You are here

Hãng phim truyện Việt Nam - Cây Da Sà đã bị chặt bỏ

Báo Tuổi Trẻ ra ngày 16 tháng Ba năm 2023 với tựa đề bàng hoàng và đau xót [1] "Cảnh hoang tàn, đổ nát không thể tưởng tượng nổi của hãng phim truyện Việt Nam", để góp lời kêu cứu cho "cái nôi điện ảnh cách mạng" được ra đời từ năm 1953 thế kỷ trước.
 
Bài báo đưa nhiều hình ảnh về ngôi biệt thư kiểu Pháp nhuốm đầy dấu vết hoang tàn - tan thương, cùng ảnh chân dung đầy nét hoài niệm của những gì vàng son một thuở, đã vuột khỏi tầm tay bà Trà Giang với danh phận Nghệ Sĩ Nhân Dân (NSND) đời đầu tiên, khi danh hiệu này được trao cho giới nghệ sĩ.
 
Quá khứ của loại điện ảnh phục vụ cho chánh sách tẩy não và nhồi sọ
 
Những ngày đầu sau 1975, người dân phía Nam, kể từ vĩ tuyến 17 trở xuống và người Sài Gòn ngỡ ngàng với sự sụp đổ của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, cùng nhiều nỗi bi thương không thể nào tả xiết. Đặc biệt cuộc sống nghèo đói và tăm tối (đúng nghĩa đen với những tháng ngày cúp điện triền miên) nhanh chóng xóa tan hết mọi thú vui giải trí, vốn trước đây rất đỗi bình dị với người dân. Ăn còn không đủ; mặc còn rách rưới; bịnh hoạn còn phải xếp hàng chầu chực, dám nào nói đến ra rạp mua vé... coi phim! Và chiếc tivi trắng đen trở thành niềm vui nho nhỏ nhưng thỉnh thoảng lắm, mới được mở lên, để giải khuây chốc lát...
 
Chương trình truyền hình khô đanh và lạnh lùng như sắc mặt người Cộng Sản Việt Nam vào lúc bấy giờ. Sau phần tin tức là phần giải trí. Ngoài những chương trình ca nhạc chán phèo, vốn ca ngợi đảng - bác - anh bộ đội - công cuộc "giải phóng miền Nam Việt Nam", thường xuyên là phim truyện "Việt Nam", để kết thúc một buổi tối ảm đạm. Trong đó, ba bộ phim làm tôi nhớ nhứt: Chị Tư Hậu (sản xuất 1962), Nổi Gió (sản xuất năm 1966) và Vĩ Tuyến 17 Ngày và Đêm (sản xuất 1973). Dĩ nhiên, cả ba bộ phim gây ấn tượng với tôi, đều do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất - Ngay cả tên viết tắt bằng tiếng Anh - VFS - cũng của sau này, nhằm để hợp với "thời thế", bởi trước đó nhà cầm quyền CSVN gọi nó là "Xưởng phim Hà Nội", rồi sau đó đổi thành "Xí nghiệp phim truyện Việt Nam".
 
Sau ba bộ phim kể trên, VFS có thêm ba bộ phim ra đời sau 1975, cũng gây "tiếng vang": Mối Tình Đầu (sản xuất năm 1977), Tội Lỗi Cuối Cùng (sản xuất năm 1980), Biệt Động Sài Gòn (sản xuất năm 1986).
 
Dù sản xuất trước hay sau 1975, cả sáu bộ phim đều là sự vu khống trắng trợn chế độ Việt Nam Cộng Hòa và bóp méo đời sống người dân Sài Gòn nói riêng cũng như người dân dưới vĩ tuyến 17 nói chung. Cả sáu bộ phim đều có chung thông điệp: chế độ Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy quyền", "tay sai cho đế quốc Mỹ", còn người dân sống dưới chế độ đó, đều tiếp nhận một nền văn hóa bại hoại với nền giáo dục hư hỏng - cần phải bị lên án và cần phải được dạy dỗ sống cho ra... con người cách mạng (!).
 
Hiện tại hoang tàn
 
Với quá khứ khái quát hóa như trên, VFS đã sản xuất được hơn 400 bộ phim, cho đến ngày nó chính thức được cổ phần hóa vào năm 2017 - Đây cũng là năm bắt đầu sự sụp đổ của "cái nôi điện ảnh man trá", với lời thống thiết của ông Vương Đức - Tổng giám đốc VFS: "Không cổ phần chỉ có nước ôm nhau ra Hồ Tây chết chìm. Cổ phần vẫn hơn là "tự sát". Cổ phần hóa xong, không có nghĩa chúng tôi sẽ phải lái tàu".
 
Rất nhiều người "xưa cũ" trong giới điện ảnh đang khóc than và vật vã cho cái chết được báo trước như vậy. Báo chí đang cố gắng kêu gào, bằng cách nào đó hãy "cứu lấy" hãng phim truyện lâu đời nhứt của nhà cầm quyền CSVN.
 
Đời sống hiện đại theo xu hướng phương Tây, khi mà giới trẻ thi nhau quỳ gối tỏ tình lẫn cầu hôn bằng những bó bông đồ sộ, chất ngất trên đó là đô la Mỹ hoặc giấy bạc 500.000 đồng Việt Nam, làm sao thuyết phục họ hiểu cho ra những thông điệp từ: Chung Một Dòng Sông - Giữa Hai Làn Nước - Xa Và Gần v.v... dù những cái tựa rất lãng mạn, thật êm ái nhưng nội dung phim quá lạc hậu - lỗi thời và đầy chất giả tạo - sống sượng!
 
Đời sống hiện đại của lớp trẻ ngày nay mà ông Nguyễn Phú Trọng tỏ ra lo sợ [2] "nhạt đảng - khô đoàn - xa rời chính trị" đậm chất "tiền mãn kinh chính trị" với thời xuân sắc trôi qua tuồn tuột của "Người Con Gái Đất Đỏ" ( bộ phim về nhân vật Võ Thị Sáu) cùng súng ống - lựu đạn để chôn vùi thanh xuân, chưa một lần biết mùi vị của tình yêu mặn - đắng - ngọt - bùi; thử hỏi làm sao các cô gái ngày nay "nuốt cho trôi" những bộ phim như thế (?!).  
 
Với những bộ phim cũ rích và sống sượng bịa đặt như vậy, làm sao thuyết phục lớp thanh thiếu niên ngày nay móc tiền ra mua vé như: Nhà Bà Nữ (đạo diễn Trấn Thành), Chị Chị Em Em - phần 2 (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng)?
 
Làm sao hình dung ra nổi, một bộ phim ra rạp mà từ nhà sản xuất, đạo diễn cho đến diễn viên không cần quan tâm đến doanh thu - lãi lỗ, miễn có đủ phim trong một năm theo chỉ tiêu nhà nước đặt ra? 
 
Ngày nay, giới làm phim chuyên nghiệp còn phát hành trên youtube để khán giả coi miễn phí, như: [3] Xóm Chùa (diễn viên Việt Hương), [4] Thập Tam Muội (diễn viên Thu Trang - Tiến Luật) với sự tài trợ hoặc bỏ tiền túi tự làm để "ăn từ tiền quảng cáo".
 
Thật khôi hài đến mức cười phá lên, khi phải nhìn thấy những "nghệ sĩ nhân dân", "nghệ sĩ ưu tú" đang khóc lóc - kêu gào cho một cái chết, lại không tài nào cứu nổi!
 
Hãng phim truyện Việt Nam phải chết là lẽ đương nhiên và phù hợp với quy luật xã hội, dù người dân đầy bao dung mà bỏ qua cho sự man trá - ru ngủ đầy chất bịa đặt trâng tráo từ những bộ phim, vốn duy chỉ cho mục tiêu nhồi sọ và tẩy não.
 
Thay vì tiếc thương trong vô vọng, đã đến lúc những "cây đa - cây đề" trong giới điện ảnh Cộng Sản Việt Nam nên bình thản nói lời vĩnh biệt với VFS, tựa như chặt bỏ một cây Da Sà - nơi vốn là hang ổ tụ tập của bầy quỷ dữ, để phá hoại quê hương và ám hại dân lành!
_________________