You are here

Đội sổ tự do báo chí, chống tham nhũng đi về đâu

Ảnh của nguyenhuuvinh

Việt Nam với những cái nhất

Việt Nam được xếp hạng thứ 178/180 quốc gia về tự do báo chí.

Về con số, đó là “thành tích đỉnh cao” – một hiện tượng mà Việt Nam khi nào cũng cố gắng đạt được và đã trở thành mốt, thành “xu thế thời đại”. Khi mà Trung Quốc luôn gắn với “vĩ đại” thì Việt Nam luôn khao khát bằng mọi cách để đạt chữ “nhất” như Bánh chưng to nhất, cặp bánh dày lớn nhất, con đường gốm sứ dài nhất, dàn đồng ca quan họ đông người tham gia nhất…

Đó là một cái “mốt” mà các địa phương, các cơ quan từ nhỏ đến lớn đều đặt ra như những mục tiêu để phấn đấu, coi như một cơ hội, thành tích để được lưu danh sử sách, để hơn đời. Vì vậy, các cơ quan xác minh kỷ lục luôn bận rộn và bộn bề công việc.

Nhưng có những cái “nhất” khác nhau như vi phạm nhân quyền nhiều nhất, nhiều tù nhân lương tâm nhất, bỏ tù báo chí nhiều nhất, chính phủ hèn nhát, nhu nhược, sợ dân nhất… được cả thế giới mặc nhiên công nhận, thì Việt Nam giãy nãy chối đây đẩy như đỉa phải vôi.

Cứ mỗi lần nói đến tự do báo chí, nhà cầm quyền Việt Nam muôn lần như một mà rằng: Ở Việt Nam, quyền tự do báo chí của người dân được bảo đảm bằng Hiến pháp và các văn bản luật pháp, trên thực tế có gần 1.000 tờ báo các loại… thế là đủ.

Và nếu có ai kêu Việt Nam không có tự do báo chí, thì có nghĩa là họ đã, thiếu thông tin, dựa vào những nguồn tin không xác thực, đã không khách quan, đã có thái độ thù địch với Việt Nam…

Tuyệt nhiên, chưa bao giờ nhà cầm quyền Việt Nam chấp nhận những khái niệm về quyền con người, về tự do báo chí, tự do tư tưởng, tôn giáo… của người dân theo một tiêu chuẩn chung. Họ nghiễm nhiên tự đặt cho Việt Nam một tiêu chuẩn riêng, một con đường riêng, một định nghĩa riêng mà chỉ có họ công nhận, chỉ có họ cho là đúng dù nó đi ngược với cả thế giới đã đành, mà còn ngược với ngay chính cả ngôn ngữ Tiếng Việt.

Ở Việt Nam, khác với cả thế giới, tự do báo chí không có nghĩa là người dân muốn nói gì thì nói, mà phải nói theo đường lối của đảng. Tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do phản biện và nêu ý kiến của mình, mà phải phản biện theo gợi ý và cho phép, dàn dựng của đảng.

Báo chí không chỉ là chỉ có báo nhà nước, cấm tiệt báo chí tư nhân, mà ngay cả báo chí nhà nước, cũng quy định cái nào được đưa tin tức, cái nào không được bén mảng tới nghiệp vụ báo chí, gọi là “chống báo hóa” như vừa qua.

Mạng xã hội, nơi mà người dân Việt Nam sử dụng nhiều nhất nền tảng xuyên quốc gia, cũng bị nhà cầm quyền đưa vào vòng quản lý. Hàng loạt người dùng Facebook đi tù chưa đủ để răn đe những tiếng nói công dân, mới đây, những nạn nhân bị bắt theo điều luật 331, tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” là một ngón mới để dập tắt, trả thù những tiếng nói nhỏ nhoi, yếu ớt của người dân trên mạng xã hội khi nói về thực tế đời sống xã hội Việt Nam.

Và cả ngàn tờ báo, chỉ có một Tổng biên tập là cơ quan Tuyên giáo Trung ương. Ở đó, mọi ý định được triển khai ra sao, báo chí được nói gì, phải im cái gì, nói ra sao, ngược xuôi như thế nào thì tất cả đều theo ý đảng, cấm nói bất cứ điều gì ngược lại, dù đó là sự thật.

Và thực chất, nền báo chí chỉ còn lại một nền báo chí nô lệ chỉ nhằm phụ họa, tung hứng cái gọi là vai trò của đảng, là trí tuệ, là văn minh…

Vấn nạn tham nhũng

Song song với những cái nhất mà nhà cầm quyền Việt Nam không muốn công nhận, nhưng những cái gọi là “thành tích” được báo cáo, được báo chí tung hô bao nhiêu, càng lộ ra đằng sau đó thực tế xã hội như hiện tượng “đốt lò”, chống tham nhũng… cho thấy hiện tượng tham nhũng khủng khiếp và đến mức độ vô phương cứu chữa của hệ thống chính trị hiện nay.

