You are here

Chấn hưng văn hóa từ việc đánh giá phim "Đất Rừng Phương Nam"

Bộ phim "Đất Rừng Phương Nam" chưa chính thức phát hành nhưng đang gây tranh cãi dữ dội, trên các diễn đàn mạng xã hội và báo chí. Báo Tuổi Trẻ ra ngày 17 tháng Mười năm 2023 cho biết [1]: Đoàn làm phim Đất rừng phương Nam đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa một số chi tiết trong bộ phim, bao gồm:

1. Dòng chữ "Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim Đất phương Nam" được đưa lên đầu phim. Điều chỉnh này để làm rõ sự tương đồng về bối cảnh không gian và thời gian (vào những năm 1920 - 1930) của phim điện ảnh Đất rừng phương Nam và phim truyền hình Đất phương Nam. Nhà sản xuất cho rằng bối cảnh này khác với bối cảnh không gian, thời gian của tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi (vào năm 1945).

2. Bổ sung thêm nội dung cho câu giới thiệu "Hành trình vẫn còn phía trước" thành "Hết phần 1 - Hành trình vẫn còn phía trước". Nhà sản xuất cho rằng sự điều chỉnh này nhằm khẳng định rõ hơn, dự định của nhà sản xuất cho phần 2, kể về hành trình của nhân vật An trong tương lai.

3. Điều chỉnh cụm từ "Nghĩa Hòa Đoàn" thành "Nam Hòa Đoàn", "Thiên Địa Hội" thành "Chính Nghĩa Hội" trong tất cả các câu thoại liên quan hai cụm từ này trong phim.

Trong đó, chi tiết thứ Ba đã được các KOLs khai thác nhiều, với cách cố tình "chính trị hóa" bộ phim, vốn là điều rất tệ hại trong xứ thiên đàng, nơi tư tưởng luôn được nhà cầm quyền CSVN định hướng suốt gần nửa thế kỷ, kể từ khi Bên Thắng Cuộc "làm nên lịch sử"  vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Một trong các định hướng quan trọng nhứt - để phục vụ cho tính chính danh và sự trường trị của ĐCSVN - chính là lãnh vực văn hóa - nghệ thuật.

Phim truyện lấy cảm hứng từ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài ... của một tác giả nào đó, chỉ có chính tác giả của tác phẩm đó mới có quyền can thiệp và phải tuân theo cách đánh giá văn minh của giới làm phim chuyên nghiệp.

Hãy nhìn lại vài bộ phim được nhà cầm quyền CSVN sản xuất sau 1975:

1. Bộ phim nổi như cồn vào thời điểm năm 1977 có tựa "Mối Tình Đầu" [2], với bối cảnh Sài Gòn trong những ngày hấp hối. Bộ phim đã đưa chi tiết: Diễm Hương (do diễn viên Như Quỳnh ngoài Bắc, đóng vai cô gái Sài Gòn) bỗng phát hiện ra chồng mình (do Robert Hải thủ vai một cố vấn người Mỹ) đang âm mưu bắt cóc trẻ em Việt Nam đưa ra nước ngoài bán. Sợ lộ tẩy, người chồng đã giết Diễm Hương hòng bịt đầu mối. Đây là tình tiết bịa đặt đến mức sống sượng nhưng bộ phim vẫn được khen ngợi ngợp trời vào lúc bấy giờ.

2. Bộ phim nổi tiếng không kém mang tên "Biệt Động Sài Gòn" [3] được phát hành năm 1986, với vô số tình tiết bịa đặt trắng trợn và tự tố cáo, đội quân gọi là "Biệt Động Sài Gòn" hoàn toàn là đội quân khủng bố với nhiều trận đánh phá - đặt mìn - ám sát, gây thương vong cho cả Sài Gòn và miền Nam nhưng luôn được bóp méo là những "anh hùng" (!)

3. Bộ phim Hòn Đất, vốn từ tiểu thuyết "Hòn Đất" của Anh Đức mà làm nên [4]. Trong cả tiểu thuyết cho đến trên phim, "thằng Sâm" ( một nhân vật lính Việt Nam Cộng Hòa - nhưng luôn được gọi là "THẰNG") được mô tả như con dã thú khát máu, sẵn sàng moi gan người nhắm rượu. "Thằng Sâm" còn chặt đầu chị Sứ như chặt chuối nhưng chị ta chưa chết liền, nhờ mái tóc dài và dày làm "lá chắn" (!).

Không riêng ba bộ phim truyện như thượng dẫn, vô số các bộ phim khác, đều có cách "tưởng tượng kinh khủng" của các nhà văn - biên kịch - đạo diễn thuộc ĐCSVN của thời sau 1975, cố gắng biến nhà nước Việt Nam Cộng Hòa như là một bọn ô hợp - vong bản - bán nước, chỉ làm tay sai cho "giặc Mỹ" như vậy đó! Và buộc phải công nhận, những bộ phim đó đã "làm nên lịch sử" NHỒI SỌ trong óc - trong mắt - trong tai và thậm chí, chỉ cần hửi vô là thấy đầy máu me - chết chóc. ĐCSVN đã thành công, từ một thời sắt máu và tàn ác - phi nhơn, không màng đến nguồn cội gọi là "người trong một nước phải thương nhau cùng"! Tê tái! Tởm lợm! Hèn hạ! Như vậy đó! Của một thời quá vãng...

Các KOLs phớt lờ lịch sử điện ảnh xứ thiên đàng từ 1975 hay họ không tỏ tường? Cũng không hiểu họ có biết những khái niệm căn bản trong nghề làm phim, chẳng hạn như: TIỂU THUYẾT, nó là gì không nhỉ? Khi đã gọi "TIỂU THUYẾT", nghĩa là biên kịch - đạo diễn hoàn toàn có quyền hư cấu 100%. Ngay cả những bộ phim thường được gọi "based on a true story", cũng hư cấu 99,99% câu chuyện. Trong khi đó, các KOLs tự cho phép làm quan tòa, để kết án đoàn làm phim Đất Rừng Phương Nam với cái tội "XUYÊN TẠC LỊCH SỬ" - Một tội danh dễ dàng nhận án tù nhiều năm bằng điều luật 117 "Tuyên truyền chống nhà nước...".

Đeo bám vào các KOLs là hàng hà sa số các "đệ tử" hò reo và lao vô sỉ vả đoàn làm phim! Quả thật! Tôi cảm giác hơi lạnh từ sống lưng chạy dài từ ót cho đến tận xương cụt, với bản mặt tự cảm nhận sự "tái xanh" trước loại "đạo đức Hồ Chí Minh", trong vô vàn những con người mà buộc phải gọi họ bằng hai tiếng "đồng bào"(!)

Khái niệm "ĐẤU TỐ" xuất hiện bất thình lình, khi viết ra những dòng chữ này... May mà đây là năm thứ 23 của thế kỷ 21. May mà Hoa Kỳ và Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức "đối tác chiến lược toàn diện". May mà ngày nay, tôi không còn bị đói của thuở... "bao cấp" - cái thuở mà người dân chầu chực để có từng gói bột ngọt - từng ký mì khô - từng vài cân khoai sùng, sắn sượng... Không thì... chết (!) Ớn thiệt! Cái thứ "văn hóa xã hội chủ nghĩa" vốn từ ngoài Bắc đem vô... xài chung!

Vậy nên, hãy chấn hưng văn hóa xứ thiên đàng, từ cách đánh giá phim sao cho văn minh - am tường chuyên môn, hơn là hành xử đầy tính đố kỵ - hèn mọn - mạ lị - phỉ báng và muốn chấm dứt sự nghiệp của "đồng bào ta", với cái kết những kẻ "XUYÊN TẠC LỊCH SỬ" phải nằm trong khám, rồi ngẫm về những nét mặt hân hoan - hả hê, như vừa trút hận xong, ngay lên chính những con người cùng chung tiếng nói - cùng chung chữ viết...!