You are here

Thêm những vở bi hài kịch cho đảng

Ảnh của nguyenhuuvinh

Một phong trào mới

Tỉnh ủy Bình Thuận vừa mở cái gọi là “đợt sinh hoạt chính trị” với chủ đề "Giữ trọn lời thề đảng viên" từ ngày 1/2 đến 19/5.

Đợt phát động này do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trương và phát động. Theo cơ quan này cho biết, thì: “nhằm để kỳ vọng giúp cán bộ, đảng viên tự rà soát, đánh giá lại quá trình thực hiện lời tuyên thệ trước cờ Đảng”.

Người ta thấy điều gì qua sự kiện này ở Bình Thuận?

Người ta không thấy có gì mới, chẳng có gì hay, có gì trí tuệ hoặc khác trước, mà chỉ là gây nên sự ngạc nhiên, rằng thì là đảng ở đây cũng biết được điều mà dân biết tỏng tòng tong và những lời “thề cá trê chui ống” của người Cộng sản đã đến mức mà ngay cả đảng còn phải muối mặt nhắc lại cho các đảng viên.

Nghe qua cái tên của đợt sinh hoạt "Giữ trọn lời thề đảng viên"  người dân cảm thấy độ hài hước đã đến cực điểm trong xã hội.

Bởi, ai chẳng biết lời thề của đảng là gì.

Lời thề, và lời thề của đảng

Lời thề

Trong ngôn ngữ của người Việt, lời thề, hay lời tuyên thệ, là lời cam đoan sẽ làm đúng như mình đã cam kết trước nhiều người khi gia nhập một đoàn thể hay nhận một chức vụ nào đó. Đó là một lời hứa về những điều sẽ xảy ra, những tình huống sẽ gặp phải và ý chí của mỗi người trong tương lai. Đó là một lời trói buộc chắc chắn về hành vi, cách xử sự của người đó trong thời tương lai và điều này được nhiều người chứng giám, có thể kiểm tra tính trung thực và được thực hiện trên thực tế.

Truyền thống xưa nay ở đất nước ta, lời thề là sự cam kết xuất phát từ nội tâm, được xem là điều thiêng liêng không thể lay chuyển, không thể thay đổi và càng không thể phản bội. Lời thề, hay lời tuyên thệ, là lời nói hoặc hứa một cách chắc chắn bằng cách lấy cái thiêng liêng, quý báu như danh dự, niềm tin, tính mạng, quỷ thần hay những điều mình tin tưởng là có sức mạnh, có khả năng giám sát và trừng phạt… để làm chứng, làm điều đảm bảo cho lời nói ấy.

Như vậy, lời thề hay lời tuyên thệ có ý nghĩa như là một sự đảm bảo với người khác về tính trung thực của những gì đã nói và những lời này sẽ được thực hiện. Nó là một sự bảo đảm vững chắc về nhân cách đạo đức của con người, tỏ rõ sự quyết tâm, sự kiên định với một sự lựa chọn nào đó. Thế nên, lời thề, lời tuyên thệ của con người có ý nghĩa và được coi là hết sức quan trọng.

Với ý nghĩa như vậy, nên mỗi khi nói ra lời thề, lời tuyên thệ, tuyên hứa, người ta hết sức cẩn thận cân nhắc và thường chỉ chắc chắn rằng nó sẽ không hề thay đổi, người ta mới thề.  

Có thể nói rằng, trong lịch sử văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, những lời thề thốt có một giá trị nhân văn hết sức to lớn. Ở đó, khi người ta tuyên thệ người ta thề hứa, thì mãi mãi là những điều không thay đổi trong hành động, suy nghĩ của họ, dù cuộc sống phải trải qua những hoàn cảnh nhiều khi đi ngược với lời thề, lời tuyên thệ của họ.

Chẳng cần nói đến những điều xa xôi nặng nề mang tính xã hội hoặc chính trị, chỉ trong tình cảm đôi lứa nữa nàng Kiều và Kim Trọng, khi hai người chỉ mới gặp nhau và trao đổi lời thề hứa lứa đôi:

Tiên thề cùng thảo một chương
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng, một lời song song.