Những số liệu mà đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra, không có số liệu của các nước khác để so sánh, nhưng chắc chắn là tự nó đã đứng thứ “nhất” trên thế giới. Chẳng hạn, chỉ trong vòng có 10 năm, Đảng CSVN - vốn tự xưng “là đạo đức, là văn minh”, là tập hợp của những tinh hoa, ưu tú của giai cấp Công nhân tiên phong – đã kỷ luật 168.000 đảng viên.

Hẳn nhiên, con số đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Bởi thông thường, như mọi người đều biết thì nếu thực tế có 100, đảng chỉ phát hiện được 1, phát hiện 100 thì may ra kỷ luật được 1 và con số 168.000 đảng viên bị kỷ luật là một con số khủng khiếp.

168.000 đảng viên bị kỷ luật trong 10 năm, nghĩa là 16.800 đảng viên trong một năm, nghĩa là mỗi tháng có 1.400, mỗi ngày có khoảng 50 và cũng có nghĩa là trung bình cứ 1 giờ, thì có 2 đảng viên bị kỷ luật.

Và với 1 đảng viên bị kỷ luật, thì sẽ kéo theo hàng tỷ, hàng chục, thậm chí trăm, ngàn tỷ tiền dân.

Con số đó nói lên một thực tế: Đảng còn hơn một đại dịch ngày đêm cần mẫn cướp bóc của người dân Việt Nam bằng mọi cách, mọi lúc, mọi nơi và mọi cấp độ.

Thực tế đó, đảng đưa ra như một thành tích của việc đảng chống tham nhũng, nhưng ngược lại, đó là bản thống kê tội ác của đảng đối với nhân dân, đất nước và dân tộc này.

Vậy thì việc chống tham nhũng mấy chục năm qua đã đưa đến kết quả ngày hôm nay là gì? Thành tựu của nó ra sao và tương lai của nó đi về đâu?

Ai cũng thấy, tham nhũng ở Việt Nam, khi đảng  bắt đầu hô hào chống tham nhũng, là khi mà tham nhũng chỉ là một hiện tượng và vài trường hợp lặt vặt.

Thế rồi sau mấy chục năm hò hét, “trống giong cửa nhà tù mở” thì con số đảng viên, cán bộ bước vào vòng tù tội đã tăng lên chóng mặt mà với cấp số nhân.

Từ một vài hiện tượng nhỏ lẻ, tham nhũng đã đạt đến tầm mức quốc gia và quốc tế. Nó xuất hiện ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội từ thấp đến cao, từ thằng đảng viên quèn nơi thôm xóm kiếm chác mấy đồng uống rượu suông cho đến những ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ chính trị, đến Chủ tịch nước, Phó thủ tướng v.v… tất cả đều bước theo nhau đến điểm đích cuối: Lao tù.

Tham nhũng, từ một số lĩnh vực đặc thù liên quan đến lương thực, thực phẩm, tiền bạc thì ngày nay đã phát triển sang mọi lĩnh vực của nền kinh tế xã hội từ đời sống thường ngày đến quốc phòng, an ninh.

Cũng tương tự, tham nhũng đã đi từ chỗ xuất hiện ở những thời điểm làm ăn thịnh vượng, quản lý không chặt chẽ, thì cho đến nay tham nhũng phát triển mọi điều kiện, hoàn cảnh, kể cả dịch bệnh, thiên tai cũng đều là cơ hội kiếm chác của đảng viên, cán bộ của đảng.

Và cũng qua từng giai đoạn, tiếng loa mõ kêu chống tham nhũng ngày càng to, thì nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng.

Rồi cách chống tham nhũng cũng đi những bước thăng trầm theo thời gian. Ban đầu là hiện tượng bao che, che chắn, bởi hầu hết mọi cuộc tham nhũng đều là đảng viên. Bởi chỉ có đảng viên của đảng mới có cơ hội nắm chức, nắm quyền. Cái “Chỉ thị 15” của Bộ Chính trị quy định rằng chỉ khi cấp ủy quyết định thì mới được điều tra đảng viên đã biến chiếc thẻ đảng thành “chiếc kim bài miễn tử” cho mọi đảng viên tha hồ tung hoành tham nhũng mọi lúc, mọi nơi miễn là đảng vẫn còn che chắn cho chúng.

Cho đến khi tham nhũng đã trở thành phổ biến và cấp bách, cả hệ thống đảng đã trở thành “một bầy sâu” (Trương Tấn Sang) thì buộc đảng phải bỏ cái lệ đặt đảng viên ra ngoài xã hội, không bị chi phối của luật pháp.

Và khi đó, thì nhiều đảng viên cộng sản vẫn giữ nguyên thẻ đảng vào sinh hoạt trong tù vì không khai trừ kịp đảng viên phạm tội.

