Trong cuộc gặp tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội sáng ngày 14/10, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có phát biểu như sau: "Đảng ta là đảng cầm quyền, nhưng Đảng không làm thay Quốc hội. Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng như thế không phải độc đoán chuyên quyền mà theo luật pháp cho phép. Thế gọi là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…
… Theo tôi nghiên cứu và hiểu được thì đây là cơ chế tôi cho là ưu việt nhất trong thời đại bây giờ" (Bài viết: Cơ chế của Việt Nam tôi cho là ưu việt nhất trong thời đại bây giờ, Thanhnienonline ngày 14/10/2023).
Đã có rất nhiều những phát biểu rất lạc quan của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về hiện tại, tương lai của Việt Nam so sánh với thế giới. Nhưng phát biểu này bao hàm cả sự tự hào về hiện tại và tương lai vừa chỉ ra nguyên nhân của sự tự hào đó chính là cơ chế. Vậy chúng ta cùng xem, cơ chế của Việt Nam (Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ) đã tạo ra được những kết quả gì mà ông Tổng Bí thư phát biểu như vậy?
Trước hết, nền kinh tế Việt Nam vi phạm nguyên lý kinh tế thị trường (sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất), quan trọng nhất là vi phạm nguyên lý sỡ hữu tư nhân về đất đai. Ở Việt Nam, đất đai là sở hữu toàn dân, sở hữu công cộng. Với chế độ công hữu về đất đai, nhà nước đã tiến hành thu hồi đất đai để đô thị hóa, mở các khu công nghiệp, phát triển du lịch, mở các sân gold… Trên giấy tờ, đó là những dự án tuyệt vời, vừa phát triển đô thị, vừa phát triển kinh tế (công nghiệp, du lịch…) vừa quan tâm bảo đảm công ăn việc làm, bảo đảm lợi ích của người dân bị thu hồi đất… nhưng hỡi ôi, quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế mấy chục năm qua đã tạo ra hàng triệu dân oan trên khắp cả nước. Một mét vuông thu hồi được trả cho người dân giá trị bằng hai bát phở, mua lại một mét vuông dự án là 30 triệu đồng. Khi tôi gõ vào google cụm từ “một mét vuông đất bằng hai bát phở” đã cho ra 5.300.000 kết quả trong 0,36 giây. Chúng ta có nhưng địa danh nổi tiếng về vấn đề này như Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Dương Nội… Cướp đất là một tội ác khủng khiếp nhất mà cơ chế này đã gây ra!
Quy luật về thị trường quyết định giá cả hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu đã bị vi phạm trầm trọng. Tất cả những hàng hóa thiết yếu của nhân dân đều bị nhà nước quản lý và quyết định giá cả. Điện nước, xăng dầu, vàng và đô la… Việt Nam quản lý việc nhập xuất vàng, chỉ cho một số ít doanh nghiệp xuất nhập vàng, chính vì vậy mà giá vàng ở Việt Nam luôn cao hơn giá vàng thế giới 1-2 triệu động một lượng vàng. Giá đô la cũng theo sự quy định của nhà nước, thông qua ngân hàng nhà nước. Giá xăng dầu ở một đất nước có mỏ dầu mà luôn ở ngưỡng cao nhất thế giới, trong đó có những thứ thuế phí lạ lùng. Đặc biết nhất là giá điện, vừa cao lại vừa đi ngược lại quy luật của kinh tế thị trường (quy luật sản xuất lớn, hàng loạt thì giá luôn giảm). Đó là cách tính điện theo kiểu bậc thang, càng dùng nhiều điện thì càng phải trả thêm nhiều tiền, giá cả bậc thang lũy tiến (đáng ra, càng dùng nhiều thì giá cả càng phải giảm). Chưa có một quốc gia nào trên thế giới tính giá điện như vậy…Nhân dân đang hàng ngày hàng giờ trả giá cho cơ chế ưu việt nhất thế giới mà ông Tổng Bí thư phát biểu.
Cấu trúc nền kinh tế với sự ưu tiên cho kinh tế nhà nước, đại diện là những doanh nghiệp nhà nước, nhưng tập đoàn kinh tế, những “quả đấm thép”. Tất cả những ưu tiên, ưu ái dồn cho doanh nghiệp nhà nước trong khi doanh nghiệp tư nhân, ngoài quốc doanh thì bị o ép đủ đường. Nhưng tất cả các doanh nghiệp nhà nước làm ăn đều thua lỗ, với khoản nợ được thông tin gần đây nhất là 1,9 triệu tỷ đồng, gần bằng nửa tổng tài sản (Doanh nghiệp nhà nước nợ 1,9 triệu tỷ đồng gần bằng nửa tổng tài sản, tuoitreonline ngày 04/10/2023). Điều kỳ lạ là dù lỗ, dù nợ như vậy, nhưng nhà nước hoàn toàn không có một giải pháp nào, cứ kéo dài năm này qua năm khác, thập kỷ này qua thập kỷ khác?!?
Có lẽ môi trường thể chế chính là điểm ưu việt nhất của cơ chế mà Tổng Bí thư đề cập. Môi trường thể chế có hai lĩnh vực quan trọng, sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế và sự minh bạch, rõ ràng, đơn giản , hiệu quả trong quy định, chính sách và pháp luật giúp cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh, làm ăn, đồng thời sự trong sạch, liêm khiết của đội ngũ quản lý. Sân chơi bình đẳng thì chúng ta so sánh doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, tất cả đều đã rõ. Về các quy định, chính sách và pháp luật cho hoạt động kinh doanh chính là điểm nhất quan trọng. Nếu thực hiện tất cả các quy định, chính sách và pháp luật của Việt Nam thì không một cá nhân nào, một doanh nghiệp nào có thể làm ăn, kinh doanh nổi. Một doanh nghiệp khai thác cát trên sông cho biết, để thực hiện được việc khai thác cát, họ đã phải thông qua 7 luật, 35 nghị định và 80 thông tư!!! Điểm nhấn về thể chế này chính là điểm tắc nghẽn lớn nhất cho người dân và doanh nghiệp hiện nay. Vấn đề là không ai, không làm cách nào để tháo gỡ được điểm nghẽn này. Một vấn đề quan trọng nữa của môi trường thể chế, mà nếu nhắc đến ai cũng rùng mình: đó là sự trong sạch, liêm khiết của đội ngũ cán bộ! Vấn đề này người viết không đề cập nữa, mà chỉ nói qua về mức độ. Đó là sự tham nhũng ở Việt Nam, do cơ chế ưu việt tạo ra, đã vượt ra ngoài khuôn khổ của tham nhũng, bước sang giai đoạn lũng đoạn nhà nước, tức là tạo ra chính sách để trục lợi (chứ không dựa vào chính sách để trục lợi - tham nhũng - nữa). Điển hình là việc hai phó thủ tướng và một chủ tịch nước đã mất chức vì tham nhũng.
Còn rất nhiều những hệ lụy của cơ chế ưu việt mà ông Tổng Bí thư nói đến. Toàn bộ những hiện thực do cơ chế ưu việt đảng tạo ra người dân đang ngấm từng ngày, từng giờ. Hầu như tất cả người dân đang tự hỏi, ông Tổng Bí thư còn mê sảng đến bao giờ?!?
Hà Nội, ngày 16/10/2023
N.V.B
Bài bình luận gần đây