You are here

Thấy gì qua việc sĩ quan cảnh sát nhận nhà ở xã hội.

Ảnh của nguyenhuuvinh

Tuần qua, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về một sự kiện: Một Trung tá sĩ quan cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy và Cứu hộ Cứu nạn (PCCC-CHCN) ở Tp HCM đã được nhận nhà ở xã hội do các mạnh thường quân và Công an. Đó là căn hộ ALB-01-20, diện tích 41,5m2, tọa lạc tại khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc (số 233 đường Lê Tấn Bê, phường An Lạc, quận Bình Tân).

Buổi giao, nhận nhà ở xã hội này được mô tả khá lâm ly, bi đát…

Thành tích công tác

Báo chí nhà nước khai thác sự kiện này ở nhiều mặt, nào là tâm tư, suy nghĩ và xúc động của viên sĩ quan cảnh sát khi được nhận nhà ở xã hội, nào là những cống hiện và thành tích của viên sĩ quan đã 22 năm công tác trong ngành công an, cứu được bao nhiêu người ra sao, anh dũng thế nào, thậm chí anh ta đã là thành viên của đoàn cứu hộ Quốc tế mà Việt Nam vừa đưa đi tham gia cứu nạn tại trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng như thường lệ, khi báo chí viết về chiến công của công an, báo chí Việt Nam cũng không ngần ngại tô, vẽ nên những chiến công chỉ có trong… tưởng tượng, những chiến công mà thường chỉ xảy ra trong sự tưởng tượng mơ hồ của các phóng viên mà thôi. Mà sự tưởng tượng, nhiều khi lại quá phong phú. Chẳng hạn, tờ báo Pháp luật viết: “Trung tá Thành là người đã kiên trì đào bới và phát hiện dấu vết sự sống của nạn nhân và kết hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ quốc tế đưa nạn nhân còn sống ra khỏi toà nhà đã sụp đổ hoàn toàn và tìm được 14 thi thể nạn nhân, đưa ra ngoài”. Nghĩa là viên Trung tá này đã kết hợp với cứu hộ quốc tế, đưa được nạn nhân còn sống ra khỏi tòa nhà đã sụp đổ hoàn toàn, đó là 14 thi thể (sic). Có điều là tờ báo không nêu rõ trong số 14 thi thể đó, có mấy thi thể… còn sống?

Thậm chí, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an Sài Gòn nhận xét: “Đồng chí Nguyễn Chí Thành phải nói đây là một đồng chí rất là đặc biệt và đã cứu sống được hàng trăm người từ cõi chết trở về”. Nghĩa là với thành tích cùng lực lượng cứu hộ quốc tế đưa được 14 thi thể nạn nhân động đất, thì cũng có nghĩa là anh ta “đã cứu sống được hàng trăm người từ cõi chết trở về”.

Quả là bó tay với những thành tích đáng nể kể trên.

Nghèo có tiếng và nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội, được định nghĩa là: “Nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật nhà ở. Tức nhà nước sẽ hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội, người mua nhà sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn so với những căn hộ thuộc diện thương mại”.

Theo quy định của luật pháp thì những đối tượng được nhận nhà ở xã hội, nghĩa là nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước, có nghĩa là có tiền dân trong đó. Thông thường, những đối tượng này thường được báo chí đưa lên là những gia đình theo quy định rằng: “Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp”… là chính.

Nhà ở xã hội thường được để cấp cho những người già, neo đơn, không nơi nương tựa, không có thu nhập, không được sự quan tâm nhiều của xã hội và không có khả năng để tự lập cuộc sống của mình, để lo cho mình nơi ăn, chốn ở như những người khác. Thường những đối tượng đó là những người lang thang, cơ nhỡ và thậm chí là những người thiểu năng trí tuệ hoặc bị khuyết tật nào đó ảnh hưởng nặng nề đến sự tự sinh tồn của họ.

Thế nên, cái chuyện một sĩ quan cảnh sát có chức vụ, quyền hạn và quá trình công tác lâu năm với nhiều thành tích như vậy mà lại nghèo khó đến mức đi nhận nhà ở xã hội thì quả là sự lạ.

Thậm chí, khi được tặng nhà ở xã hội, viên sĩ quan bật khóc và báo chí khai thác triệt để chi tiết này như sau: Tờ Thanh niên viết: “Niềm mơ ước cả cuộc đời. Cảm xúc vỡ òa sau 22 năm chờ đợi, phát biểu trong lễ trao tặng nhà được Công an TP.HCM tổ chức, trung tá Nguyễn Chí Thành bật khóc chia sẻ: "Đây là niềm mơ ước lớn nhất của vợ chồng em".  

