You are here

Chuyến Bay Giải Cứu - Hậu quả của chủ nghĩa Duy Tình

Báo Người Lao Động ra ngày 29 tháng Giêng năm 2022, sau khi "Chuyến Bay Giải Cứu" được khởi tố vào ngày 27 tháng Giêng năm 2022. Trong bài báo này có đoạn: "... Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, có hoàn cảnh khó khăn về nước là một chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong suốt 2 năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và Bộ Ngoại giao đã phối hợp cùng các hãng hàng không trong nước và nước ngoài thực hiện 800 chuyến bay đưa gần 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước..." [1]
 
Theo wikipedia cho biết (trích): "...Từ giữa cuối tháng 3 năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan, Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế. Kể từ đó, người lao động, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc và người Việt ở nước ngoài muốn về nước phải đi bằng các chuyến bay giải cứu (hay còn được gọi là chuyến bay hồi hương). Khi đại dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng trên thế giới, Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến bay để giải cứu công dân mắc kẹt ở nước ngoài. Chuyến bay đón công dân đầu tiên có liên quan đến việc đưa công dân từ vùng dịch về Việt Nam là chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines sử dụng chuyên cơ Airbus A321 mang số hiệu HVN68. Máy bay khởi hành lúc 21h55 ngày 9 tháng 2 năm 2020, đưa 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc về nước..." [2]
 
Việt Nam chưa có Luật Bảo Hộ Công Dân. Thay vào đó, chỉ có quyết định của Chính phủ [3] mang số 119 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành vào ngày 25 tháng Bảy năm 2007 và quyết định của Bộ Ngoại giao [4] mang số 2985 do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Nguyễn Phú Bình ký thay Bộ trưởng, ban hành vào ngày 29 tháng Mười Một năm 2007. Cả 2 quyết định này, liên quan đến vấn đề "thành lập quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài", nhằm bảo hộ công dân và pháp nhân, trong những vấn đề liên quan đến nước sở tại, khi gặp khó khăn hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại. Vì lẽ đó, "Chuyến Bay Giải Cứu" không thuộc phạm vi điều chỉnh của hai quyết định này.
 
Không có quốc gia nào thực hiện cái gọi là "Chuyến Bay Giải Cứu", ngoài Việt Nam. Điều này cũng cho thấy, nhà cầm quyền CSVN đã bối rối và lúng túng, rồi hành động bằng "quyết tâm chính trị" hơn là tìm cách giải quyết  khoa học và hợp pháp về tình trạng khẩn cấp, trong bối cảnh đại dịch gọi là "covid 19" lan rộng toàn cầu. Bất cứ Chính phủ nào cũng chỉ thể hiện "tinh thần nhân đạo", đối với những sự việc vi phạm pháp luật trầm trọng, chứ tính nhân đạo không thể và không bao giờ thay thế pháp luật để quản trị quốc gia.
 
Tên gọi "Chuyến Bay Giải Cứu" đã tự bộc lộ "tư thế ban ơn" từ nhà cầm quyền và "tư thế nhận ơn" từ công dân Việt Nam. Điều này thể hiện chủ nghĩa Duy Tình, thay vì rất cần chủ nghĩa Duy Lý. Thêm vào đó, lẽ ra phải làm rõ tính trách nhiệm và bổn phận của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam, những tên tham nhũng đã dùng Duy Tình để trục lợi một cách táng tận lương tâm.
 
Người Việt Nam thường được biết như là dân tộc (có vẻ) "trọng tình hơn trọng lý". Không chỉ gói trong mối quan hệ gia tộc - chòm xóm mà nó lan rộng đến từng cơ quan công sở, cho đến cấp cao nhứt tại thượng tầng chính trị. Tư tưởng thấu tình (trước) đạt lý (sau) dễ khiến cho người ta mù quáng, rồi nhanh chóng tin tưởng bọn tham nhũng bằng cái vỏ bọc "nhà nước", cùng hậu quả ê chề đang diễn ra như một vở hài kịch lố lăng, với phát ngôn vô cùng thách thức của Trần Văn Dự: vì "số đen", không may thì trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả và dặn vợ: "Em chuẩn bị 3 tỉ để trả lại cho Nhà nước và coi như anh đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi sẽ về". Người dân ngỡ ngàng với cái bấy lâu nay được gọi là "pháp luật" của nhà cầm quyền CSVN, trong cách nhìn nhận - đánh giá sự việc từ Trần Văn Dự!
 
Một chiều hướng dư luận được ủng hộ: Hơn 200.000 người được gọi là " nạn nhơn" của "Chuyến Bay Giải Cứu" cần nên được trả lại số tiền, đã buộc phải bỏ ra để được "giải cứu". Chiếu theo chủ nghĩa Duy Tình, chắc chắn nảy sinh ý kiến: Người ta đã bị vậy rồi, nỡ nào đòi tiền. Không thấy lúc đó, nếu không có "Chuyến Bay Giải Cứu" của NHÀ NƯỚC, liệu bạn có còn mạng hay không mà giờ này đòi trả tiền?! Lý luận này dễ dàng đánh phủ đầu hơn 200.000 người được gọi là "nạn nhơn", vốn đã mang tâm thế "nhận ơn" từ nhà nước (!).
 
Chủ nghĩa Duy Tình lấn át chủ nghĩa Duy Lý không chỉ làm người ta mắc kẹt tại đó mà di họa lớn hơn nhiều, với vô vàn tình huống xảy ra trong xã hội ngày hôm nay, bằng tệ nạn lừa đảo rộng khắp, kể cả các tên lừa đảo mang nhãn hiệu "công bộc". Có vẻ không nhiều người quan tâm đến các phép ngụy biện căn bản, trong đó có phép nguỵ biện mang tên "lợi dụng lòng trắc ẩn" (appeal to pity).
 
Như các bộ phim khác, bộ phim bi - hài - chính kịch có tựa "Chuyến Bay Giải Cứu" rồi sẽ kết thúc theo cách nào đó, với những "diễn viên đời thực" nhận án tù như chừng "đi nghỉ mát" hoặc thậm chí có một án tử hình để gọi là "răn đe". Điều này không có nghĩa, người Việt Nam có thể hiểu ra và dám đối diện để sống với chủ nghĩa Duy Lý. Tại sao? Vì người đời còn mải miết chạy theo lối sống: vị tha - nhân ái - cao thượng v.v... và cuối con đường của người được gọi là "sống tình cảm lắm", rất có thể là một hố sâu thăm thẳm mang tên Nô Lệ, miễn họ cứ được vuốt ve - xoa dịu nỗi đau, bằng cách "học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" - vẫn còn đang tiếp diễn (!).