You are here

Thể chế toàn trị

Ảnh của nguyenvubinh

     Theo định nghĩa của chính trị học, Thể chế toàn trị (totalitarianism) là một hình thức chính trị mà chính phủ hoặc chế độ tập trung quyền lực một cách tuyệt đối và kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống của công dân. Trong các chế độ toàn trị, người lãnh đạo và tổ chức nhà nước thường kiểm soát tất cả các khía cạnh của xã hội, bao gồm kinh tế, văn hóa, giáo dục, truyền thông và quân sự. Các quốc gia đang duy trì thể chế toàn trị trên thế giới bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba và Bắc Triều Tiên… Bài viết này đề cập tới mối tương quan của thể chế toàn trị với phong trào dân chủ ở Việt Nam.

     Việc ra đời và xây dựng thể chế toàn trị cũng là điểm đặc biệt. Đó là các thể chế toàn trị thường được ra đời sau các cuộc cách mạng bạo lực, cướp chính quyền và các chiến dịch gieo rắc sự sợ hãi cũng như việc bần cùng hóa nhân dân, tạo lập sự lệ thuộc vào nhà nước và chế độ. Ở Việt Nam, đến những năm 60 của thế kỷ XX, về cơ bản đã thiết lập xong thể chế toàn trị ở miền Bắc, và đầu nhưng năm 1980 đã xây dựng thành công thể chế toàn trị trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc cạn kiệt nguồn lực ở Việt Nam vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, cùng với sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã ảnh hưởng lớn tới việc duy trì thể chế toàn trị theo nghĩa kiểm soát chặt chẽ mọi công dân trên tất cả các khía cạnh, lĩnh vực. Nhưng cùng với việc thay đổi nền kinh tế, mở rộng hợp tác quốc tế, và sự trợ giúp của thế giới, Việt Nam đã từng bước phục hồi và phát triển nền kinh tế. Trên cơ sở kinh tế phục hồi, nhà nước đã kiện toàn cấu trúc và thế chế toàn trị. Có thể nói, đến những năm 2015-2017, thể chế toàn trị ở Việt nam đã được khôi phục hoàn toàn, cũng là lúc đảng cộng sản ra tay đàn áp, khủng bố trắng phong trào dân chủ.

     Khác với tất cả các hình thức chuyên chế, độc tài đã và đang tồn tại trong lịch sử, thể chế toàn trị là một hình thức cai trị tuyệt đối, việc kiểm soát con người đạt tới mức độ cực đại, hoàn hảo. Phong trào đấu tranh dân chủ ở các thể chế toàn trị gặp muôn vàn khó khăn, so với các hình thái độc tài khác. Sự khác biệt và khó khăn thể hiện trên ba phương diện.

     Thứ nhất, sự cô lập, bao vây, phong tỏa và khống chế ngay lập tức các cá nhân và tổ chức phản kháng, độc lập. Thể chế toàn trị xây dựng được các cấp chính quyền, đảng, các đoàn thể, hệ thống an ninh mật vụ từ đơn vị xóm, tổ dân phố đến thôn bản, khu dân cư, xã phường lên tới huyện, tỉnh và trung ương. Cấu trúc này trải rộng từ hang cùng ngõ hẻm, từ núi cao, vực sâu tới hải đảo xa xôi, cứ có con người là có các cấu trúc này. Đây là điều mà không một hình thái độc tài nào trong lịch sử cũng như hiện nay làm được. Trong cấu trúc này, ghê gớm nhất là hệ thống an ninh, mật vụ. Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống mật vụ của Đông Đức cũ huy động 10% dân số làm nhiệm vụ do thám công dân, bao gồm cả hệ thống an ninh, cảnh sát hiện hữu. Còn Liên Xô, đó là 5% dân số. Đối với Việt Nam, đâu đó khoảng 6% dân số, phù hợp với thông tin mà giáo sư Carl. Thayer người Úc nói, bộ công an Việt Nam quản lý 6 triệu người. Chúng ta cần hiểu, 6 triệu người này không phải chỉ làm nhiệm vụ của công an, cho công an mà phần lớn trong số họ là dân thường, là các cán bộ ở các ngành các cấp trong tất cả hệ thống, ngành nghề ở Việt Nam, họ thường được gọi là tai mắt của nhân dân.

     Như vậy, với một hệ thống cơ quan đoàn thể và mật vụ khủng khiếp như vậy, khi một cá nhân lên tiếng phản kháng, một tổ chức độc lập xuất hiện, tất cả đều bị phát hiện và bị bao vây, phong tỏa và cô lập.

