You are here

"Hòa giải và hòa hợp dân tộc" đã có trong Hiệp định Paris 1973 (phần 2)

Như đã trình bày [1] trong phần 1, khái niệm "Hòa giải - hòa hợp dân tộc" đã có từ 50 năm về trước, khi bốn bên: Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) - Hoa Kỳ - Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) - Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) cùng đặt bút ký kết vào ngày 27 tháng Giêng năm 1973, Hiệp định với tên gọi chính thức "Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam".
 
Như vậy, VNDCCH chỉ là một bên tham chiến và là NƯỚC NGOÀI, tương tợ như Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa, khái niệm "hòa giải - hòa hợp dân tộc" không quy định cho "nhà nước" VNDCCH. Thật vậy, 2 chế độ VNCH và CHMNVN - đều cùng nằm dưới vĩ tuyến 17 kéo dài đến cực Nam và hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa - cần "hòa giải - hòa hợp", bởi cả quá trình từ 1960 đến 1975, các vụ khủng bố bằng cách chọi lựu đạn, đặt chất nổ, ám sát, thủ tiêu, gây rối loạn đến cuộc sống của người dân miền Nam Việt Nam, hầu hết đều do người của CHMNVN gây ra, với các án tử hình - án tù, như: Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Thắng v.v... hoặc tử hình khiếm diện như: Lê Hiếu Đằng, tất cả họ đều sanh trưởng và thành nhơn tại miền Nam Việt Nam.   
 
Dĩ nhiên, hầu hết không một nhà quan sát thời cuộc nào, đủ ngây thơ để tin loại "hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình" như vậy sẽ xảy ra. Bởi hiệp định Paris 1973 là cơ hội để chánh phủ Hoa Kỳ rút ra khỏi cuộc chiến mà người dân sở tại đã cùng nhau phản chiến rầm rộ, cũng như Hoa Kỳ không còn thấy "lợi ích quốc gia" cần phải tiếp tục tồn tại, ở vĩ tuyến 17 trở xuống cực Nam của miền Nam Việt Nam.
 
Ngay cả CHMNVN có lẽ cũng thừa hiểu Hiệp định Paris 1973 là lớp áo hào nhoáng, giúp cho họ cướp được chánh quyền VNCH một cách hợp pháp và công khai. Điều này dễ gây choáng váng cho nhiều người dân trên cả nước, nếu không có bài báo của đài BBC với tựa " Sau 30/4/1975 từng có hai nước Việt Nam cùng xin gia nhập LHQ" phát hành ngày 24 tháng Tư năm 2019. Bài báo viết rõ [3]: "Ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn sụp đổ, thì lá cờ của quân chiến thắng được kéo lên nóc dinh Tổng thống ở Sài Gòn là lá cờ nửa đỏ nửa xanh, chứ không phải là cờ đỏ sao vàng. Sau ngày 30/4/1975, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thay thế Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, cai quản đất nước từ vĩ tuyến 17 vào Nam".
 
Thật vậy, vào trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975, dù chỉ là một thiếu niên, tác giả viết bài còn nhớ rất rõ, những toán quân mặc đồ bộ đội với nón tai bèo và dép râu, kéo nhau đi từng đoàn, ngang qua trước nhà nằm sát bên chùa Ấn Quang (một cơ sở Việt Cộng nằm vùng nổi cộm vào lúc bấy giờ), với những lá cờ nửa đỏ nửa xanh của CHMNVN.
 
Bài báo từ BBC viết tiếp: ... Giữa tháng 7/1975, hai nước Việt Nam "rủ nhau'' nộp đơn vào Liên Hiệp Quốc, nói theo lời của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ. Hai vị đại diện cho hai nước là ông Nguyễn Văn Lưu, đại diện cho Hà Nội, và ông Đinh Bá Thi đại diện cho Sài Gòn. Ngày 11/8/1975 Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đồng ý cho hai nước Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc, trừ Mỹ bỏ phiếu chống...
 
Nhân vật Đinh Bá Thi tên thật là Hồ Đản (1921 - 1978) là người được cử làm Phó đoàn đàm phán của Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris giữa 4 bên (Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam - Việt Nam, Hoa KỳViệt Nam Cộng hòa) nhằm đem lại "hòa bình" tại Việt Nam. Tại diễn đàn này, Đinh Bá Thi đã nêu cao vai trò của chính phủ cách mạng miền Nam Việt Nam  (tức là CHMNVN) [4].
 
Sau khi CHMNVN thất bại với việc xin gia nhập LHQ, tháng Mười Một năm 1975 một hội nghị tên gọi là "Hội nghị hiệp thương thống nhất" được tổ chức tại Sài Gòn. Tới tháng Tư năm 1976, một Quốc hội thống nhất được bầu lên. Cộng hòa miền Nam Việt Nam và lá cờ nửa đỏ nửa xanh bị tiêu diệt êm gọn - như số phận của những con người (có lẽ) ngây thơ - cả tin - khờ dại trong một âm mưu chính trị dữ dội, làm cho người dân VNCH phải mang thân phận vong quốc! Sài Gòn chính thức mất tên gọi và thay bằng TP.HCM vào ngày 2 tháng Bảy năm 1976.
 
Sau khi người dân VNCH vong quốc, đã không có "hòa giải - hòa hợp" đã đành mà sự trả thù tàn bạo và cướp bóc man rợ đã xảy ra rộng khắp. Từ hình thức đổi tiền vốn cướp trắng tài sản của người dân VNCH, cho đến nhiều lần đánh tư sản, kinh tế mới - vốn người dân là những người vô tội trong cuộc chiến. Sự trả thù bạo tàn khiến hàng triệu người dân sống không nổi đến mức buộc phải vượt biên, chấp nhận đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do. Cũng kể từ đó, khái niệm "thuyền nhân" ra đời và tồn tại hơn 20 năm về sau. Ngay cả những quân nhân VNCH - vốn chỉ là những người lính tuân theo quân lịnh - cũng bị trả thù man rợ bằng hình thức gọi là "học tập cải tạo" gây chấn động lương tri thế giới. Về sau, Hoa Kỳ đã buộc phải lập ra chương trình nhân đạo mang tên H.O, bắt đầu từ năm 1980.
 
Nhà nước CHMNVN với các nhân vật chủ chốt vào lúc bấy giờ, như: Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Bình v.v... thất bại hoàn toàn trong mưu toan cầm quyền, sau khi lật đổ chính phủ VNCH.
 
Cho đến ngày 20 tháng Chín năm 1977, nhà nước CHXHCNVN được kết nạp vào Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nhân vật Đinh Bá Thi sau khi mãn nhiệm tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào năm 1978, ông ta trở về Việt Nam chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Trên đường công tác, Đinh Bá Thi chết, được biết do "tai nạn giao thông" từ Phan Thiết vào TP. Hồ Chí Minh đang lúc tuổi đời chưa quá già (57 tuổi).
 
Các nhân vật nổi tiếng của CHMNVN, hầu hết chỉ nắm những chức vụ "hoa lá cành" sau thất bại thảm hại, như: Nguyễn Hữu Thọ ( chức vụ cuối cùng - Chủ tịch UBTƯMTTQVN), Huỳnh Tấn Phát (chức vụ cuối cùng - Chủ tịch UBTƯMTTQVN, ông Phát cũng là tác giả của lá cờ nửa đỏ nửa xanh), Nguyễn Thị Bình (chức vụ cuối cùng - Phó Chủ tịch nước CHXHCNVN) v.v... Một số nhân vật nổi tiếng, như: Dương Quỳnh Hoa (chức vụ cuối cùng là Thứ trưởng Bộ Y tế (1979) và cùng năm xin ra khỏi ĐCSVN) hoặc Trương Như Tảng (vượt biên và sống lưu vong tại Pháp, sau khi hiểu ra thân phận bọt bèo của mình). Ngoài ra, trang csmonitor.com cbo biết [5]: Vào ngày 15 tháng Năm năm 1975, ông Tảng chứng kiến trên lễ đài trong buổi duyệt binh không thấy lá cờ nửa đỏ nửa xanh, mà chỉ có cờ đỏ sao vàng. Lúc bấy giờ, ông Tảng hỏi ông Văn Tiến Dũng thì được trả lời "Quân đội đã được thống nhất" (!). Như vậy, sự đắc thắng của CHMNVN đã được "phúc đáp" một cách không thể tê tái hơn, từ sự phản bội ráo hoảnh và lạnh lùng của "người anh ruột thịt" từ phương Bắc!
 
Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ - đại diện cho chính thể VNCH đã tiêu vong gần nửa thế kỷ nhưng lịch sử không phải là Dấu Chấm Hết, bởi mới đây, Úc Đại Lợi phát hành đồng tiền để kỷ niệm 50 năm làm Đồng Minh với VNCH. Trên đồng tiền đó, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ xuất hiện và nhà cầm quyền CSVN, đại diện bởi bà Phan Thu Hằng - Phó phát ngôn thuộc Bộ Ngoại giao phản đối với lý do "chế độ không còn tồn tại". Có lẽ bà Hằng nên học lại và học cho kỹ về Lịch Sử Việt Nam, trong đó có sự hình thành Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, vốn gây nhiều tranh cãi nhưng thực tế lá cờ đó tồn tại từ 1949, trên toàn cõi Việt Nam từ Bắc chí Nam, chứ không phải chỉ riêng chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
 
Bẽ bàng nhứt - tê tái nhứt và lố lăng nhứt, lại chính là những người thuộc "Bên Thắng Cuộc" với lời kêu gọi đầy sáo rỗng "hòa giải - hòa hợp" khi đối diện với lời phản đối Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Có lẽ, họ quá kém cỏi về lịch sử để đủ hiểu rằng: Khái niệm "hòa giải - hòa hợp" vốn không hề do nhà cầm quyền CSVN đẻ ra.
 
Cũng nên nói rõ với những "người đương thời" và cả những "kẻ lỗi thời": Chưa bao giờ, trong các Nghị quyết của ĐCSVN có cái gọi là "hòa giải - hòa hợp".