Chỉ một lời thề hứa vậy thôi giữa hai người, với trời đất, không ai hay biết. Vậy mà Kiều vẫn luôn tâm niệm:

Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

Thế rồi khi mà cả cuộc đời Kim Trọng và Kiều đã trải qua đủ mọi sự éo le, trớ trêu. Nàng Kiều dù đã phải đi qua “Thanh y hai lượt, Thanh Lâu hai lần” trong xã hội phong kiến, thì nàng vẫn ôm trong lòng sự tôn trọng đối với lời thề khi xưa.

Rộng hơn một chút, trong lịch sử dân tộc, Hội thề Lũng Nhai vào năm 1416 do Lê Lợi khởi xướng, những người con đất Việt thề sống chết cùng nhau vì giang sơn, xã tắc.

Tuy nhiên, những ý nghĩa và hành xử, thể hiện và sự gìn giữ chữ Tín của lời thề, lời tuyên thệ như đã nói ở trên, chỉ có ý nghĩa và tác dụng đối những người có nhân cách, có lòng tự trọng, có nghĩa khí và nhất là được giáo dục với những giá trị nhân bản nhất.

Và đặc biệt, đó là lời thề, lời hứa, lời tuyên thệ đó được thực hiện với những tổ chức mang tính chính nghĩa và nhất là với những động cơ, mục đích trong sáng.

Lời thề của đảng

Trở lại lời thề của những đảng viên Cộng sản, người ta thấy gì?

Có thể nói rằng, dù đã được thay đổi, chau chuốt nhiều lần, thì những mẫu lời thề của đảng viên khi kết nạp đảng Cộng sản ngày nay, vẫn là những điều mà nếu đọc lại, người ta thấy rằng: Nếu những đảng viên giơ tay thề thốt kia mà tin vào lời thề của mình, thì chắc chắn rằng họ chẳng bao giờ vào đảng.

Điều này có thể khẳng định.

Bởi, nếu đảng viên mà có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác” thì lấy ai ra để tham nhũng, ăn cướp của công?

Bởi không phải 100% đảng viên đều có thể tham nhũng, nhưng chắc chắn là đã tham nhũng, thì 100% là đảng viên cộng sản.

 Bởi, nếu đảng viên mà “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân” thì làm sao mà ông chủ nhân dân lại trở thành nô lệ cho đám đầy tớ như hiện nay? Và như vậy tiền của, tài sản của dân sao nhanh chóng chui vào tay các cán bộ, đảng viên?

Thế nên, chỉ cần nghe đã đủ thấy đó là những lời thề “bán Trời không văn tự” như ông cha ta thường nói.

Bởi trước hết, cần hiểu bản chất của cái tổ chức này.

Nó được sinh ra bởi một đám đi theo Chủ nghĩa Cộng sản Quốc tế, được lập ra ở nước ngoài, tôn thờ mớ thứ lý thuyết bạo lực và dối trá, tôn thờ vật chất, loại bỏ quyền tư hữu khỏi đời sống xã hội, loại bỏ đời sống tâm linh, thần thánh ra khỏi vũ trụ. Nhưng, thực tế chúng là đám tư bản đỏ, chỉ biết vun vén cá nhân và vinh thân phì gia, nhổ toẹt vào cái lý thuyết của nó.

Thế nhưng, cái miệng chúng vẫn cứ rêu rao về Chủ nghĩa xã hội và Cộng sản. Nó cứ nói một đằng, làm một nẻo, lỳ lợm, leo lẻo, bất chấp đến mức tởm lợm.

Và khi nó đã không chính danh, không chính đạo, thì hẳn nhiên là những kẻ cố tình chui vào đó, thì lại cứ:

“Ma đưa lối, quỷ dẫn đường.
Cứ lần theo bước đoạn trưởng mà đi”.

Bởi lời thề, lời hứa, lời tuyên thệ nó chỉ có giá trị với, và từ những người được sự giáo dục một cách nhân bản, có nếp văn hóa, văn minh của loài người mà thôi. Còn lại, những lời thề hứa mà ngay chính người thề, người tuyên thệ cũng chẳng tin, thì đó là sự lừa đảo không hơn không kém.

Chưa đủ, nếu chỉ nhắc lại lời thề

Thỉnh thoảng, hoặc ở Trung ương, hoặc ở cơ sở nào đó, các cơ quan của Đảng CSVN lại phát động các phong trào nghe hết sức cải lương và hài hước.