     Thứ hai, áp lực lên người đấu tranh từ mọi phương diện, mọi mối quan hệ. Việc kiểm soát mọi lĩnh vực đời sống xã hội của đảng trong thể chế toàn trị dẫn tới việc an ninh sử dụng tất cả các lợi thế này để làm áp lực, để khống chế người đấu tranh. Những người đấu tranh ở Việt Nam đã không còn xa lạ gì với việc an ninh làm mọi cách để gây khó khăn cho họ trong cuộc sống và sinh hoạt. Đó là việc gây sức ép lên công ăn việc làm (thường là người đấu tranh bị đuổi việc), chỗ ở, nơi cư trú, học hành, cô lập trong sinh hoạt… rất nhiều phương diện và khía cạnh. Không những vậy, an ninh còn tác động, áp lực lên thân nhân của những người đấu tranh làm cho cuộc sống của những người đấu tranh đã rất khó khăn còn thêm căng thẳng. Trong các hình thái độc tài khác, người dân còn có chút tự do, riêng tư mà nhà cầm quyền không thể sử dụng để làm áp lực lên gia đình, người thân của người đấu tranh nhưng trong thể chế toàn trị, không có giới hạn nào trong việc an ninh sử dụng tất cả các mối quan hệ để áp lực lên người đấu tranh.

     Thứ ba, người đấu tranh ở Việt Nam hầu như không sử dụng được phương thức liên lạc, đấu tranh bí mật. Phương thức liên lạc, đấu tranh bí mật là một trong những phương thức quan trọng cho bất kỳ lực lượng nào, cuộc đấu tranh nào. Việc liên lạc bí mật và đấu tranh bí mật có một vai trò quan trọng trong đấu tranh dân chủ nhưng ở Việt Nam đã không thể sử dụng. Lý do là tất cả các nguồn, phương thức liên lạc đều nằm trong tay nhà nước. Nhà nước còn có một lực lượng lớn an ninh mạng, với tất cả các thiết bị tối tân nhất để kiểm soát thông tin liên lạc. Một lực lượng lớn “tai mắt nhân dân” cũng được cài cắm vào phong trào dân chủ khiến cho việc liên lạc và đấu tranh bí mật càng thêm khó khăn, bế tắc. Cá nhân người viết không tin rằng việc xây dựng lực lượng bí mật ở Việt Nam có thể thành công. Đôi khi, an ninh vẫn để các tổ chức bí mật hoạt động với sự chủ động của các cá nhân đã được cài cắm trong các tổ chức bí mật đó, đến khi chín muồi, cần thiết sẽ ra tay.

     Có một câu hỏi sẽ được đặt ra, tại sao với cấu trúc toàn trị ghê gớm như vậy, nhà nước Việt Nam lại có một khoảng thời gian để người dân, người đấu tranh từ khoảng năm 2010 tới năm 2015, thậm chí 2018 có không gian hoạt động thoải mái, hình thành nhiều tổ chức xã hội dân sự, xuống đường sôi động như vậy? Câu trả lời rất phức tạp. Trong từng thời điểm, câu trả lời là do các cá nhân lãnh đạo, do việc đáp ứng các thỏa thuận kinh tế, thương mại hoặc do việc lợi dụng người dân để phản đối Trung Quốc… nhưng xuyên suốt và tổng thể, nhà cầm quyền Việt Nam đã không thể hình dung nổi sức mạnh của hệ thống mạng xã hội, Internet kết hợp với không gian tự do mà họ đã chủ động nới ra cho người dân khoảng thời gian đó. Điển hình và tiêu biểu nhất, đó là cơn sóng biểu tình 10/6/2018 kinh hoàng chống Luật Đặc khu và Luật an ninh mạng. Từ thời điểm đó trở đi, an ninh đã chủ động siết chặt cả trên không gian mạng và ngoài đời thực, các tổ chức xã hội dân sự được thành lập và hoạt động trước đó về cơ bản đã bị xóa sổ hoàn toàn.

     Như vậy, phong trào dân chủ sẽ hoàn toàn bế tắc? người đấu tranh sẽ hoàn toàn tuyệt vọng? Câu trả lời là không! Ít nhất đối với cá nhân người viết bài này. Như tôi đã từng nhiều lần nói và viết, điểm hay nhất của chế độ cộng sản Việt Nam, thể chế toàn trị Việt Nam cũng chính là tử huyệt của chế độ. Việc xây dựng và vận hành cấu trúc toàn trị khổng lồ bảo đảm việc kiểm soát tuyệt đối người dân cũng chính là nguyên nhân sụp đổ của chế độ. Với một số nợ khổng lồ gấp 3-4 lần GDP và ngày càng gia tăng, trong khi khả năng trả lãi cho số nợ cũng khó khăn, thể chế toàn trị này sẽ sụp đổ do sức nặng của chính nó. Và đó là tương lai gần, rất gần./.

Hà Nội, ngày 11/11/2023

N.V.B