Người ta thấy rằng: Hệ thống đảng hiện nay, giống như một thây ma đã thối rữa lâu ngày, và đụng vào bất cứ chỗ nào cũng đều có thê bung bét ra một đống nhung nhúc giòi bọ.

Cho đến nay, sau khi bắt hàng trăm, hàng ngàn cán bộ cao cấp, các loại cấp ủy, các tư lệnh, đô đốc, anh hùng, tướng tá các loại vào nhung nhúc trong trại tù mà con số dự bị vẫn hết sức dồi dào và tiềm tàng, thì khi đó, đảng thấy… hoảng.

Bởi thời gian qua, các ủy viên Bộ Chính Trị và Ủy viên Trung ương, các loại tướng tá đã chứng tỏ cho đảng thấy rằng cái chuyện bắt bỏ tù hầu như chẳng có tác dụng gì cho việc ngăn chặn nạn tham nhũng. Những dòng người cầm thẻ đảng nối đuôi nhau vào nhà tù vẫn tươi như hoa, vẫn cứ “đường ra trận mùa này đẹp lắm” thì đã cho đảng thấy sự bất lực và phản tác dụng của việc đốt lò, nhóm củi mấy chục năm qua.

Bởi bản chất của đảng độc tài cầm quyền, là tham nhũng, là đục khoét, là nhũng lạm của công.

Bởi tham nhũng đã trở thành không chỉ là chất bôi trơn, mà là mục đích, là động lực của việc quần chúng vào đảng.

Bởi tham nhũng đã trở thành nguồn sống chính của cán bộ đảng viên. Việc bắt bớ, bỏ tù chỉ là “vận rủi” của một số ít cán bộ “bị lộ”, và nó không ảnh hưởng đến phong trào tham nhũng đang giai đoạn nước rút và đều khắp mọi nơi.

Đến khi này, thì đảng bó tay và thể hiện sự bất lực của mình.

Và mới đây, Nguyễn Phú Trọng đã bất chấp luật pháp và quy luật xã hội, tự đưa ra một quy định rằng: Thôi, thì đã trót ăn cắp, đã tham nhũng thì nay hoặc xin thôi, hoặc trả lại tiền thì được tha.

Và thế là gần đây, hàng loạt các cán bộ các cấp từ trung ương đến địa phương đã đua nhau “xin nghỉ trước thời hạn” vì những lý do cá nhân như chăm mẹ già, sức khỏe kém… là những lý do mà từ khi sinh ra chế độ Cộng sản trên đất nước này đến nay chưa hề xuất hiện trong cán bộ đảng viên đương chức, đương quyền.

Thế là cái chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con” đã không còn cần thiết nữa, mà đảng viên, cán bộ chỉ cần dừng lại, và… xin nghỉ là đủ.

Vai trò của báo chí nô lệ

Trên thế giới, báo  chí có vai trò hết sức to lớn đối với việc phản biện xã hội, phản ánh tiếng nói của mọi tầng lớp dân chúng, là cơ quan giám sát mọi hoạt động của hệ thống công quyền. Kịp thời vạch ra những sai phạm, chỉ ra những phương hướng, những ý kiến của cộng đồng dân chúng, để rồi qua đó, cả hệ thống kịp thời sửa chữa những hư hỏng của toàn hệ thống đang vận hành.

Suốt mấy chục năm đảng chứng tỏ một điều: Chỉ mình đảng chống tham nhũng chỉ là một trò lừa bịp không hơn.

Bởi không thể nhặt đi một vài con dòi trong cái thây ma đã thối rữa thì có thể làm sạch được cái thây ma đó.

Muốn thực sự chống được tham nhũng, không thể có chuyện “phê và tự phê” mà phải huy động tổng lực toàn xã hội trong việc giám sát, phát hiện, ngăn chặn, truy xét vấn nạn tham nhũng. Muốn huy động được điều đó, cần để tiếng nói của người dân được cất lên – nghĩa là phải có tự do báo chí.

Thế nhưng, tại Việt Nam, vai trò của báo chí đã bị tước bỏ, và xã hội được đạo diễn bởi một hệ thống độc tài, báo chí chỉ còn lại một chức năng là ca ngợi đảng và xuyên tạc những tiếng nói vì nhân dân, vì đất nước.

Mặc dù trên báo chí nhà nước, vẫn thỉnh thoảng có những bài viết về vai trò báo chí trong việc chống tham nhũng. Nhưng, vai trò đó, chỉ dành cho những kẻ tham nhũng đứng về “phe củi”. Còn báo chí lại không tiếc lời tung hô những kẻ đang đốt lò. Để rồi mai kia, chính kẻ đốt lò hôm nay, những người to mồm răn dạy kẻ khác về đạo đức, về tư cách hôm nay, lại chính là tội đồ ngày mai.

Và tiền dân cứ chảy, đất nước lại cứ tiếp tục lầm than.

Điều đó, có sự đóng góp rất lớn của dàn báo chí nô lệ hiện nay.

22.05.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh