You are here

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “đốt lò” chống tham nhũng hay đốt cả nền kinh tế xã hội?

Ảnh của nguyenvandai

Những con số thống kê về nền kinh tế xã hội của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 thật đáng lo ngại.

Tổng cục Hải quan vừa đưa ra con số thông kê về xuất nhập khẩu của Việt Nam như sau:

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/5/2023 đạt 230,59 tỷ USD, giảm 15,4%, tương ứng giảm 42,1 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.


Trong đó, nửa đầu tháng 5/2023 (từ ngày 1 - 15/5/2023). Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2023 đạt 23,89 tỷ USD, giảm 10,8% (tương ứng giảm 2,89 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 4/2023.

Như vậy, xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn đang tiếp tục trên đà suy giảm, tháng sau giảm sâu hơn tháng trước đó.

Về tăng trưởng kinh tế, quý 1 năm 2023, GDP của Việt Nam chỉ đạt 3,32%. Mục tiêu của cả năm 2023 mà Quốc hội giao cho chính phủ là 6,5%.

Như vậy để đạt được mục tiêu mà Quốc hội giao, các quý còn lại của năm 2023 GDP phải đạt 7,5%.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “không có động lực để nền kinh tế tăng trưởng trong quý 2 và các quý còn lại”.

Như vậy, chỉ tiêu 6,5% tăng trưởng GDP của năm 2023 là bất khả thi.

Trong khi đó, mỗi tháng có khoảng 19.200 doanh nghiệp phá sản hay dừng hoạt động.

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, có 540.000 lao động ở 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, khó khăn khi tiếp cận vốn vay vì thủ tục và lãi xuất cao trên 10%.

Các ngân hàng tiếp tục yếu kém khi Nợ xấu theo xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm, gây ảnh hưởng tới an toàn hệ thống tài chính.

Vốn FDI đăng ký mới giảm gần 18% vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.

Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao, hơn 7,6%. Số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ.

Ở các nước dân chủ đa Đảng, khi nền kinh tế gặp khó khăn, chậm phát triển thì chính phủ các nước đều tăng cường đầu tư công để giúp phục hồi nền kinh tế, tạo công ăn việc làm.

Và chỉ một thời gian ngắn, nền kinh tế của các nước sẽ lấy lại đà phát triển hay ít nhất ngăn chặn được suy thoái kinh tế.

Nhưng tình trạng giải ngân đầu tư công của Việt Nam ngày càng chậm chạp, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và đời sống của người dân.

Theo báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023 của Chính phủ trình UBTVQH đã nêu: Giải ngân vốn đầu tư công được đến ngày 30/4/2023 là 110.633,6 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%)

Như vậy, việc giải ngân đầu tư công phải được đẩy mạnh để tăng hơn năm 2022 thì lại kém 18,48% so với năm 2022.

Nguyên nhân nền kinh tế Việt Nam sa sút: Ngoài những yếu tố tác động của đại dịch COVID-19, chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, thì nguyên nhân do vấn đề yếu kém trong điều hành nền kinh tế, ảnh hưởng từ chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng vai trò quyết định.

Tại Đại hội 12, sau khi tái cử nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã công bố cái gọi là chiến dịch “đốt lò” để chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy đảng và chính quyền.

Sau gần 1 thập kỷ, chiến dịch “đốt lò” của Tổng Trọng đã xử lý kỷ luật và xử lý hình sự hàng trăm ngàn quan chức từ trung ương tới địa phương.

Nhưng vấn nạn tham nhũng không hề suy giảm, các vụ tham nhũng sau bao giờ cũng lớn hơn cả về quy mô lẫn phạm vi.

Bởi về mặt bản chất, “đốt lò” không phải để chống tham nhũng mà chỉ là đấu đá, tranh giành quyền lực nội bộ của giới chóp bu CSVN.

Như vậy chiến dịch “đốt lò” đã không đem lại bộ máy đảng và chính quyền cộng sản trong sạch, mà ngược lại, chiến dịch “đốt lò” đã đem lại một bộ máy chính quyền trì trệ.

Các quan chức từ trung ương tới địa phương chỉ lo giữ ghế và sự an toàn của bản thân. Họ đã không dám thực hiện giải ngân đầu tư công để phát triển kinh tế.

Dẫn đến doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, công nhân giảm giờ làm, thất nghiệp ngày càng tăng.

Ngay cả việc đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế của các Sở y tế, bệnh viện công cũng không thực hiện, dẫn đến tình trạng các bệnh viện không có thuốc, vật tư y tế để khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Một cuộc thăm dò không chính thức các doanh nghiệp tư nhân mới đây cho biết: Hầu hết các chủ doanh nghiệp đều giảm và thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh do thị trường suy giảm, khó tiếp cận vốn vay, đặc biệt các chủ doanh nghiệp lo ngại chiến dịch “đốt lò” của Tổng Trọng. Bởi hầu hết các chủ doanh nghiệp đều có mối quan hệ làm ăn, bảo kê với các quan chức chính quyền.

Và một hậu quả của chiến dịch "đốt lò" là quan chức sợ sai, không dám giải ngân vốn đầu tư công để phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân giảm và thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Còn người công nhân thì thất nghiệp, đời sống của người dân cả nước khó khăn.