Mục đích của những cái gọi là “phong trào” đó, hoặc để tiêu bớt mớ tiền dân mà đảng mặc sức bày trò để  sử dụng tiền dân theo cách “vén tay đốt nhà táng”, hoặc để kiếm chác qua phong trào, hoặc đơn giản là để “có việc mà làm”. Người ta có thể thấy thường xuyên mọi nơi mọi lúc các phong trào như vậy. Nào là “về nguồn”, nào là “học tập làm theo tấm gương Hồ Chí Minh”, nào là “ba không”, “ba dám”, nào là “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”… thôi thì đủ thứ từ ngữ và những màn múa may mà đám tuyên giáo, tuyên truyền có thể nghĩ ra để thi thố.

Nhưng, chung quy lại, nó chẳng có gì mới. Nhìn lại, đó chỉ là những bổn cũ soạn lại những điều ấm ớ, những thứ mà chỉ nghe đã thấy bốc lên mùi ôi thiu, tanh tưởi, những thứ mà chỉ nghe qua, người dân đã có thể đọc vanh vách nội dung, hình thức của nó là gì, được tổ chức bởi ai, và mục đích của nó là gì.

Nhưng Đảng CS thì vẫn cứ bày ra để nhai lại. Bởi không nhai lại, thì hàng đàn, hàng lũ những cán bộ của đảng được sinh ra, nuôi bằng tiền dân, cũng ban, bệ, phòng, tổ, nhóm… tương đương, nhưng quyền lực và tiêu tiền nhiều hơn cả bộ máy công quyền thì biết làm gì cho hết ngày, hết tháng mà lĩnh lương, lấy đâu cơ hội mà kiếm chác thêm.

Nhìn qua hình thức và nội dung của những cái gọi là “Phong trào” mà người phát động suốt những năm qua, người ta thấy được nhiều điều, nhưng điều cơ bản nhất, đó là sự thiếu vắng trí tuệ, thiếu sự trung thực, thiếu thực tế và nhất là thiếu sự thật trong các hoạt động của các phong trào này.

Người ta thấy, nàng Kiều, bị xã hội xô đẩy trở thành một con đĩ, bị coi là dơ bẩn, là mạt hạng trong xã hội phong kiến, nhưng vẫn tôn trọng lời thề hứa của mình.

Ngược lại, một đảng viên, là Ủy viên Bộ Chính trị, một chủ tịch nước đã giơ tay thề thốt “vì nhân dân, chăm lo quyền lợi của nhân dân, chống chủ nghĩa cá nhân”… leo lẻo chưa dứt, thì ngay sau đó, đã công khai làm ngược những lời vừa thề hứa, tuyên thệ kia đến 180 độ để tôn sùng cá nhân mình, mặc cho người đời chửi rủa.

Và cũng một chủ tịch nước, Ủy viên Bộ Chính trị mới mấy tháng trước cò giơ tay, đặt lên Hiến pháp mà thề hứa, mà tuyên thệ, để mấy tháng sau buộc phải phủi tay mà ra về vì những điều mà ai cũng biết.

Và không chỉ có một hoặc vài, mà hầu hết những cá nhân cộng sản đã to mồm hô hào chống chủ nghĩa cá nhân, thì ngày nay đã là biểu tượng của Chủ nghĩa Cá nhân điển hình. Nếu ai chưa rõ, mời đi qua những đền đài, lăng tẩm của quan chức Cộng sản từ Hồ Chí Minh, đến Võ Nguyên Giáp cho đến Đỗ Mười, Phan Văn Khải, Trần Đại Quang cho đến Phùng Quang Thanh, để hiểu được các quan chức cộng sản đã “chống chủ nghĩa cá nhân” đến mức độ nào.

Thế nên, chỉ riêng việc các đảng viên phải hò hét nhau đọc lại lời thề khi đứng dưới cờ, vào đảng, đã nói lên bản chất của không chỉ lời thề, mà là tổ chức đảng đó là gì mà chẳng cần giải thích.

Bởi, những lời thề đó, đúng nguyên mẫu của câu thành ngữ đã bao đời nay cha ông ta đúc kết: “Thề cá trê chui ống”.

Đến cả điều lệ đảng mà Nguyễn Phú Trọng còn ngang nhiên xé toạc, để ngồi xổm lên đó, thì lời thề cộng sản làm gì có ý nghĩa ngoài một sự hài hước đế lỳ lợm mà thôi.

Thái độ đó, cha ông ta đã tổng kết ở trong chỉ một lời thôi, đó là “Đồ mặt dày”.

Đó là một vở bi hài kịch của đảng không hơn không kém.

31/03/2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh