You are here

Tại sao nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam "không có gì mới"?

Đài RFA có bài "Quy hoạch cán bộ chiến lược khóa XIV: Bổn cũ soạn lại", phát hành ngày 9 tháng Mười năm 2023. Trong có đoạn: "Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư  Đảng Cộng sản Việt Nam, khi phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho biết “Quy hoạch cán bộ chiến lược khóa XIV sẽ làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ…”, cùng với ý kiến của nhiều người đang sinh sống tại Việt Nam, đều nghĩ rằng, nhân sự cấp cao cho những kỳ Đại Hội Đảng không có gì mới và không có hy vọng gì vào những nhân sự cấp cao, dù được gọi là "lựa chọn kỹ càng", cùng số liệu thực tế: "...trong nhiệm kỳ 2021-2026, đã có 113 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật chỉ trong năm năm nhiệm kỳ đại hội 12. Trong đó có bốn ủy viên, nguyên ủy viên Bộ chính trị; 27 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương đảng; 30 sĩ quan cấp tướng…" [1]
 
Không có nền tảng Triết học
 
Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam phôi thai, hình thành, rồi thành công qua "Cách Mạng Tháng Tám" và trở thành "Bên Thắng Cuộc" vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 cho đến nay, họ luôn khẳng định "trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê Nin". 
 
Khởi từ năm 2005, Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu có [2] "phong trào học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" qua kết luận của Hội nghị Trung ương, mang số 39-KL/TW ngày 30/8/2005. Sau đó, ngày 15/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05). Điều này có nghĩa, cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" vừa mới được những đảng viên cao cấp nhứt phát hiện cách đây 7 năm (!).
 
Tư tưởng là nền tảng quan trọng nhứt cho bất kỳ một chủ nghĩa nào phôi thai và hình thành. Nói cách khác, tư tưởng là nền tảng cho một trường phái Triết học (dù Đông hay Tây). Triết học không phải là nghiên cứu cái gì, mà Triết học giúp con người cách thức nghiên cứu. Điều này có nghĩa, Triết học là môn khoa học trừu tượng, không phải môn khoa học cụ thể. Triết học là nền tảng cho các môn khoa học khác, nó ứng dụng vào mọi lĩnh vực, từ tự nhiên như vũ trụ học, thiên văn học, cho tới con người như chính trị học, luật học, y học... Hai tính chất quan trọng nhứt của Triết học: 
 
1. Phải có tính vận động. 
2. Phải có sự tác động lẫn nhau và tác động đa chiều của hai hay mọi hiện tượng sự vật xung quanh.
 
Khi nhà cầm quyền CSVN đã xác định "trung thành" với Triết học Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, tức là họ đã phạm vào tính vận động. Điều này có nghĩa tư tưởng của toàn bộ các đảng viên cao cấp nhứt đều đứng yên rồi. Ngoài ra, tổ chức ĐCSVN cũng phạm vào tính tác động lẫn nhau - tác động đa chiều, bởi vì có một đảng thì làm gì có sự tác động. Điều này chính là sự lý giải rõ ràng - dễ hiểu, vì sự đơn giản của Triết học với hai tính quan trọng nhứt, như kể trên. 
 
Ngoài ra, dù theo bất cứ trường phái Triết nào, các nhà Hiền Triết thuở xa xưa cũng như các Triết gia sau này, đều phải thừa nhận, Triết học không có tính độc tôn. Trong khi đó, ĐCSVN duy trì mô hình độc đảng, rõ ràng họ đã phạm vào tính không có độc tôn. Triết học cũng không có sự trung thành, nếu phải gọi tên "Trung Thành", Triết học chỉ trung thành với thực tế. Một thực tế dễ nhận biết của Triết học Ứng dụng, đó là nơi nào có sáng tạo và phát minh, nơi đó đang có một nền tảng Triết học lành mạnh.
 
Nền tảng văn hóa - giáo dục phi triết lý
 
Từ hai đặc tính quan trọng nhứt về Triết học nói trên, nhà cầm quyền CSVN với suốt chiều dài lịch sử, từ khi thành lập nhà nước VNDCCH vào ngày 2 tháng Chín năm 1945, đến nay gần 80 năm, vấn đề nhân sự qua các kỳ Đại hội Đảng vẫn không thể tạo ra bất kỳ một yếu tố mới nào, về lựa chọn con người, cho các vị trí cao cấp nhứt cho đến vị trí thấp nhứt trong các phường - xã. Bởi lẽ đơn giản, tất cả họ đều phải chịu sự đánh giá bất di bất dịch mang tên "Trung Thành" với chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Trong khi đó, chủ nghĩa Mác - Lê Nin đã sai từ đầu về tư tưởng, đủ để hình thành nên một trường phái Triết học, do yếu tố dễ thấy: Hoàn toàn đứng yên - Một dạng chết cứng về tư tưởng, mà tất cả các đảng viên Cộng sản trên thế giới nói chung và đảng viên ĐCSVN nói riêng, không hề hay biết.
 
Chính vì lẽ đó, suốt chiều dài hàng chục năm qua, hai lãnh vực văn hóa - giáo dục, vốn chi phối trên mọi lãnh vực khác, ĐCSVN chỉ loay hoay trong "cái khuôn" Mác - Lê Nin định sẵn và sau này thêm vô "tư tưởng Hồ Chí Minh" nhưng giới nghiên cứu không tìm thấy, "tư tưởng" của ông Hồ có những gì mới hoặc lạ và độc đáo, đủ để gọi là "một tưởng" cả (!).
 
Chính từ nền tảng văn hóa - giáo dục phi triết lý như vậy, nên khái niệm "đạo đức người Cộng sản" như đầm lầy hạn hẹp với những chuẩn mực, vốn rất bình thường của thế giới và Việt Nam cả ngàn năm qua.
 
Kết
 
Chính từ tư tưởng phản Triết học và nền tảng văn hóa - giáo dục phi triết lý, cho nên nhân sự cấp siêu cao, đến cấp cao, cấp trung và cấp thấp "không có gì mới", dù có tổ chức thêm vài kỳ đại hội đảng cũng hoàn toàn cũ như cách đây gần 80 năm về trước. Có lẽ người CSVN không hiểu cho lắm, về cặp phạm trù Triết học "Nội dung - Hình thức",  với bộ veston - cà vạt và áo dài sặc sỡ (Hình thức) nhưng không thể thay đổi tư tưởng (Nội dung) của họ. 
_______________