chịu áp lực trực tiếp từ bao thứ chỉ tiêu học sinh lên lớp, học sinh khá giỏi…và cá những yêu cầu cá nhân của gia đình các học sinh có thế lực. Thậm chí giáo viên còn phải làm những việc hạ thấp nhân phẩm con người theo yêu cầu quan chức cấp trên. Một số giáo viên, các giáo viên cho biết Hiệu trưởng thường xuyên chỉ đạo một số giáo viên đi uống rượu, tiếp khách trong các buổi tiệc tại các đơn vị như: Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên; Đồn Biên phòng 11, 12; Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ; Chi cục Hải quan cửa khẩu Bu P’Răng; Công an tỉnh trong và ngoài giờ hành chính, có cả thứ 7 và chủ nhật. (3)

Đó không phải là cá biệt ở một địa phương, cũng không phải bất thường, ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GDĐT thị xã Hồng Lĩnh Hà Tỉnh xác nhận: Có sự điều động này, có việc giáo viên nữ tham gia phục vụ tại các buổi lễ. "Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống" (4)

Giáo viên trở thành thứ đầu sai phải thu đủ loại tiền từ học phí, sinh hoạt phí theo quy chế trường, các loại quỹ, bảo hiểm y tế…

Lương thấp không đủ sống, công việc chiếm nhiều thời gian, dạy thêm thật có thu phí để bổ sung kiến thức cho học trò là cách làm có lương tâm vẫn bị xã hội phê phán. Nhiều trường hợp biến tướng giáo viên xem học thêm là thủ thuật trấn lột học trò. Điểm số được tiền tệ hóa bằng học phí thậm chí bằng tình dục.

Trong bối cảnh như vậy làm sao có được tình thầy trò chân thực? Trong mối quan hệ trên dưới phụ thuộc, bị áp lực bởi đồng tiền, quyền lực chính trị, quyền lợi về vật chất tinh thần là sao có sự tôn vinh kính trọng chân thành. Ngày 25-5-2023, cô Vũ Thị Kim Quy (giáo viên trường THPT Lê Duẩn) xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông bị cha học sinh L hành hung tại nhà riêng chỉ vì cô Quy hạ điểm hạnh kiểm của em L (5)

Không thể thống kê hết những vết đen trên phông màu lòe loẹt của ngày Nhà Giáo. Một nền cai trị chuyên chế, dối trá tất yếu sản sinh ra nền giáo dục bệnh hoạn phi luân.  

 

1-https://vinhlongtourist.vn/en/detailnews/?t=van-thanh-mieu-di-tich-lich-...

2-https://thanhnien.vn/vu-an-hieu-truong-mua-trinh-hoc-tro-kiem-tien-tren-...

3-https://nld.com.vn/thoi-su/vu-hieu-truong-dieu-giao-vien-di-tiep-khach-n...

4-https://dantri.com.vn/giao-duc/dieu-dong-giao-vien-nu-di-tiep-khach-chuy...

5-https://plo.vn/giao-vien-chu-nhiem-bi-phu-huynh-hanh-hung-tai-nha-rieng-post735023.html