Báo chí thi nhau đăng những tiêu đề giật gân: “Trung tá Cảnh sát PCCC được trao nhà ở xã hội”, “Trung tá cảnh sát bật khóc khi được tặng nhà ở xã hội“Chiến sĩ cảnh sát tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ bật khóc khi được trao tặng nhà ở xã hội”; “Cảnh sát cứu hộ cứu nạn 'nghèo có tiếng' bật khóc vì được tặng nhà”

Ngoài những chi tiết về cái sự thành công, thành tích của viên sĩ quan cảnh sát này, thì qua báo chí, người ta chú ý một điều sau: Viên sĩ quan Cảnh sát có chức vụ, quyền hạn và nhiều thành tích, công tác lâu năm, vậy mà hơn vài chục năm nay lại vẫn cứ chờ đợi, hy vọng một ngôi nhà xã hội, nghĩa là ngôi nhà mà có trong đó ngân sách nhà nước, có tiền tài trợ của các mạnh thường quân, nghĩa là anh ta thuộc diện hộ nghèo và rất nghèo không đủ khả năng để lo cho mình, cho con cái nơi ở và để cuộc sống vất vả, gian nan.

Sở dĩ câu chuyện được báo chí đưa tin rầm rộ như là một hiện tượng lạ, bởi nhân vật chính ở đây là một sĩ quan cảnh sát với hàm Trung tá, chức vụ Đội phó của Công an Sài Gòn lại phải đi nhận nhà ở xã hội.

Nghĩa là công an cũng có những người nghèo?

Bởi trong xã hội Việt Nam hiện nay, một trong những nghề “Hot” nhất lại chính là nghề công an. Và ai cũng biết rằng để chạy được vào ngành công an là con số hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng hối lộ, chạy chọt còn chưa xong. Không cần đi vào chi tiết, chỉ qua những thông tin báo chí về những vụ lừa đảo chạy vào ngành công an với những số tiền khổng lồ, đã cho biết thực trạng của hiện tượng này trong xã hội. Mà những vụ lừa đảo này không ít.

Mới đây nhất, ngày 15/3, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa bắt giữ hai đối tượng là Dương Trung Dũng và Trần Thị Hồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lừa đảo xin việc vào ngành công an, an ninh hàng không, chuyển công tác… để chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 27/10/2022, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đặng Ngọc Hải (40 tuổi, cựu đội trưởng an ninh thuộc Công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội) 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hải đã "khoe" có khả năng xin cho người khác vào học, làm việc trong ngành công an hoặc chuyển công tác, lừa chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng của các bị hại.

Chỉ vậy thôi đủ để biết ngành công an có gì hấp dẫn và vì sao người ta đổ vào đó tiền tỉ hối lộ để chạy vào đó mà vẫn chưa được.

Và người ta thấy trong xã hội Việt Nam từ thành phố đến nông thôn, đã là nhà công an thì bề thế, giàu có và đủ mọi thứ xa xỉ như là chuyện bình thường.

Vậy việc một Trung tá, đội phó Cảnh sát lại phải nhận nhà ở xã hội sau 22 năm chờ đợi và mơ ước, nói lên điều gì ở đây?

Ai cũng biết điều này, lực lượng Công an, là lực lượng được đảng ưu ái số một, được coi là “thanh kiếm, lá chắn” của đảng. Do vậy nhận được mọi ưu đãi đủ mọi mặt. Mức lương cơ bản của Trung tá Cảnh sát hiện nay là 9.834.000 VNĐ. Ngoài lương, anh ta có các loại phụ cấp chức vụ, phụ cấp ngoài giờ, làm thêm, độc hại… đủ thứ trên đời. Chưa kể đến những thứ là đặc trưng của cái ngành “thanh kiếm, lá chắn của đảng” này được hưởng đủ mọi thứ phụ cấp, ưu tiên… như quần áo, quân trang quân dụng được cấp từ đôi tất đôi giày đi dưới chân cho đến những đồng tiền đóng cho con đi học, tiền công ích của gia đình đóng góp tại địa phương… đủ cả.

Ấy vậy mà Trung tá Nguyễn Chí Thành vẫn là người thuộc hạng nghèo đói đến mức không thể lo nổi cho mình lại nhờ và chờ đợi nhà ở xã hội?

Những câu hỏi và câu trả lời

Vậy thì những người khác cũng trong lực lượng công an, với cấp bậc thấp hơn và không chức vụ quyền hạn để được nhận thêm phụ cấp và các khoản khác thì họ sống ra sao nếu sống chân chính?

Vậy thì những cán bộ công chức các ngành khác như Giáo dục, Y tế… với mức lương chỉ bằng một nửa lương Công an nếu cùng thời gian công tác và thậm chí đào tạo còn lâu hơn, gian nan hơn thì họ sẽ sống như thế nào?

