You are here

Tự do là điều kiện của trách nhiệm (Phần 1)

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, học sinh sắp xong lớp 11 phải thi Tú tài I (còn gọi là Tú tài bán phần) để lên lớp 12. Năm 1972, Bộ Giáo dục ghi thêm điều kiện thí sinh phải 17 tuổi, cùng phải nộp học bạ hay chứng chỉ của hai lớp 10 và 11. Nếu 18 tuổi trở lên thì miễn nộp học bạ. Dưới 16 tuổi thì phải nộp đơn xin miễn tuổi. Hồ sơ phải kèm giấy khai sinh, học bạ hoặc chứng chỉ học trình, cùng chứng chỉ hợp lệ quân dịch.

Kỳ thi Tú tài I có phần viết và phần vấn đáp. Phần vấn đáp bị loại bỏ năm 1968. Văn bằng Tú tài I còn được dùng để tuyển nhân sự cho một số học viện như Học viện Cảnh sát Quốc gia, hoặc trường cao đẳng như Trường Cao đẳng Công chánh. Việc thi cử thường tổ chức thành hai đợt để ai rớt đợt 1 có thể dự thi đợt 2. Nam giới rớt Tú tài I phải trình diện nhập ngũ quân đội, đi quân dịch hai năm hoặc vào Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế ở Nha Trang; đậu thì vào Trường Bộ binh Thủ Đức. Tú tài I năm 1972, bắt đầu thi ngày 2 tháng 8 hàng năm.

Kỳ thi Tú tài II thi vào cuối năm lớp 12. Tú tài II, tức Tú tài toàn phần cũng có hai phần: phần viết và phần vấn đáp như Tú tài I. Sinh viên tuyển vào bậc đại học phải hội đủ điều kiện là đậu được bằng Tú tài II. Vào năm 1972, Tú tài II thi khóa 1 ngày 5 tháng 7 và khóa 2 ngày 30 tháng 8 hàng năm (dành cho những ai rớt trong khóa thi đầu hoặc vì lý do gì đó không thể thi khóa đầu). 

Cho đến niên khóa 1972-1973, Nhà nước VNCH ban hành Nghị Định số 939 GD/KHPC/HV/NĐ bãi bỏ Tú tài I và chỉ thi bằng Tú Tài toàn phần, được tổ chức vào 2 đợt: khoảng Tháng Sáu đến Tháng Bảy và lần nữa vào Tháng Tám đến Tháng Chín mỗi năm.

Tú Tài ngày xưa luôn có thang điểm 20, với 5 mức xếp hạng, gồm: Tối ưu - Ưu - Bình - Bình thứ - Thứ. Hạng Thứ là thấp nhứt với điểm số đạt được từ 10 đến 11,75 cho mỗi môn thi. Dưới mức đó là rớt Tú tài. Tổng các môn thi thường gồm 10 môn.

Sơ lược về kỳ thi Tú tài dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa như trên, để tạm phác họa và hình dung về "độ khó" và danh giá của bằng cấp Tú tài.

Trang xamvn.vc đưa hình ảnh về đề thi Tú tài toàn phần của thời Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1965, với 2 phần: Câu hỏi (10 câu) và Bài luận (3 đề tài, được tự chọn 1 trong 3) dành cho riêng môn Triết học, có tổng điểm là 20. Trong đó, có một câu hỏi: "Tại sao tự do là điều kiện của trách nhiệm?". Đề thi dành cho học trò chỉ 18 tuổi, trở thành đề tài gây xôn xao trên mạng xã hội, suốt những ngày cuối tháng Tám năm 2023. Nhiều người thật sự choáng váng và tin rằng, ngay cả những vị Cử nhân và thậm chí các Tiến sĩ ngày nay, khó lòng vượt qua ải Tú tài toàn phần ngày xưa, với vỏn vẹn 3 giờ đồng hồ để trình bày.
 
Tại sao tự do là điều kiện của trách nhiệm?
 
Khái niệm "tự do" và "trách nhiệm" vốn không có gì xa lạ trong suy nghĩ của người dân dưới chế độ độc đảng toàn trị gần nửa thế kỷ qua. Nhưng để trả lời câu hỏi - vốn vỏn vẹn chỉ chiếm 1/20 điểm cho môn Triết - quả không hề dễ dàng.
 
Khi đề cập đến "điều kiện" tức phải công nhận, nếu không có "điều kiện", ắt sẽ không xảy ra kết quả. Ở đây, điều kiện là "tự do" và kết quả là "trách nhiệm".
 
Trong cuộc sống đang diễn ra, cũng như trên tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả các bị cáo đứng trước tòa, người dân ngày nay hoàn toàn chỉ nghe khái niệm "THIẾU TRÁCH NHIỆM". 
 
Dù trước 1975, người viết chưa đủ tuổi để được tham dự kỳ thi Tú tài nhưng tôi vẫn nhớ như in, từ thuở Tiểu học - thời chúng tôi chỉ được Thầy - Cô dạy: "làm tròn trách nhiệm", "chu toàn trách nhiệm", "vô trách nhiệm". Trước 1975, tất cả học sinh không hề biết đến khái niệm quái dị mang tên "thiếu trách nhiệm"
 
"Trách nhiệm" nói về phẩm chất làm người và danh dự con người, tức thuộc phạm trù "Ý Thức". Phẩm chất làm người và danh dự con người không thể cân - đong - đo - đếm. Trong khi đó, "thiếu trách nhiệm" chỉ nghiêng về định lượng, tức thuộc phạm trù "Vật Chất", buộc phải cân - đong - đo - đếm. Do đó, một khi gọi tên "thiếu trách nhiệm", tức phải định lượng cho ra được con số (tuyệt đối và tương đối).  Vì vậy, khi dùng khái niệm "thiếu trách nhiệm" tức là phản bội Triết học và không thông tỏ tiếng Việt. Đó cũng là lý do, câu hỏi "Tại sao tự do là điều kiện của trách nhiệm?" được đưa vào phần thi môn Triết của Tú tài toàn phần trước 1975. Cũng nên nhấn mạnh, Triết học dưới chế độ độc đảng toàn trị không hề tồn tại. Ngay cả các trường đại học trên toàn quốc, đã và đang giảng dạy chính trị học Mác - Lê Nin nhưng ngụy trang dưới tên gọi "Triết học Mác - Lê Nin". Chính trị học không phải là Triết học. Triết học là nền tảng cho tất cả các môn khoa học, trong đó có Chính trị học.
 
Không có "tự do" chắc chắn "trách nhiệm" không xảy ra. Đây là cặp phạm trù Nhân - Quả trong Triết học. Cũng không nên lầm lẫn "trách nhiệm" với kết quả mỹ mãn. Bởi "trách nhiệm" vẫn chỉ là một trong các điều kiện buộc phải có, khi đánh giá một sự vật - hiện tượng và những con người cụ thể trong phần hành của họ, với đời sống hàng ngày.
 
"Trách nhiệm" không phải là tính hoàn hảo. Thay vào đó, "trách nhiệm" đòi hỏi sự ràng buộc từ đầu đến cuối của con người, khi đảm nhận bất kỳ vai trò gì, dù trong xã hội hay trong gia đình; dù đang làm việc trong một công ty hay đang thi hành bổn phận đối với quốc gia.
 
Tham khảo