You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Hãy Bớt Ác Với Dân Đi Đã

Ảnh của tuongnangtien

Khoảng thời điểm này, vào hai năm trước – chính xác là hôm 30 tháng 4 năm 2021 – báo Sài Gòn Nhỏ có thiên phóng sự (“Đi Tìm Nhân Vật Trong Bức Ảnh Lịch Sử”) của Tuấn Khanh, với phần dẫn nhập như sau:

“Những ai đã từng nhìn qua những hình ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam, chắc cũng có lúc đã bắt gặp hình ảnh một người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đang bị thương tật, bị đuổi ra nơi chữa trị của mình là Tổng Y Viện Việt Nam Cộng Hòa vào chiều ngày 30-4. Tấm hình nhỏ không có nhiều sự thuyết minh nhưng chỉ với ánh mắt của người thanh niên đau đớn, mệt mỏi đang chống nạng bước đi, đã là sự ám ảnh không lời đến tận cùng.

Trong bộ quân phục có vẻ mặc vào vội vã, anh lính VNCH đó bước đi và lọt vào khung hình, trở thành một dữ liệu giằng xé im lặng, như một vết thương không bao giờ lành về một câu chuyện có thật: Những người thương bệnh binh bị chĩa súng, đuổi ra đường, ngay sau khi quân bộ đội Bắc Việt tràn vào Sài Gòn. Nhiều năm trôi qua, người ta vẫn tự hỏi, người lính ấy còn sống không, giờ này người đàn ông ấy ra sao…?” 

Gần hai năm sau, cũng trên Sài Gòn Nhỏ (số phát hành hôm 6 tháng 3 năm 2023) nhà báo Y Nguyên cho biết:

“Cựu quân nhân VNCH Võ Phùng Dương đã qua đời do tuổi già sức yếu, một phần những di chứng chiến tranh đi kèm lao động nặng nhọc suốt một thời gian dài. Ông Võ Phùng Dương là nhân vật trong bức ảnh lịch sử về người thương binh VNCH đang chữa trị ở Tổng Y Viện Sài Gòn, đã phải chống nạng và dìu đồng đội thương tật nặng hơn mình bước ra sau khi quân Bắc Việt tràn vào, đuổi hết mọi người ra ngoài, kể cả những người đang mổ giữa chừng.”

Chĩa súng đuổi thương bệnh binh của phe bại trận ra khỏi quân y viện – kể cả “những người đang mổ giữa chừng” – chỉ là phản ứng cá nhân của vài anh bộ đội (đang say men chiến thắng) hay là đường lối, chủ trương, chính sách của bên thắng cuộc?

Câu trả lời có thể tìm được qua những con số tương đối khả tín, và khả xác này:

  • Jacqueline Desbarats and Karl Jackson (“Vietnam 1975-1982: The Cruel Peace”, in The Washington Quarterly, Fall 1985) estimated that there had been around 65,000 executions. This number is repeated in the Sept. 1985 Dept. of State Bulletin article on Vietnam.
  • Northwest Asian Weekly (5 July 1996): 150,000 -175,000 camp prisoners unaccounted for.
  • Orange County Register (29 April 2001): 1 million sent to camps and 165,000 died.

Năm 1975, một triệu người vào tù – một trăm sáu mươi ngàn không bao giờ trở lại –  và lắm kẻ bị giam mãi đến 1993 (18 năm trường, dù chương trình “cải tạo” được hứa hẹn chỉ kéo dài độ mười ngày) thì biết bao nhiêu gia đình tan nát giữa lúc “Nam/Bắc hoà lời ca” ?

Mà không chỉ đám ngụy quân, ngụy quyền (hay đám ngụy dân) mới bị gạt ra ngoài  bản hòa ca Bắc/Nam đâu. Tuy chiến tranh đã chấm dứt nhưng hòa bình, xem ra, cũng không được an bình gì cho lắm. Đời sống của phần lớn mọi người bỗng trở nên khó khăn, khó thở, và xáo trộn “như một bầy ong vỡ tổ” – theo lời của FB Mai Thị Mùi:

“Đất nước thống nhất nhưng cuộc sống người dân như bầy ong vỡ tổ. Người ta lăn xả ra đường tìm kế sinh nhai, bán, buôn, đổi chác tất cả những gì có thể. Hàng hoá thiếu thốn, ngăn sông cấm chợ, quy định, luật lệ lộn tùng phèo tạo nên một xã hội xô bồ mạnh ai nấy buôn, mạnh ai nấy bán. Không khí đất nước những năm tháng ấy như căn phòng đóng kín cả cửa đi lẫn cửa sổ. Nó ngột ngạt, tù túng như vây hãm con người ta trong ngục tù.”

Thế là dân Việt ào ạt cùng nhau “vượt ngục” và đã tạo nên những làn sóng vượt biên, kéo dài đến mấy thập niên, khiến cho kho tàng ngôn ngữ nhân loại có thêm một từ ngữ mới: boat people – thuyền nhân! Họ thuộc “thành phần bất hảo, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, cặn bã của xã hội, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn… ” – như nguyên văn lời giải thích của giới lãnh đạo VN trước dư luận thế giới, và với lũ cột đèn (còn) kẹt lại.