Vậy thì những người dân thấp cổ bé họng, mà các công an, CSGT đang ngày đêm giăng bẫy, để nhận tiền mãi lộ của họ, với cuộc sống một nắng hai sương, nhặt từng đồng cắc bằng lao động bán mình trên ruộng đồng đồi núi, trên bãi rác hoặc đi bán vé số, ăn xin.. thì họ sẽ sống ra sao? Ai lo nhà ở xã hội cho họ?

Và nhất là ở trong xã hội hiện nay, những sĩ quan thậm chí chưa lên đến cấp hàm Trung Tá, chưa có chức vụ, vẫn cứ giàu có và tiền của không ai sánh kịp, thì tiền bạc đó từ đâu ra? Khắp nơi từ Bắc đến Nam, báo chí đã mô tả về những biệt thự, về những cơ ngơi, tài sản của các sĩ quan công an, các quan chức cộng sản khủng khiếp mà người ta khó có thể tưởng tượng. (Hẳn nhiên là báo chí chỉ dám đăng về tài sản của các quan chức đã ngã ngựa mà thôi. Còn các quan chức đang tại vị hoặc “chưa bị lộ” thì vẫn cứ… thanh liêm và gương mẫu).

Và con đường nào để các quan chức cộng sản có những tài sản, cơ ngơi đó, thì đó là “bí mật nhà nước” cho đến khi bị lộ. Để trả lời những câu hỏi nêu trên, lướt qua mấy tờ báo Việt Nam người ta sẽ thấy được từ đâu mà những người khác trong ngành công an không chỉ sống tốt, sống khỏe, nhà cửa cao rộng đàng hoàng mà còn giàu có.

Nếu ai đã đọc báo chí Việt Nam sẽ thấy những cơ ngơi đồ sộ lấn đường địa phương của Đỗ Hữu Ca ở Hải Phòng như thế nào. Để rồi hết thấy khó hiểu khi báo chí rầm rộ đưa tin: Chỉ một vụ, với lời hứa chạy án, Ca đã nhận 35 tỷ bỏ túi mà không hề làm gì.

Người ta cũng sẽ thấy khó hiểu khi một Nguyễn Đức Chung, một đứa nhà quê ra thành phố, rồi học hành và làm sĩ quan Giám đốc Công an Hà Nội, gương mẫu, liêm khiết chuyên rao giảng đạo đức Hồ Chí Minh đến vậy làm sao có tiền của để nôi con đi học ở Mỹ, rồi còn hàng loạt nhà cửa, tài sản để rồi bị kê biên một lúc 3 tài sản, đất đai. Và câu hỏi chỉ được trả lời khi anh ta bị bắt và liên tiếp ra trước vành móng ngựa đến bây giờ chưa xong.

Sẽ không ngạc nhiên khi đọc những câu trả lời trên mặt báo như sau: “Cựu đại úy và cựu trung tá công an lập 47 công ty để buôn lậu”. “Cựu cán bộ công an bị bắt vì cùng vợ lừa đảo hơn 23 tỉ đồng”, “Cựu công an cầm đầu đường dây làm “sổ đỏ” giả đánh tráo sổ thật để lừa đảo”; “Cựu công an lừa tiền tỷ 'chạy án' của đồng nghiệp”; “Cựu công an lừa 7 người hơn 3 tỉ đồng, lãnh 13 năm tù”; “Cựu công an lãnh án tù vì lừa 'chạy' cho người khác vào Học viện Cảnh sát 1 tỷ đồng”; “Cựu thượng úy công an 'gài bẫy' ném ma túy vào ôtô người khác để lấy tiền”…

Nên lưu ý rằng ở đây tất cả đều là “Cựu Công an”… bởi khi đã bị lộ, thì lãnh đạo sẽ kịp thời đuổi ra dân để đội ngũ công an của đảng luôn luôn sạch khi chưa bị lộ.

Và câu chuyện trên đưa ra một lời giải đáp, đó là ngay cả khi ở trong ngành Công an, Cảnh sát, nếu sống chân chính, không ăn cắp, không tham nhũng, nhận hối lộ thì họ vẫn đói như thường.

Và ngược lại: Những kẻ ở trong ngành công an mà giàu có, nhà cao cửa rộng của cải dư thừa thì hẳn nhiên cũng từ ăn cắp, tham nhũng, nhận hối lộ mà ra. Với ngành công an, cái ngành mà được cấp kinh phí vô biên, tiền của như nước, không ai dám kiểm tra, không ai soi mói mà còn vậy, thì nói chung, cả xã hội quy luật đó càng rõ ràng hơn.

Và việc tìm bọn tham nhũng, cướp bóc của dân, chẳng cần tìm ở đâu cho khó khăn, cứ nhìn thu nhập và tài sản của họ thì rất rõ.  

25/03/2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh