You are here

Nhà nước, chính phủ đang ở đâu?

Mấy ngày nay, chuyện một diễn viên bị hớ trong lúc ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ rồi livestream trên Facebook than khóc cho rằng mình đã bị công ty, tư vấn viên lừa gạt, cái hợp đồng quá dài… đầy các mặt báo trong nước. Câu chuyện rộ lên về vấn đề hợp đồng bảo hiểm, ai bảo vệ cho khách hàng bảo hiểm… Chuyện này làm liên tưởng đến những chuyện khác có liên quan đến hợp đồng trong mọi lĩnh vực, từ đất đai cho đến bảo hiểm tàu, xe, bảo hiểm nhân thọ, hàng đa cấp… dường như nhà nước, chính phủ vắng bóng khi nhắc tới các lĩnh vực này!

Có thể nói rằng hiếm có xứ sở nào được xem là mảnh đất màu mỡ của các công ty bảo hiểm, công ty đa cấp giống như tại Việt Nam. Bởi vì tại Việt Nam, lực lượng quản lý nhà nước rất là đông, và bằng cấp của họ toàn đại học, cao học, tệ lắm cũng cử nhân, cao hơn chút là thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, rồi giáo sư tiến sĩ, có tất. Thế nhưng lực lượng quản lý chuyên môn này lại không làm được việc gì mới là chuyện lạ!

Không làm được việc gì bởi họ quản lý rất chặt chẽ, họ bám sát mọi công ty, mọi đầu mối, đối tác trong lĩnh vực quản lý của họ, cụ thể ở đây là quản lý bảo hiểm, ở các cơ quan, công sở từ cấp xã đến cấp tỉnh, từ phường đến thành phố đều có bộ phận quản lý các vấn đề về bảo hiểm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các công ty bảo hiểm có mặt trên địa bàn quản lý đều phải nằm dưới sự giám sát và thông qua của cơ quan này.

Thế nhưng các cơ quan này quản lý cái gì, thông qua cái gì thì chỉ có trời mới nắm rõ, mới biết họ đang làm gì. Bởi trong đất nước này, dưới cơ chế quản lý gắt gao của nhà nước Cộng sản, đảng Cộng sản thì cho dù một con kiến có ý định phản động cũng khó bề lọt qua được tấm lưới theo dõi của chế độ. Thế nhưng các công ty tư bản nước ngoài, từ bảo hiểm cho đến đa cấp, họ vào Việt Nam là chấp nhận sự quản lý của nhà chức trách Việt Nam nhưng lại thỏa sức tung tẩy, thỏa sức quậy phá, lừa đảo, lừa gạt, gian lận… như chốn không người, đến khi vỡ lẽ, chỉ có khách hàng của họ, tức người dân Việt là chịu thiệt thòi.

Vậy các cơ quan đã làm gì? Họ quản lý thứ gì? Trong khi đó, cơ quan chuyên môn, quản lý về lĩnh vực bảo hiểm, cũng là quản lý quyền lợi của người dân và góp phần bảo đảm an ninh kinh tế cho Việt Nam, thì họ phải biết họ làm gì, và đương nhiên việc biết này phải dựa trên các văn bản, các qui định, trong đó, giềng mối của vấn đề là hợp đồng - cụ thể ở đây là hợp đồng bảo hiểm.

Thử đặt một câu hỏi có bao giờ cơ quan quản lý bảo hiểm yêu cầu phía công ty bảo hiểm trong địa hạt quản lý của mình trình bản hợp đồng và đưa ra ý kiến, đưa ra quyết định bản hợp đồng này được phép hay không được phép lưu hành?

Bởi sự thể diễn ra hiện nay hết sức vô lý, trong một bản hợp đồng có bốn yếu tố căn bản, đó là chủ thể hợp đồng (Who); Hợp đồng diễn ra ở đâu, căn cứ hệ thuộc pháp luật nào (Where - bởi có yếu tố nước ngoài trong hợp đồng); Thời hạn hợp đồng và thời hiệu hợp đồng (When - tức hợp đồng kéo dài từ năm nào đến năm nào và hợp đồng bắt đầu có hiệu lực từ bao giờ); Mục đích hợp đồng nhằm bảo hiểm cái gì, trách nhiệm và quyền lợi gì (What). Như vậy, việc căn bản và trách nhiệm của một tư vấn viên cũng như phía công ty là tư vấn cho khách hàng bốn yếu tố (bốn chữ W) căn bản này, điều này cũng được trình bày rõ ràng, minh bạch trong bản hợp đồng, vì nó là bốn yếu tố chính để thiết lập nên bản hợp đồng. Mọi chi tiết phụ có thể đánh sao và kèm theo phụ bản giải thích.

Nhưng ở đây, công ty đã cố ý đánh một bản hợp đồng dài ngoằn ngoèo của vài chục trang giấy và các vấn đề chính lại trình bày ở tận phía sau cuối hoặc giữa bản hợp đồng. Như vậy thì đào tạo tư vấn để làm gì? Và đào tạo cái gì? Quan trọng hơn nữa là cơ quan quản lý, lẽ ra phải nhìn thấy điều này ngay từ đầu, phải yêu cầu phía công ty bảo hiểm soạn một bản hợp đồng khúc chiết và rõ ràng, để khách hàng thấy ngay quyền lợi cũng như trách nhiệm ràng buộc khi tham gia hợp đồng. Ở đây, hoặc là cơ quan quản lý quá yếu kém, hoặc là cơ quan quản lý cố tình bỏ lơ vấn đề quyền lợi của người dân, để mặc công ty bảo hiểm bày trò, vẽ bùa vẽ rắn trên bản hợp đồng. Nói đúng ra thì cả cơ quan quản lý và công ty phải có trách nhiệm trước những bản hợp đồng rối mù canh hẹ này!

Và đâu chỉ riêng trong lĩnh vực bảo hiểm hay bán hàng đa cấp mới có loại hợp đồng soạn thảo theo kiểu tung hỏa mù, tư vấn viên thì giỏi dỗ ngọt, giỏi nói khéo, giỏi dùng mối quan hệ cá nhân để bán cho được hợp đồng mà không tư vấn rõ ràng các quyền lợi, trách nhiệm của khách hàng. Hầu như lĩnh vực nào cũng có, đặc biệt, lĩnh vực đất đai, thời gian gần đây, các dự án ma đã ngốn hàng ngàn tỉ đồng của khách hàng rồi trốn mất dạng trong khi người dân chỉ biết khóc kêu trời, cùng lắm thì dắt nhau giăng biểu ngữ trước công ty bất động sản hoặc kéo lên cơ quan quận/huyện để rồi bị công an dẹp đuổi tức thì vì gây rối trật tự công cộng.

Và, khi hữu sự, tức khi các công ty bất động sản lừa gạt tiền của dân thì lập luận chung, lý lẽ chung của cơ quan hữu trách là: “Chúng tôi chỉ bảo hộ cho công ty làm ăn trên địa bàn chứ không có bảo hộ khách hàng, vì cái đó thuộc về công ty”. Cái lý lẽ đáng sợ, còn hơn cả đem con bỏ chợ này thường gặp nhan nhản, như các vụ ngân hàng lừa tiền, làm bay hơi tiền của dân thì nhà nước cũng tuyên bố chỉ bảo hộ cho ngân hàng làm ăn trên địa bàn chứ không có bảo hộ cho khách hàng…

Nói như vậy để thấy rằng cả hai đầu vào và ra của các tập đoàn lừa đảo đều thuận lợi, thậm chí đều được bảo hộ bởi cơ quan chuyên trách, nhà nước, chính phủ. Ở đầu vào, được nhà nước, chính phủ bảo trợ và hơn hết là được miễn trừ kiểm duyệt văn bản hợp đồng với khách hàng/người dân nên họ tha hồ làm mưa làm gió, ở đầu ra, họ lại tiếp tục được miễn trừ trách nhiệm bởi trách nhiệm chăm sóc khách hàng thuộc về công ty, ngân hàng, doanh nghiệp và mọi thứ phải căn cứ trên văn bản hợp đồng, vậy là bút sa gà chết, ai bảo ký làm gì, dân ngu khu đen thì ráng mà chịu!

Suy cho cùng, xét về mặt quản lý chính trị, an ninh văn hóa, an ninh kinh tế cho nhóm lợi ích thì không ai bằng nhà nước, chính phủ. Thế nhưng bàn về vấn để bảo hộ cho người dân, thì nhà nước, chính phủ rất khéo léo trong thoái thác trách nhiệm, thậm chí tránh trớ ngay từ đầu. Vì vậy, mới có cớ sự ngày hôm nay, có kẻ khóc, người cười trong những chuyện tưởng như ở thời bình dân học vụ!

Nói cho cùng thì người dân bao giờ cũng chịu rủi ro đầu tiên và nhận thiệt thòi cho đến lúc vãn cuộc!