You are here

Làm sao để không còn thiếu điện?

Ảnh của nguyenngocgia
Theo số của báo chí trong nước:
 
1. Trên 88.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm 2023 [1]
2 .Trong 5 tháng đầu năm 2023, có hơn nửa triệu lao động bị mất việc, giảm giờ làm [2]
3. Doanh nghiệp môi giới BĐS trên sàn: 3/4 công ty báo lỗ, có nơi giảm cả nghìn nhân sự [3]
4. Thái Tuấn nợ nần chồng chất, trái phiếu quá hạn chưa trả đang là nỗi lo của nhiều trái chủ [4]
5. Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng: Bất động sản là ngành quan trọng của nền kinh tế, 270 ngành phụ trợ đi theo [5]
6. Các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ đã giảm khoảng 200.000 lao động trong thời gian qua và phần lớn nhà máy chỉ có đơn hàng đến tháng 7 năm 2023 [6]
 
Nhiều thông tin khác cho thấy chợ búa - siêu thị - hàng quán cho đến các dịch vụ giải trí (karaoke, quán bar v.v...) đều lâm vào tình trạng ế ẩm. Sức mua sắm và đầu tư của dân chúng đang dần kiệt quệ, cùng rất nhiều căn bịnh nặng - bịnh lạ ngày càng tăng trong sự ngỡ ngàng và bàng hoàng của rất nhiều người, kể từ sau khi nhà cầm quyền CSVN "chống dịch như chống giặc".
 
Trong lúc sản xuất - kinh doanh đình đốn với lượng công nhân thất nghiệp khổng lồ - tức là lượng điện năng tiêu thụ cũng giảm theo đà suy thoái kinh tế - bỗng nhiên EVN tăng giá điện lên tới 3% vào ngày 4 tháng Năm năm 2023 và hăm he tăng tiếp vào tháng Chín năm 2023. Như vậy, lượng điện phát ra mỗi ngày mà nhiều hãng xưởng đóng cửa... "đi đâu mất", không một lời giải thích. Bởi mọi người đều biết: Sản xuất và tiêu dùng điện diễn ra đồng thời, không thể tồn trữ dưới dạng thành phẩm - tồn kho được sản xuất ra, như các mặt hàng khác.
Báo Lao Động ra ngày 9 tháng Tư năm 2023 đưa tin, cả năm 2022, EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng [7]. Báo Giao Thông phát hành ngày 2 tháng Sáu năm 2023 cho biết [8]: EVN thua lỗ triền miên, trong khi đó, có tới 5 công ty con của EVN gởi hơn 30.000 tỷ đồng vô ngân hàng để kiếm lời hơn 1.040 tỷ đồng. Cụ thể:

1. Tổng Công Ty Điện lực Miền Bắc có hơn 10.500 tỷ đồng tiền gởi ngân hàng. Nhận lãi hơn 371 tỷ đồng.

2. Tổng Công Ty Điện lực Miền Trung có khoảng 5.000 tỷ đồng tiền gởi ngân hàng. Nhận lãi hơn 178 tỷ đồng.

3. Tổng Công Ty Điện lực Miền Nam có khoảng 5.500 tỷ đồng tiền gởi ngân hàng. Nhận lãi hơn 170 tỷ đồng

4. Tổng Công Ty Điện lực Hà Nội có gần 5.000 tỷ đồng tiền gởi ngân hàng. Nhận lãi hơn 166 tỷ đồng.

5. Tổng Công Ty Điện lực TP.HCM có gần 4.000 tỷ đồng tiền gời ngân hàng. Nhận lãi hơn 155 tỷ đồng.

Số liệu trên rõ ràng cho thấy rõ thành ngữ "Ngồi mát ăn bát vàng" của EVN. Ngành điện xứ thiên đàng đã đẩy Chính phủ nước CHXHCNVN vào tình thế bạc tình - bội nghĩa, trước nỗi thống khổ của người lao động với thu nhập ngày càng khó khăn, mà hàng trăm ngàn người buộc phải rút BHXH một lần để tính kế sinh nhai.  Ngày 6 tháng Sáu năm 2023, báo Tuổi Trẻ cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1-1-2021 đến ngày 1-6-2023.

Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ 1975 và gần 30 năm, từ cái gọi là "hội nhập thế giới" sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận vào năm 1995, rất đáng buồn cho người dân Việt Nam, bởi điện vẫn là mặt hàng độc quyền do nhà cầm quyền CSVN định đoạt. Độc quyền dẫn đến vô số hậu quả mà chính nhà cầm quyền CSVN đương đại trong thế kỷ 21, đã tỏ tường giai đoạn "quan liêu - bao cấp" đầy dãy "xin cho - bố thí" đối với người dân - vốn đã và đang được hào nhoáng với tên gọi "Người Chủ Đất Nước" - Một sự mỉa mai và cay đắng ngập tràn!
 
Giữa hai lãnh vực "sản xuất - kinh doanh - dịch vụ" và "tiêu dùng sinh hoạt" chắc chắn cán cân tiêu thụ điện nghiêng hẳn về lãnh vực đầu, đặc biệt những ngành công nghiệp nặng tiêu thụ điện rất lớn có liên quan đến bất động sản như: thép - xi măng - hóa chất - khai thác đá, cát v.v... Sinh hoạt trong hàng triệu gia đình, gần như chỉ là buổi chiều tối với khoảng 10 tiếng đồng hồ, vì ban ngày hầu hết phải chạy ra đường kiếm sống. Chính khu vực này xài điện tiết kiệm nhứt, bởi họ phải bỏ tiền túi ra và với thời gian ở nhà ít hơn ở ngoài, so với khu vực công quyền cùng hàng trăm ngàn công sở lớn nhỏ trên toàn quốc, vốn xài "điện chùa".
 
Bên cạnh xăng dầu -  khí đốt, điện là mặt hàng tối quan trọng cho nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, chắc chắn phải tính đến an ninh quốc gia, bởi liên quan đến sản xuất - phân phối điện năng. Theo đó, các cơ quan công sở  và các tập đoàn - tổng công ty mà có phần vốn nhà nước tham gia, nên buộc phải sử dụng điện cung cấp từ EVN. Còn các công ty hoàn toàn vốn tư nhân và khu vực sinh hoạt - tiêu dùng tại hàng triệu đơn vị nhà ở của thường dân, hãy để họ có quyền ký và chấm dứt hợp đồng mua - bán điện với tất cả các công ty kinh doanh điện, khi chất lượng sản phẩm không đáp ứng đúng theo yêu cầu của người mua. Vấn đề còn lại, đã quá muộn, nhà cầm quyền CSVN nên thật sự "tự do hóa" mặt hàng điện, bằng cách để cho tất cả các nhà đầu tư tự do đầu tư vào sản xuất - kinh doanh mặt hàng điện trên toàn cõi Việt Nam. Đó mới gọi là "kinh tế thị trường" - khái niệm mà các quốc gia văn minh có từ hàng trăm năm qua, duy chỉ những quốc gia độc tài vẫn mãi loay hoay kiếm tìm...
_________________